Home > Khai Thị Phật Học
Duyên Và Sám Hối
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


a. Thị hiện vãng sanh.

Trong Phật thất tại Dallas, lão cư sĩ họ Mã vãng sanh, chúng tôi nghe xong vô cùng hoan hỷ. Trong ‘tam chuyển pháp luân’ - thị chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển, cụ Mã thị hiện vãng sanh trong Phật thất và đã chứng minh cho chúng ta. Ðây là lợi ích, công đức thù thắng của sự niệm Phật, chúng ta nên noi gương và học tập. Hết thảy pháp trong thế gian đều là giả, chỉ có vãng sanh bất thoái thành Phật là thiệt, chúng ta phải nắm chắc cơ duyên này.

Ðại Từ Bồ Tát nói: ‘Nếu có thể trong đời này khuyên hai người vãng sanh thì còn hơn tự mình tinh tấn, nếu có thể khuyên mười hoặc hai mươi người vãng sanh thì công đức vô lượng’. Khuyên người được càng nhiều thì càng thù thắng, công phu niệm Phật của mình dở một chút cũng có thể vãng sanh. Thế nên giúp người vãng sanh là công đức lớn nhất trong thế gian và xuất thế gian.

b. Duyên

Lý do niệm Phật nhưng chẳng thể vãng sanh, thứ nhất là vì thiện căn, phước đức, và nhân duyên chẳng đủ. Kinh Di Ðà nói: ‘Chẳng thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sanh cõi ấy’. Thứ nhì là vì nghe kinh quá ít, đối với những đạo lý và chân tướng sự thật mà đức Phật đã dạy, chẳng khế nhập, chẳng thể lý giải, vẫn sanh hoạt trong phiền não, vọng tưởng, tạp niệm, cho nên công phu đã bị khấu trừ đi rất nhiều. Công phu chẳng đắc lực và niệm Phật khó được thành tựu cũng chẳng vượt ra ngoài hai nhân tố này. Thiện căn phước đức có thể thành thục hay chăng thì ‘duyên’ rất quan trọng. Ðây cũng như lời dạy của Thiện Ðạo đại sư trong ‘Quán Kinh Sớ’: ‘Cửu phẩm vãng sanh đều do gặp duyên chẳng đồng’. Nói cách khác nếu gặp được duyên thù thắng thì cho dù thiện căn phước đức kém một tí nhưng vẫn có thể bù đắp, đời này cũng quyết định vãng sanh. Do đó có thể thấy ‘duyên’ đối với chúng ta vô cùng quan trọng.

Ðạo tràng là duyên, bạn tốt là duyên, nghe pháp là duyên, năm xưa lúc đức Phật còn tại thế, Ngài thị hiện cho chúng ta xem suốt bốn mươi chín năm mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp chẳng gián đoạn, đây là làm ‘tăng thượng duyên’ cho chúng ta, làm cho những người có thiện căn phước đức kém một chút dùng phương pháp nghe kinh để bù đắp thì ngay trong đời này có thể thành tựu.

c. Ðạo tràng chánh pháp

Ðạo tràng của nhà Phật từ xưa đến nay đều lấy việc giảng kinh, thuyết pháp, giáo học làm chính. Phật pháp suy thoái thì cũng mới hai trăm năm nay mà thôi. Nguyên nhân suy thoái chính là vì trong chùa không có giảng kinh. Không có giảng kinh, chẳng hiểu lý luận, phương pháp tu hành, cho dù tu hành thì cũng là tu mù luyện đui, chẳng được chư Phật, Bồ Tát gia trì, ngược lại còn bị yêu ma quỷ quái nhiễu loạn, đây là nguyên nhân đạo tràng suy bại. Chúng ta hiểu rõ, minh bạch nên hy vọng xây dựng một đạo tràng chánh pháp, báo ân Phật, báo ân chúng sanh.

Ðạo tràng chánh pháp phải giảng kinh mỗi ngày nhưng hiện nay pháp sư giảng kinh rất ít, chúng ta lợi dụng sự tiện lợi của khoa học kỹ thuật, lúc giảng kinh giữ lại băng thâu hình và thâu âm rồi làm thành CD, VCD để tặng miễn phí cho đại chúng. Ðược vậy thì bạn có thể nghe kinh mỗi ngày. Nếu bạn chẳng có nhiều băng thâu hình cứ nghe lại băng cũ, nghe mười lần, hai mươi lần, nghe hoài chẳng bỏ, thì sẽ từ từ hiểu được đạo lý, tâm ngày càng thanh tịnh, tâm ngày càng định, như vậy thì Ma sự sẽ giảm ít, Ma chẳng thể làm gì được, Ma muốn nhiễu loạn cũng chẳng tìm được cơ hội. Chỉ cần bạn thực sự làm thì Ma cũng sẽ cảm động, không những Ma chẳng nhiễu loạn mà còn đến hộ pháp nữa, đây là việc chúng ta phải biết. Thế nên nghe kinh quan trọng hơn bất cứ chuyện gì.

Ðạo tràng phải có Học, phải có Ðạo. ‘Học’ là mỗi ngày đều giảng kinh, nghe kinh. Chữ Ðạo ở đây là trì danh niệm Phật, Phật hiệu chẳng gián đoạn trong Niệm Phật Ðường, người niệm Phật chẳng gián đoạn. Có Ðạo, có Học mới có thể ‘trên đền tứ ân, dưới độ tam khổ’.

d. Buông xuống

Cần phải buông xả những chuyện tạp nhạp trong thế gian và xuất thế gian, buông xuống chẳng phải buông xuống trên Sự tướng, mà là buông xuống trong tâm, trong tâm chẳng tiêm nhiễm mảy tơ. Người xuất gia chủ trì đạo tràng phải hộ trì đạo tràng nên phải phát họa các hoạt động nhằm giúp đỡ mọi người tu học, đây là Sự; Buông xuống là trong tâm chẳng lưu lại dấu vết, vĩnh viễn bảo trì ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’. Tâm địa ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’, hành trì tự hành hóa tha, hóa tha là khi tiếp xúc hết thảy đại chúng đều tương ứng với ‘nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên’, được vậy thì chúng ta trụ trong chánh pháp. Ðề ra mười câu này, mục đích là hy vọng chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, từng ly từng tí gì cũng đều tương ứng. Làm thế nào mới có thể được tương ứng là học vấn, công phu, phải thường học tập, thường thể hội. Nguyên tắc tu hành trong nhà Phật rất nhiều, tổng trì (tức là cương lĩnh) chẳng phải chỉ có một thứ; nắm chắc lấy mỗi cương lĩnh đều có thể quán thông hết thảy các pháp.

e. Sám hối

Ðối với những người nghiệp chướng sâu nặng thì sám hối rất quan trọng. Tam Trọng Diệu Âm Tịnh Tông Học Uyển ở Ðài Bắc mỗi ba tháng cử hành phát lồ sám hối một lần, tất cả các đồng học tụ hợp lại kiểm điểm coi trong ba tháng vừa qua đã làm những chuyện gì sai, nói ra chẳng dấu gì hết, sửa sai đổi mới. Trong Phật môn gọi việc này là ‘Tự tứ pháp hội’, lúc trước là một năm cử hành một lần, hiện nay chúng ta nghiệp chướng nặng, một năm làm một lần không đủ. Tam Trọng Diệu Âm Tịnh Tông Học Uyển ba tháng cử hành một lần, cách làm này đáng được đẩy mạnh và truyền rộng ra.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở Tân Gia Ba chẳng phát lồ sám hối mỗi năm một lần, cũng chẳng phải ba tháng một lần, ông ta sám hối mỗi ngày, mỗi ngày đều phát hiện lỗi lầm của mình, mỗi ngày sửa lỗi nên hai năm gần đây đạo tràng nơi đó vô cùng hưng vượng, thù thắng. Bất cứ người nào phê bình chúng tôi, chúng tôi đều vui vẻ tiếp nhận, hết lòng phản tỉnh, nếu có sai thì sửa, nếu không sai thì ngăn ngừa. Ða số người phê bình đều rất ít tiếp xúc với chúng tôi, chẳng hiểu rõ, có rất nhiều sự hiểu lầm. Nhưng họ nói ra cũng tốt, nếu chẳng có lỗi này thì chúng tôi cố gắng chẳng phạm; nếu có thì khi họ chỉ ra giúp chúng tôi, chúng tôi rất cảm kích, lập tức sửa đổi, họ đều là thiện tri thức. Học Phật như thế thì cả đời đều sinh hoạt với tâm niệm biết ơn, đây thực sự là hạnh phúc mỹ mãn. Có thái độ tu học tốt đẹp thì đạo nghiệp đời này mới có thể thành tựu, sanh hoạt mới mỹ mãn. Nếu vừa nghe người khác nói ra lỗi lầm của chúng ta liền chẳng vui, như vậy là sai lầm to lớn, là mê hoặc điên đảo, lỗi lầm vĩnh viễn chẳng thể sửa đổi trở lại, đây là chướng ngại to lớn trên đạo nghiệp, làm sao có thể thành tựu cho được! Những người thành tựu trong pháp thế gian và xuất thế gian đều mạnh dạn sửa sai, vui vẻ tiếp nhận sự phê bình của kẻ khác.

5.Ý nghĩa quan trọng của việc siêu tiến (siêu độ) (Buổi sáng 30 3 99)

Nhìn một cách cạn cợt thì Tam Thời Hệ Niệm Phật Sự là sự hiển thị của hiếu đạo, nhà Nho coi trọng, cung kính làm chuyện truy niệm công ơn tổ tiên, hiệu quả là đạo đức của dân chúng trở nên sâu dày . Ðây là sự giáo dục tốt đẹp, dạy chúng ta hiếu thân, báo ân, đây là căn bản của đức hạnh. Từ xưa đến nay người Trung Quốc chú trọng hiếu đạo, đặc biệt coi trọng việc tế lễ tổ tiên. Trong ‘Cổ Lễ’ đối với tế lễ rất thận trọng, lễ tiết tương đối nhiều và tỉ mỉ, dụng ý rất sâu!

Trong Phật pháp nếu quan sát sâu thêm một tầng thì ý nghĩa này càng trọng đại. Trong kinh Ðịa Tạng Bồ Tát bổn nguyện, Thế Tôn cụ thể nói rõ, việc siêu tiến (siêu độ) đích thật có hiệu quả. Người nhà của cô gái dòng Bà La Môn và cô Quang Mục lúc sanh tiền tạo ra tội nghiệp cực nặng, sau khi chết đọa vào địa ngục. Tìm cách cứu người thân ra khỏi địa ngục là tâm của người con hiếu. Có thể làm nổi hay chăng? Có thể, vì đức Phật dạy: ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’. Dùng tâm chân thành, tâm từ bi, tu học đúng theo lý luận và phương pháp Phật dạy thì có thể đạt được mục đích này. Nếu chỉ có hình thức siêu độ mà chẳng chuyển biến trên thực chất thì không được; chỉ có thể nói ‘có làm’ tốt hơn ‘chẳng làm’ mà thôi, hiệu quả thực sự rất khó nói.

Phương pháp [siêu độ] dùng trong kinh Ðịa Tạng là phương pháp niệm Phật, thế mới biết phương pháp niệm Phật vô cùng thù thắng. Niệm Phật nhất định phải niệm đến lúc có công phu thì mới đạt được hiệu quả; nếu niệm Phật chẳng có công phu, niệm càng nhiều, chẳng chuyển cảnh giới nổi thì hiệu quả của việc siêu độ sẽ chẳng đạt được. Cô gái Bà La Môn niệm Phật một ngày một đêm nhìn thấy địa ngục trong lúc nhập định, gặp quỷ vương, quỷ vương nói với cô rằng mẹ cô đã sanh đến cung trời Ðao Lợi. Tại sao bà có thể sanh lên trời? Vì bà có người con hiếu thảo, y theo lời dạy của Phật mà siêu độ cho bà, chẳng những bà được sanh lên trời, những chúng sanh cùng chịu tội trong địa ngục với bà cũng được hưởng phước lây, họ đều được sanh lên trời. Cô niệm Phật một ngày một đêm có chuyển biến như thế nào? ‘Chuyển phàm thành thánh’. Cô được nhất tâm bất loạn, được nhất tâm bất loạn tức là thánh nhân, chẳng còn là phàm phu, cho nên quỷ vương xưng cô bằng Bồ Tát, đây là cảnh giới trong định. Do đó mới biết lời trong kinh Di Ðà nói: ‘Nếu [niệm] một ngày, nếu hai ngày, đến bảy ngày nhất tâm bất loạn’ là chẳng giả dối. Cô Bà La Môn niệm hết một ngày một đêm, công phu của cô sâu cạn thì chúng ta chẳng biết nhưng khẳng định là cô đạt được ‘nhất tâm bất loạn’. Nhất tâm bất loạn có cạn sâu chẳng đồng, có Sự Nhất Tâm, Lý Nhất Tâm. Nếu là Lý Nhất Tâm thì như kinh Hoa Nghiêm có nói, bốn mươi mốt vị Pháp Thân đại sĩ chứng được Lý Nhất Tâm; cấp bậc cạn sâu của Lý Nhất Tâm gồm có bốn mươi mốt cấp bậc. Lý Nhất Tâm đã vậy thì Sự Nhất Tâm cũng chẳng ngoại lệ, chứng được Sự Nhất Tâm Bất Loạn, công phu tương đương với A La Hán, Kiến Tư phiền não đã đoạn dứt. Kiến Tư phiền não chưa đoạn là công phu thành phiến, cho nên thấp nhất thì cô cũng đạt được Sự Nhất Tâm Bất Loạn.

Cô Bà La Môn có thể chuyển phàm thành thánh là do má cô giúp. Nếu má cô chẳng tạo tội nghiệp, chẳng đọa địa ngục thì cô sẽ chẳng niệm Phật, cô vĩnh viễn sẽ là phàm phu, vì vậy công đức của má cô là ở chỗ này, nhờ bà có công đức nên mới sanh lên trời được. Chúng ta hiểu đạo lý xong mới biết muốn siêu độ người thân trong nhà thì phải phát tâm chân thật, tự mình phải tu hành chân thật, chân chánh tu hành chứng quả, hồi hướng công đức cho họ. Họ đọa lạc bắt buộc chúng ta không tu không được, nếu mình chẳng tu thì họ không được độ, họ phải chịu khổ; nếu mình chân tu, làm ra thành tích thì họ có thể lìa khổ, thế nên hai bên giúp đỡ thành tựu cho nhau.

Hôm nay chúng ta làm Phật sự, làm theo nghi thức, nếu cảnh giới của chúng ta chẳng thể chuyển biến thì hiệu quả của sự siêu độ vô cùng yếu ớt. Họ ở cõi địa ngục thì vẫn ở địa ngục; ở cõi ngạ quỷ thì vẫn ở cõi ngạ quỷ. Nếu trong khóa Phật sự này tâm niệm của người siêu độ có thể thay đổi, có thể làm được ‘chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ’, người được siêu độ sẽ được lợi ích; nếu trong khóa Phật sự này thật sự có thể làm được ‘chuyển phàm thành thánh’ thì người được siêu độ chắc chắn sẽ thoát ly ác đạo.

Cô Quang Mục cũng niệm Phật nhưng công phu cạn hơn một chút, chẳng đạt được nhất tâm bất loạn, chỉ đạt được công phu thành phiến, nên chỉ có thể được cảm ứng trong giấc mộng. Trong mộng, Phật nói cho cô biết mẹ cô đã thoát ly ác đạo, và sanh vào cõi người. Mẹ cô Bà La Môn sanh lên trời Ðao Lợi, còn mẹ cô Quang Mục sanh làm con của người đầy tớ trong nhà. So sánh hai người này thì công phu của cô Quang Mục thấp hơn một bậc nên hiệu quả cũng giảm xuống một bậc. Từ đó có thể biết tiếp nhận [lời thỉnh cầu] siêu độ cho người ta chẳng dễ. Tín đồ lấy tiền cung cung kính kính mời bạn siêu độ cho người nhà của họ, nếu bạn siêu độ chẳng nổi, nhưng bạn đã thâu tiền của người ta rồi, phiền phức lớn lắm! Cả đời tôi chẳng dám làm việc này vì tôi hiểu đạo lý và chân tướng sự thật trong đó. Cho nên làm Phật sự thì đừng thâu một đồng xu cắc bạc gì hết, phải dùng tâm chân thành, tận tâm tận lực mà làm thì đối với họ sẽ có ích lợi. Nếu siêu độ mà còn trả giá, kèo nài tiền bạc, chẳng những một tí hiệu quả gì cũng không có mà còn ‘tác dụng phụ’ nữa, đây là điều mà chúng ta phải hiểu. Do đó mới biết chỉ cần tự mình làm thật sự, tự mình có công phu chân thật thì hình thức chẳng quan trọng.

Trong cuốn Ảnh Trần Hồi Ức Lục của lão pháp sư Ðàm Hư có ghi một câu chuyện gọi là ‘Tám năm đóng cửa đọc Lăng Nghiêm’ . Lúc đó ngài còn chưa xuất gia, cùng vài người bạn đồng tham (bạn đạo) cùng nhau học tập kinh Lăng Nghiêm. Họ dùng tám năm để học bộ kinh này, có được một phần thành kính và cũng được chút ít công phu. Họ hùn vốn lập ra một tiệm bán thuốc Bắc, một hôm vào bữa trưa chẳng có khách, một người trong nhóm ngủ gục ở quày bán thuốc. Ðang lúc mơ màng trong giấc ngủ thì nhìn thấy hai người đến tìm ông ta, hai người này là oan gia chủ nợ của ông. Lúc hai người này còn sống vì xích mích tiền bạc nên phải thưa kiện, kết quả là ông thắng kiện và hai người thua kiện này treo cổ tự tử. [Nhìn hai người này đến ông cũng hơi lo, sợ họ lại đòi nợ] Hai linh quỷ này đi đến trước mặt ông quỳ xuống, ông ấy hỏi:

‘Các ông đến làm gì?’

Họ nói: ‘Chúng tôi đến cầu xin siêu độ’.

Nghe xong ông mới hơi yên tâm và hỏi: ‘Tôi làm sao siêu độ cho các ông?’.

‘Chỉ cần ông chấp thuận là được’.

‘Ðược, tôi sẽ siêu độ cho các ông’.

Nói xong ông thấy hai linh quỷ này đạp lên đầu gối và vai của ông xong rồi bay lên trời, ông chẳng phải làm một nghi thức gì để siêu độ cả.

Sau đó lại nhìn thấy hai linh quỷ khác, một là vợ lúc trước của ông, hai là con ông. Hai người này cũng đến xin ông siêu độ. Ông chấp thuận và thấy hai linh quỷ này cũng đạp lên đầu gối và vai của ông rồi bay lên trời.

Ðạo lý của câu chuyện này là như thế nào? Giống như đạo lý nói trong kinh Ðịa Tạng, ông này đọc kinh Lăng Nghiêm sau tám năm cũng có công phu. Nếu tu hành chẳng có công phu, quỷ cũng chẳng chịu đến tìm bạn; nếu họ đến tìm bạn thì chứng minh rằng công phu của bạn có thể giúp đỡ cho họ.

Bởi vậy nên tôi khuyên các vị đồng học, hiện nay đã học được kỹ thuật nói chuyện trên giảng đài, đức hạnh rất quan trọng, có đức hạnh mới có thể siêu độ cho oan gia chủ nợ. Nếu chẳng có đức hạnh thì giảng kinh thuyết pháp chỉ là phước đức, phước đức chẳng thể xuất tam giới, chỉ được quả báo tốt ở đời sau; giảng kinh thuyết pháp là tu bố thí pháp, đời sau sẽ được thông minh trí huệ. Nếu có đức hạnh thì giảng kinh thuyết pháp là công đức, dùng công đức ấy hồi hướng cầu sanh Tịnh độ thì chắc chắn sẽ được sanh. Chúng ta phải hiểu rõ ràng những đạo lý và chân tướng sự thật này, chúng ta phải biết cách làm lễ siêu độ Phật sự Tam Thời Hệ Niệm này như thế nào.

Tôi đã giảng Tam Thời Hệ Niệm, tại sao phải giảng? Nếu chẳng giảng thì không [hiểu đạo lý và khi làm Phật sự không] thể khế nhập vào cảnh giới. Các đại đức thời xưa thường dạy chúng ta khi đọc kinh, nghiên giáo phải ‘tùy văn nhập quán’, tùy văn nhập quán tức là khế nhập vào cảnh giới, nếu chẳng hiểu câu văn này thì làm sao có thể nhập cảnh giới được! Nhất định phải giảng rõ phương pháp để cho hết thảy những người tham gia đều hiểu rõ, lúc [hiểu rõ và] đọc câu văn ấy thì cảm thọ sẽ khác; nói cách khác tức là chuyển cảnh giới. Tuy thời gian chuyển cảnh giới chẳng dài, làm xong thì đều quên hết, nhưng trong lúc làm có thể khế nhập vô đôi chút cũng tốt, cũng có thể sanh ra một ít hiệu quả. Nếu thật sự có thể khế nhập và chẳng thoái chuyển thì công đức sẽ lớn vô cùng, người mình muốn siêu độ sẽ thực sự được độ. Cùng một đạo lý ấy, tu hành bất cứ pháp sự nào cũng phải giảng kỹ càng về nội dung của pháp sự đó, đều phải nghiên cứu đàng hoàng, tốt nhất là những người tham gia đều hiểu rõ thì pháp sự này sẽ thù thắng phi thường. Dùng phương pháp khoa học hiện đại để giải thích những đạo lý này thì đó chính là hiện tượng ba động (làn sóng). Tu học, đọc kinh, niệm Phật đích thực là có hiệu quả, không những nâng cao cảnh giới của mình, đối với người thân, quyến thuộc thậm chí đến hết thảy chúng sanh đều có ích lợi. Ích lợi nhiều hay ít, lớn hay nhỏ hoàn toàn tùy thuộc vào cách dụng tâm của mình, tâm càng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, thì hiệu quả càng thù thắng. Nếu trong đó xen tạp nghi ngờ, âu lo, xen tạp vọng tưởng, phiền não thì công phu sẽ bị phá hoại hoàn toàn, phải hiểu rõ nghĩa lý này.

Trong truyện ký có chép một câu chuyện, Thích Kế Quang là một vị tướng đời Minh, ông là một Phật giáo đồ rất thuần thành. Có lần nằm mộng, gặp một người lính đã chết ngoài trận đến xin siêu độ, xin ông niệm kinh Kim Cang để hồi hướng cho ông lính, ông tướng này chấp thuận. Hôm sau ông dùng tâm rất cung kính để niệm một bộ kinh Kim Cang, niệm đến phân nửa, người hầu trong nhà rót cho ông một tách trà, ông chẳng nói gì chỉ dùng tay vẩy vẩy có ý muốn nói ‘không cần’ nên người hầu mới bưng tách trà đi khỏi. Ðêm đó ông nằm mộng thấy người lính này đến cám ơn, người lính nói: “Tôi chỉ được nửa cuốn, vì trong đó ông đã ‘nhét’ vô một chữ ‘không cần’”. Niệm một bộ kinh mà xen tạp một chữ ‘không cần’ thì hiệu quả đã giảm mất phân nửa. Ðến ngày hôm sau ông tướng này phải niệm lại một cuốn kinh để hồi hướng cho người lính. Cho nên công phu kỵ nhất là xen tạp, một khi xen tạp thì công phu sẽ mất hết. Cũng chính vì vậy nên người xưa nói ‘Ðọc kinh chẳng bằng niệm chú, niệm chú chẳng bằng niệm Phật’, tại vì càng đơn giản, càng ngắn thì càng chẳng dễ xen tạp. Chân chánh làm được chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn mới là công phu.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Duyên Và Sám Hối