Home > Thánh Tăng Truyện > Ngai-Cuong-Luong-Da-Xa-Kalayasas
Ngài Cương Lương Da Xá (Kalayasas)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Cương Lương Da Xá (dịch là Thời Xưng) người nước Tây Vực, tánh tình cang cường chất trực. Ngài thường đọc tụng A Tỳ Đàm, tinh tường luật tạng, thông suốt kinh điển. Tuy thấu suốt ba tạng kinh điển, mà Ngài thường chuyên về pháp thiền. Mỗi lần nhập thiền, Ngài ngồi suốt cả tuần mà vẫn chưa đứng dậy. Ngài thường dùng chánh thọ tam muội để đi giáo hóa dân chúng ở các nước lân cận.

Đầu niên hiệu Nguyên Gia (424), Ngài vượt bao sa mạc núi non đến Kinh Ấp (Kiến Khang, hay Nam Kinh). Tống Văn Đế nghe tin rất mực vui mừng. Đầu tiên, Ngài dừng lại tại tịnh xá Đạo Lâm ở núi Chung Sơn. Sa môn Bảo Chí hết lòng tín phụng tôn sùng pháp thiền của Ngài. Do chư sa môn khẩn thỉnh, Ngài dịch kinh Dược Vương, Dược Thượng Quán và kinh Vô Lượng Thọ Quán. Hai bộ kinh này xiển dương bí quyết dẹp trừ phiền não để đạt đến cõi Tịnh Độ. Đương thời vừa dịch ra thì được lưu truyền khắp nước Tống. Thừa tướng Bình Xương Mãnh Nghị nghe tiếng của Ngài, nên rất khâm phục và thường gởi lễ vật đến cúng dường. Thái Thú Nghị Xuất ở Hội Kê thỉnh cầu xuống núi mà Ngài không đi. Sau này, Ngài sang Giang Lăng. Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười chín (442), Ngài đi về hướng tây đến đất Thục. Nơi nơi đều hoằng tuyên pháp thiền. Sau này, ngài Cương Lương Na Xá thị tịch tại Giang Lăng, thọ sáu mươi tuổi.

Đương thời, có hai vị sa môn người Thiên Trúc là Tăng Già Đạt Đa và Tăng Già Đa La, cũng thâm nhập pháp thiền, và sang đất Tống hoằng hóa. Ngày nọ, ngồi thiền đến giờ ngọ, thì ngài Tăng Già Đạt Đa bèn xả thiền để dùng cơm trưa, chợt có một đàn chim mang trái cây đến để trước mặt. Ngài Tăng Già Đạt Đa tự suy nghĩ:

- Xưa kia, khỉ vượn dâng cúng mật ong, đức Phật vẫn thọ nhận mà dùng. Hôm nay, đàn chim mang trái cây đến cúng dường, sao Ta lại không thọ nhận!

Suy nghĩ xong, bèn thọ lấy trái cây mà ăn. Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười chín (442), thọ lời thỉnh cầu của Vương Khang ở Lâm Tuyền, ngài Tăng Già Đạt Đa qua Giang Lăng kết hạ an cư. Cuối cùng, ngài Tăng Già Đạt Đa thị tịch tại Kiến Nghiệp.