Home > Khai Thị Phật Học
Sự Hiểu Lầm Vô Ngã Của Phật Giáo
Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan


I. Vào đề

Vấn đề Vô ngã của Phật giáo có sự hiểu lầm rất lớn. Một số người tin tưởng thuyết Àtman (linh hồn) của Bà La Môn giáo và thuyết Pudgala (tự ngã) của Độc Tử Bộ (Vatsiputriya) mà cho rằng con người phải có một Tự Ngã (Linh Hồn) thật thể tồn tại bất biến, nghĩa là Tự Ngã đây phải là hình tướng con người và Tự Ngã đó sau khi xả bỏ thân mạng luân hồi đến đâu như lên các cõi Trời để hưởng phước báo cũng vẫn là hình tướng con người, nếu đọa xuống Địa Ngục chịu quả khổ cũng vẫn là hình tướng con người. Tự Ngã theo họ không có hình tướng nào khác thay thế ngoài hình tướng con người. Sự hiểu lầm này được thấy như sau:

Theo quan niệm của Bà La Môn trong mỗi con người có một Àtman (linh hồn) thuộc về Tự Ngã thật thể tồn tại bất diệt, Tự Ngã làm chủ trung tâm, có năng lực chi phối tất cả và sau khi lìa thể xác thì trở về quy thuộc Brahman (Đại Ngã) của vũ trụ. Quan niệm đây được thấy trong các tư tưởng triết học Ấn Độ ghi lại, điển hình như trong quyển “Lược sử Phật giáo Ấn Độ” của Hoà thượng Thích Thanh Kiểm, trang 22 có ghi: 

“Àtman thuộc về phương diện tâm lý thì linh hồn bất diệt, nghĩa là Àtman khi lìa thể xác thì linh hồn được quy thuộc về Brahman”. 

Điều đáng quan tâm hơn, ý nghĩa và giá trị về Àtman đã được triết học gia Upanishad giải thích rõ ràng trong quyển “Lịch sử văn minh Ấn Độ” của tác giả Wille Durant qua sự Việt dịch của Nguyễn Hiến Lê, trang 77 trình bày: “Người ta nhận bản thể cái “Ngã” của ta không phải là thể chất, không phải là tinh thần, cũng không phải là cái ngã cá nhân, nhưng là cái gì sâu thăm thẳm, vô hình vô thanh ở trong nội tâm ta, cái đó là Àtman”.
Sự khác biệt giữa Àtman và Brahman cũng được triết học gia Upanishad phân loại khác nhau và đã giải thích trong quyển “Văn minh Ấn Độ” cùng một tác giả nói trên, trang 79 cho rằng: Àtman là bản thể của con người và Brahman là bản thể của thế giới. 

Ngoài ra nên chú ý thêm, danh xưng Brahman khác với danh xưng Brahma, danh xưng Brahman (Đại Ngã) là chỉ cho linh hồn của vũ trụ; còn danh xưng Brahma là chỉ cho Phạm Thiên, một trong ba vị Thần tối cao của Ấn Độ (Brahma, Vichnou, Shiva).

Chẳng những thế theo quan niệm của Độc Tử Bộ cho rằng: Nếu không có Pudgala (Tự Ngã) thật thể tồn tại thì ai chủ trì tư duy, tình cảm, nhận lấy nhân quả luân hồi thiện ác..v..v....... Sự nghi vấn này được thấy trong quyển “Vô Ngã và Luân Hồi” của tác giả Hoàn Tuấn Oai, Thượng toạ Thích Hạnh Bình Việt dịch, trang 43 ghi rằng: “Vì giả như phủ định tự ngã làm “Chủ Thể” cho sinh mạng, thế thì giải thích như thế nào các vấn đề của nhân loại như: Trí nhớ, liên tưởng, tình cảm, tập quán, nhân cách và sự luân hồi?”

Cụ thể hơn nữa sự hiểu lầm này được thể hiện rõ nét qua quyển sách “Vô Ngã và Luân Hồi” của tác giả Hoàng Tuấn Oai qua dịch giả Thích Hạnh Bình mà hai vị dường như cố ý đưa nghi vấn mình lên trong một đoạn văn cô động và đã được in ở phía sau bìa quyển sách . Đoạn văn nghi vấn đó như sau:

“Nếu từ Anàtman (Pàli: anattà) dịch là “Vô Ngã”, không có tự ngã, phải chăng điều đó đồng nghĩa người tạo nhân và kẻ thọ quả không phải là một? Thế thì Phật giáo giải thích như thế nào về thuyết nhân quả luân hồi?”

Sự hiểu lầm nói trên nếu như không giải toả thì trở ngại rất lớn cho thuyết nhân quả, luân hồi đối với tư tưởng Vô Ngã Luận của Phật Giáo chủ trương và còn khiến niềm tin đối với một chủ thuyết, một tín ngưỡng của một tôn giáo dễ bị lung lạc, nghĩa là tin tưởng thuyết Tự Ngã tồn tại bất diệt thì thuyết nhân quả và luân hồi của Phật Giáo không còn giá trị. Tại sao thế? 

II. Vấn đề Vô ngã

Vấn đề Vô Ngã là một trong những tư tưởng căn bản của Phật giáo chủ trương, tất cả kinh điển Phật giáo từ Nguyên thủy, Tiểu thừa cho đến Đại thừa đều giải thích sâu rộng tư tưởng Vô Ngã một cách cụ thể tinh tường thấu triệt và tư tưởng này phần lớn người học Phật, nhất là người tu sĩ là giới lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo, ai cũng đều thông suốt qua; tất cả hữu tình khác cũng đều giống như thế. 

Vấn đề tư tưởng Vô Ngã được thấy trong Tam Pháp Ấn mà chính đức Phật giảng giải đầu tiên đã được ghi rõ trong Kinh A Hàm là “Chư Pháp Vô Ngã” (Tam Pháp Ấn gồm có: Chư Hành Vô Thường, Chư Pháp Vô Ngã, Hữu Lậu Giai Khổ). Vô Ngã Ấn trong Tam Pháp Ấn được chia làm hai phần: Nhân Vô Ngã và Pháp Vô Ngã. Nhân Vô Ngã, nhân là con người, theo như đức Phật giảng dạy con người đều do Ngũ Uẩn giả hợp tạo thành; nếu như tách rời Ngũ Uẩn riêng rẻ từng phần một thì không tìm thấy được Tự Ngã của con người. Về sau Phật giáo phát triển lại chủ trương thuyết Nhân Không Pháp Hữu nghĩa là nhân vô ngã mà pháp thì lại hữu ngã.

Theo Hữu Bộ: “Sở dĩ Ngã Chấp tồn tại là do nương vào các pháp của Sắc và Tâm, muốn phá ngã chấp phải tu pháp quán tưởng, phân tích các pháp của sắc tâm, giác ngộ được tất cả pháp đều do nhân duyên hoà hợp, sát na sinh diệt, biến hoá vô thường, đều là vô ngã. Còn Pháp Hữu, nghĩa là Thể Tánh của các pháp không có sinh diệt, vẫn tồn tại trong ba đời, cũng như làn sóng thì có sinh diệt biến hoá, nhưng thể tính của nước thì hằng hữu, không thay đổi.” 

Thuyết này được thấy trong Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ gọi là “Ngã Không Pháp Hữu” (“Lược sử Phật giáo Ấn Độ” của Hoà thượng Thích Thanh Kiểm, trang 110). 

Tiến xa hơn nữa Phật giáo Đại thừa chủ trương “Ngã Pháp Câu Không Luận”, nghĩa là luận về Ngã Không và Pháp Không. Theo Đại thừa Bát Nhã, Ngã đã là không vì chúng do ngũ uẩn hợp thành và pháp cũng là không vì chúng do nhân duyên kết hợp. Ở đây tư tưởng Vô Ngã không cần phải khai thác chi tiết sâu rộng thêm dư thừa mà nó không phải chủ đích chính của vấn đề bàn đến với đề tài là “Sự hiểu lầm Vô Ngã của Phật giáo”. 

III. Nhận thức thuyết Tự ngã

Trước khi lý giải thuyết Tự Ngã, chúng ta hãy cần duyệt qua thuyết nhân quả và luân hồi của Phật giáo chủ trương để so sánh giá trị tương phản của thuyết Tự Ngã tồn tại bất diệt mà một số người đã hiểu lầm thuyết Vô Ngã của Phật giáo.

a) Thuyết Nhân Quả Luân Hồi:

Nhân Quả và Luân Hồi là hai học thuyết căn bản của Phật giáo thuyết minh nhằm phủ nhận thuyết Thiên Mệnh của ngoại đạo, bao nhiêu tư tưởng của Phật giáo từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Đại thừa tất cả đều xây dựng và phát huy trên nền tảng thuyết nhân quả và luân hồi làm nòng cốt. Ba Tạng Kinh Luận của Phật giáo mặc dù đã khai triển nhiều hình thức đưới mọi khía cạnh nhưng tư tưởng cũng không ra ngoài nền tảng nhân quả và luân hồi làm chủ đích. 

Những tư tưởng nào nếu như xây dựng ra ngoài hai chủ thuyết này đều thuộc về học thuyết của ngoại đạo và chúng hoàn toàn không phải chủ trương của Phật giáo. Hiện nay thuyết nhân quả và luân hồi của Phật giáo đã ăn sâu lâu đời vào tâm hồn người dân Việt Nam trở thành văn hoá nhân gian mà ai cũng đều biết và cũng đều thấm nhuần vào trong huyết quản trở thành nếp sống dân gian muôn đời bất diệt. 

Thuyết nhân quả và luân hồi theo “Phật Học Phổ Thông Khoá II” của Hoà thượng Thích Thiện Hoa, trang 63 có ghi:

“Luân Hồi theo luật Nhân Quả qua sáu cõi:

1. Tạo nhân sân hận độc ác......phải luân hồi vào địa ngục...

2. Tạo nhân tham lam, bỏn sẻn… mưu sâu kế độc cướp đoạt của người… phải luân hồi làm ngạ quỷ.

3. Tạo nhân si mê, sa đoạ thất tình, lục dục, tửu sắc, tài khí, không xét hay dở, tốt xấu, chết rồi, luân hồi làm súc sinh.

4. Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sai quấy cũng không tránh, vừa cang trực, mà cũng vừa độc ác… .tính tình hung hăng, nóng nảy… tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân hồi làm A Tu La.

5. Tu nhân ngũ giới… thì đời sau trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật.

6. Bỏ mười điều ác tu chơn thập thiện… thì sau khi chết, được sinh lên cõi Trời. Nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sinh tử, luân hồi.

Xin xem lại “Phật Học Phổ Thông Khoá II” sẽ rõ. Ở đây chúng ta chỉ chú ý:

Đứng trên lĩnh vực con người làm trung tâm nhận thức, giả sử Tự Ngã con người tồn tại bất diệt thì con người đó khi còn sinh tiền đã gây tạo những nhân tội ác như giết hại sinh mạng thú vật, sau khi xả bỏ thân mạng vẫn giữ hình tướng con người không đọa vào thân tướng của một súc sinh có nhiều chân để trả quả. Nếu quả đúng như thế thì thuyết nhân quả và luân hồi không còn giá trị đối với họ. Có thể khẳng định rằng, chúng ta chấp nhận thuyết nhân quả luân hồi là chân thật bất biến thì không thể chấp nhận thuyết Tự Ngã con người là tồn tại bất diệt. 

b) Giá trị thuyết Vô Ngã:

1. Giá trị Vô Ngã xuyên qua Ngũ Uẩn:

Như trước đã bàn qua, Ngũ Uẩn là năm yếu tố căn bản mang tính chất ô nhiễm cùng nhau kết hợp tạo thành sinh mạng chẳng những con người và cả sinh mạng các chúng sinh hữu tình; con người và các chúng sinh hữu tình không thể thiếu năm yếu tố đây để được góp mặt trong thế gian. Ngũ Uẩn gồm có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, chúng ta hãy quán chiếu để nhận thức được giá trị vô ngã của Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn theo “Bát Nhã Tâm Kinh qua cái nhìn của duy thức”, cùng một tác giả, trang 46, giải thích:

“1. Sắc Uẩn: nghĩa là yếu tố ô nhiễm về sắc chất........Sắc Uẩn thuộc loại sắc chất và bao gồm cả Đất, Nước, Gió, Lửa. Nhân sắc chất tức là chỉ cho năng lực của đất, nước, gió, lửa… sống riêng biệt với nhau; quả sắc chất là chỉ cho đất, nước, gió, lửa kết hợp lẫn nhau để làm nguyên liệu cho việc kiến tạo thân thể của vạn pháp…”

Đúng thế nói đến Sắc Uẩn là một sắc chất hiện hữu trong đó bao hàm bốn năng lượng nguyên chất cùng nhau hợp tác kết thành; bốn năng lượng nguyên chất gồm có: đất, nước, gió, lửa gọi chung là tứ đại. Một mình năng lượng đất tự nó không thể thành Sắc Uẩn, nếu như không có năng lượng nước, năng lượng gió, năng lượng lửa đóng góp; nước, gió và lửa cũng thế, nghĩa là riêng tự một năng luợng không thể tác dụng độc lập để sinh khởi. 

Thí dụ một tờ giấy trắng là một sắc chất, trong đó gồm có bốn năng lượng đất, nước, gió và lửa góp mặt. Chúng ta đem tờ giấy trắng đây đi đốt cháy thì lúc đó năng lượng nước (H2O) trong tờ giấy liền bay đi chỉ còn lại thuần tuý chất đất độc lập đó chính là chất than (Carbon) đã chết để trở thành tro bụi; tiếp đến chúng ta giả sử đem tờ giấy này cọ sát với nhau thì lập tức năng lượng lửa trong tờ giấy xuất hiện ngay; hơn nữa tờ giấy trắng nói trên nhờ năng lượng gió chuyển hoá được ba năng lượng đất, nước và lửa hòa hợp cùng nhau hình thành một tờ giấy để sử dụng. Đây là hiện tượng mà các nhà khoa học đã thí nghiệm được.

Hãy quán chiếu sâu thêm nữa để nhận thức giá trị vô ngã của đất, nước, gió, lửa, “Khảo nghiệm duy thức học quyển I”, về đề mục Tứ Đại, cùng một tác giả, trang 169 giải thích như sau:

“a/ Đất là năng lực hiện có mặt và tồn tại trong phạm trù nguồn năng lượng Địa Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tính chất rắn chắc của đất không bị biến hoại để ngăn ngại vạn vật.

b/ Nước là năng lực hiện có mặt và tồn tại trong phạm trù nguồn năng lượng Thủy Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tính chất ướt của nước không bị biến hoại để dung hoá và tươi nhuận vạn vật.

c/ Gió là năng lực hiện có mặt và tồn tại trong phạm trù nguồn năng lượng Phong Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tính chất phiêu động của gió không bị biến hoại để chuyển hoá vạn vật.

d/ Lửa là năng lực hiện có mặt và tồn tại trong phạm trù nguồn năng lượng Hoả Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tính chất viêm nhiệt của lửa không bị biến hoại để dưỡng sinh vạn vật."

Bao nhiêu dữ kiện trên cũng nói lên được rằng Sắc Uẩn chính là do đất, nước, gió, lửa cùng nhau hợp thành và nó hoàn toàn không có Tự Ngã tồn tại bất diệt, cho nên xác định rằng Sắc Uẩn là vô ngã.

“2. Thọ Uẩn: nghĩa là yếu tố ô nhiễm về cảm thọ. Danh từ cảm thọ dùng để chỉ cho sự hành động của một nguyên nhân, như cảm thọ về phương diện khổ, cảm thọ về phương diện vui và cảm thọ về phương diện không khổ không vui. Còn nguyên nhân tác dụng để cảm thọ, chính là Ý Thức thứ sáu, một yếu tố trong ngũ uẩn… Trường hợp người bị chụp thuốc mê…không cho Ý Thức sinh hoạt, cho nên họ không có cảm thọ không có cảm thọ khổ vui như thế nào.” 

Hơn nữa theo Duy Thức Học, Ý Thức thứ sáu chỉ là thành phần năng lượng tác dụng sinh hoạt nhận thức với danh nghĩa là Kiến Phần mà chính nó không phải bản ngã thật sự và nó khi sinh hoạt cũng phải quan hệ với Kiến Phần năng lượng của năm Tâm Thức trước (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức) để có nhận thức, bằng ngược lại năm Tâm Thức trước nếu không hỗ trợ thì lúc đó Ý Thức thứ sáu hoàn toàn không có nhận thức. Qua nhũng dữ kiện vừa trình bày có thể xác định rằng Thọ Uẩn là vô ngã.

“3. Tưởng Uẩn: nghĩa là yếu tố ô nhiễm về ý tưởng. Ý Tưởng là tư tưởng của Tâm Ý và Tâm Ý ở đây tức là chỉ cho Tâm Thức Mạt Na (Manas) thứ bảy. Chữ Mạt Na nghĩa là Ý. Nói cách khác Tâm Thức Mạt na thứ bảy là yếu tố ô nhiễm về tư tưởng, nên gọi là Ý Tưởng. Ý Tưởng thì luôn luôn sinh hoạt những sự việc không có đối tượng, còn Ý Thức thứ sáu thì hiểu biết những sự việc cần có đối tượng. 

Ví dụ như những người chưa biết nước Mỹ thì tưởng tượng (ý tưởng) cho rằng người dân nước Mỹ rất sung sướng. Nhưng họ một khi được sống trong nước Mỹ thì ý tưởng xưa kia của họ trở nên sai lầm. Nguyên do họ đã ý thức được sự thật về nước Mỹ.” 

Tâm Thức Mạt Na thứ bảy chỉ là thành phần năng lượng tác dụng tưởng tượng để chấp trước và tự nó không phải bản ngã thật sự vì thế có thể xác định rằng Tưởng Uẩn là vô ngã.

“4. Hành Uẩn: nghĩa là yếu tố ô nhiễm về hành động tạo tác. Nghiệp Lực chính là yếu tố hành động tạo tác về ô nhiễm, cho nên Nghiệp được dịch là hành động tạo tác….như Nghiệp Sân Hận không có hình tướng và chỉ biết nó qua cử chỉ của con người. Con người hành động hoặc nói năng theo sự thúc đẩy và lôi cuốn của nghiệp sân hận. Hành Uẩn đây là danh từ chỉ cho nghiệp lực.” 

Với ý nghĩa trên, Hành Uẩn chính là Nghiệp Lực, tự nó chỉ có năng lực để thúc đẩy hành động nói năng gây nghiệp mà không có hình tướng bản ngã thật sự cho nên cũng xác định rằng Hành Uẩn là vô ngã.

“5. Thức Uẩn: nghĩa là yếu tố ô nhiễm về sự hiểu biết.......Danh từ Thức Uẩn chính thực là chỉ cho Tâm Thức A Lại Da thứ tám. Tâm Thức A Lại Da thứ tám mới đúng nghĩa thuộc loại tâm thức hiểu biết, vì tâm thức này có khả năng xây dựng hệ thống bộ máy vô cùng phức tạp và tinh vi trong cơ thể của tất cả chúng sinh. Điều đó chứng tỏ trình độ hiểu biết của Tâm Thức A Lại Da thứ tám thật vô cùng siêu đẳng và ngoài Tâm Thức đây ra không còn ai có khả năng hơn trong việc kiến tạo hệ thống bộ máy vạn pháp.” 

Tâm Thức A Lại Da thứ tám trong con người phải chăng có bản ngã thật sự hay là vô ngã?

Theo Duy Thức Học Tự Ngã của con người tức là Kiến Phần của Thức Thể A Lại Da thứ tám mang tên là Thức Dị Thục thuộc loại tâm thức tác dụng biến hoá không ngừng. Kiến Phần Thức A Lại Da khi tác dụng chun vào nghiệp tướng con người liền biến thành Ngã Tướng của con người trong loài người, chun vào nghiệp tướng súc sinh liền biến thành Ngã Tướng của súc sinh trong cõi bàng sinh, chun vào nghiệp tướng địa ngục liền biến thành Ngã Tướng của chúng sinh trong cõi địa ngục, chun vào nghiệp tướng ngạ quỷ liền biến thành Ngã Tướng của ngạ quỷ trong loài ngạ quỷ..v..v...

Trường hợp này cũng tương tự như năng lượng điện nơi trung tâm biến điện của thành phố, năng lượng điện phân phối dòng điện chạy vào bóng đèn liền biến thành điện của bóng đèn có bổn phận chiếu soi ánh sáng, dòng điện chạy vào quạt máy liền biến thành điện của quạt máy có bổn phận điều khiển quạt máy tác dụng quạt gió, dòng điện chạy vào máy chiếu hình liền biến thành điện chiếu hình có bổn phận đem hình ảnh trong DVD chiếu trên màn ảnh, dòng điện chạy vào máy phát thanh liền biến thành điện phát thanh có bổn phận mang tiếng người này phát ra cho người kia được nghe..v..v...

Đứng trên lĩnh vực bản thể để nhận thức, Thức Thể A Lại Da thứ tám với hình thức là khối năng nượng khổng lồ không có hình tướng (vô ngã tướng) và có mặt khắp không gian mà Duy Thức Học cũng như các kinh luận khác gọi là “Thức Vô Biên Xứ”. Hiện tượng năng lượng của Thức Thể này cũng giống như hiện tượng năng lượng của điện không gian và muốn nhận dạng năng lượng của nó dễ dàng, chúng ta thử đem hiện tượng năng lượng dòng điện nơi trung tâm biến điện của thành phố để thí dụ.

Thức Thể A Lại Da đã là hiện tượng năng lượng và hoàn toàn không có hình tướng Bản Ngã thì Kiến Phần Thức A Lại Da trong con người, trong súc sinh..v..v..... đã được phát sinh từ Thức Thể A Lai Da nói trên cũng chỉ là năng lượng và hoàn toàn không có hình tướng Bản Ngã thật, vì thế có thể xác định rằng Thức Uẩn cũng là vô ngã.

Từ bản chất vô ngã của Ngũ Uẩn đã được giải thích tường tận ở trên cho chúng ta có sự nhận thức cụ thể rằng, con người do ngũ uẩn giả hợp tạo thành thì chính con người hoàn toàn thuộc loại vô ngã. 

2. Giá trị Vô Ngã xuyên qua Bảy Đại:

Trong thời kỳ Đại thừa, các nhà tư tưởng cao thâm của Phật giáo trước hết dựa theo tinh thần của Ngũ Uẩn mà đức Phật khai triển đầu tiên liền quán chiếu sâu thẩm, lý giải nguyên lý của vạn pháp và loài người, có vị đứng trên lĩnh vực bản thể mà lý giải, có vị đứng trên licnh vực hiện tượng duyên sinh mà lý giải, rồi cùng nhau đưa ra nhiều triết thuyết phi phàm. Trong những triết thuyết phi phàm đó, Duy Thức Học là một khoa tâm học vô tiền khoán hậu và môn học này bắt đầu từ nơi Thức để tìm hiểu nguồn gốc của Tâm, nhận thức được Tâm chính là thể của Thức, cho nên gọi là Tâm Thức. 

Theo Duy Thức Học, vạn pháp và loài người, kể cả chúng sinh hữu tình và vô tình, tất cả đều do bảy yếu tố kết hợp tạo thành. Vạn pháp và loài người nếu như thiếu một trong bảy yếu tố này không thể sinh trưởng và tồn tại, bảy yếu tố này có tên là bảy Đại. Bảy Đại gồm có: Đất, Nước, Gió, Lửa, Nghiệp Tướng, Nghiệp Lực và Thức A Lại Da. Trong bảy Đại đây, Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa) và Thức Đại đã được giải thích rõ nơi Ngũ Uẩn; còn Nguyệp Tướng và Nghiệp Lực sau đây xin lần lược giải thích:

a) Nghiệp Tướng là những hình tướng (forms), những mô hình kiểu mẫu (Blueprint) của vạn pháp, những hình tướng này chính là hình bóng mang tánh chất ảo giác (illusions), tất cả đều có mặt trong Tâm Thức A Lại Da với danh nghĩa là chủng tử. Những nghiệp tướng đây được chia làm lai loại: hữu tình tướng và vô tình tướng. 

 Hữu Tình Tướng là chỉ cho hình tướng của các động vật và hình tướng này cũng có hai thứ: nhân tướng, chúng sinh tướng. Nhân Tướng là những hình tướng của loài người; chúng sinh tướng là những hình tướng của súc vật như hình tướng trâu, bò, heo, gà, chó..v..v.......

 Vô Tình Tướng là những hình tướng của các thực vật và khoáng vật… Theo Phật giáo chẳng những các động vật cho đến các thực vật và khoáng vật muốn góp mặt trong thế gian dưới bất cứ hình thức nào cũng phái có Nghiệp Tướng làm kiểu mẫu để xây dựng; nghiệp tướng nếu như không có thì vạn pháp nhất định cũng không thành hình và cũng không có sinh tử luân hồi; sự không có nghiệp tướng của vạn pháp đúng như câu Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm”, nghĩa là các pháp không có nghiệp tướng thì không sinh không diệt không nhơ không sạch không tăng không giảm.

Chủng tử Nghiệp Tướng của các pháp chính là những hình tướng ảo giác do con người đã thâu vào Tâm Thức A Lại Da qua những công trình du ngoạn, du lịch, giao tiếp thường xuyên mà họ đã sinh hoạt hằng ngày hằng tháng hằng năm, những hình ảnh đó theo Duy Thức Học đều gọi là Nghiệp Tướng. Những nghiệp tướng đây đều là những nhân tướng quan trọng không nhỏ trong việc xây dựng vạn pháp và con người hiện thành quả tướng. 

b) Nghiệp Lực là những năng lực của nghiệp đã được nội kết lâu đời trong Tâm Thức A Lại Da cũng với hình thức chủng tử, những nghiệp lực này chỉ thuần tuý năng lực mang tính chất tập khí mà không có hình tướng giống như nghiệp tướng; điển hình như nghiệp tham, nghiệp sân, nghiệp si mê..v..v… chỉ biết khi chúng tác dụng lôi cuốn Tâm Thức hành động qua thân, miệng và ý mà không thấy hình tướng của chúng. Trong việc xây dựng vạn pháp và con người, chúng nó cũng là yếu tố quan trọng không thể thiếu mặt. 

c) Thức A Lại Da theo Duy Thức Học là một loại tâm thức căn bản (Foundation Consciousness) và cũng là yếu tố vô cùng trọng đại trên hai chức năng, một là tàng trử chủng tử, hai là xây dựng vạn pháp và con người. 

Về phương diện tàng trữ, Thức này có khả năng dung chứa tất cả hạt giống thiện ác của vạn pháp và con người đồng thời giữ gìn những hạt giống đó tồn tại mãi không cho biến chất cũng như không cho hư hoại để chờ cơ hội thuận duyên sinh khởi.

Về phương diện sinh khởi Thức này chuyên xây dựng tất cả các pháp và con người đồng thời duy trì sinh mạng chúng nó tồn tại để góp mặt trong thế gian. Sự thành hình, sự phát triển, sự sinh tồn của vạn pháp và con người đều do sự quyết định của Tâm Thức nói trên, nghĩa là Tâm Thức đây nếu như góp mặt thì vạn pháp và con người thi đua sinh trưởng và nếu như từ giã ra đi thì vạn pháp và con người trở thành tan hoại. 

“Bát Thức Quy Củ Tụng” cùng một tác giả, trang 84 có ghi: “Thọ huân trì chủng căn thân khí, khứ hậu lai tiên tác chủ ông”, nghĩa là Thức A Lại Da thứ tám là kho tàng chứa nhóm, bảo trì hạt giống và chuyển biến sinh ra thân thể cùng thế giới. Nó từ giã ra đi thì đi sau, nó đến làm việc thì đến trước, nó theo nghiệp lực và làm chủ tất cả mọi việc để chịu quả báo. Sư sinh hoạt của Thức A lại Da thứ tám quan trọng như thế nào sau đây sẽ giải thích rõ hơn.

c) Nguyên nhân có Tự Ngã:

Như trước đã trình bày, Kiến Phần Thức A Lại Da thứ tám cũng giống như Thức Thể của nó chỉ là một năng lượng không có hình tướng và Kiến Phần Thức này khi tác dụng chun vào nghiệp tướng, thí dụ như nghiệp tướng con người thì trở thành hình tướng con người. 

Kiến Phần Thức này khi ở trong nghiệp tướng con người bị Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy dựa theo nghiệp tướng đó chấp làm Tự Ngã cho mình để bảo vệ sinh mạng con người hiện hữu nói trên phát triển theo luật nhân quả và giúp Kiến Phần Ý Thức thứ sáu của họ cảm thọ quả báo khổ vui mà chính kiếp trước Ý Thức thứ sáu của họ trực tiếp điều khiển chỉ đạo thân và miệng nơi họ hành động nói năng theo những nghiệp nhân thiện ác. 

Thực ra Tự Ngã của Kiến Phần Thức A Lại Da thứ tám và Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy trong con người trong chúng sinh hữu tình không có vấn đề cảm thọ quả báo khổ vui giống như Kiến Phần Ý Thức thứ sáu. Để chứng minh điều đó, chúng ta hãy khảo sát một bệnh nhân bị chụp thuốc mê để giải phẫu, một bệnh nhân bị ruột dư cần phải mổ, bác sĩ trước khi mổ liền chụp thuốc mê nhốt Ý Thức thứ sáu của bệnh nhân không cho sinh hoạt để bệnh nhân không còn cảm thọ đau khổ trong lúc mổ ruột. Khi mổ ruột xong, thuốc mê không còn tác dụng nữa thì lúc đó Ý Thức thứ sáu của bệnh nhân sinh hoạt trở lại liền cảm thọ đau khổ hoành hành thể xác. 

Trường hợp thứ hai, Kiến Phần Mạt Na thứ bảy nơi các chúng sinh vô tình (nơi các thực vật.....) vẫn chấp Kiến Phần Thức A Lại Da thứ tám trong nghiệp tướng của chúng làm Tự Ngã để bảo vệ sinh mạng của chúng hiện hữu và phát triển theo luật nhân quả; các chúng sinh vô tình vì không có Ý Thức thứ sáu hiện hữu cho nên không có cảm thọ khổ lạc giống như con người. 

Các chúng sinh vô tình chỉ có xúc thọ để nảy nở và phát triển thành hoa trái mà không có cảm thọ theo cảm tính khổ lạc. Thí dụ như Thức Mạt Na thứ bảy nơi cỏ cây..v..v...... chấp Kiến Phần Thức A Lại Da thứ tám trong nghiệp tướng của chúng làm Tự Ngã để điều khiển cỏ cây nảy nở và phát triển thành hoa trái; cỏ cây vì không có Ý Thức thứ sáu hiện hữu cho nên không có cảm thọ khổ lạc giống như sự cảm thọ của con người.

Đúng ra, Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy chấp Kiến Phần Tự Ngã của Thức A Lại Da thứ tám trên tinh thần trung tính gọi là bản năng tự vệ không bị nghiệp lực ái kiến điều khiển cho nên khi sinh hoạt không có vấn đề ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái chỉ đạo. Trường hợp này chúng ta thấy rõ sự nảy nở và phát triển thành hoa trái của các chúng sinh vô tình như cỏ cây..v..v....... đã được trình bày trên. Riêng con người một trong các chúng sinh hữu tình , Ý Thức thứ sáu của họ đã bị nghiệp lực ái kiến trực tiếp chỉ đạo hành động đam mê chấp ngã kiên cố cho nên mới có hiện tượng ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến điều khiển tạo nghiệp và những nghiệp do Ý Thức thứ sáu chỉ đạo gây tạo được gọi là Ý Nghiệp.

Có thể khẳng định rằng yếu tố khiến cho Tự Ngã hiện hữu thành hình để cho Thức Mạt Na chấp chính là Nghiệp Tướng thường gọi là Ngã Tướng một trong bốn Tướng (Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sinh tướng, Thọ giả tướng) mà không phải Kiến Phần Thức A Lại Da thứ tám riêng có Tự Tướng để chấp làm Tự Ngã. 

Thật ra Tự Ngã của con người do Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước hoàn toàn không có vấn đề ký ức và cảm thọ khổ lạc mà chỉ có Ý Thức thứ sáu mới có ký ức và cảm thọ. Hơn nữa Ý Thức thứ sáu của con người không sinh hoại liên tục suốt cuộc đời giống như Tự Ngã và Thức Mạt Na thứ bảy; trong hai mươi bốn giờ đồng hồ ngày đêm, Ý Thức con người chỉ có mặt và sinh hoạt mười hai tiếng thuộc về ban ngày và khi con người đầu thai, Tự Ngã của họ có mặt trước khi Ý Thức thứ sáu có mặt, đồng thời Ý Thức thứ sáu bị lệ thuộc nơi sinh mạng con người trong thời kỳ nảy nở phát triển giống như Ý Thức của đứa trẻ sơ sinh.

IV. Tự ngã quan hệ luân hồi

Như trên đã giải thích Tự Ngã không phải hình tướng cố định và luôn luôn biến đổi theo nghiệp tướng, nghĩa là Tự Ngã con người có thể biến đổi hình tướng để trở thành Tự Ngã hình tướng ngạ quỷ hay hình tướng súc sinh..v..v… theo nghiệp tướng của ngạ quỷ hay nghiệp tướng của súc sinh..v..v… Đó là Tự Ngã quan hệ luân hồi theo nhân quả nghiệp báo để cảm thọ quả báo khổ vui. 

Hình tướng ngạ quỷ giống như hình tướng Tiêu Diện của các chùa thường thờ mà người Việt Nam ai cũng đều biết. Theo Kinh Phật giải thích, Bồ Tát Quán Thế Âm hoá thân thành Tự Ngã với hình tướng ngạ quỷ (hình tướng Tiêu Diện) để độ các oan hồn uổng tử ở cõi âm mà người đời thường gọi là cô hồn. Tại sao Tự Ngã phải biến đổi hình tướng để bị luân hồi?

A. Tự Ngã luân hồi theo luật Nhân Quả:

Theo luật nhân quả luân hồi, chúng ta khi còn sinh tiền tạo những nhân thiện ác nào thì sau khi xả bỏ thân mạng Tự Ngã bị nghiệp lực thiện ác dẫn dắt đến cảnh giới tốt xấu để thọ lấy quả báo khổ vui không bao giờ sai trái, như con người kiếp này tạo nhân phước lành thì luân hồi đến cảnh giới giàu sang sung sướng, thân hình cao sang tốt đẹp, tạo nhân tội ác thì luân hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa tàn tật..v..v...

Theo “Phật Học Phổ Thông Khoá II” của Hoà thượng Thích Thiện Hoa, trang 63 giải thích:

“Sau đây là những cảnh giới mà một chúng sinh có thể bị hay được nhập vào, tùy theo nghiệp nhân mà họ đã tạo:

1. Địa Ngục: Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải luân hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở.

2. Ngạ Quỷ: Nhân tạo tham lam, bỏn sẻn, không biết bố thí, giúp đỡ người… mưu sâu kế độc để cứớp đoạt của người, sau khi chết, luân hồi làm ngạ quỷ.

3. Súc Sinh: Tạo nhân si mê, sa đoạ theo thất tình, lục dục, tử sắc, tài khí…chết rồi, luân hồi làm súc sinh.

4. A Tu La: Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sái quấy cũng không tránh, vừa cang trực mà cũng vừa độc ác… tính tình hung hăng, nóng nảy… tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân hồi làm A Tu La, gặp vui sướng cũng có, mà buồn khổ cũng nhiều.

5. Loài Người: Tu nhân ngũ giới: Không sát hại, không trộm cướp, không tà dâm, không dối trá, không rượu trà say sưa, thì đời sau trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật.

6. Cõi Trời: Bỏ mười điều ác tu chơn thập thiện thì sau khi chết, được sinh lên cõi trời. Nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sinh tử luân hồi.”

Trong sáu cảnh giới đây có ba cảnh giới mà trong kinh Phật thường gọi là Tam Đồ nghĩa là ba đường dữ. Riêng cảnh giới Địa Ngục so sánh với cảnh giới tù tội của trần gian mà chúng ta đang sống thì giống nhau đúng với câu châm ngôn: “Dương gian âm phủ đồng nhất lý”, nghĩa là dương gian và âm phủ giống nhau nguyên lý; đại ý câu này nói rằng, dương gian có trại giam thì cõi âm cũng có Địa Ngục, cả hai nơi nguyên lý hành tội đều không khác nhau. 

Theo Kinh Địa Tạng trình bày cảnh giới Địa Ngục là cảnh giới hành hạ chúng sinh trong đó vô vàn đau khổ không thể kể được. Còn cảnh giới A Tu La thứ tư có hai loại chúng sinh: Thiên A Tu La và Nhân A Tu La, cả hai loại này trong các kinh thường kể là hạng hung tàn bạo ngược thường gây chiến tranh chém giết tàn sát không gớm tay cho nên gọi hạng này là A Tu La.

B. Điều kiện biến tướng của Tự Ngã:

Điều kiện khiến cho Tự Ngã biến tướng là do nghiệp lực của Tự Ngã đó quyết định, nghĩa là Tự Ngã biến tướng có khi nhanh trong một sát na, có khi chậm trong bảy ngày, có khi mười bốn ngày, có khi hai mươi mốt ngày, có khi hai mươi tám ngày, có khi ba mươi lăm ngày, có khi bốn mươi hai ngày và cuối cùng là bốn mươi chín ngày. 

Nói cách khác Tự Ngã phải trải qua bảy tuần lễ biến tướng để định nghiệp cho kiếp sau và tuần lễ cuối cùng thường gọi là Chung Thất, nguyên vì cõi Trung Giới là cõi trung gian chuyển tiếp để định nghiệp luân hồi vào sáu cõi nói trên và cõi này chỉ giới hạn tối đa trong vòng bốn mươi chín ngày là điều kiện cuối cùng không được kéo dài thời gian hơn.

Định Nghiệp nghĩa là do nghiệp quyết định sự sống chết và sự luân hồi của một sinh mạng con người, vì ý nghĩa đó cho nên có chỗ gọi là Duy Nghiệp không sai với nguyên lý. Muốn biết rõ điều kiện biến tướng của Tự Ngã con người như thế nào hãy xem lại quyển “Liễu sinh thoát tử” của dịch giả Hoà thượng Thích Quang Phú, Ấn Quán Sen Trắng tái bản năm 1979 và quyển “Chết An Lạc & Tái Sinh Hoan Hỷ” của tác giả Đại sư Tulku Thondup Rinpoche, do HT.Thích Như Điển và TT.Thích Nguyên Tạng dịch ra Việt ngữ, trong hai tác phẩm này trình bày tường tận hơn nguyên lý chuyển tiếp của Tự Ngã trong Trung Giới. Tại sao sự biến tướng của Tự Ngã lại do nghiệp lực quyến định?

Theo Duy Thức Học có bài kệ nói lên con người sau khi chết Thần Thức (Kiến Phần Thức A Lại Da) đi đầu thai vào đâu, bài kệ đó như sau: 
“Đảnh Thánh, Nhãn sinh Thiên,
“Nhân tâm, Ngạ Quỷ phúc (bụng), 
“Bàng Sinh (súc sinh) tất cá ly,
“Địa Ngục cước tâm xuất.”
 
Giải thích:

1. Đảnh Thánh: Đảnh là chỉ cho đỉnh đầu của con người, Thánh là chỉ cho Phật; câu này có nghĩa là con người sau khi xả bỏ thân mạng kiếp này, Thần Thức của họ xuất ra trên cửa đảnh đầu là báo hiệu người đó kiếp sau sẽ thành Phật (Thánh).

2. Nhãn sinh Thiên: Nhãn là con mắt, Thiên là cõi Trời; câu này có nghĩa là con người sau khi xả bỏ thân mạng kiếp này, Thần Thức của họ xuất ra cửa đôi mắt là báo hiệu người đó kiếp sau sẽ sinh lên các cõi Trời.

3. Nhân Tâm: Nhân là con người, Tâm là quả tim; câu này có nghĩa là con người sau khi xả bỏ thân mạng kiếp này, Thần Thức của họ xuất ra cửa quả tim nơi ngực là báo hiệu người đó kiếp sau sẽ sinh trở lại làm người.

4. Ngạ Quỷ Phúc: Phúc là bụng, tức là chỉ cho huyệt Thần Khuyết (lỗ rốn); câu này có nghĩa là con người sau khi xả bỏ thân mạng, Thần Thức của họ xuất ra cửa huyệt Thần Khuyết là báo hiệu ngưới đó kiếp sau sẽ sinh vào cõi Ngạ Quỷ.

5. Bàng Sinh: là chỉ cho súc sinh, Tất là đầu gối, Cá là cái, Ly là lìa khỏi; Tất Cá Ly, nghĩa là lìa khỏi đầu gối; câu này có nghĩa là con người sau khi xả bỏ thân mạng kiếp này, Thần Thức của họ xuất ra nơi hai đầu gối là báo hiệu người đó kiếp sau sẽ sinh vào cõi Súc Sinh.

6. Địa Ngục Cước Tâm Xuất: Cước là gót chân, Cước Tâm Xuất nghĩa là ra khỏi nơi lòng bàn chân; câu này có nghĩa là con người sau khi xả bỏ thân mạng kiếp này, Thần Thức của họ xuất ra nơi hai đầu gối là báo hiệu người đó kiếp sau sẽ sinh vào chốn Địa Ngục. 

Để làm sáng tỏ vấn đề sáu câu kệ nói trên, chúng ta thử quán chiếu hành động của một con người để khảo sát. Thí dụ anh A trong kiếp này suốt cuộc đời làm nghề sát sinh để sống, mỗi lần anh giết một con bò là anh gây một nhân hận thù nghiệp sát với con bò và trong lúc giết hình bóng con bò đã được anh chụp lấy vào tâm của anh, đồng thời hình bóng của anh cũng được con bò chụp lấy vào tâm của nó. Anh giết bao nhiêu con bò chính là đã gây bao nhiêu nhân hận thù nghiệp sát và chụp lấy bấy nhiêu hình bóng con bò vào tâm của anh. Anh chẳng những giết bò mà còn giết cả heo và cả chó..v..v… nghĩa là anh gây không biết bao nhiêu nhân hận thù nghiệp sát, chẳng những với bầy bò mà còn với bầy heo, với bầy chó..v..v… và anh cũng chụp lấy không biết bao nhiêu hình bóng của chúng vào tâm của anh, đó là những nguyên nhân nghiệp tướng để kiếp sau anh chun vào trả quả. 

Trước hết anh sau khi xả bỏ thân mạng của kiếp này, trong tuần lễ đầu tiên chuyển tiếp, thế giới súc sinh bắt đầu mở cửa nếu như thần Thức xuất ra từ hai đầu gối nơi thân xác của anh và ngay trong lúc đó các nghiệp lực hận thù của các súc sianh như bò heo chó..v..v…bmà anh gây nhân lúc còn sinh tiền, thi đua nhau lôi kéo đòi nợ. Lúc bấy giờ Thần Thức Tự Ngã con người của anh bị biến tướng, có khi biến thành hình tướng con bò này, có khi biến thành hình tướng con bò kia, có khi biến thành hình tướng con heo này, hình tướng con heo kia, hình tướng con chó này, hình tướng con chó kia..v..v… để tìm duyên đầu thai trả quả. 

Bảy tuần lễ trong Trung Giới mà Thần Thức Tự Ngã của anh sở dĩ phải trải qua bảy lần biến tướng đều do các nghiệp sát của các thú vật tranh giành đòi nợ, thường gọi là bảy Toà Án xét tội, Tuần thứ bảy (ngày thứ 49) là thời gian giới hạn của Trung Giới, cũng gọi thời gian Toà Án cuối cùng định tội (định Nghiệp) để chấp nhận nghiệp nào thắng cuộc, thí dụ như nghiệp bò thắng cuộc thì ngay lúc đó Thần Thức Tự Ngã của anh A thay đổi hình tướng liền chun vào nghiệp tướng con bò trắng để trở thành Tự Ngã của hình tướng bò con kiếp sau, còn các nghiệp khác của anh phải chờ đợi kiếp sau hoặc nhiều kiếp sau nữa. 

Cách thức thay đổi hình tướng Tự Ngã con người để đi vào các cõi như Thiên, Nhân, A Tu La, Địa Ngục và Ngạ Quỷ sau khi xả bỏ thân mạng cũng đều giống nhau như cách thức thay đổi hình tướng Tự Ngã để đi vào cõi súc sinh, nghĩa là cũng phải trải qua thời gian bảy Tuần lễ (49 ngày) cứu xét tội phước để định nghiệp. Ngoại trừ ba trường hợp sau đây Thần Thức Tự Ngã con người trực tiếp đi đầu thai thẳng vào sáu cõi nói trên mà không qua trung gian bảy tuần lễ (49 ngày) định nghiệp:

1. Người nào đó lúc sinh tiền suốt đời chuyên tu duy nhất là đạo giải thoát làm nhân tố trên hết, ngoài ra không gây tạo nhiều nghiệp thiện ác nào khác của thế gian, Thần Thức Tự Ngã của họ sau khi xả bỏ thân mạng liền xuất ra trên cửa đỉnh đầu là báo hiệu kiếp sau của họ đi thẳng vào cõi Niết Bàn hay Tây Phương Cực Lạc mà không qua trung gian bảy tuần lễ xét định tội phước. Mặc dù được vãng sinh thành Phật, nhưng Tự Ngã con người của họ cũng phải thay đổi hình tướng thế gian để trở thành hình tướng Chân Ngã Pháp Thân của chư Phật. Hình tướng Chân Ngã Pháp Thân của chư Phật hoàn toàn không giống hình tướng Tự Ngã của con người. Hiện tượng này được thấy trong câu chuyện của Ngài Mục Kiền Liên mà ai đã đọc qua cũng đều biết. 

Ngài Mục Kiền Liên là một vị trong mười đệ tử lớn của đức Phật Thích Ca; ngài có thần thông bậc nhất, một hôm ngài bay đến cõi Phật Thế Tự Tại Vương và ghé vào đó để nghe Phật thuyết pháp; các vị Bồ Tát của Phật Thế Tự Tại Vương đều gọi ngài là con Đại Trùng (con trùng to lớn). Qua câu chuyện trên cho biết Tự Ngã con người của ngài Mục Kiền Liên so với hình tướng Pháp Thân của đức Phật Thế Tự Tại Vương và đại chúng của Phật hoàn toàn không giống nhau. Chúng ta muốn sinh về cõi Phật này để an trụ tu tập thì nhất định phải thay đổi hình tướng Tự Ngã con người của chính mình mới hoà nhập được đại chúng trong cõi đó.

2. Lúc sinh tiền người nào đó suốt cuộc đời chuyên gây tạo duy nhất một thứ nghiệp cực ác như tội ngũ nghịch thập ác, ngoài ra không gây tạo nhiều nghiệp thiện ác nào khác của thế gian, Thần Thức của họ sau khi xả bỏ thân mạng liền xuất ra nơi cửa hai lòng bàn chân là báo hiệu kiếp sau đi thẳng vào Địa Ngục mà không qua trung gian bảy tuần lễ xét định tội phước, nhưng họ cũng phải thay đổi Tự Ngã hình tướng con người thế gian để trở thành Tự Ngã hình tướng chúng sinh của cõi đó.

3. Phương thức tái sinh của Tây Tạng là phương thức do Ý Thức của con người chỉ định chỗ tái sinh và Thần Thức của họ sau khi xả bỏ thân mạng liền đi thẳng đến chỗ quy định tái sinh cũng là cõi người, không qua trung gian bảy tuần lễ xét định tội phước và cũng không biến đổi Tự Ngã con người.

Có kẻ bảo rằng con người sau khi xả bỏ thân mạng kiếp này, Thần Thức của họ chỉ đi đầu thai thẳng không qua trung gian bảy tuần lễ để định nghiệp và cũng không thay đổi Tự Ngã. Nếu quả đúng như thế thì luật nhân quả và luân hồi không còn giá trị nữa, nghĩa là họ cứ gây nghiệp sát hại sinh mạng chúng sinh mà không sợ nhân quả và cứ làm tội ác mà không sợ luân hồi, nguyên vì nhân quả và luân hồi không bao giờ ảnh hưởng đến hành động của họ. Quan niệm này vô cùng sai lầm đối với luật nhân quả luân hồi của Phật giáo.

V. Tóm lại

Tổng hợp những điều đã trình bày qua ở trên cho ta nhận thức, học thuyết vô ngã của Phật Giáo chủ trrương đầu tiên là một phán quyến thật tại của đức Phật Thích Ca nhằm đánh giá cụ thể sinh mạng con người cũng như sinh mạng các hữu tình khác, tất cả đều mang tánh chất giả hợp của ngũ uẩn. Từ học thuyết vô ngã đó dùng làm nền tảng căn bản, các trào lưu tư tưởng Phật giáo sau này cùng nhau thi đua phát triển, khai thác tận nguồn nguyên lý vạn pháp để rồi đi đến kết luận “Ngã Pháp Câu Không Luận” của Đại thừa. 

Phải biết rằng Học thuyết Vô Ngã của Phật giáo đứng trên lập trường nhân tướng của vạn pháp để phán quyết mà không phải đứng trên quả tướng của vạn pháp để luận giải. Xét cho cùng thuyết Vô Ngã so với thuyết Nhân Quả Luân Hồi không bao giờ mâu thuẫn với nhau trong lĩnh vực chuyển hoá duyên sinh nơi ba cõi mà còn biện minh cụ thể cho thuyết Nhân Quả Luân Hồi qua sự quyết định của Nghiệp Báo. 

Có thể nói tất cả Tâm Thức dù cho dưới bất cứ hình thức nào, như sinh vào Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Nhơn, Thiên, A Tu La luôn luôn vẫn ở trạng thái năng lượng tuyệt đối không có bản ngã cố định nhất là Kiến Phần Thức A Lại Da thứ tám. Kiến Phần Thức này sở dĩ được mang danh Tự Ngã chính là do Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy dán lên nhãn hiệu danh xưng qua nghiệp tướng của mỗi loại chúng sinh, vì thế nghiệp tướng luôn luôn thay đổi hình tướng theo nghiệp quả thì Tự Ngã cũng thay đổi theo nhu cầu của nghiệp nhân.

Tự Ngã dù cho có biến tướng để sinh vào thế giới nào cũng vẫn là ở tư thế vô ký (trung tính) trước mọi hoàn cảnh thuận nghịch, thiện ác mà chính nó không có vấn đề ký ức tốt xấu hay cảm thọ khổ lạc. Chỉ có Ý Thức thứ sáu sinh sau đẻ muộn mới có vấn đề ký ức tốt xấu và cảm thọ quả báo khổ vui theo nhân quả nghiệp báo mà thôi. Đây là những bằng chứng cụ thể được lý giải tận tường để biện chứng thuyết Vô Ngã của Phật giáo xin tặng các đọc giả bốn phương làm món quà gieo duyên trao tặng.

Sách tham khảo:
 Vô Ngã và Luân Hồi của giáo sư Hoàng Tuấn Oai, Việt dịch Thích Hạnh Bình.
Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ của Đại sư Tulku Thondrup Rinpoche, Việt dịch: HT.Thích Như Điển và TT.Thích Nguyên Tạng.
Liễu Sanh Thoát Tử của dịch giả HT.Thích Quang Phú.
Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ của HT.Thích Thanh Kiểm.
 Kinh A Hàm
 Phật Học Phổ Thông Khoá II của HT.Thích Thiện Hoa.
 Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức tác giả Thích Thắng Hoan.
Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I tác giả Thích Tháng Hoan.
 Kinh Địa Tạng
 Lịch Sử Triết Học Ấn Độ của HT.Thích Mãn Giác
 Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ tác giả Wille Durant, gịch giả Nguyễn Hiến Lê.


Từ Ngữ Phật Học Trong: Sự Hiểu Lầm Vô Ngã Của Phật Giáo