Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Phat-Da-Da-Xa-Buddhayasas
Ngài Phật Đà Da Xá (Buddhayasas)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Phật Đà Da Xá, dịch là Giác Minh. Ngài là người nước Kế Tân, thuộc dòng dõi Bà La Môn, gia thế thường tín phụng ngoại đạo. Lần nọ, có một sa môn đến nhà của Ngài để khất thực. Người cha tức giận, nên sai người ra đánh vị sa môn kia. Lúc ấy, chân tay của người cha đều bị đau nhức, nên không thể làm việc đến đi như bình thường. Do đó, ông ta đến hỏi các Tọa Sư. Họ bảo:

- Vì ông đã xúc phạm đến hiền nhân, nên bị quỷ thần quở phạt.

Nghe lời này, ông ta bèn lễ bái vị sa môn kia, để cầu xin sám hối. Bịnh đau nhức tay chân qua vài ngày sau từ từ được thuyên giảm. Tận mắt chứng kiến việc này, ngài Phật Đà Da Xá bèn theo vị sa môn kia mà xuất gia tu đạo vào lúc mười ba tuổi. Ngài Phật Đà Da Xá thường theo thầy bổn sư đi vào các vùng hoang dã xa xôi. Lần nọ, vừa thấy một con hổ từ xa đi tới, vị thầy bổn sư sợ hãi định bỏ chạy, nhưng ngài Phật Đà Da Xá nói:

- Con hổ này đã ăn no rồi. Nó không còn giết hại người nữa đâu!

Quả nhiên con hổ kia từ từ bỏ đi xa. Tiến bước, họ thấy xương người vừa bị hổ ăn, nằm ngỗn ngang, máu mủ loang ra khắp nơi. Qua việc này, vị thầy bổn sư của Ngài rất kinh ngạc. Năm mười lăm tuổi, mỗi ngày Ngài đọc thuộc ba trăm mươi ngàn lời. Ngài thường ra ngoài vệ đường kế bên chùa mà đọc tụng kinh điển. Có một vị A La Hán vì nể trọng trí thông minh mẫn tiệp của Ngài nên thường chia xẻ phần ăn được tín thí cúng dường. Năm mười chín tuổi, Ngài tụng thuộc hàng triệu lời kinh Đại Thừa và Tiểu Thừa. Tuy nhiên, vì Ngài có tánh tự kiêu, nên tuy đủ tuổi mà chư tăng vẫn bắt làm sa di, chưa cho thọ giới cụ túc. Ngài vẫn theo lối xưa mà học Ngũ MinhẠ, các pháp thuật ở thế gian, v.v... Đến năm hai mươi bảy tuổi, Ngài mới được thọ giới cụ túc, và thường tụng đọc kinh điển, tay không rời quyển kinh. Mỗi lần thiền quán, Ngài ngồi suốt hàng giờ mà không để ý đến. Ngài luôn chuyên cần tinh tấn tu hành như thế.

Sau này, Ngài đến nước Sa Lặc. Lần nọ, quốc vương cúng dường trai tăng cho ba ngàn tăng chúng. Ngài cũng ở trong số tăng sĩ đó. Bấy giờ thái tử Đạt Ma Phất Đa (dịch là Pháp Tử), thấy dung mạo đoan trang tề chỉnh của Ngài bèn hỏi rằng từ đâu đến. Ngài liền đối đáp rõ ràng. Thái tử vui mừng, thỉnh Ngài vào lưu trú trong nội cung, và ân cần hậu đãi. Ngài Cưu Ma La Thập khi đến nước Sa Lặc, cũng đã từng tôn sùng và theo học đạo với ngài Phật Đà Da Xá. Lúc ngài Cưu Ma La Thập theo người mẹ trở về nước Quy Từ, ngài Phật Đà Da Xá vẫn lưu trú tại nước Sa Lặc.

Thời gian sau, quốc vương nước Sa Lặc qua đời, thái tử Đạt Ma Phất Đa lên ngôi. Đương thời, Tần Phù Kiên sai Lữ Quang dẫn quân sang đánh chiếm nước Quy Từ. Quốc vương nước Quy Từ bèn cấp tốc gởi thơ sang nước Sa Lặc để cầu viện binh. Vua Đạt Ma Phất Đa tự thân dẫn viện binh sang nước Quy Từ, chỉ giữ lại ngài Phật Đà Da Xá và thái tử để phòng hậu sự. Viện binh của vua Đạt Ma Phất Đa chưa đến thì nước Quy Từ đã bị Lữ Quang xâm chiếm. Do đó, vua Đạt Ma Phất Đa bèn dẫn quân trở về bổn quốc và thuật lại việc Lữ Quang bắt được ngài Cưu Ma La Thập. Ngài Phật Đà Da Xá bèn than:

- Ta đã từng gặp Cưu Ma La Thập, nhưng chưa mãn nguyện. Cưu Ma La Thập bị nạn này; Ta không biết bao giờ mới gặp được.

Hơn mười năm, ngài Phật Đà Da Xá hoằng hóa tại miền đông của nước Quy Từ, khiến Phật pháp được hưng thạnh. Bấy giờ, đang bị Lữ Quang giữ tại Cô Tạng, ngài Cưu Ma La Thập viết thơ sang vấn an ngài Phật Đà Da Xá. Tuy có ý muốn sang Cô Tạng, nhưng ngài Phật Đà Da Xá bị quốc dân trong nước lưu giữ lại, nên đành phải ở lại thêm vài năm. Cuối cùng, Ngài bảo các đệ tử:

- Ta muốn sang Cô Tạng để gặp Cưu Ma La Thập. Vì vậy, tối hôm nay chúng ta hãy bí mật mang hành lý mà đi.

Các đệ tử thưa:

- Chỉ e sợ đến trời sáng thì bị bắt trở về.

Ngài bèn đổ nước vào trong một bình thuốc, đọc tụng thần chú vài mươi biến, rồi cùng các đệ tử lấy nước đó để rửa chân. Đêm hôm đó, Ngài cùng các đệ tử khởi hành, đi nhanh như gió, vượt cả trăm dặm. Lúc dừng lại, Ngài bèn hỏi các đệ tử cảm thấy như thế nào. Họ đáp:

- Chỉ nghe gió thổi vù vù, khiến chảy nước mắt.

Ngài lại gia trì thần chú rồi đưa cho họ để rửa chân. Sáng hôm sau, quốc dân truy đuổi theo, nhưng Ngài và các đệ tử đã đi quá trăm dặm, nên không có cách chi bắt kịp. Lúc ngài Phật Đà Da Xá đến Cô Tạng vào năm 402, ngài Cưu Ma La Thập đã đến Trường An. Nghe vua Dao Hưng bắt ép ngài Cưu Ma La Thập lấy thê thiếp, ngài Phật Đà Da Xá than:

- Cưu Ma La Thập như bông lụa. Sao lại bỏ vào rừng cỏ gai?

Nghe tin ngài Phật Đà Da Xá đã đến Cô Tạng, ngài Cưu Ma La Thập bèn khuyên vua Dao Hưng hãy thỉnh mời về Trường An. Song, vua Dao Hưng vẫn chưa chịu nghe theo. Vâng mạng vua Dao Hưng phiên dịch kinh điển, ngài Cưu Ma La Thập bảo:

- Người hoằng dương giáo pháp, phải có tài thông suốt văn nghĩa. Bần đạo tuy thông văn tự, nhưng chưa thấu suốt lý kinh, duy chỉ có ngài Phật Đà Da Xá đã thông đạt thâm sâu nghĩa lý vi huyền, hiện nay đang trú tại Cô Tạng. Xin Điện Hạ hãy triệu vời về Trường An.

Nghe lời này, vua Dao Hưng bèn sai sứ thỉnh ngài Phật Đà Da Xá về Trường An, và tặng lễ vật thâm hậu. Ngài không nhận lễ vật. Vua Dao Hưng bèn sắp đặt cho ngài Phật Đà Da Xá biệt trụ tại Tiêu Diêu Viên, rồi tứ sự cúng dườngẠ. Song, ngài Phật Đà Da Xá vẫn không tiếp thọ, mà tự mang bình bát ra đường khất thực.

Lần nọ, dịch xong quyển kinh Thập Trụ, ngài Cưu Ma La Thập vẫn do dự nghi ngờ, hơn cả tháng mà chưa dám thảo bút. Lúc ấy ngài Phật Đà Da Xá tình cờ đi đến. Vì vậy, ngài Cưu Ma La Thập cùng ngài Phật Đà Da Xá thảo luận, phán định nghĩa lý. Chư tăng và kẻ tục hơn ba ngàn người đều tôn kính ngài Phật Đà Da Xá. Vì thông suốt và giải thích rõ ràng quyển Tỳ Bà Sa, nên đại chúng đồng gọi ngài Phật Đà Da Xá là Điệc Tì Tỳ Bà Sa. Vì ngài Phật Đà Da Xá vốn là thầy của ngài Cưu Ma La Thập, nên đại chúng cũng xưng tán là Đại Tỳ Bà Sa. Tuy được tứ sự cúng dường, y bát ngọa cụ đầy cả ba gian phòng mà ngài Phật Đà Da Xá vẫn không màng để tâm đến. Thấy vậy, vua Dao Hưng bèn sai người đem hết những vật này, đổi lấy tiền xây chùa ở phía nam thành Trường An cho Ngài cư trú.

Lần nọ được Dao Sảng thỉnh cầu, ngài Phật Đà Da Xá bèn tụng đọc bộ luật Đàm Vô Đức, có hơn năm mươi ngàn lời. Vua Dao Hưng nghi là văn nghĩa có chỗ sai lầm, nên kiểm duyệt lại. Suốt hai ngày, vua Dao Hưng chẳng tìm được một chữ nào sai trái, nên càng kính phục trí nhớ siêu việt của ngài Phật Đà Da Xá.

Năm 410, ngài Phật Đà Da Xá dịch ra bốn mươi quyển Tứ Phần Luật, kinh Trường A Hàm, v.v... Sa môn Trúc Phật Niệm ở Lương Châu dịch thành tiếng Tàu. Sa môn Đạo Hàm ghi chép. Đến năm 413, ngài Phật Đà Da Xá ngưng thuyết giảng, dịch kinh, và từ biệt trở về cố quốc. Vua Dao Hưng cúng dường cả mười ngàn xấp vải, nhưng Ngài không nhận lấy. Sa môn Đạo Hàm và Trúc Phật Niệm cúng dường cho Ngài cả ngàn xấp lụa. Hơn năm trăm sa môn danh đức đều cùng cúng dường Ngài rất nhiều lễ vật.

Trở về nước Kế Tân, ngài Phật Đà Da Xá thỉnh được một quyển kinh Hư Không Tạng, rồi gởi đến cho chư tăng ở Lương Châu. Sau này, không ai biết ngài Phật Đà Da Xá tịch ở nơi đâu.

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc