Từ xưa đến nay người giác ngộ chẳng nhiều.  Trong Tịnh Ðộ Tông thời Ðông Tấn, tại Lô Sơn, Viễn Công đại sư chỉ có một trăm hai mươi ba người vãng sanh, đây là một hội có nhóm người [vãng sanh] nhiều nhất trong lịch sử.  Còn trong Thiền Tông thì học trò khai ngộ của Lục Tổ Huệ Năng đại sư cũng chỉ có sáu mươi ba người.  Từ những điểm này chúng ta mới hiểu rằng người giác ngộ chẳng nhiều.  Người như thế nào mới có thể giác ngộ?  Những người triệt để hy sinh lợi ích của mình mới có thể giác ngộ, nếu buông xuống danh văn lợi dưỡng thế gian chẳng nổi, buông xuống sự hưởng thọ ngũ dục lục trần chẳng nổi, buông xuống ân oán tình chấp chẳng nổi thì sẽ không có khả năng giác ngộ.  Người chân chánh giác ngộ chẳng phải là người có thiên tài đặc biệt gì cả.  Tôn giả Châu Lợi Bàn Ðà Già, học trò của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là một người ngu độn, ngài làm học trò của Thế Tôn chẳng bao lâu cũng có thể chứng A La Hán, nguyên nhân chính là ngài có thể buông xuống.

Chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp trước đã học Phật rồi, đã gặp Phật, Bồ Tát, đã cúng dường Phật, Bồ Tát, vun trồng thiện căn sâu dầy.  Tại sao vẫn chẳng khai ngộ?  Nguyên nhân là vì chúng ta chẳng triệt để buông xuống tình chấp.  Người triệt để buông xuống tình chấp trong tâm chỉ có một tâm niệm, đó chính là phục vụ cho hết thảy chúng sanh.  Chúng ta thường nghe nói danh từ ‘phục vụ cho dân’, phạm vi của danh từ này còn nhỏ, đây chỉ là pháp giới người trong thập pháp giới.  Còn phạm vi ‘phục vụ cho hết thảy chúng sanh’ mới lớn, ngoài người ra thì chín pháp giới kia cũng bao gồm trong ấy, tâm lượng như vậy thật là vĩ đại!  Nhất định chẳng có Ta, biết là hư không pháp giới hết thảy chúng sanh là chính mình, phục vụ cho chúng sanh chính là phục vụ cho mình, nghĩa lý này rất sâu.

Nếu chỉ vì Ta, chẳng chịu vì người khác, vì chúng sanh thì là mê hoặc điên đảo, mê mất tự tánh, [tâm niệm này sẽ] hại mình, tức là hại mình đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn chẳng thể thoát ly luân hồi; nói rõ hơn một chút vĩnh viễn chẳng thể thoát ly tam ác đạo.  Phải hiểu rằng chúng ta sanh đến cõi người và trời là rất may mắn nhưng thời gian vô cùng ngắn ngủi, trong kinh Phật tỷ dụ chúng ta [sanh đến cõi người cũng như] đi du lịch, tam ác đạo là quê nhà nên thời gian ở tam ác đạo rất dài.  Ðây là nguyên nhân gì?  Là do tự tư tự lợi tạo nên, tham luyến hưởng thọ ngũ dục lục trần trong thế gian tạo nên.  Do đó vì mình là hại mình, vì chúng sanh mới chân thực là lợi ích cho mình.  Những người mê trong lục đạo, mê trong tình dục chẳng hiểu nổi và cũng chẳng giác ngộ những đạo lý và chân tướng sự thật này.

Hôm nay chúng ta vô cùng may mắn hiểu được đạo lý và chân tướng sự thật này nên mới thể hội được vài phần lòng đại từ đại bi của Phật, Bồ Tát.  Và cũng bắt đầu tỉnh ngộ, có thể học tập Phật, Bồ Tát, buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, dùng tâm thương yêu chân thành, bố thí cúng dường một cách vô tư, giúp đỡ hết thảy chúng sanh một cách vô điều kiện, những người như vậy mới giác ngộ, mới khai trí huệ.  Trí huệ và phiền não là một chuyện, lúc còn mê và cũng là lúc chúng ta chưa buông xả tự tư tự lợi, trí huệ của chúng ta đều biến thành phiền não.  Nếu chúng ta buông xả được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, buông xả tự tư tự lợi, vô lượng vô biên phiền não lập tức chuyển biến thành vô lượng vô biên trí huệ.  Trong kinh Phật nói: ‘phiền não tức là Bồ Ðề’, Bồ Ðề là trí huệ; ‘sanh tử tức là Niết Bàn’, đây là một việc.  Tại sao Phật, Bồ Tát có trí huệ?  Phật, Bồ Tát chẳng có [quan niệm] ‘mình’, chỉ có chúng sanh, niệm niệm đều vì hết thảy chúng sanh, đây tức là Phật, Bồ Tát.  Niệm niệm đều nghĩ đến lợi ích của mình, người như vậy là phàm phu, sự sai khác giữa Phật, Bồ Tát và phàm phu là ở tại chỗ này.  Chúng ta thật sự hiểu rõ rồi thì trong quá trình học Phật mới có thể làm được ‘chuyển ác thành thiện’, đây là giai đoạn thứ nhất.

Từ giai đoạn thứ nhất chúng ta nâng cao lên giai đoạn thứ nhì là ‘chuyển mê thành ngộ’; hy vọng nâng cao đến giai đoạn thứ ba là ‘chuyển phàm thành thánh’.  Phàm và thánh là như thế nào?  Tuy đã chuyển mê thành ngộ rồi nhưng chẳng có cách chi thoát ly lục đạo luân hồi thì vẫn là Phàm, thoát ly lục đạo luân hồi mới xưng là Thánh.  Ngoài lục đạo ra còn có A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật, bốn hạng này là Tiểu Thánh, vẫn còn trong thập pháp giới.  Phật pháp có Tiểu Thừa, có Ðại Thừa, đây là bậc thánh của Tiểu Thừa.  Siêu việt thập pháp giới mới chân chánh là Ðại Thánh, tức là bốn mươi mốt vị Pháp Thân đại sĩ nói trong kinh Hoa Nghiêm.  Quan niệm của đại thánh chẳng giống Tiểu Thánh.  Ðối tượng phục vụ, từ bi yêu thương, che chở của Tiểu Thánh là chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới cho nên tâm lượng của họ là tam thiên đại thiên thế giới.  Tâm lượng của Ðại Thánh còn lớn hơn nữa, là tận hư không, trọn khắp pháp giới, chúng sanh trong vô lượng vô biên cõi nước của chư Phật.  Ðối tượng phục vụ, từ bi, thương yêu che chở của họ tức là Ðại thừa trong Phật pháp.  Siêu phàm nhập thánh  là mục đích chân chánh của Thế Tôn và chư Phật Như Lai dạy chúng ta, là hy vọng chúng ta làm Ðại Thánh chứ chẳng làm Tiểu Thánh.

‘Tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’ [68] là tâm lượng của đại thánh.  Tuy người niệm, người đọc hai câu này rất nhiều, nhưng tâm lượng vẫn chẳng thể mở rộng, vẫn chẳng thể bỏ hết tự tư tự lợi, chỉ dùng hai câu này để khen tặng đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Phật Như Lai, hai câu này vĩnh viễn là của người khác, chẳng phải là của mình, đây là lỗi lầm của chúng ta.  Hai câu này là lời chân thật, tâm lượng của hết thảy chúng sanh trong tận hư không, trọn khắp pháp giới đều bao trùm khắp hư không pháp giới.  Từ đây có thể biết trọn hư không pháp giới là chân tâm của chúng ta, là tâm lượng vốn sẵn có của chúng ta.  Phật nói chúng ta đã mê hoặc, đem tâm lượng lớn như vậy mê hoặc rồi, hiện nay biến thành tâm lượng rất nhỏ, ngay cả hai người cũng chẳng dung nạp nổi.  Vừa nghe người ta đồn đãi, hủy báng thì mất ngủ suốt mấy ngày, tâm lượng như vậy quá nhỏ!

Chúng ta học Phật là học cái gì, tự mình phải biết.  Người thượng căn mở rộng tâm lượng, người trung hạ căn sửa lỗi hướng thiện, từ trên sự tướng dần dần sửa đổi hành vi, cách suy nghĩ, cái nhìn sai trái của mình.  Người thượng căn lợi trí tu từ căn bản, căn bản là quan niệm, trong học thuật ngày nay gọi là nhân sinh quan, vũ trụ quan; quan tức là cách nhìn, cái nhìn đối với vũ trụ nhân sanh.  Tu từ căn bản là chuyển biến cái nhìn sai lầm đối với vũ trụ nhân sanh trước kia trở lại giống tri kiến của chư Phật Như Lai, trong kinh Pháp Hoa gọi là ‘nhập Phật tri kiến’.  Chỉ cần thay đổi quan niệm thì toàn bộ tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, hành vi đều sẽ chuyển trở lại, trong nhà Phật gọi người này là người thượng căn lợi trí.

Người thượng căn lợi trí chỉ là thiểu số, chúng ta có thể làm được như người thượng căn lợi trí hay không, đức Phật hiểu và nói cho chúng ta biết chuyện này chẳng khó, chỉ là vì gặp duyên chẳng đồng.  Thực ra tuy nói chẳng khó nhưng vẫn có điều kiện.  Thứ nhất là tâm danh lợi phải lợt lạt một chút, sanh hoạt thường ngày dễ biết đủ, có thể sống một đời sống tự tại vui vẻ với cơm rau đạm bạc, đây là một điều kiện tốt.  Thứ nhì là phải gặp được thiện tri thức, hoặc nếu chẳng gặp được thiện tri thức nhưng gặp được Phật pháp, ưa thích đọc kinh.  Chỉ cần đầy đủ hai điều kiện này, huân tu trong thời gian dài thì độn căn cũng biến thành lợi căn, ngu si cũng sẽ biến thành trí huệ, Châu Lợi Bàn Ðà Già là một thí dụ điển hình.  Do đó nếu chúng ta muốn huân tập thành thượng căn lợi trí nội trong một đời này, chỉ cần làm theo lời dạy của đức Phật, bắt chước theo những đại đức thời xưa, họ có thể thành tựu trong một đời thì chúng ta cũng có thể thành tựu ngay trong đời này.  Thế nên chỉ cần chịu sống một cuộc sống có tiêu chuẩn sanh hoạt thấp và cộng thêm một tính hiếu học là đủ.  Hiếu học thì phải học theo đức Phật, học theo Bồ Tát, học theo tổ sư đại đức, được vậy thì làm sao không thành tựu cho được!

Phiền não ít, trí huệ mở, phiền não đoạn dứt thì trí huệ sẽ viên mãn.  Trí huệ viên mãn, ái tâm viên mãn, phục vụ viên mãn, nhà Phật gọi là đại viên mãn.  Người như vầy rất ít, đúng như lời của Thiện Ðạo đại sư là gặp duyên chẳng đồng.  Ngày nay chúng ta rất may mắn, đầy đủ nhân duyên, hy vọng các bạn đồng tu phải hết lòng nỗ lực, chúng ta hết thảy đều vì pháp giới chúng sanh khổ nạn, nếu chúng ta chẳng thành tựu thì họ sẽ chịu khổ thêm một ngày; nếu chúng ta sớm thành tựu, sớm phục vụ cho họ thì họ sẽ sớm được thoát ly khổ nạn.  Phải thường giữ tâm niệm này để tự khuyến khích, dũng mãnh tinh tấn thì mới viên mãn Bồ Ðề.
______________
[68] Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ