Home > Khai Thị Niệm Phật > Quo-Trach-Viec-Hieu-Lam
Quở Trách Việc Hiểu Lầm
Đại Sư Diệu Khẩu | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch


Niệm Phật Tam Muội gọi là vua của các Tam muọi vì cảnh giới rất sâu xa, người trí kém khó hiểu được cứu kính. Từ xưa đến nay, các Đại sư truyền trao đều có chỗ chẳng đồng. Tông Thiên Thai diễn tả rất đầy đủ, Tông Hiền Thủ mỗi vị đều dẫn giải chỗ sở trường cho đến Thiền Tông của chúng ta càng hiển bày rành rõ. Chỉ vì kẻ hậu học căn cơ nhỏ hẹp, chưa được nẽo về, đã chẳng vào được cổng làm sao có thể vào thất, tìm cửa chưa được nên chỗ thấy nhiều đường, bèn đem Đại sư Lục Tổ của Thiền tông chỗ nói Tịnh độ ở trong Kinh Pháp Bảo Đàn, với ý thức mù mờ, tùy theo ngôn ngữ mà sanh dị giải, nói rằng không có Tịnh độ, chẳng cần cầu sanh; mà không biết rằng Đại sư của chúng ta, lời nói tùy theo kẻ đương cơ, thật nghĩa luôn luôn phù hợp với ý chỉ của kinh. Dù có theo lời ngài nói đi nữa ngài cũng đã dạy: "Tịnh độ không cầu sanh", lời đó rõ ràng không phủ nhận Tịnh độ. Tịnh độ đã có thì việc cầu sanh lý ấy đã rõ ràng. Vì sao những kẻ sơ cơ chấp ngón tay cho là mặt nguyệt. Nếu y theo lời nói của Đại sư: "Người mê niệm Phật cầu sanh về nước kia, người ngộ tự tịnh tâm mình. Lại nói: người phương Đông chỉ tâm tịnh tức vô tội, tuy người ở phương Tây tâm không tịnh cũng có lỗi. Người phương Đông tạo tội niệm Phật cầu sanh Tây phương, người Tây phương tạo tội cầu sanh nước nào? Kẻ phàm phu chẳng hiểu, chẳng biết tịnh độ trong thân, nguyện đông nguyên tây, người ngộ ở chỗ nào cũng vậy. Lại nói: “Nói Tịnh độ gần hay xa chỉ tùy theo thiện căn của chúng sanh không đồng mà cõi Phật có gần có xa khác nhau." Ngài nói không cần cầu sanh, cốt yếu dạy chúng sanh vĩnh viễn dứt 10 điều ác, tám điều tà, tu đủ mười Thiện, bát Chánh. Lại chỉ chỗ chí diệu của tâm địa không lìa thân này, chỉ mê ngộ có khác. Nếu ngộ thì thường làm từ bi, hỷ xả, hay làm cho thân thiện chánh trực, bình đẳng, nếu được như vậy tức là Quan Âm, Thế Chí, Thích Ca, Di Đà. Nếu mê thì phân biệt nhân, ngã, tâm tà, hư vọng, trần lao khác nhau tức là cảnh núi Tu Di, biển nước, trời, rồng, quỷ, địa ngục.Nay hiểu rõ ý chỉ của Đại sư là chỉ tịnh thân mình thì theo đó ở chỗ nào cũng tịnh, thật cùng trên hội Duy Na chân Phật bấm xuống đất, biến cõi uế thành cõi tịnh. Tất cả đại chúng trong hội đều tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu, nghĩa ấy thật không hai. Vì thế kinh nói tùy theo tâm mình tịnh thì cõi Phật tịnh. Điều thuyết minh ấy đủ cho thấy lời bày giải của Đại sư, đâu chẳng hợp với tâm Phật, phù hợp hoàn toàn ý chỉ kinh điển. Chỉ vì các bậc Thánh nhân thuyết pháp có chỗ ngắn (giải) biểu hiện (biểu) chẳng đồng, người chưa đến địa vị ấy thì đừng dẫn những lời ngăn dạy mà tự dối mình. Huống chi trong Đại tạng giáo điển khi nói lời ngăn dạy thì tất cả đều chẳng phải (phi) cần gì cầu sanh. Hoặc khi nói biểu hiện thì tất cả đều phải (thị) cần phải cầu sanh. Hai điều thuyết pháp này đồng từ miệng Phật nói ra, nghĩa nó không hề sai khác. Đâu có thể thiên chấp lời nói ngăn dạy, liền bỏ lời nói biểu hiện ý nghĩa cầu sanh tịnh độ. Nếu quả thực Đại sư nói thẳng về độ, không cần bỏ uế lấy tịnh mà chỉ cần tịnh tâm mình thôi, thì ngài phải nói với mọi người chỉ có tâm tịnh mà thôi, không cần bảo người đoạn các nghiệp ác, tu các nghiệp lành làm gì? Nếu đã bảo mọi người dứt ác làm lành thì đối với độ phải bỏ uế (ác) lấy tịnh (thiện) nghĩa ấy thật rõ ràng. Cho nên khi Phật nói lời ngăn dạy chính là muốn hiển chỗ hiện bày cầu sanh Tịnh độ. Khi nói hiện bày chính là muốn từ chỗ ngăn dạy mà biết vô sanh.

Nên biết Đại Sư Tào Khê dạy người nhơn cảnh tâm mình trước tịnh thì báo cảnh tự tịnh chẳng phải cầu sanh là lời ngăn dạy. Còn Tổ Huệ Viễn ở Lô Sơn dạy người vào báo cảnh Tịnh của Phật thì nhơn của tâm tự tịnh, dạy cần phải cầu sanh là lời biểu hiện. Phật và Tổ thuyết pháp nhân quả không hai, chẳng trước chẳng sau, hai nghĩa chưa từng lìa nhau; tuy dạy người chỗ vào không đồng mà thể của pháp vốn một. Vì sao, người đời nay nghe lời ngăn dạy (giá thuyên) liền cho là phải, nghe nói lời biểu hiện (biểu thuyên) liền cho là quấy, tự sanh ra chứng ngại lui sụt, thật đáng thương. Không biết rằng đại Sư nói lời giá thuyên này, bảo không cần cầu sanh Tịnh độ chính là muốn hiển bày biểu thuyên dạy cầu sanh Tịnh độ vậy. Lại nữa như đức Thích Tôn một đời tuyên dương giáo lý, nói ra nhiều thời, nhiều bộ đều là một vị giải thoát. Nhưng trong khi thuyết pháp về hiển, phần nhiều khen ngợi về hiển giáo. Trong khi nói ý nghĩa của mật, đặc biệt ca ngợi mật giáo. Các tôn phái căn cứ vào tôn chỉ của mình mà nói riêng phần mình, nhưng Phật đâu có nói riêng chỗ mầu nhiệm, chỉ muốn hợp với căn cơ, làm cho chúng sanh nhận ra thọ trì được nhất chí không do dự. Thời nay nhằm thời tượng Pháp sau cùng, người phò tôn, học giáo đâu phải không chỗ hiển bày. Lục Tổ muốn hoằng dương nhất hạnh tam muội lý phải vượt hẳn các thừa, Tổ Huệ Viễn ở Lô Sơn muốn đơn dương niệm Phật Tam muội, làm cho học giả vượt ngang ba cõi chính là muốn nhiếp hết các cơ. Kẻ hậu học đâu nên vọng sanh thành hai thứ chấp, phải xét kỹ chỗ đó.

Ngài lại nói: "Người phương đông hoặc người phương tây nếu tâm tịnh thì không tội, tâm không tịnh thì có lỗi". Điều đó cho thấy người phương đông cảnh ác thô bạo, Phật đã diệt độ, khó làm cho tâm tịnh được, như những người ở thế tục, nhà lửa đốt cháy muôn lần, dù cố gắng tu cũng bị mất, cũng như hòn đá nhỏ bỏ vào nước liền chìm, nên phải cầu sanh về Tây phương, Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện tại, cảnh thù thắng, việc làm dễ dàng, như con đi lạc đã về Phật thân dạy bảo, như người xuất gia ở chùa, duyên lành đầy đủ, không bị thối chuyển. Nên sanh về cõi kia tâm tịnh không có lỗi, như viên đá lớn kia nhờ có thuyền vào nước không chìm. Lại nữa, Đông phương Tây phương lý vốn một thể, quốc độ của đức Phật kia, chẳng phải chỉ có cảnh trí thù thắng, mà quan trọng nhất là đức Phật đang hiện thuyết pháp có thể xoá trừ hết nẽo lầm, tội lỗi, tâm chắc được thanh tịnh, bậc Thánh có thể tiến lên, nên cần phải xa lìa cõi Ta bà, cầu sanh về Cực lạc. Nếu bậc căn khí thù thắng như đức Lục Tổ Tào Khê còn có thể vào trong bể khổ sinh tử, tìm tiếng kêu cứu khổ, giáo hoá chúng sanh, cần gì phải cầu sanh! Nếu người nào đạo lực chưa đủ, cố bắt chước bậc Tiên giác, tự mình không cầu vãng sanh và dạy người không cầu vãng sanh, chắc chắn như người cứu kẻ chết chìm, mà mình không biết bơi và không có thuyền bè thì cả hai đều chết đuối, thật chẳng đáng thương ư! Lại nữa, Đại sư của chúng ta là Tổ Đắc Pháp thứ sáu hoằng truyền Thiền Tông, lời nói đều hiển bày Thiền của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Như nói: "Tâm đã bình đẳng thì nhọc công trì giới làm gì, Hạnh đã ngay thẳng cần gì tu thiền". Nếu y theo lời nói đó rồi nói không cần trì giới, hoặc tu Thiền là sai. Họ đâu biết rằng, Tâm nếu bình đẳng đúng nghĩa thì ta đối với vật không có gì không bình đẳng. Nếu ta và vật bình đẳng thì đâu có thể giết nó để nuôi dưỡng mình, trộm của họ để lợi cho mình, chia tướng nam nữ để làm việc dâm dục, nói lời không chơn thật, uống rượu để làm cho mình say đắm mê muội. Tâm bình đã không có tướng phạm các giới này thì tất cả giới đều từ trong ấy. Đâu có thể hoàn toàn không cần trì giới mà đi cướp của, giết người, làm các tội ác mà nói là tâm bình được sao? Nên biết rằng, câu nói: "Tâm bình nhọc gì trì giới" chính là biểu bày hết đại giới.

Thiền là tiếng Phạn dịch từ Tịnh lự (sạch lo nghĩ) hay gọi chánh định hoặc gọi Nhất Hạnh Tam Muội. Đâu có người nói hạnh trực mà tâm họ lo nghĩ không yên, dù ở chỗ định cũng không ngay thẳng, việc làm không thống nhất. Nên biết câu nào cần tu thiền, chính là chỉ chỗ cao siêu của Thiền định. Nên biết Đại sư làm hạnh vượt hẳn trời người, ở trong thời tượng pháp, sợ kẻ hậu học chấp pháp làm ô nhiễm giới thể nên ở trong giới luật nói: "Không nhọc trì giới"; ở trong cảnh thiền nói: "Nhờ dụng tu thiền". Theo ý chỉ đó nên chỗ phải cầu sanh Tịnh độ mà nói không cầu sanh. Người học đời sau lại trở nên chấp trước mê lầm, nói thật chẳng cần cầu sanh là một điều rất ngu dốt, vì chỗ nói của đai Sư là khuyên ngược lại để người học nhận ra chỗ thật tế. Chỗ dạy của chư Tổ có khi nói thuận, có khi nói nghịch, đều là cách chỉ cho người ta cách tiến tu mà thôi. Nói thuận hay nghịch đều theo căn cơ đương thời, thật không có pháp thiệt. Như nói "gặp Phật giết Phật" chỉ là giết vọng tưởng hiện Phật, đâu phải giết Phật thiệt. Nếu lời nói giết Phật là thiệt thì Bồ Tát Văn Thù cầm kiếm cũng là giết Phật thật ư? Nếu người theo lời nói của cổ nhân mà không biết tâm của cổ nhân, nói không cần cầu sanh Tịnh độ cho là thật. Đó chính là những người đem thượng vị đề hồ quý báu ở trong đời cho là thuốc độc. Cho nên Đại sư nói lý viên diệu của Ba đề kia ở trong chỗ có sanh mà nói vô sanh, ở trong chỗ vô tu chứng kia mà nói có tu chứng, hai bên không đặng, trung đạo chẳng còn, làm cho pháp môn giáo thừa viên đốn tự nhiên hiện rõ. Như treo mặt nhật mặt nguyệt trên đường tối, ở đâu cũng chiếu sáng, nên nói Thiền tôn đối với chỉ thú của Niệm Phật Tam muội có chỗ còn chưa cùng tận. Vì thế Đạo Xước ở Hà Tây, Thiện Đạo ở Trường An, Tín Nguyên Thiền sư, Trí Giác, Từ Giác đều là những người nối nghiệp Thiền Tông, hoằng dương Tịnh Độ. Ngài Đạo Trân, Hoài Ngọc thực hành Tịnh độ và dạy người. Thiền Sư Viên Chiếu và các Thiền sư bạn bè tu Tịnh độ đều có chứng nghiệm lợi ích. Huống chi, trong Bách Trượng Thanh Quy có ghi, cầu an cho tăng bệnh phải tụng kinh Tịnh độ và niệm Phật, đưa vong Tăng Trà Tỳ, phải xưng Phật danh hiệu, chú nguyện vãng sanh. Các việc ấy còn chép trong Thanh Quy thiền đâu phải nói dối.