Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Na-Lien-De-Le-Da-Xa-Narendrayasas-Dich-La-Ton-Xung
Ngài Na Liên Đề Lê Da Xá Narendrayasas, Dịch Là Tôn Xưng)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài là người nước Ô Trường ở bắc Thiên Trúc, tộc tánh đồng với Phật, tức họ Thích Ca, dòng Sát Đế Lợi. Năm mười bảy tuổi, Ngài phát tâm xuất gia, rồi đi tham tầm minh sư học chánh giáo. Năm hai mươi mốt tuổi thọ giới cụ túc. Tánh tình chất trực và đức hạnh sáng ngời. Nghe các bậc tôn túc thường tán thán các Phật thánh tích như nước này có bình bát của Phật, nước kia có thờ y tăng già lê của Phật, nước nọ có thờ Phật Đảnh Cốt, v.v..., Ngài bèn phát nguyện sẽ đến những nơi đó để chiêm ngưỡng lễ bái. Lúc vừa thọ giới cụ túc xong, Ngài liền học thông suốt Luật tạng. Sau năm hạ, Ngài đi du phương các nơi. Tất cả thánh tích như bậc đá trời, thạch đài, long miếu, bảo tháp, v.v... Ngài đều đi đến những nơi đó để đảnh lễ chiêm bái. Khi tới chùa Trúc Viên, Ngài trú nơi đó trong mười năm và thông đạt giáo pháp.

Có một vị tôn đức biết được căn cơ của người khác, bảo với Ngài:

- Nếu chuyên tịnh tu thì có thể đắc quả thánh; chỉ e sợ Thầy thích đi du phương thì khó mà thành tựu. Nếu hôm nay không lãnh hội được lời này, thì lúc về già hối hận sẽ không kịp!

Ngài đi khắp nơi: Phía bắc đến núi Tuyết Sơn; phía nam đến nước Sư TửẠ để lễ bái Phật thánh tích.

Đương thời, quốc vương nước Ô Trường dùng lòng nhân từ để đối đãi với dân chúng, lại thâm tín Tam Bảo. Mỗi ngày, vào sáng canh năm quốc vương thức dậy đảnh lễ Tam Bảo, dâng hương hoa thành khẩn cúng dường. Trời vừa hừng đông thì nhà vua lên cung điện duyệt xem những việc trong triều nội. Đến giờ thìn, quốc vương dùng nước hoa để tắm tượng Phật. Mỗi ngày, trong cung điện thường có hàng trăm tăng chúng thọ trai. Quốc vương cùng phu nhân tự tay dâng thức ăn cúng dường chư tăng. Thọ trai xong, quốc vương tập võ nghệ. Đến lúc hoàng hôn thì tự tay sao chép kinh điển, và cùng chư danh tăng cao đức đàm luận nghĩa lý Phật pháp, rồi kế đến là hội nghị với quần thần việc chánh trị. Đến tối, nhà vua vào chánh điện thờ Phật để đốt đèn, lễ bái, và tụng đọc kinh điển, rồi mới đi nghỉ. Hơn ba mươi năm, quốc vương thường hành như thế.

Tương truyền, ở nước Ô Trường, nơi một ngọn núi thuộc dãy Tuyết Sơn, có hai con đường: Một là con đường của loài người, và hai là con đường của quỷ. Con đường của loài người thì cheo leo hiểm trở, còn con đường của loài quỷ thì thông suốt dễ đi. Hành khách đến nơi đó, thấy hai con đường kia, thường nhầm đi vào con đường của loài quỷ, nên bị chúng giết hại. Xưa kia, có một thánh vương làm tượng đá Tỳ Sa Thiên Vương, có cánh tay chỉ rõ con đường của loài người. Lần nọ ngài Na Liên Đề Lê Da Xá cùng đồng bạn đi lạc vào con đường của loài quỷ. Vừa biết được đã đi lầm lạc, Ngài liền tụng thần chú. Những người đồng hành đều bị quỷ giết hại. Nhờ Ngài tụng thần chú nên được thoát nạn. Do đó, Ngài đi ngược trở ra, nhưng lại gặp bọn cướp. Ngài lại chuyên tâm tụng thần chú, nên được thần linh hộ vệ. Bọn cướp định đến cướp bóc, mà đột nhiên chẳng thấy Ngài ở đâu. Ngài lại đi về hướng đông, qua các nước lân cận. Vì gặp nạn binh đao, đường lộ trở về hướng tây bị cắt đứt, nên Ngài không có cách chi quày về bổn quốc.

Do đó, cứ tùy theo gió lưu chuyển, Ngài đến biển Nam Hải, rồi đi suốt bảy ngàn dặm để vào nam. Nơi đó cũng không an, nên Ngài sang nước Tề, cư trú tại kinh đô vào năm (556). Văn Tuyên Đế gặp Ngài bèn cung kính lễ bái cúng dường thâm hậu. Bấy giờ, Ngài được bốn mươi tuổi. Văn Tuyên Đế bèn an trí Ngài trú tại chùa Thiên Bình, thỉnh cầu phiên dịch kinh điển. Nhà vua cũng ra lịnh đem hơn cả ngàn quyển kinh tiếng Phạn tại cung điện, sang chùa Thiên Bình, đặt tại một gian phòng ở phía trên. Nhà vua cũng cho xây thêm một đạo tràng trang nghiêm tráng lệ cho Ngài, để biểu thị lòng tôn kính. Ông lại ra lịnh cho chiêu huyền đại thống sa môn Pháp Thượng, cùng hơn hai mươi người khác hỗ trợ cho Ngài phiên dịch kinh điển. Sau khi Ngài dịch xong hơn năm mươi quyển kinh, Văn Tuyên Đế bèn cho lưu hành, để truyền bá chánh pháp.

Văn Tuyên Đế tín phụng Phật pháp rất thù đặc. Mỗi lần cầm kinh tiếng Phạn, Ông thường bảo với quần thần rằng đây là Pháp Bảo vô giá mà Trẫm luôn hằng cung kính.

Mỗi khi xong việc dịch kinh, Ngài thường thi thố thần chú, hỗ trợ cho triều đình, lập nhiều công trạng. Những khi được cúng dường lễ vật, Ngài đều không cất giữ làm của riêng, mà đem cúng lại cho chư tăng cùng người nghèo khổ. Ngài thường khởi từ tâm, hưng phước nghiệp, cứu giúp tế độ những kẻ bị tù tội; nơi chợ búa đào những giếng nước, rồi tự tay múc nước cho người. Tại Cấp Quận ở Tây Sơn, Ngài kiến lập ba ngôi chùa trang nghiêm to lớn. Ngài lại nuôi dưỡng nam nữ bị bịnh phong cùi, và chu cấp cho họ đầy đủ vật dụng. Ngài lại thường đi vào các lữ quán, khuyên người trì sáu ngày chay, cùng phóng sanh. Lần nọ, Ngài bị bịnh cả trăm ngày mà vẫn chưa khỏi. Văn Tuyên Đế cùng hoàng hậu đích thân đến vấn an. Thấy vậy, Ngài gượng ngồi dậy để đáp lễ, nói:

- Bần Tăng vốn là khách ngoại quốc, đức hạnh chưa vẹn toàn. Nay Thánh Thượng giá lâm đến đây để vấn an, khiến Bần Tăng thật cảm thấy xấu hổ muôn phần.

Lý Kiền Đức lật đổ nhà Tề, lên ngôi lấy hiệu là Chu Võ Đế. Ông ta cực lực hủy phá Phật giáo. Trong đắp ba y ca sa, ngoài mặc đồ thế tục, Ngài lánh nạn khắp đó đây mà không được chút yên ổn. Dân chúng cũng bị điêu linh, đói rách lầm than. Tuy sức lực mệt mỏi mà thần khí vẫn sung túc, và tự đốc thúc tùy duyên cứu tế dân chúng lầm than đói rách, cùng thuyết đạo không ngừng.

Bốn năm sau, nhà Tùy lên ngôi, phục hưng Phật pháp. Đầu niên hiệu Khai Hoàng (581), nhà vua cho vời các nhà dịch giả vào triều để phiên dịch kinh chữ Phạn, hầu mong hoằng dương chánh pháp. Vào tháng bảy năm kế, các đệ tử thỉnh Ngài vào kinh đô trú tại chùa Đại Hưng Thiện. Năm đó, Lý Đông Thảo triệu tập chư tăng dịch kinh, và ra lịnh cho chiêu huyền thống sa môn Đàm Duyên cùng hơn ba mươi người khác hỗ trợ Ngài phiên dịch kinh. Nhà vua thường đến lễ bái, ân cần vấn an, cùng cúng dường thâm hậu.

Trải qua năm tháng du hành khắp xứ, Ngài vẫn chuyên cần tinh tấn tu đạo, thân thường đắp y Xá Lợi Phất Đà la Ni. Đêm nọ, Ngài mộng thấy chính tự thân đã thành Phật cùng những điềm lành khác.

Sau này Ngài đến chùa Quảng Tế, làm tăng chủ cho chư tăng ngoại quốc, và thường vấn an chư khách tăng, nên được người người kính trọng thương mến. Ngày nọ, Ngài chợt bảo đệ tử:

- Ta đã già yếu, nên chẳng bao lâu nữa sẽ lìa đời. Hôm nay muốn răn nhắc các ngươi rằng Phật pháp khó gặp, phải nên tinh tấn tu hành học đạo. Thân người khó được; thận trọng chớ để thời giờ trôi qua vô ích.

Nói xong, Ngài liền thị tịch vào ngày hai mươi chín tháng hai niên hiệu Khai Hoàng thứ chín (589), thọ tròn một trăm tuổi. Lúc trước, Ngài đã từng bảo:

- Ta sẽ sống đến một trăm tuổi, và đồng với Đăng Tiên.

Quả nhiên như lời đó, Ngài sống đến một trăm tuổi mới nhập tịch. (Đăng Tiên là một vị thạc đức. Lý giải của Ngài thâm sâu, mà phàm phu thật khó suy lường. Hình tướng diện mạo của Ngài thật khác thường. Trên đỉnh đầu nổi một cục thịt. Tiếng nói vang xa tận mây xanh. Đôi tai lớn và dài. Cặp mắt chỉ nhìn thẳng hay ngó xuống chứ không liếc ngó đông tây. Oai nghi đức tướng không ai bì kịp).

Ngài Na Liên Đề Lê Na Xá dịch tổng cộng được 15 bộ và hơn 80 quyển kinh như Bồ Tát Kiến Bảo Nguyệt Tạng Tạng Nhật Tạng, Pháp Thắng Tỳ Đàm, v.v...

Ngài du hóa hơn bốn mươi năm, đến khoảng năm mươi vương quốc, đi hơn một trăm năm mươi ngàn dặm, tới tham phương các vị cao tăng danh đức, cùng nhiều chùa viện thù thắng. Chư danh tăng nơi thâm sơn cùng cốc, hay tứ hải đều kính phụng Ngài.

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc