Phật đà Da xá Trung Quốc dịch là Giác Danh. Sư người nước Kế tân, dòng Bà la môn, gia đình nhiều đời thờ ngoại đạo.
Một hôm, có vị sa môn đến nhà khất thực, cha sư nổi giận sai người đánh, ngay lúc ấy tay chân ông ta co rút không thể đi đứng, bèn đến hỏi thầy pháp. Thầy pháp nói:
– Do ông xúc phạm bậc hiền nhân, nên quỉ thần khiến như thế.
Ông liền thỉnh vị sa môn ấy đến, chí thành xin sám hối. Mấy hôm sau liền hết bệnh. Nhân đó, cho Da xá theo xuất gia làm đệ tử. Lúc ấy sư mới mười ba tuổi.
Sư thường theo thầy đi xa. Một hôm, đi ngang vùng hoang dã, nhìn thấy cọp, vị thầy định chạy trốn, nhưng sư nói:
– Con cọp này đã no rồi, sẽ không làm hại người nữa!
Lát sau hổ bỏ đi. Hai thầy trò tiếp tục tiến về phía trước, quả nhiên thấy xương thịt do cọp ăn còn thừa lại bên đường. Vị thầy thầm kính trọng sư.
Năm sư mười lăm tuổi, hàng ngày tụng thuộc mấy vạn lời kinh. Chư tăng trong chùa sư thường ra ngoài khất thực nên bỏ bê tụng tập, chỉ có sư ở chùa tụng kinh. Có vị A la hán quí trọng sư thông minh mẫn tiệp, nên thường đi khất thực đem đến cúng dường.
Năm mười chín tuổi, sư học thuộc mấy trăm vạn lời kinh Đại thừa, Tiểu thừa.
Đến năm hai mươi bảy tuổi, sư thọ giới cụ túc. Sau, sư đến nước Sa lặc, gặp lúc vua nước ấy bị bệnh, nên thiết trai cúng dường chư tăng. Thái tử gặp sư, lòng rất mến mộ, liền mời lưu lại trong nội cung cúng dường.
Nơi đây, ngài La thập theo sư thọ học, vô cùng kính trọng sư. Về sau, La thập đến Quy tư bị Lã Quang bắt giữ, còn sư ở lại Sa lặc hơn mười năm mới đến Qui tư giáo hoá rất hưng thịnh.
Bấy giờ La thập ở Cô Tang, sai người đến thỉnh. Sư muốn đi nhưng mọi người cố giữ, sư đành ở lại khoảng một năm, sau đó bảo đệ tử:
– Ta muốn tìm La thập, con hãy chuẩn bị hành lí, y phục rồi xuất phát, chớ để mọi người biết.
Đệ tử thưa:
– Con sợ sáng mai họ đuổi theo, lại phải trở về.
Sư liền lấy một chén nước sạch hòa thuốc, đọc chú mấy mươi lần rồi đưa cho đệ tử rửa chân, ngay đêm ấy khởi hành. Đến gần sáng đã đi được mấy trăm dặm.
Sư hỏi đệ tử:
– Con thấy thế nào?
Đáp:
– Con chỉ nghe tiếng gió thổi mạnh, nước mắt chảy ra.
Sư lại đưa nước đã tụng chú, bảo rửa chân và dừng nghĩ.
Đến sáng, mọi người đuổi theo, nhưng sư đã đi mấy trăm dặm, nên không theo kịp. Khi đến Cô Tang thì La thập đã vào Trường An. Nghe tin Diêu Hưng ép La thập nhận thê thiếp, bảo làm việc phi pháp. Sư liền than:
– La thập như tấm lụa đẹp, đâu thể khiến vướng vào rừng gai?
Nghe tin sư đến Cô Tang, La thập liền khuyên Diêu Hưng nghinh đón, nhưng chưa được chấp nhận. Sau đó không lâu, Diêu Hưng bảo La thập dịch kinh. Ngài đáp:
– Phàm người hoằng dương giáo pháp phải thông cả văn nghĩa. Bần đạo tuy thông thuộc văn kinh, nhưng chưa thấu nghĩa lí, chỉ có ngài Phật đà Da xá mới đạt đến chỗ nhiệm mầu sâu xa. Hiện ngài đang ở Cô Tang, đại vương nên đến thỉnh. Phàm muốn dịch một lời, cần phải suy xét kỹ rồi mới viết, như thế lời kinh nhiệm mầu mới không sai lầm, tạo niềm tin mãi ngàn năm.
Diêu Hưng nghe theo, liền sai sứ nghinh tiếp, và cúng dường nhiều vật quí báu, nhưng sư đều không nhận, chỉ mỉm cười nói:
– Chiếu chỉ đã truyền, lẽ ra phải lên đường, nhưng đàn việt phải tiếp đãi kẻ sĩ này trọng hậu, còn nếu giống như La thập thì bần tăng không dám nhận.
Sứ về tâu lại đầy đủ, Diêu Hưng khen sư là người thận trọng.
Sư đến Trường An, Diêu Hưng đích thân đến thăm hỏi, lập tinh xá riêng ở vườn Tiêu Dao, cúng dường tứ sự, nhưng sư đều không nhận. Đến giờ, sư đi khất thực, chỉ ăn ngày một bữa.
Trước đây, sư đã học thuộc bộ luật Đàm Vô Đức. Quan Tư lệ hiệu úy Diêu Sảng thỉnh sư đọc lại, muốn thử sư, nên nhờ sư đọc sách thuốc tiếng Khương khoảng năm vạn lời. Sư chỉ xem qua một ngày, rồi xếp sách đọc lại không sai một chữ. Mọi người đều thán phục trí nhớ của sư.
Đến niên hiệu Hoằng Thỉ thứ mười hai (408), sư tụng xong luật Tứ Phần, gồm 44 quyển, và các bộ khác như Trường a hàm .v.v..Bấy giờ, sa môn Trúc Phật Niệm ở Lương Châu dịch ra tiếng Trung Quốc, Đạo Hàm bút thụ[31]. Đến năm Hoàng Thỉ thứ mười lăm (411), hội phiên dịch tạm kết thúc. Diêu Hưng ban cho sư vạn xấp lụa, nhưng sư đều từ chối. Đạo Hàm, Trúc Phật Niệm mỗi người một nghìn xấp lụa; năm trăm sa môn danh đức, đều được cúng dường trọng hậu. Sau khi từ biệt trở về Tây Vức, sư đến nước Kế tân, thỉnh được kinh Hư Không Tạng[32], một quyển, rồi gởi các thương nhân trao cho chư tăng ở Lương Châu.
Về sau không biết sư tịch ở đâu.