Đức Phật dạy "nhân sinh thị khổ" có nghĩa đời sống của chúng sinh nói chung, con người nói riêng bản chất là khổ, vì nó bao quát 4 yếu tố "sinh lão bệnh tử", bốn yếu tố này nói tắt là sinh tử, để giúp thế nhân giải thoát mọi khổ đau đồng nghĩa với giúp họ giải thoát sinh tử, nhưng trước hết họ phải nhận ra sinh tử là khổ, có nhận ra khổ mới tìm bến bờ giải thoát, thay vì chỉ tìm dục lạc trong quá trình sinh lão bệnh và cam tâm chịu chết. Nhận hiểu được bản chất khổ không đơn giản như thiên hạ nghĩ, hễ không như ý là khổ, không hẳn thế vì ai cũng không ít lần ngỡ ngàng thấy bóng dáng khổ đâu đó trong nỗi như ý, hụt hẫng. Vì vậy pháp luân được đức Phật chuyển trước nhất là khổ đế. Vậy khổ là gì theo đạo Phật?
Khổ là vấn đề bất cứ chúng sinh nào cũng phải đối diện và thân thiết, khổ có mặt ở mọi nơi và mọi lúc. Mọi loài đều có chung nỗi khổ nhọc nhằn tìm miếng ăn thức uống để sinh tồn, vất vả trong việc duy trì giống nòi, chống trả với thiên tai dịch bệnh và những đe dọa từ những loài khác… đó là nỗi khổ chung của chúng sinh, ngoài ra mỗi loài trong chúng sinh còn phải đương đầu với các khổ riêng của từng loài, như loài cá chịu khổ bị câu bị lưới, loài heo chịu khổ bị mổ giết, trâu ngựa chịu khổ cày bừa kéo xe… loài người ngoài vất vả lo ăn còn phải lo mặc, lo chiến tranh, khủng bố, lo cướp của giết người… tựu chung bất cứ loài hữu tình nào cũng sống chung cùng hai thứ khổ chung và riêng của mỗi loài.
Ngoài ra mỗi một chúng sinh đều phải gánh hai thứ khổ, gồm khổ của tâm và khổ của thân, đặc biệt là nhân loại, vì loài người đa tham dục hơn các loài khác và đa dục tất đa khổ. Chư thiên đa phúc nên thường được như ý, hơn nữa mong cầu của chư thiên chỉ thiên về thiện nên ít chịu quả khổ. Còn loài người tham cầu từ thiện tới ác nên lãnh thọ nhiều quả khổ bất như ý từ việc làm ác vì lợi. Loài thú chỉ có dục của bản năng là thực dục và dâm dục, vì thế chúng không hưởng vui như cõi người bù lại ít khổ tâm hơn.
Đã mang nghiệp chúng sinh tất phải sống cùng nghiệp khổ, chết cũng chỉ mang theo được thứ này, như cổ đức nhắc nhở "vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân", muôn thứ không mang đi được, chỉ mang nghiệp theo được thôi. Do vậy đức Phật phán "nhân sinh thị khổ" nói rộng là "chúng sinh thị khổ".
Chúng sinh có muôn loài nên khổ cũng có muôn vạn thứ, đã vướng nghiệp chúng sinh tất mang thân tâm của nghiệp báo gọi là hữu lậu, và nghiệp nào cũng do khổ lạc kết thành, nên kiếp chúng sinh luôn luẩn quẩn trong vòng khổ lạc, bị khổ lạc vùi dập đời này sang đời khác. Không một chúng sinh thuộc bất cứ loài nào không biết đến và không sợ hãi khổ, có thể khẳng định rằng tuyệt đại chúng sinh không biết hạnh phúc là gì, có biết chăng cũng chỉ là thứ ảo giác khi khổ tạm dừng, con người luôn ước mơ để thấy hạnh phúc hơn là hân thưởng hạnh phúc hiện có, và rồi luyến tiếc khi hạnh phúc qua mất, còn khổ thì chúng sinh không chỉ chịu khổ trực tiếp mà còn khổ ngay cả khi chưa tiếp xúc với khổ, do mối đe dọa của khổ ở đâu đấy quanh ta vì khổ luôn rình rập ngay cả trong lòng hạnh phúc, nên nhân sinh thị khổ.
Từ khi nhận ra mình hiện hữu bất luận là chúng sinh thuộc loài nào cũng phải chiến đấu để sinh tồn, nếu không muốn bị hủy diệt, ngoài ra phải tìm cách giải trí, hưởng thụ để tránh trầm cảm vì đời sống vô vị, nếu sống không có sự hưởng thụ niềm vui, thì đời sống nhạt nhẽo và chẳng qua chỉ là chuỗi thời gian chịu đựng nỗi buồn chán, sống đã phải chiến đấu, muốn hưởng thụ để sống có ý nghĩa lại cũng phải nỗ lực đấu tranh cầu tìm. Chiến đấu là giá chúng sinh phải trả để sống, có phúc thì trả giá nhẹ, vô phúc thì dù trả giá cao ngất ngưởng cũng chỉ đủ sống để ao ước được vui, song chẳng có giá nào giữ được sự sống vĩnh cửu. Một ngày không hề báo trước thần chết gõ cửa ghé thăm, khi ấy phải bỏ hết mọi thứ mà cả đời chết sống với chúng như của cải, quyền lực, người yêu và mọi thứ hạnh phúc mà ngoan ngoãn ra đi theo thần chết, nên nhân sinh thị khổ.
Bản chất của thân hữu lậu bao gồm bốn khổ "sinh lão bệnh tử", mỗi khổ này bao quát vô lượng khổ, nên Lão tử than "tôi sở dĩ có lắm hoạn nạn là do tôi có thân, nếu không thân thì hoạn nạn bám vào đâu đây". Quả vậy muốn diệt tận khổ cần phải diệt nghiệp chúng sinh, khi nghiệp này diệt rồi tất không còn thọ thân hữu lậu, không thân hữu lậu tất khổ không bám vào đâu được. Phật pháp gọi nghiệp chúng sinh là tập đế và đó là nguyên nhân gây khổ, nếu nghiệp này diệt thì khổ tận và không còn thọ thân hữu lậu gọi là niết bàn. Bậc giải thoát trong đạo Phật đều lấy pháp làm thân, không còn thân tâm hữu lậu nữa, nên gọi là vô ngã.
Có 2 thứ nhân quả, nhân hữu lậu cho quả hữu lậu, đạo Phật gọi là tập và khổ đế; nhân vô lậu sinh quả vô lậu, đạo Phật gọi là đạo và diệt đế. Nhân nào cũng do chúng sinh tự gieo nên tự lãnh quả, chẳng có Phật hay trời nào gieo dùm ai được, bởi lẽ nếu Phật hay thần gieo thì quả sẽ thuộc về Phật và thần, vì vậy khi chúng sinh lãnh quả khổ, họ phải biết tự trách mình và sám hối sửa đổi nhân quả, mà không nên tiếp tục u mê cho quả khổ là do các vị thần linh tạo ra hay do những chúng sinh khác chủ động. Phải biết không ai chủ động gieo nhân khổ cho kẻ khác được nếu không có các món duyên nợ với nhau. Đạo Phật miêu tả các món duyên nợ đều phát nguyên từ tâm hữu lậu tham sân si gọi là tập đế, đó là nhân dẫn đến quả khổ. Muốn ngăn chặn quả khổ không cho phát sinh trong tương lai cần trừ tập đế, bước đầu trừ tập chính là vứt bỏ tâm hữu lậu thứ dẫn đầu các pháp hữu lậu, đạo Phật gọi là tội khổ do tâm khởi, nay bỏ tâm ấy đi thì mọi tội khổ đều diệt sạch, đó là phương pháp diệt khổ. Cho đến bao giờ tội khổ và tâm hữu lậu tan như mây như khói, khi ấy mới thanh tịnh sạch sẽ không còn chút bụi trần hữu lậu, gọi đây là niết bàn tịch tĩnh, thanh tịnh giải thoát.
Đồ chúng tu học toàn pháp hữu lậu, nên chỉ hiểu các pháp ứng cơ, niết bàn, giải thoát theo kiểu hữu lậu, thứ pháp đạo Phật gọi là hóa pháp, quyền pháp, phi thật pháp; thật pháp là pháp vô lậu. Mọi sự tu học của phần lớn tín đồ đều hướng về lợi ích cho thân tâm hữu lậu, mà ngu ngơ không biết hữu lậu làm gì có lợi ích nào ngoài nghiệp khổ đeo thân, ngay đến những phương tiện tu học giải thoát như xây chùa dạy đạo cũng biến thành hữu lậu khi đau đáu với nỗi lo mất chùa, mất đồ chúng dẫn đến tranh giành đồ chúng và chùa chiền. Học tích mà vong bản nên mãi mãi u mê đắm chìm trong hữu lậu không có ngày giải thoát. Họ không học nhân quả nên không ngộ ra nguồn gốc của "chúng sinh thị khổ" phát khởi từ tâm hữu lậu tham sân si, do vậy không biết tu trừ tâm này bằng cách phát tâm bồ đề vô lậu theo tinh thần "tương tâm sám" của pháp sám hối, đã biết tội khổ do tâm hữu lậu sinh, hẳn nhiên phải biết hễ tâm hữu lậu diệt thì nhất thiết khổ cũng diệt theo mà chẳng cần đến cầu cúng xin xỏ Phật trời, để diệt tâm hữu lậu chỉ duy có một cách đó là phát tâm bồ đề, và khi tâm hữu lậu diệt rồi thì như pháp sám dạy "tâm diệt tội vong", đó là pháp cứu khổ chân chính vì sống chết đều không còn.
Bản chất và hiện tượng.
Khi được hỏi bạn có thấy đời sống khổ không? Muôn người như một cho rằng đời sống có hai mặt khổ và lạc, mà không thuần là khổ, như vậy câu nói "nhân sinh thị khổ" có phần bi quan hóa cuộc đời không? Phần đông tín đồ cho rằng cuộc đời có rất nhiều thứ hưởng lạc, chỉ e mình không đủ sức và thời gian để hưởng hết, ngay trong vấn đề ăn uống nhỏ nhặt mà sức cám dỗ của món ngon cũng đủ làm thiên hạ thèm thuồng được mỗi ngày ta hưởng một món ngon, nên không thể tiết chế việc ăn trong vòng dinh dưỡng, nói gì đến việc đánh đổi vị giác lấy sự bình an cho loài vật, và nếu không được hưởng thì đó lại là nỗi khổ, vì thế niềm vui nào cũng không chỉ vất vả tìm kiếm bằng đấu tranh mà cũng còn để duy trì, rủi thay bản chất hữu lậu của các pháp luôn chuyển biến thay đổi từ cái này đến cái ngược lại, nên hợp nào cũng sẽ ly, vui nào rồi cũng buồn, mà chẳng có cách nào tránh được. Thế nên vui buồn nương nhau mà thành, sống chết tựa nhau mà có.
Nhìn trên mặt hiện tượng thì pháp nào cũng có khổ lạc, nhưng nhìn vào tận gốc sẽ thấy bản chất của mọi pháp đều là khổ, vì niềm vui đa phần chỉ do khổ vắng mặt, nhưng vui hẳn sẽ đem khổ đến khi nó dời đi, và khổ lại mang vui lại khi nó tạm biệt, cứ vậy mà hết vui lại khổ. Lại nữa vui nào cũng phải trả giá, còn khổ nào cũng miễn phí bởi có chúng sinh nào ưa khổ đâu để trả giá, thế nhưng khi trả giá để được vui mà thất bại thì lãnh khổ miễn phí, nếu không muốn nhận món quà miễn phí này thì lại phải trả giá. Con người hiểu khổ trên hiện tượng nên thấy nhân sinh nửa khổ nửa vui, vì vậy tranh nhau niềm vui, đẩy khổ cho nhau, làm nhân sinh phải tranh giành gay gắt, khiến khổ nhiều vui ít, vì thế mà nhân sinh thành khổ. Song dù gì đi nữa khổ đã hiện diện ngay trong sự đấu tranh và tiếp tục đè nặng lên kẻ thất bại, và áp lực mạnh lên kẻ phải duy trì sự thắng lợi. Chung cục từ khi khởi tâm cầu vui lập tức thấy khổ dọn vào tâm trí rồi và chúng thường trú trong ấy cho đến ý niệm cuối cùng trước khi chấm dứt nghiệp duyên đời này. Xét cho cùng chẳng có trí huệ nào cũng như sự cầu nguyện từ trước đến nay có thể loại bỏ khổ hoàn toàn, khi chỉ biết khổ và trừ khổ trên mặt hiện tượng.
Trong tham độc có vô lượng thứ tham, tham ăn, tham của cải, tham sắc dục, tham danh, tham quyền, kể đến tận vị lai cũng không hết được, những tham muốn đó thúc đẩy chúng sinh lao vào các pháp hữu vi nhận quả khổ của hữu lậu, y như con thiêu thân tự lao vào cõi chết. Cho dù chẳng có Phật hay thánh thần nào dạy chúng hãy tranh giành các món dục lạc, ngược lại các vị này chỉ khuyên dạy con người hãy biết chia sẻ đùm bọc lẫn nhau, nhưng đồ chúng phớt lờ giả ngu không hiểu vẫn làm theo ý khôn rất ngu của mình, để rồi khi bị cú đấm vỡ mặt văng xôi thì quay về quỵ lụy dưới bệ thờ ỷ ôi xin xỏ Phật trời cho con được như ý và hứa tạ lễ bằng hoa quả xôi oản, họ coi Thánh thần cứ như bác bờm đem tài sản, danh vọng, tình yêu và quyền lực cho kẻ khác để đổi lấy xôi oản? Bờm nọ đổi quạt mo lấy nắm xôi xem ra sòng phẳng, đằng này đám đồ chúng gạt gẫm bịp bợm tưởng Phật và thánh thần giống như bờm sẽ trao cho chúng những thứ chúng không có nổi để chỉ nhận lại từ chúng một mâm xôi oản. Ôi! Cái đám mê tín đó hủy báng từ đức Phật đến quỷ thần xem các vị này ngây ngô hay đói khát không có xôi oản ăn, nên dụ dỗ thần linh cho chúng những thứ quý hiếm khó được đổi lại chúng cho thần linh đĩa xôi thứ ăn mày cũng có. Thực là ngu si hết mức, báng bổ cực kỳ, tội này không vào địa ngục cũng làm ngạ quỷ, mà cũng chẳng lạ gì có ngu mới tham mù mắt như vậy. May đức Phật từ bi nên vẫn bất động, gặp trúng hung thần chắc bị vặn họng vì tội bỡn cợt thần linh.
Nếu học chúng có trí tuệ nhận ra bản chất của các pháp hữu vi mang tính hữu lậu đều là khổ, nói cách khác là nhận ra căn nguyên nguồn gốc của khổ thì cách cầu an diệt khổ sẽ chân chính và thành tựu, nhờ diệt khổ tận gốc, mà không diệt trên ngọn ngành theo kiểu diệt theo hiện tượng.
Khi đã hiểu rõ do chỉ vì nhận ra khổ trên hiện tượng, con người mới sinh tham sân tranh giành, cho đến mê tín cầu cúng, khiến ngu si tăng trưởng ngăn trở trí huệ giải thoát. Trí huệ chính là nhận ra bản tức gốc của các pháp, nhờ vậy đoạn khổ hay tu thiện đều ngay từ gốc. Chúng sinh mộng mị trong giấc mơ sinh tử, họ sợ chết, sợ khổ, sợ bệnh, sợ không như ý và chẳng ai dám tự tin rằng đời sống của mình hoàn toàn như ý, nhưng vẫn không nhận ra bản chất của kiếp sống tức nhân sinh là khổ, vì thế họ vẫy vùng từ kiếp này sang kiếp nọ trong chiếc lưới khổ luôn siết chặt, khác nào đàn cá vướng lưới, càng giãy lưới càng thắt. Lẽ ra ngay khi sợ đủ thứ, họ phải nhận ra thân tâm hữu lậu là gốc của món sợ hãi này, và thấy hữu lậu là khổ, mà chúng sinh đã là hữu lậu dĩ nhiên nhân sinh thị khổ. Cụ Trứ cũng ngờ ngợ kiếp người là khổ nên ngâm nga "mới sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì".
Muốn thoát khổ thì đừng nghiện vui, khổ vui đều tắt để lại trạng thái tịch tĩnh vắng lặng, trạng thái này là niềm vui vô cùng an toàn và miên viễn nhờ diệt tận được tính hữu lậu biến đổi của nhị biên, nên được gọi là niết bàn. Chúng sinh do nghiện vui, ái dục khó bỏ nên cho dù trong sự tìm vui cũng thường đối diện với nhiều thất bại đau đớn ê chề nhưng không tởn, vẫn cố đấm ăn xôi, đối đế thì thỉnh Phật hay quỷ thần đem vui về dùm. Đức Phật dạy bỏ thứ ái đó đi thì không những khỏi vất vả cầu tìm mà còn thoát mọi cú đấm vỡ mặt văng xôi, lại miễn được sự mê tín cầu xin thần thánh theo lối báng bổ.
Nghe tới đây nhiều người sẽ tự nhủ "vậy để hết khổ phải hy sinh mọi sự vui sướng thế thì cuộc sống còn hứng thú gì nữa". Chao ôi! Chả lẽ khi họ bị ghẻ ngứa hành khổ, phải gãi liên miên để sướng vì ngứa tạm lui, có người cho thuốc và bảo họ hết ghẻ bạn sẽ sướng lắm vì không cần gãi nữa, gã bệnh này bảo không gãi còn gì sướng nữa và từ chối nhận thuốc vì sợ mất cái sướng khi gãi, phàm phu không nhận ra được những cái họ cho là sướng, kì thực đều là khổ như cái sướng của gãi ghẻ vậy. Tâm không lo tìm vui, không sợ gặp khổ, không lo không sợ tâm luôn an lạc, sao lại sợ khổ hay mất vui với một tâm an lành như vậy, những kẻ bệnh hoạn kia không hiểu tâm là nơi nhận thức ra mọi thứ khổ lạc, khi tâm là nguồn an lạc thì chẳng có khổ hay lạc nào lân la mon men tới gần tâm ấy được. Ôi! sao bệnh mê đó đúng nghĩa mê, nghe gì cũng nghĩ ra mê, thật là siêu mê muội.
Do mê không tỉnh nên dầu bao phen ăn đấm vỡ mặt văng xôi vì không nghe lời dạy đừng cố đấm ăn xôi, lẽ ra phải giác ngộ mà thưa với đức Phật "con xin chừa không dám ăn xôi nữa ạ" lại lì lợm ngu si cầu xin Phật thế mạng đi lấy xôi về cho mình. Ngu thế bảo sao không khổ, nhất định không nhận ra bản chất của cố đấm ăn xôi là khổ, như bản chất của ma túy là khổ, nhưng kẻ nghiện chỉ thấy hiện tượng sung sướng khi phê nên bác bỏ sự độc hại của chúng và từ chối nói không với thứ này, để tiếp tục chìm sâu vào bẫy khổ, đối diện với bao hệ lụy mà quá muộn màng để hồi đầu. Vì vậy người hiểu biết bản chất khổ của thứ ái phê này trái với kẻ chỉ thấy qua hiện tượng sẵn sàng từ chối cái sướng của chúng để diệt tận gốc nỗi khổ này. Không sướng nhờ phê, không bị khổ hành khi thiếu phê, trạng thái không sướng không khổ này mới là sự sướng rất an toàn và chân thật. Cái sướng của gã nghiện không an toàn, lắm hệ lụy và nhiều khổ đau, vậy sướng ấy là sướng hay là khổ? Sướng ấy đáng truy tìm hay đáng dẹp bỏ? Mọi thứ dục lạc của thế gian đều mang tính hữu lậu pha trộn khổ tràn lan bên trong như cái sướng của phê thuốc, hay cái sướng của gãi ghẻ, vì vậy đạo Phật coi tham dục là nguồn gây ra mọi khổ.
Lạc của chúng sinh tuy lạc nhưng bất an, lạc nào cũng đeo mang nhiều âu lo, đa hệ lụy và lắm chán chường. Âu lo sợ nó biến mất vì là hữu lậu, chán chường vì thường biến đổi nên sinh nhàm chán muốn tìm vui mới. Bất an, khổ thế mà thấy đó là vui, không phải là điên đảo đó ư? Tâm an tịnh không bị vui khổ dày vò, an lạc như vậy lại cho là khổ, chẳng vui, không phải là nghiệp ma đó sao?.
Bậc trí huệ là những ai nhận ra bản chất của mọi hiện tượng. Nhờ vậy mà các vị này một đời cho đến đời đời an lạc, chúng sinh chống khổ trên hiện tượng, không chịu diệt khổ từ gốc, do vậy mà phàm phu sống một đời phiền não với nhiều hối tiếc và bao phen khổ sở cầu xin các bậc thánh gỡ dùm những đống rối ren do mình tạo ra.
Người vinh nhất trong đời là người không hề chịu vinh nhục, như Lão tử nói "sủng nhục nhược kinh" vinh nhục đều đáng sợ như nhau. Thành công nhất trong đời là là không hề bị thành bại lay động, như lời đức Phật dạy "bỏ sau mọi thắng bại, sống an bình tịnh lạc". Không hạnh phúc nào hơn được sự an tĩnh bất động của tâm, như lời Phật dạy " không hạnh phúc nào sánh bằng sự an tĩnh của tâm hồn", không sự thành bại, vinh nhục nào lay động được tâm, đó là niết bàn an lạc tuyệt đối.
Nhiều kẻ cho rằng hưởng thụ, tiền tài, sắc đẹp hạnh phúc hơn tâm hồn an tĩnh chứ, nên sẵn sàng khuấy động tâm để cầu tìm ngũ dục, nhưng khi bị quả khổ đe dọa, tâm họ bấn loạn lo âu không màng dục lạc chỉ mong sao cho tâm an, như kẻ tử tù trước bữa ăn ngon, như kẻ giàu có bị giam trong ngục tối, hết thảy những kẻ này đều cầu mong được đổi bữa cơm ngon, hay tài sản để an tĩnh về lại với tâm hồn, như thế không đủ để minh chứng tâm an tĩnh là sự quý báu nhất đó hay sao?.
Nhận ra bản là trí huệ, nhận qua hiện tượng là kiến thức. Phật pháp là bản pháp, chân thân là bản thân, hóa thân là cành ngọn, bản của 33 ứng thân mới là thật thân. Thánh nhân nhận biết bản chất nhị biên của các pháp, nên không thủ xả biên nào, mà xả ngay từ bản tức không thủ không xả, không thủ không xả chính là chân thật xả, xả tận gốc gọi đó là bản gốc của xả.
Hữu lậu là gì?
Lậu nghĩa đen là rò rỉ, nghĩa bóng là mất mát, mòn dần, nghĩa theo đạo Phật là phiền não và vô thường. Pháp hữu lậu chỉ cho những thứ vô thường bị thời gian bào mòn, nên luôn biến đổi cho đến tàn lụi gọi là "dị và diệt", pháp hữu lậu bao quát mọi thứ trên thế gian, nên thế giới này là cõi hữu lậu, thân tâm hữu lậu, cảnh giới hữu lậu, phúc đức hữu lậu, mọi thứ đều hữu lậu, vì vậy đạo Phật khẳng định "nhân sinh thị khổ". Bờ bên kia tức bờ giải thoát là cảnh giới vô lậu, thường hằng bất biến, vô sinh vô diệt gọi là niết bàn, và niết bàn mới thật sự là an lạc tuyệt đối vì chấm dứt hữu lậu pháp
Các pháp hữu lậu đều trải qua bốn tiến trình "sinh trụ dị diệt". Sinh là sinh ra hay bắt đầu thành hình, trụ là hiện diện trong cõi đời, dị là thay đổi theo từng hơi thở tích tắc của thời gian, diệt là chỗ tột cùng của dị, không còn gì để đổi thay nữa. Do bốn tiến trình này là sinh mạng của các pháp hữu lậu nên đạo Phật nhấn mạnh "chúng sinh thị khổ". Khổ đó là do tính chất "sinh trụ dị diệt" mà không do các thứ giàu nghèo, khỏe yếu, khổ lạc, bốn yếu tố này góp phần vào bốn khổ "sinh lão bệnh tử", sinh và trụ lập nền tảng cho sinh khổ, dị hình thành hai khổ lão và bệnh, diệt đưa đến tử khổ.
Tóm lại phàm mang thân tâm hữu lậu đều là chúng sinh, chúng sinh cho thứ hữu lậu này là ngã (tôi) vì thế tôi nào cũng khổ và cũng sinh diệt. Chư Phật không còn nghiệp hữu lậu nên vô thân tức vô ngã hữu lậu nên vô sinh diệt, gọi thân ấy là pháp thân.
Hữu vi và vô vi pháp.
Hữu lậu là bản chất của các pháp hữu vi. Hữu vi là hiện tượng của hữu lậu. Hữu vi có nghĩa tạo tác, các pháp do duyên khởi đều là hữu vi như các hiện tượng của cảnh giới như nước chảy hoa trôi, thu qua đông đến cùng với các pháp của thân tâm được kích hoạt bằng tham sân chấp ngã. Bản chất của hữu vi vốn hữu lậu nên là khổ, vì vậy mọi tạo tác hữu vi của chúng sinh đều chồng chất khổ thêm cao như núi Tu di, rộng lớn như biển, chả trách Bồ tát Địa Tạng than "mọi cử chỉ suy nghĩ của chúng sinh đều là nghiệp tội", chúng sinh mê muội cầu phúc bằng hành thiện khi cần mà không dè thứ phúc ấy chỉ có thể giảm thiểu khổ như thuốc giảm đau mà không có tác dụng diệt khổ.
Tứ thánh đế.
Bước đầu nhập môn của tín đồ Phật giáo là tu học để nhận thức thông suốt về "nhân sinh thị khổ", vì có thực sự thấy khổ mới quyết định tìm cách lìa khổ. Chúng sinh hít thở trong không khí khổ nhưng vẫn không nhận ra khổ, lại tránh khổ bằng cách lao vào sự đấu tranh đầy gian khổ để tìm chỗ tránh khổ, không thế thì chúi mũi vào bệ thờ tha thiết cầu xin coi đó là nhân sinh ra quả như ý. Hoàn toàn không tìm hiểu nguyên nhân phát sinh ra khổ để trừ diệt, giống như kẻ rơi xuống hố sâu nhưng nhác thấy có vài đồng tiền vàng rải rác trong bầy rắn độc, gã này thay vì tìm cách leo ra khỏi hố lại mải mê tìm cách chiến đấu với rắn độc để lấy của.
Gieo nhân hữu lậu tất lãnh quả hữu lậu, và mọi quả hữu lậu đều bất tịnh nên là quả khổ, vì nhân hữu lậu đều phát sinh từ tham sân si, ba thứ độc này sở dĩ bị gọi là độc bởi chúng giống như nọc của rắn độc, chúng sinh đặc biệt là loài người dùng ba thứ nọc độc này giết hại lẫn nhau, song chẳng có nọc rắn nào độc hơn ba thứ nọc này vì chúng giết cả thủ phạm dùng chúng lẫn nạn nhân. Vì vậy gieo nhân ác hại người thì chính mình cũng bị ác báo hại. Phật pháp gọi nhân độc tích tập từ bao lâu nay là tập nhân hay tập đế, muốn tuyệt khổ được an cần phải diệt trừ nhân tập này.
Đã biết nhân hữu lậu bất tịnh là nguyên nhân gây khổ nên phải gieo duyên vô lậu gọi là đạo để đoạn duyên hữu lậu của tập, đây cũng là tiến trình thực sự đoạn nhất thiết ác, tu nhất thiết thiện. Hành thiện là tu nghiệp vô lậu và trừ ác là đoạn hữu lậu nghiệp mà không chỉ là chuyện tránh ác làm lành thông thường như quan niệm xưa nay của thế tục. Hữu lậu tận, vô lậu thành gọi là diệt tức niết bàn.
Tóm lại nhân sinh thị khổ chỉ ra bản chất của chúng sinh vốn khổ, vì từ thân tâm đến thế giới đều hữu lậu nên mang tính sinh trụ dị diệt. Nhân sinh vui buồn lẫn lộn, con người sợ khổ nên cầu lạc, càng ghét khổ càng ái lạc, lại do ái lạc nên bám víu khó lìa, vì sợ mất lạc sẽ chịu khổ, nhưng nào ngờ nơi nào có lạc tất có khổ, khổ lạc chỉ là hai mặt của cảm thọ, như ngày và đêm của dòng thời gian. Do vậy càng cầu lạc càng chạm trán với khổ, muốn ngưng khổ hoàn toàn và vĩnh viễn phải xả bỏ sự ái lạc, người không ái lạc sẽ không đối diện với khổ, đức Phật dạy "do ái sinh ưu tư, do ái sinh sợ sệt, không ái không ưu tư, không ái không sợ sệt", phàm không ái tất không khổ, nên đạo Phật chủ trương xả ái nhập đạo, xả ái tức đoạn tập, nhập đạo tức tu đạo, tập đoạn thì khổ diệt, đạo tu thì chứng diệt. Diệt có nghĩa cả khổ lẫn lạc đều không còn, gọi trạng thái này là tịch diệt tức niết bàn. (Tham khảo bài Tứ thánh đế).
Toát yếu nhân sinh thị khổ.
Trước nhất nhân sinh thị khổ có nghĩa kiếp sống con người là khổ, cần được hiểu khổ ở đây là nói về bản chất mà không chỉ nói trên hiện tượng. Như khi quan sát đời sống của con heo hay con trâu chúng ta thấy kiếp sống đó đầy gian khổ, nhưng chúng nào thấy khổ vẫn có vui trong sự sống mà, con người cũng vậy, bậc trí thấy rõ sự hiểm nguy bất ổn của kiếp người, song tục nhân vẫn thấy vui mà, dù cả cuộc đời phải phấn đấu chịu không biết bao nỗi đau từ tâm đến thân và rồi cuối cùng cũng bị thần chết lôi đi, quả như Schopenhauer nói "loài người là một hiện hữu không đáng hiện hữu, nhưng nó phải hiện hữu để đền tội bằng muôn vàn đau khổ và kết thúc bằng cái chết".
Bản chất hữu lậu của nhân sinh luôn thay đổi trên hai thứ đối lập nhau như trẻ với già, đẹp với xấu, vui với buồn, được với mất và sự đối lập cuối cùng mà nhân sinh ôm trọn là sống với chết. Không ai thoát khỏi sự đối lập này trong đời nên nhân sinh thị khổ.
Nếu cho đời là vui, và cám ơn đời đã cho ta sự sống thì đừng quên đời chỉ là một tiến trình của tiền kiết hậu hung, trước vui sau buồn, được sống là niềm vui có trước và chết là sự kết thúc đau buồn tước đi sự sống và chấm dứt mọi niềm vui đến sau. Nếu cho sống là niềm vui lớn thì chết hẳn là nỗi đau tột cùng, và nhân sinh thực bất hạnh khi mà bất kể ai cũng kết thúc bằng nỗi đau tột cùng này. Vì vậy nhân sinh thị khổ.
Nếu cho đời là vui, thì đừng quên rằng vui nào cũng phải nỗ lực cầu tìm, đấu tranh mới được, còn nếu như cứ để tự nhiên theo lối trời sinh voi trời sinh cỏ, ù lì một chỗ không nỗ lực đấu tranh thì sẽ nhận được khổ toàn tập, như vậy rõ ràng bản chất của cuộc đời là khổ, nếu nó thực sự là vui thì con người không cần phải đấu tranh, nên nói nhân sinh thị khổ.
Hiểu nhân sinh thị khổ mà dân gian diễn dịch đời là bể khổ không phải để có tư tưởng bi quan chán đời mà trái lại để kéo nhân sinh ra khỏi quỹ đạo của khổ. Khổ vì hữu lậu, khổ vì dục lạc mà tạo tác bao nghiệp khổ cho ta và người… Người trí huệ nhận ra bản chất của khổ nên chuyển hóa bản chất khổ thành diệt, bằng đổi nhân tập ra đạo, nhờ vậy thế giới an bình, người người thoát khổ. Song do mang nghiệp chúng sinh tất nhiên chịu khổ, vì vậy cứu cánh cho sự diệt khổ chính là giải thoát ra khỏi nghiệp hữu lậu, không còn nghiệp hữu lậu đồng nghĩa với không còn chúng sinh mà chỉ có Thánh, gọi đó là diệt hay niết bàn, nếu nghiệp hữu lậu vẫn được duy trì như một nền tảng của đời sống thì thế giới không thể có hòa bình và chúng sinh không thể có an lạc. Quy y tam bảo mà không hiểu nhân sinh thị khổ và không diệt được khổ thì giống kẻ đến kho báu với đôi tay cụt.
Đức Phật dạy "làm sao cứ vui đùa, khi đời mãi bị thiêu, sống trong cảnh tối tăm, sao không tìm ánh sáng".
VTA 15.9.2022