Trong quá trình sống của chúng ta, mọi đau khổ trong lòng đều xoay quanh “cái tôi”. Vì “tôi” mà chúng ta luôn cảm thấy thiếu thốn, không tự do tự tại, luôn luôn khao khát những thứ ngoài thân, có lúc còn oán trách, hoài nghi, đố kị, tham lam, giận dữ, tạo biết bao nghiệp ác. Đợi đến lúc phải chịu nhận quả báo thì lại muốn trốn tránh như người nghèo vay nợ muốn tránh chủ nợ cũng vì thế lại tạo thêm vô vàn nghiệp ác khác, đây chính là “ngũ ấm xí thịnh khổ” mà Phật giáo nói đến.

Ngũ uẩn gồm: sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, nói cách khác đó là năm yếu tố tạo nên thân thể con người, cũng có thể chia thành hai đó là vật chất và tinh thần. Phần vật chất được gọi là sắc uẩn, nó có nghĩa là hình dạng, hình dạng đấy cũng chính là biểu hiện về mặt vật lý của thân thể. Bốn uẩn còn lại thuộc về tinh thần, trong đó “thụ” nghĩa là cảm thụ, “tưởng” là tri nhận sinh ra sau khi cảm thụ.

“Hành” tức là sau khi nhận thức liền khởi lên quyết định phản ứng thế nào và nên xử lý ra sao, ba thứ này thuộc về tầng lớp tâm lý.

Uẩn thứ năm gọi là “thức”. “Thức” là chủ thể của mạng sống con người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, từ đời này cho đến đời sau, là chủ tể của cả một quá trình sinh mạng. Khi hai phần tâm lý và thân thể hòa hợp lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau thì sẽ nảy sinh ra ở hành vi và động tác. Hành vi sau khi phát sinh sẽ tạo thành một thứ tác dụng mà con người thường gọi là “nghiệp lực”, đó cũng chính là bản chất ý thức của chúng ta. Hành vi bao gồm ba mặt là thân thể, lời nói và tâm lý. Vì vậy, “thức” chính là hành vi do thân, khẩu, ý tạo thành, còn lại một phần là tác dụng của nghiệp lực. Chúng ta tạo nhân ý thức trong hiện tại, chấp trước vào ý thức này, vì thế có thể lãnh chịu quả báo trong đời này, nhưng cũng có thể đến đời sau mới nhận lấy quả báo.

Con người nói chung thường cho rằng “thức” chính là “linh hồn”, nhưng “linh hồn” là cái duy trì mãi mãi không bao giờ thay đổi, còn “thức” lại không ngừng biến hóa.

Chỉ cần tiếp tục tạo nghiệp, cho dù nghiệp lành hay nghiệp dữ đi nữa thì thức kia cũng sẽ thay đổi. Khi chúng ta nhận lấy quả báo thì thức cũng tùy theo đó mà biến đổi. Vì thế, khi thọ nhận quả báo đổng thời cũng chính là đang tạo nhân, khi tạo nhân đồng thời cũng đang nhận lấy quả báo, cứ thế xoay dời chuyển đổi không dứt. Vì thế, thức bên trong thường xuyên thay đổi.

Cái gọi là “ngã”, thật ra nó chính là hiện tượng tâm lý do ngũ uẩn kết hợp tạo thành. Đây là một thể hòa hợp của nhân duyên, trong đó chẳng có linh hồn nào thường hằng bất biến cả. Cho nên bạn của ngày hôm qua và bạn của mười năm trước cũng không giống nhau, thậm chí là bạn của giờ trước và bạn của giờ hiện tại cũng hoàn toàn khác biệt. Không những thân thể không giống mà ngay cả trạng thái tâm lý, phương thức hành động, ý thức bên trong cũng thay đổi theo từng giờ từng phút. Vì vậy, cái ngã do ngũ uẩn tạo thành luôn thay đổi biến hóa không ngừng, nó vốn không phải là cái ngã đích thực, cũng không có cái ngã nào bất biến.

Nguyên nhân phát sinh của “ngũ ấm xí thịnh khổ” chính là không hiểu rõ chủ thể của mạng sống. Thức là cái biến động không bị trói buộc. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ tát Quan Thế Âm khi “quán sát thấy được năm uẩn đều không” nên Ngài có thể “vượt qua tất cả mọi tai nạn khổ ách”, nhưng do hàng phàm phu không biết được “ngũ uẩn giai không” nên cứ mãi khổ đau không thể nào nói hết được.

Nếu chúng ta không biết “ngũ uẩn giai không”, chúng ta sẽ không biết ngũ uẩn chính là công cụ tạo ra các phiền não, phiền não không ngừng phát sinh giống như ngọn lửa đang ngày đêm thiêu đốt, nó mang đến cho con người nỗi thống khổ không cùng. Nếu như con người có thể hiểu rõ “ngũ uẩn giai không” thì sẽ không còn tạo ra các phiền não nữa, mà dần chuyển các thứ phiền não kia thành những công cụ tu phước, tu huệ, giúp con người đạt đến cảnh giới giải thoát hoàn toàn.

 



Trích từ: An Lạc Từ Tâm