Sư họ Khương, tổ tiên ở nước Khương cư, mấy đời ở Thiên Trúc. Cha sư do việc buôn bán nên dời đến Giao Chỉ. Năm sư hơn mười tuổi cha mẹ đều qua đời, chịu tang xong liền xuất gia. Sư là người độ lượng, nhã nhặn, hiểu biết rộng rãi, dốc chí tu học, thông đạt tam tạng, hiểu rộng lục kinh[10] và thiên văn địa lí, lại giỏi việc nói năng, viết lách.
Lúc ấy, Tôn Quyền cai quản vùng Giang Tả, nhưng Phật giáo chưa được lưu hành. Niên hiệu Xích Ô năm thứ mười (247), sư đến Kiến Nghiệp dựng am tranh và tôn trí tượng Phật tu hành. Bấy giờ, dân chúng nước Ngô lần đầu tiên thấy hình bóng sa môn[11] nhưng chưa biết gì về đạo Phật, họ liền cho là lập dị, nên có người đến tâu Tôn Quyền:
– Có người Hồ vào đất nước chúng ta tự xưng là sa môn, hình tướng khác lạ, việc này nên xét kĩ.
Tôn Quyền nói:
– Xưa, Hán Minh Đế mộng thấy vị thần, hiệu là Phật. Đạo mà người kia phụng thờ, há chẳng phải di phong của Phật sao?
Ông liền triệu sư vào hỏi:
– Đạo Phật có gì linh nghiệm?
Sư đáp:
– Đức Như Lai đã diệt độ mấy nghìn năm, để lại xá lợi[12] thần diệu vô cùng. Xưa, vua A dục cho xây dựng tám vạn bốn nghìn ngôi tháp. Xây chùa tháp là để biểu hiện việc giáo hóa của tiền nhân.
Tôn Quyền cho là hoang đường, bèn bảo sư:
– Nếu có được xá lợi ta sẽ xây dựng tháp, bằng như dối trá thì quốc gia sẽ có hình phạt.
Sư xin kì hạn bảy ngày, rồi bảo với những người theo mình:
– Phật pháp hưng thịnh hay suy vong chỉ một lần này. Nay không hết lòng chí thành thì sau này hối hận sao kịp?
Thế rồi sư cùng các pháp lữ trì trai giới ở tịnh thất. Sư đặt một bình đồng trên bàn, dâng cúng hương hoa và chí thành đảnh lễ. Kì hạn bảy ngày đã hết mà vẫn vắng lặng không có cảm ứng gì. Sư lại xin thêm bảy ngày nữa, cũng như thế. Tôn Quyền nói:
– Kẻ này dối trá.
Khi sắp chịu hình phạt, sư lại xin thêm bảy ngày nữa, Tôn Quyền lại đặt biệt chấp nhận. Sư bảo với các pháp lữ:
– Khổng Tử có nói: “Văn Vương đã chết, văn không còn ư?” Mây pháp lẽ ra đã giáng mà chúng ta không chí thành, vậy đâu cần đến phép vua. Chúng ta nên lấy cái chết làm kì hạn.
Đến chiều thứ bảy ngày cuối cùng vẫn không thấy có dấu hiệu gì, mọi người đều lo lắng. Canh năm, bỗng nghe trong bình có tiếng leng keng, sư đến xem thì quả thật có xá lợi. Sáng ra, Tôn Quyền đến cầm bình xá lợi đổ ra mâm đồng, xá lợi lăn đến đâu mâm đồng vở vụn đến đó. Tôn Quyền hết sức ngạc nhiên đứng dậy nói:
– Điềm lành hiếm có!
Sư đến bảo:
– Oai thần xá lợi không chỉ có ánh sáng này mà lửa đốt cũng không cháy, chày kim cang đập cũng không vỡ.
Tôn Quyền liền ra lệnh cho thử. Sư lại phát nguyện:
– Mây pháp che phủ, chúng sanh được thấm nhuần, xin hiện thần tích để hiển bày oai lực linh thiêng.
Tôn Quyền sai đặt xá lợi lên đe sắt, cho lực sĩ dùng chày đập xuống. Bấy giờ, đe chày đều lỏm vào mà xá lợi vẫn còn nguyên không bị hư tổn. Tôn Quyền rất thán phục, liền cho xây tháp. Vì ngôi chùa này được xây đầu tiên, cho nên gọi là chùa Kiến Sơ[13], gọi vùng đất đó là làng Phật Đà. Từ đó, Phật pháp ở vùng Giang Tả rất hưng thịnh.
Đến khi Tôn Hạo lên cầm quyền, thực hành chính sách hà khắc, bạo ngược, bỏ việc cúng tế, đập phá chùa Phật. Có lần, ông sai lính vào hậu cung làm vườn, đào đất nhặt được một tượng bằng vàng cao vài thước, đem trình Tôn Hạo. Hạo liền ra lệnh để tượng nơi nhơ uế, lấy nước bẩn rưới lên, rồi cùng với thuộc hạ cười giỡn, lấy đó làm vui. Chỉ trong chốc lát, toàn thân ông ta sưng phù, chỗ kín đau đớn, kêu gào thảm thiết.
Thái sử bốc quẻ bảo:
– Bệ hạ đã phạm đến một vị thần lớn.
Hạo bèn khẩn cầu các miếu, nhưng vẫn không thuyên giảm. Thể nữ liền mang tượng an trí lên điện để thờ, dùng nước thơm tẩy rửa mấy mươi lần, đốt hương lễ bái. Hạo cúi đầu lễ lạy, sám hối tội lỗi mình đã làm. Trong chốc lát, cơn đau giảm đi. Ông liền sai sứ đến chùa thỉnh sư vào thuyết pháp. Sư đến, Hạo hỏi về nguyên do của tội phúc. Sư bèn phân tích tường tận, lời lẽ rất đơn giản mà thiết yếu. Hạo thông minh nên tiếp thu rất nhanh, lòng vui vẻ vô cùng, nhân đó xin sư xem giới luật của sa môn. Sư cho rằng giới văn cấm bí không thể khinh suất nói ra. Sư bèn lấy một trăm ba mươi lăm nguyện trong kinh Bản Nghiệp, phân làm hai trăm năm mươi điều, đi đứng nằm ngồi đều cầu nguyện cho chúng sinh. Hạo thấy bi nguyện rộng lớn lợi ích khắp nơi, nên phát tâm thiện theo sư thụ trì năm giới. Mười ngày sau liền khỏi bệnh. Hạo bèn sửa sang lại tịnh thất của sư, lệnh cho toàn bộ hoàng thất đều phải tôn kính phụng thờ.
Sư đến triều Ngô luận giảng thuyết kinh pháp, nhưng bản tính của Hạo hung bạo, cạn cợt, không thể tiếp thu hiểu hết nghĩa mầu. Nên sư trình bày những việc báo ứng hiện tại để khai thông tâm ông.
Đến niên hiệu Thiên Kỉ thứ tư (280), Hạo đầu hàng nhà Tấn. Tháng 9, sư lâm bệnh rồi viên tịch, nhằm niên hiệu Thái Khang thứ nhất (280) đời Tấn.
Đến khoảng niên hiệu Hàm Hòa (326) thời Tấn Thành Đế, Tô Tuấn làm loạn, đốt tháp do sư xây cất. Tư không Hà Sung tu sửa, xây dựng lại. Bình tây tướng quânTriệu Dụ, mấy đời không tin Phật pháp, khinh chê tam bảo, đến chùa bảo các vị sư:
– Từ lâu ta nghe nói tháp này nhiều lần phóng ra ánh sáng thật hoang đường, chưa thấy thì không thể tin. Nếu được đích thân nhìn thấy thì không cần bàn luận gì nữa.
Vừa nói xong, bỗng trong tháp phóng ra ánh sáng năm màu, chiếu khắp cả chùa. Triệu Dụ kinh ngạc rúng động toàn thân. Do đó ông kính tin, dựng một ngôi tháp nhỏ ở phía đông chùa.
Đến khoảng niên hiệu Vĩnh Huy (650) đời Đường Cao Tông, sư hiện thân đến đất Việt, tự xưng là tăng du phương, thần khí dị thường, mọi người nhìn thấy đều kinh sợ, không biết thánh hay phàm. Khi ấy, vị tự cương gạn hỏi, mắng chửi đuổi đi. Ra đến cửa, sư liền nói:
– Ta là Khương Tăng Hội! Nếu các vị lưu lại chân thân của ta thì sẽ lợi ích cho già lam này.
Chỉ trong giây lát, sư đứng thị tịch, hai mắt khép hờ, vẻ tinh anh không mất, hai tay đưa lên như vái chào, chân bước tới như muốn đi. Mọi người bàn nhau đặt sư nằm xuống, rồi đưa vào huyệt mộ để chôn. Thế nhưng, dù họ cố hết sức vẫn không hề lay động. Thấy vậy, mọi người thỉnh nhục thân sư đến vùng đất linh, lập riêng một ngôi miếu để tôn thờ. Người đất Việt chen nhau đem hoa hương, đèn đuốc, lụa là, quả hạt và các phẩm vật khác đến dâng cúng, nếu cầu xin điều gì thì tất cả đều được như nguyện.
Quân lính đến đất Việt, lúc đầu phần nhiều đóng ở chùa Vĩnh Hân, vợ của họ sinh nở, binh sĩ ăn những món tanh hôi làm ô uế già lam[14], khiến dân chúng không chịu được cảnh đó. Sư bèn hóa thân đến bảo với Mân liêm sứ Lí Nhược Sơ rằng: “Sau này ông làm chức Phiên điều[15] ở đất Việt, tôi nhờ ông dời quân đi nơi khác”. Nói rồi, sư phất áo ra đi, phút chốc bỗng mất dạng. Lí công vừa mừng vừa sợ, ghi nhớ lời nói của sư. Sau đó, quả thật ông được nhậm chức nơi đây. Một hôm, Lí công đến viếng thăm linh tích, và nhận ra người đến nói lúc đó chính là sư. Do đó, ông liền lệnh rút quân ngay khỏi chùa, trở về doanh trại.
Đêm ấy, có một phụ nữ đang sinh con mà không có đèn đuốc, quanh đó cũng không có ánh sáng nào. Bỗng nhiên, có một vị tăng cầm đuốc từ cửa sổ đi vào. Đến sáng, người chồng vào chùa Vĩnh Hân, nhận ra dung mạo sư chính là vị tăng cầm đuốc đến cứu vợ mình. Từ đó, rất nhiều người dân đến cầu xin con trai hoặc con gái. Thuở trước, sư nhiều lần đến trong thôn xin giày cỏ. Vì thế ngày nay rất nhiều người Việt đem giày cỏ, dầu đèn, phan phướn dâng cúng. Sư đều ứng hiện đến nhà của mọi người, việc ấy không thể kể hết. Mọi người gọi sư là “Siêu Hóa Thiền Sư”.