Các Bà la môn đều nói "Phạn thiên là cha sinh ra muôn vật, là đấng tạo thế chủ". Khi ấy có một người đệ tử của Phạn thiên nghĩ rằng "tôi cũng có thể tạo vạn vật". Người ngu si này tự cho mình có trí, thưa với Phạn thiên "tôi cũng muốn tạo vạn vật". Phạn thiên khuyên "đừng nghĩ như vậy, ông không thể tạo vạn vật". Người này chẳng quản thiên ý, tự tạo vạn vật. Phạn thiên sau khi thấy tác phẩm sáng tạo của đệ tử liền phê bình "ông tạo đầu thì quá to, cổ lại nhỏ bé, bàn tay lớn mà cánh tay nhỏ, chân bé mà gót to, thật giống như quỷ tỳ xá na".
Nghĩa trên cho thấy mỗi thứ tự nơi nghiệp tạo, mà không do Phạn thiên tạo. Chư Phật thuyết pháp, như bát chính đạo không chấp nhị biên, chẳng chấp đoạn cũng chẳng chấp thường. Ngoại đạo vì chấp đoạn hoặc thường, nên phát sinh chấp trước khi dối thế gian, nói tương tợ với pháp, nhưng thật sự là phi pháp.
Lời Bình :
Tôn giáo thường cho mọi sự vật từ vô tình đến hữu tình, đều do Thượng đế sáng tạo. Thượng đế được định nghĩa là nguyên nhân đầu tiên, sinh ra mọi quả, hay một đấng vô sinh, tự hiện hữu. Thượng đế trên danh nghĩa là bậc sáng tạo muôn loài, song thật tế lại là sản phẩm do con người đẻ ra, vì vậy Thượng đế có đầy đủ yếu tố của tác giả là con người, có nghĩa Thượng đế cũng có thức phân biệt nhị biên, tắng ái, thiện ác, khổ lạc. Nếu Thượng đế thực sự sáng tạo muôn loài, tất nhiên muôn loài đều như ý Thượng đế, thế nhưng do đâu có ma quỷ, có ác, có khổ, nếu những thứ này đều không do Thuợng đế tạo nên, vậy chúng từ đâu ra, chúng cũng là bậc vô sinh?, và cũng là một nguyên nhân đầu tiên khác, đồng với Thượng đế?, như vậy ý nghĩa của Thượng đế bị sai lạc, vì Thượng đế không đúng nghĩa là bậc sáng tạo chủ của tất cả muôn loài.
Con người khi đẻ ra Thượng đế từ trí tưởng tượng, ban đầu cho rằng muôn loài và nhân loại không thể tự nhiên có được, như chúng ta có cha mẹ sinh ra, cha mẹ lại có cha mẹ của cha mẹ, và mọi vật cũng phải từ một nguyên nhân phát sinh, không thể có vấn đề tự nhiên có mọi vật. Khởi đầu từ chỗ phải có nguyên nhân mới có tạo vật, con người đi tìm cái nguyên nhân đầu tiên, chung cục không sao tìm ra chỗ dừng chân trong chuỗi nguyên nhân vô thủy vô chung, nên dừng đại ở một điểm, cưỡng gọi là nguyên nhân đầu tiên, do vậy nguyên nhân đầu tiên này thật chất không hề là nguyên nhân đầu tiên mà do con người đặt tên, nên chỉ là giả danh, một thứ hữu danh vô thực, con người đã không phải Thượng đế, tất nhiên con người làm sao phán và ban cho nguyên nhân nào là đầu tiên được. Như vậy từ ban đầu do không tin là tự nhiên mà có, nên phải tìm nguyên nhân, cho đến khi ý thức truy tìm đến tận bến bờ giới hạn của nó mà vẫn bế tắc không đáp án, thì đành cưỡng đặt sự bế tắc đó là nguyên nhân đầu tiên tức Thượng đế. Ý thức về Thượng đế tự tương mâu thuẫn, ban đầu vì lý do không tin tự nhiên có vạn vật, nên truy tìm nguyên nhân, rốt cục nhìn nhận tự nhiên là Thượng đế. Thượng đế là sáng tạo chủ nên không có ai sáng tạo Thượng đế, vì vậy không có nguyên nhân tạo thành Thượng đế, nên gọi Thượng đế là nguyên nhân đầu tiên, hay nói đúng hơn Thượng đế là nguyên nhân tự nhiên có. Song đã là nguyên nhân thì không thể có đầu tiên được, nên 4 chữ nguyên nhân và đầu tiên đó là mối mâu thuẫn.
Do vậy Thượng đế là tổng hợp bởi các thứ bế tắc cũng như mâu thuẫn của ý thức trong việc tìm kiếm nguyên nhân đầu tiên. Bế tắc vì tìm không ra nguyên nhân đầu tiên. Mâu thuẫn do lấy tự nhiên làm nguyên nhân đầu tiên, như vậy Thượng đế thuộc về tự nhiên hiện hữu. Thượng đế đã đồng với tự nhiên vậy thì mọi sáng tạo của Thượng đế phải có tính tự nhiên thành, mà không dựa vào nguyên nhân nào, nhưng nếu tự nhiên thành, ắt không còn nghĩa sáng tạo nữa.
Những thứ tổng hợp thành sáng tạo chủ này, rất khế hợp với vô minh trong Phật pháp. Phật pháp coi sáng tạo chủ là vọng thức vô minh, vô minh có đặc tính mâu thuẫn của nhị biên, vô minh tự sinh và là nguyên nhân đầu tiên của mọi vật, do vô minh nên bế tắc, vì "dĩ huyễn vi thật" (nhận huyễn là thật), do vậy mọi sáng tạo phẩm đều mang tính huyễn, mâu thuẫn và bế tắc. Mê thất chân lý, lấy vọng làm chân gọi là vô minh, bản thân của vô minh là vọng nên mọi tạo phẩm của vô minh cũng vọng, như gã học trò tạo vật giống như ý tưởng quái đản của gã. Chính vì vậy đức Phật gọi mọi sáng tạo phẩm này là thế gian, thế gian là tên gọi của cảnh giới vọng huyễn phi thật, nên bất kì thiên đường hay địa ngục nào ở thế gian, thật chất cũng là huyễn hóa. Cảnh giới chân thật không thuộc nhị biên, nên không có sự chọn lựa thủ xả, khổ lạc thiên đường địa ngục. Chân thật chỉ có một, không có hai chân thật, Phật pháp gọi là nhất thật. Cảnh giới nhất thật lìa nhị biên nên cưỡng gọi là xuất thế gian.
Như câu chuyện mò vàng dưới ao, người con theo thức phân biệt thấy chính xác có vàng dưới ao, vì vậy mà ném thời gian cùng thân tâm vào lao nhọc cấu nhiễm, và đó là thành quả duy nhất đạt được, người cha theo trí quán thấy sự hư ảo của thức, nên thời gian và thân tâm được khinh an bất động, lìa mọi cấu nhiễm, đó chính là chân kim.
Phàm nhân vô trí không biết do vô minh của ta tạo ra mọi vật nơi ta, lại vọng tưởng có vị sáng tạo chủ tạo ra muôn loài, mà chính ta cũng mơ hồ và không biết rõ thật hư về vị sáng tạo chủ. Lý do cũng bởi lấy cái ta vô minh suy nghĩ về một Thượng đế sản phẩm của vô minh, nên chỉ thấy bế tắc và mâu thuẫn của vô minh, và không tài nào hình dung ra nổi một Thượng đế chân thật hoàn hảo.
Thượng đế này tự tạo ra nghịch cảnh cho chính mình, đó là ma quỷ, lại tạo ra muôn loài không thèm tuân thủ sáng tạo chủ (?), nên Thượng đế phải răn dậy sản phẩm của mình, nếu thứ nào không nghe theo sẽ bị lưu đầy xuống địa ngục, nếu ngoan ngoãn nghe lời được đưa về thiên đường. Con người khi chết bỏ thân xác, chỉ còn lại linh hồn, linh hồn sẽ được Thượng đế soi xét, nếu thiện thì lên thiên đường, nếu ác thì xuống địa ngục. Việc này có hai vấn đề. Thứ nhất nếu Thượng đế ưu tiên xét xử, chọn lựa người tốt, số bị chê thì ném xuống địa ngục cho ma quỷ. Ma quỷ không có quyền chọn lựa?. Nếu ma quỷ không chọn lựa được, mà chỉ chấp hành theo sự chọn lựa của Thượng đế, thì ma quỷ có gì đáng sợ, khi chúng tuân theo Thượng đế, vậy thì lũ ma dân là đám người bị cho là tay sai của quỷ, do đâu dám chống lại Thượng đế. Nếu nói ma và Thượng đế cùng chọn nhưng tiêu chuẩn không đồng, nên thiện nhân có thiện quả là thiên quốc và ác nhân có ác quả là địa ngục, vậy thì những người không được cả hai bên chọn thì sao?. Hơn nữa nếu cứ tự động theo nhân mà được quả lên hay xuống thì làm gì có chuyện chọn lựa của Thượng đế hay ma quỷ. Như vậy cả Thượng đế lẫn ma quỷ đều vô quyền thưởng thiện phạt ác hay chọn lựa, mà quyền lực đó hoàn toàn về tay nhân quả và nghiệp lực, thậm chí cả ma quỷ và Thượng đế cũng bị lực nhân quả ban thưởng hay trừng trị. Thượng đế và ma quỷ không sao phá được lực nhân quả, cũng như thoát nổi nghiệp lực. Dụ như ma quỷ không thể bắt được bậc thánh về cõi mình để hành hạ trả thù, hay Thượng đế cũng không thể bất chấp nhân quả cho kẻ ác lên thiên đường hưởng lạc. Cả hai đối thủ Thượng đế và ma quỷ đấu đá với nhau trong quy luật của nhân quả, nói cách khác nhân quả là trọng tài của sự đấu tranh này, và có quyền quyết định hơn cả Thượng đế lẫn Ma vương. Như vậy nhân quả có quyền lực và sức mạnh hơn cả Thượng đế và ma quỷ. Phật pháp trọng nhân quả nên chẳng cầu Thượng đế, chẳng sợ ma quỷ.
Thứ hai con người bao gồm linh hồn và thể xác, nếu con người đều do Thượng đế tạo ra, tất nhiên cả linh hồn lẫn thể xác có hình thức và nội dung thế nào đều tùy thuộc người sáng tạo. Như vậy vì sao Thượng đế tạo ra những hình hài quá chênh lệch về thẩm mỹ, cũng như độ bền vững (sức khỏe và thọ mạng), hình hài là món quà tặng suốt đời cho con người, một món quà không bình đẳng, và thậm chí còn tàn nhẫn không tưởng với những con người hình dáng không thành người, mà một phàm phu với khối tình cảm nhỏ bé như hạt cát, so với bác ái của Thượng đế, còn bất nhẫn không nỡ nhìn và sinh lòng thương xót (tựa như đệ tử của Phạn thiên tạo vật). Thượng đế có chịu trách nhiệm và sửa sai lại việc tạo sản phẩm không đúng quy cách này không?
Đó là thể xác, còn về mặt tinh thần cũng chứng minh được sự sáng tạo vô trí và bừa bãi của sáng tạo chủ, khi mà sản phẩm do ngài sáng tạo đã chống lại ngài, làm ngài phiền não, và phải dậy chúng biết thiện ác, mà ngay khi sáng tạo linh hồn hình như đã thiếu cài sẵn hệ thống thiện, và lại thế bằng hệ thống ác, khiến những linh hồn được ngài sáng tạo trở thành cánh tay của quỷ ở thế gian, gây tổn hại cho tha nhân, và như vậy Thượng đế phải hồi đầu sám hối, chịu trách nhiệm tạo thêm vây cánh cho ma quỷ, để gieo rắc khổ đau cho con người. Và thay vì ngài trừng phạt kẻ ác sản phẩm của ngài, thì nên tự phạt, và ngưng ngay lập tức sáng tạo những sản phẩm tai họa này. Đến ngay như tại thế gian nếu sản phẩm gây hại cho người thì người sáng tạo bị trừng phạt, thay vì chỉ trừng phạt sản phẩm. Ngoài ra có linh hồn thì thuần thiện, có linh hồn thì cài cả hai hệ thống thiện ác, nên phải thử thách để ban thưởng hay trừng phạt. Một số đông linh hồn và thể xác của Thượng đế tạo ra đã theo ma quỷ chống lại ngài chủ nhân. Những linh hồn này độc lập không chịu sự chi phối của sáng tạo chủ (?) chạy theo ma quỷ. Ma không biết "tạo vật" như Thượng đế, nhưng nhờ cái vô trí của Thượng đế nên ma gián tiếp được Thượng đế cung cấp sản phẩm và tôi đòi, càng lúc càng nhiều, còn ai là bạn tốt của ma hơn Thượng đế lẩm cẩm nọ. Rốt cuộc Thượng đế chống hay giúp ma?. Với Phật pháp Thượng đế và ma là anh em song sinh, có anh này tất có anh kia, và đều do vô minh tạo ra, nên tương sinh và tương diệt, viễn ly cả hai thiện ác này mới lìa vô minh được, như lục tổ Huệ năng khai thị cho Huệ minh vậy. Những linh hồn thể xác được Thượng đế sáng tạo, hiện hữu ở thế gian chỉ để làm thế gian thêm tội lỗi và đau khổ, Thượng đế có biết điều đó không? Và nếu ngài xuất hiện chắc cũng bị bắt giữ đưa ra pháp đình để trả lời những câu hỏi này, và về những sáng tạo thất trách và thiếu trách nhiệm của ngài.
Những chứng minh này không để kết tội Thượng đế, mà để minh oan cho ngài và kết tội kẻ tạo ra sản phẩm Thượng đế, đó là vô minh của con người. Vô minh đó mới sáng tạo những sản phẩm đầy ắp tính vô minh cực kì như vậy, dưới nhãn hiệu rất bác ái và trí huệ đó là Thượng đế. Thượng đế và ngay đến ma quỷ cũng chỉ là nạn nhân của vô minh vọng thức, bởi trước tòa án nhân quả, Thượng đế chưa từng bị cáo buộc về tội tạo ra những sản phẩm nguy hại cho chúng sinh. Mà trách nhiệm tạo thành những sản phẩm đó chính là vô minh vọng thức của chúng sinh. Nhờ vậy Thượng đế được minh oan và vẫn bình an trên thiên đường. Những bản án nhân quả dành cho Thượng đế và ma quỷ, chung cục kẻ chịu thọ án này lại chính là chúng sinh. Thế mới biết chúng sinh sáng tạo từ Thượng đế đến ma quỷ, nên cả hai đều tự nhiên hiện hữu, đồng với cái vô minh tự nhiên hiện hữu của chúng sinh, tựa như hoàn cảnh trong giấc mơ tự có nhưng không thật, từ khi có vô minh chúng sinh thấy mình hiện hữu trong vô minh, tức chẳng biết mình ở đâu ra, rồi chết đi về đâu, chẳng biết một thứ gì.
Do vậy nhận chân rằng không phải Phạn thiên sáng tạo con người, gã đệ tử trong câu chuyện muốn sáng tạo vật, nhưng gã chỉ sáng tạo được theo nghiệp thức của gã vì vậy không thể hoàn chỉnh. Sáng tạo phẩm đều do nơi nghiệp thành, nên không thể vượt ra ngoài nghiệp được.
Do ngoại đạo chấp có Thượng đế và ngài sáng tạo nên muôn loài bao quát con người, vì thế mà ngoại đạo từ vọng thức này sinh khởi vọng thức đoạn và thường. Do chấp linh hồn và thể xác là thật, khi chết thì còn linh hồn, linh hồn này sẽ còn mãi hay diệt mất, thành nhị chấp thường đoạn. Chấp thường cho linh hồn bất tử, thọ thai và có thân khác cứ vậy không dứt nên nói là thường, còn đoạn ngược lại, sau khi chết linh hồn cũng chết theo thể xác. Phật pháp vốn biết muôn loài là sản phẩm của vô minh không thật, nên biết rõ làm gì có linh hồn hay thể xác, để bàn đến thường hay đoạn.
Cái linh hồn thường còn hay đoạn diệt đó chính là vọng tâm, tâm này đã vọng tất thường đoạn đều vọng, thậm chí mọi thứ khởi sinh từ đây đều vọng. Nói đúng hơn Thượng đế và thiên đường, ma quỷ và địa ngục chẳng qua đều chỉ là sản phẩm của vọng tâm, như câu chuyện "Hòa thượng và kiếm khách" bàn về thiên đường và địa ngục có thật hay không?.
Phật pháp cho vọng thức chỉ huy năm ấm tạo vọng nghiệp, vọng nhận thâm tâm, những thứ vọng này gọi là nghiệp, gọi chung là vọng nghiệp, luôn chấp ngũ ấm là thân tâm, nên lưu chuyển luân hồi, nơi tứ ấm là tâm đó thật chẳng có tâm hay linh hồn, mà chỉ là vọng tưởng vọng nhận, như nằm mơ thấy cảnh mơ là thật. Khi "chiếu kiến ngũ uẩn giai không" thì như người tỉnh lìa bỏ giấc mộng, chẳng có thường đoạn của giấc mộng nữa.
Như gã học trò "tạo vật" theo năng lực yếu kém của chính mình, do vậy mà "vật" được tạo mới có hình dạng "dễ sợ", cũng vậy chúng sinh từ vọng tạo cho mình những "tạo phẩm" từ thân tâm đến cảnh giới đều khiếm khuyết một cách rất "dễ sợ".