Này các vị thiện nhân! Thế gian tu hành có ngàn con đường, có vạn nẻo đường, cớ sao chỉ khuyên người niệm Phật? Ấy là do một niệm của con người rất là quan trọng. Lôi hồn dẫn phách, tạo mạng sanh thân, không điều gì chẳng do nó! Do niệm lành nên lên thiên đường, bởi niệm ác nên xuống địa ngục. Trong một niệm sanh thẳng làm người, trong một niệm sanh ngang thành thú.
Cớ sao trở thành ngạ quỷ? Chỉ bởi tâm niệm chẳng no đủ. Niệm ma sẽ thành ma, niệm Phật liền thành Phật. Nếu muốn thoát lục đạo không cách nào khác ngoài Niệm Phật. Còn nếu như chẳng niệm Phật thì một phen đánh mất thân người, muôn kiếp khó có lại được.
Bởi vậy, đức Thích Ca Như Lai khai thị niệm Phật, Viễn công pháp sư (tổ Huệ Viễn) hoằng dương niệm Phật. Nếu niệm Phật chẳng thể hết khỏi sanh tử thì lẽ đâu Phật, Tổ cam đành dối người hay sao?
Niệm Phật chẳng thành Phật thì lỗi ấy chẳng phải tại Phật. Miệng niệm tâm chẳng niệm thì dù có niệm cũng như chẳng niệm; dù có niệm cả đời cũng trọn chẳng có ích gì!
Chữ Niệm phát xuất từ tâm, vốn chẳng từ miệng. Niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng ra. Tâm Phật, miệng Phật, niệm niệm nối nhau, chẳng bị vọng duyên xen tạp; đó gọi là nhất tâm bất loạn.
Hoặc có kẻ bảo: Có cả ngàn đức Phật, vạn đức Phật, cớ sao chỉ niệm A Di Ðà Phật?
[Ðó là] Do khi ngài còn tu nhân, có [phát thệ] bốn mươi tám nguyện trang nghiêm Cực Lạc, thề độ kẻ mê. Trong các nguyện ấy, có nguyện: ‘Hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới, nếu ai xưng danh ta ắt sẽ sanh về nước ta. Nếu chẳng được vậy, thề chẳng thành Phật” . Vì vậy trong thế gian, dù tăng dù tục, già, trẻ, hiền, ngu, không ai chẳng xưng niệm A Di Ðà Phật.
Ô hô! Nhân gian phú quý đến trăm tuổi cũng thành không. Phồn hoa cõi trời ngàn năm cũng hết. Một khi sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới thì sống lâu vô lượng, mà cái pháp vãng sanh lại chỉ độc một câu Di Ðà. Thế gian có sự tốt lành quá tiện nghi như thế ấy, ai lại chẳng chịu hành theo, nào ai nghĩ đến chuyện xỏ giày sắt đi tầm đạo nữa!
Từ nay trở đi, phải gấp nên phát ra thệ nguyện: “Nếu tôi chẳng niệm Phật, chẳng cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới thì vĩnh viễn làm quỷ, súc sanh, vĩnh viễn đọa vào địa ngục vậy”. Ba Tạng mười hai bộ nhường cho kẻ khác ngộ, tám vạn bốn ngàn môn dành cho kẻ khác hành. Ngoài một câu Nam mô A Di Ðà Phật ra, không làm gì khác!
Ai nấy nên tự quét dọn một gian tịnh thất, thờ một bức tượng Phật; mỗi ngày đốt một lò hương sạch, thay một chén nước trong, tối đến thắp một ngọn đèn sáng. Coi tượng vẽ trên giấy hay tượng gỗ khắc hệt như Phật thật, sáng viếng chiều thăm, chí thành cung kính. Một xâu chuỗi chẳng rời tay, một câu Di Ðà chẳng ngơi miệng.
Niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng, niệm sáu chữ, niệm bốn chữ, niệm gấp, niệm thong thả, niệm rõ ràng, niệm thầm, chắp tay niệm, quì gối niệm, đối trước Phật mà niệm, hướng về Tây mà niệm, gõ mõ niệm, lần chuỗi niệm, đi kinh hành niệm, lễ bái niệm, niệm một mình, niệm chung với người khác, niệm trong nhà, niệm ngoài đường, nhàn cũng niệm, bận cũng niệm, đi cũng niệm, đứng cũng niệm, ngồi cũng niệm, nằm cũng niệm, trong mộng cũng niệm; đấy mới là chơn niệm.
Niệm đến mức tâm xót lệ ứa, niệm đến mức lửa tắt tro tạnh, niệm cho thần gào, quỷ khóc, niệm đến nỗi trời vui đất mừng. Vạc sôi sau lưng, ao sen trước mặt, dẫu ngàn vạn người ngăn trở không cho ta niệm cũng chẳng làm gì nổi.