Home > Khai Thị Phật Học > Dan-Sinh-Va-Vo-Sinh
Đản Sinh Và Vô Sinh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Khác với các tôn giáo dạy mọi người phương thức để lên cõi thiên đường, đạo Phật chủ yếu dạy diệt khổ, thế nhưng nếu không diệt tận gốc khổ, ắt vẫn phải đối mặt với khổ, bao giờ khổ hoàn toàn bị diệt đồng nghĩa với khổ không còn hiện hữu thì đó chính là thiên đường, giả như có lên cõi trời nhưng khổ vẫn còn chờ chực rình rập đâu đó bên ngoài thì vẫn chưa thực sự giải thoát khỏi khổ, bởi khổ vẫn chờ cơ hội sơ sót sai lầm nào đó của thiên thần để xuất hiện ngay trên cõi trời, qua tôn giáo chúng ta được biết thiên thần vẫn có khả năng sa đọa và điều này cho thấy khổ vẫn nằm vùng trên cõi trời. Vì vậy khác với cõi trời là chốn không có khổ nên con người trông mong được sinh về, và rồi con người mang theo gốc khổ lên thiên đường, giúp khổ vào được cõi trời, niết bàn là cảnh giới của những vị diệt tận khổ, những người chứng được vô sinh mới nhập niết bàn, vì thế khổ chẳng có cơ hội nào để lọt vào niết bàn, nói cách khác niết bàn là chốn triệt để thanh tịnh vô khổ, khổ đã không thì lạc cũng không, không khổ không lạc tất nhiên thanh tịnh bất động, vô sinh gọi là tịch diệt, và tịnh diệt mới thực sự là lạc.

Nhưng muốn diệt sạch khổ cần phải nhổ tận gốc khổ và như thế phải biết rõ khổ thực sự là gì?

Sinh lão bệnh tử.

Tục nhân chỉ biết nghèo là khổ nên cầu tiền, cô đơn là khổ nên cầu tình, bị khinh khi là khổ nên cầu danh, chẳng mấy ai nhận ra gốc khổ là sinh tử và quá trình lão bệnh mà không có sinh tử nào không ngang qua. Phàm có sinh thì có diệt, có đến thì có đi, thế nên mọi thứ hạnh phúc cầu tìm ở đời đã đến tức sinh thì cuối cùng cũng ra đi là diệt, để lại nỗi đau khổ cực lớn của sự mất mát hạnh phúc nhọc nhằn lắm mới có được và ngay đến thân mạng được sinh ra này cũng sẽ bỏ mọi thứ và mọi người thân yêu để độc hành về cõi chết. Mọi thứ tục nhân cho là hạnh phúc diệt khổ như tiền tài, danh vọng, tình yêu, thọ mạng… đều sinh tử, chẳng có thứ nào tồn tại bất tử, và như thế chúng không thể là hạnh phúc có công năng diệt khổ, mà chỉ là thứ phúc gãi ngứa không đủ để trị ngứa, đó là sự ngộ nhận về khổ lạc của nhân sinh, dẫn đến việc muôn đời giáp mặt với khổ và chống khổ đến bất tận.

Diệt khổ thật nghĩa cần nhổ trừ được gốc sinh tử thì khổ diệt tận, do vậy gốc khổ chính là sinh tử, tục nhân trừ ngọn không trừ gốc nên khổ mãi đeo mang. Chúng sinh và vạn vật đều sinh sinh tử tử trong thế gian, nên đạo Phật coi thế gian là căn nhà sinh tử, kinh Pháp Hoa gọi là nhà lửa hàm ý hủy diệt mọi thứ. Bản chất của căn nhà thế gian là sinh diệt nên thế gian cũng chính là nền tảng gốc rễ của khổ, và thế gian lại do một niệm u mê mà hiện hữu, như chiêm bao phát sinh từ một niệm mê rơi vào giấc ngủ. Đã thuộc mê tức huyễn thì không thể diệt được, mà chỉ có thể diệt bằng cách tỉnh giác thoát ly mê huyễn, thế nên ra khỏi nhà thế gian đồng nghĩa với loại bỏ được gốc sinh tử, sinh tử diệt rồi thì khổ tận, cảnh giới vô sinh vô diệt, vô khổ vô lạc đó là tịch diệt an lạc gọi là niết bàn và niết bàn là cảnh giới giải thoát thanh tịnh vô sinh diệt.

Cần lưu ý diệt tận khổ có nghĩa quảng đại là không những diệt khổ cho tự thân mà còn cho muôn loài, và nghĩa thâm mật là đạt đến niết bàn. Nếu chỉ diệt khổ cho bản thân mà thiếu nghĩa quảng đại và thâm mật thì chỉ đạt được tiểu niết bàn, do đây mà phân thành tiểu thừa Thanh văn và đại thừa Bồ tát.

Nhân quả và Niết bàn.

Sự tận diệt khổ nơi bản thân nhẫn đến cho nhất thiết chúng sinh gọi là giải thoát, để thành tựu giải thoát cần phải giác ngộ mọi nhân quả của muôn pháp. Mọi pháp đều có hai mặt sự và lý, hiểu rõ được sự lý thì rõ được tính chất thật của các pháp, tính thật này là thật nghĩa của muôn pháp. Vì vậy nếu chỉ định nghĩa pháp qua sự tức bằng thức sẽ là sai lầm dụ như trăng soi dưới nước, kẻ mê người trí đồng thấy như nhau, nhưng kẻ mê tin theo mắt thấy tai nghe của thức nên phán đoán sai lầm, tin trăng ở dưới nước, song người trí quan sát nhận biết cái thấy của thức chỉ là thấy ảo mà không hề thấy thật, lại dụ như chuyện kẻ ngu ăn muối đại biểu cho việc thấy lý qua sự, cái lý của kẻ ngu ấy đã dẫn đến hành động gây tác dụng phản lại lý của họ, đó là do sự lý bất tương ưng, đưa đến kết quả lý thì bất liễu nghĩa, sự thì bất như ý, sự lý tương phản là nền tảng của mọi tạo tác vọng nghiệp.

Nguyên nhân nào tạo tác vọng nghiệp? Như khi thấy sự nghèo khổ, người mê lý nghĩ có tiền thì hết nghèo, người trí thì nhận ra nghèo là quả của nhân không bố thí, nên phát tâm bố thí sẽ hết nghèo, vấn đề là ai cũng mong có tiền, thế nhưng do đâu người tiêu không hết, kẻ lần không ra, thế thì rõ ràng phúc họa là nguyên nhân chính của giàu nghèo mà không do muốn có tiền là được, và tiền thì thấy được nhưng phúc không thấy, do đó kẻ mê cầu tiền, người trí cầu phúc, chung cục kẻ cầu tiền không cầu phúc đôi khi phản tác dụng đã không giải quyết được khổ nghèo lại thêm khổ tù tội, trái lại cầu phúc không cầu tiền, tiền vẫn theo phúc tìm đến.

Thành bại, phúc họa của thế gian còn cần đến trí nói chi đến sự thành tựu giác ngộ mà bỏ qua thật trí được sao. Do trí nhận ra thật nghĩa tức thật tính của vạn pháp, nhưng trí cũng có trình độ, nếu chỉ hiểu tính chất của phúc họa, thì đó là trí thế gian của các bậc Thánh nhân, nếu hiểu được tính của sinh tử thì đó là trí của Thánh xuất thế, nếu trí không giới hạn ở thế hay xuất thế mà vừa nhiếp hết muôn pháp gọi là quảng đại vừa hiểu chân nghĩa sâu xa của mọi trí thế và xuất thế gọi là thâm mật, trí quảng đại thâm mật này không gì không biết gọi là nhất thiết trí, đó là trí huệ giác ngộ của chư Phật gọi là bát nhã ba la mật đa. Do vậy phải hiểu tính giác ngộ của đạo Phật hàm nghĩa thâm quảng hay vô tận vô biên, không giới hạn, trí huệ vô cùng nên liễu nghĩa. Liễu nghĩa năng sinh phương tiện trí hiểu các nghĩa phương tiện tức các hóa pháp thị hiện, thật trí hiểu rõ bản nguyên của các nghĩa phương tiện cũng chính là thật nghĩa duy nhất của mọi phương tiện nghĩa.

Như vậy người tu học đại thừa phải tu học theo trí tức bát nhã và nghĩa thật của vạn pháp gọi là thật pháp mà không nên theo cách tục nhân học mọi thứ qua thức và chữ nghĩa. Đối với đại thừa đản sinh là nghĩa phương tiện của vô sinh, và vô sinh là thật nghĩa của đản sinh, do liễu nghĩa nên tự tại sản sinh các phương tiện pháp như đản sinh, nhưng cũng do liễu nghĩa mà vô ngại phá bỏ phương tiện đản sinh để hiển thật nghĩa là vô sinh. Chư Phật từ nhất thiết trí liễu nghĩa ứng cơ mà tự tại giả lập các pháp hóa hiện như đản sinh, lại từ không phá bỏ các pháp giả lập để hiển bày thật pháp vô sinh, như tự tại dùng ngón tay chỉ mọi vật, nhưng bác bỏ ngón tay để hiển sự vật muốn nêu, nên một mặt thị hiện đản sinh như ngón tay, mặt khác phủ nhận ngón tay đản sinh để hiển bày cứu cánh vô sinh.

Niết bàn và vô sinh.

Như vậy đản sinh không thật hữu? Đúng vậy đản sinh chỉ là giả hữu, bởi hễ có sinh ắt có tử, thế nên có đản sinh tất có niết bàn, đản sinh đã thị hiện không thật, tất nhiên niết bàn cũng thị hiện không thật, vì Phật và niết bàn chân thật vốn vô sinh diệt, do đó hóa Phật thì có đản sinh nhưng thật Phật thì vô sinh. Lại nữa nếu đức Phật từ thế gian nhập vào niết bàn thì hóa ra niết bàn và thế gian có biên giới, niết bàn được coi là giải thoát rốt ráo có nghĩa nơi đâu cũng giải thoát, nên niết bàn biến khắp mười phương ba đời, ngoài niết bàn không có một vật, thế nên thật sự không có ai nhập được niết bàn và niết bàn cũng chẳng có cửa để vào ra đến đi, đây là nghĩa niết bàn diệu tâm của Phật pháp, diệu tâm niết bàn chính là bản tâm Phật tính của nhất thiết chư Phật và chúng sinh, bản tâm này vốn vô sinh diệt. Kinh Cảnh giới dạy "Tam thế chư Phật giai vô sở hữu, duy hữu thử tâm", ba đời chư Phật đều không có một vật, chỉ có tâm này. Như thế diệu tâm chính là Phật. Chúng sinh vốn đồng với chư Phật sẵn có diệu tâm đầy đủ bốn đức thường lạc ngã tịnh, nhưng do vọng niệm che mờ mất diệu tâm nên nhiễm tâm sẵn đủ tứ điên đảo là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh xuất hiện và từ đây có chúng sinh. Tính vô thường của nhiễm tâm là gốc sinh diệt, tính khổ là gốc phiền não, tính vô ngã là gốc hư huyễn không thật, tính bất tịnh là gốc tham sân si. Bốn thứ điên đảo này là môi trường dưỡng dục nhất thiết hữu tình và thế giới, vì vậy không ai có thể tìm được sự vĩnh hằng, hạnh phúc, chân thật nào ở thế gian hội đủ tứ điên đảo được, cũng tương tự như làm sao tìm được tự do vĩnh hằng trong nhà tù trừ phi thoát ly khỏi ngục tù, cũng vậy giải pháp duy nhất để thoát kiếp làm tù nhân muôn đời khổ sai trong nhà tù thế gian, chỉ duy có một biện pháp đó là thoát khỏi nhà ngục thế gian, nhưng làm thế nào để thoát ra chỉ có chư Phật mới biết, vì chư Phật là những vị đã ra khỏi nhà lửa thế gian.

Xuất thế gian gia.

Trên trời dưới đất từ thuở khai sơ đến nay chưa hề có Thánh thần hiền triết nào đề cập đến giải thoát, tất cả đều cho trường sinh bất tử là cứu cánh giải thoát, những vị này cố né tránh định luật vô thường nền tảng của thế gian là sinh diệt, để mong sự sinh được bất tử, họ tách cõi trời ra khỏi thế gian để tránh được sự sinh diệt, họ chủ trương cõi trời là nơi trường sinh với sự sống đời đời bất tử, thế nhưng họ không liễu nghĩa để nhận ra định luật sinh diệt không dành riêng cho trời đất hay quốc độ, mà nó là nền tảng của mọi sự vật và chúng sinh, là nhà ở của mọi thứ được sinh và sẽ diệt, do đó nơi nào có chúng sinh và các sự vật hữu hình đều là thế gian và cõi trời cũng không thoát khỏi nhà thế gian, hơn nữa bản chất của loài người là sinh diệt, nên chạy lên trời cũng không thoát khỏi sinh tử, chỉ là thời gian sinh diệt dài lâu hơn ở các cõi kém phúc. Đức Phật nói kệ "Hoặc trên trời dưới biển, hay trốn vào rừng núi không chỗ nào trên đời, tránh được quả ác báo".

Đản sinh hay Vô sinh?

Đạo Phật cho giải thoát là chấm dứt sinh lão bệnh tử, sự chấm dứt này không có nghĩa là trường sinh bất tử, bởi phàm có sinh tất có tử, do đó chấm dứt sinh tử chính là vô sinh. Nhưng vô sinh không có nghĩa là tan biến thành hư vô như ngoại đạo chấp đoạn chủ trương mà vô sinh là thực thể của sinh tử, như sóng không ngừng sinh diệt nhưng nước vẫn vô sinh vô diệt, bất tăng bất giảm, và nước là bản thể của sóng. Bản thể của chúng sinh vốn là diệu tâm niết bàn vô sinh diệt, khi chúng sinh theo dòng vô thường sinh tử vô số lần, bản thể diệu tâm vẫn chưa một lần biết đến sinh tử.

Diệu tâm đã là bản tính chân thật của tất cả chúng sinh, và như thế quay về với bản tâm tất nhiễm tâm tự diệt như khi tỉnh mộng thì tâm mơ tự tan biến, vấn đề chúng sinh phải biết thế gian và mọi hữu tình đều bị vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh chi phối và nhận ra tự tâm là niết bàn đầy đủ bốn đức thường lạc ngã tịnh, để phát khởi diệu tâm bị lãng quên và vứt bỏ tâm nhiễm, một khi diệu tâm hiển hiện, nhiễm tâm tự tan, việc này gọi là nhập niết bàn, chấm dứt hoàn toàn giấc mộng sinh tử lâu nay.

Kinh Hoa Nghiêm dạy "như nhập ám trung thất, vô đăng bất khả kiến, Phật pháp vô nhân thuyết, tuy huệ bất năng liễu.", như vào trong nhà tối, không đèn nên không thấy, Phật pháp không ai nói, dù huệ vẫn không hay. Cũng vậy nếu không có đản sinh tất không ai biết đến vô sinh, nhận ra thật nghĩa của vô sinh sẽ nhận biết ngay trong đản sinh có vô sinh, nếu cho Phật vốn vô sinh nên phủ nhận đản sinh là bất liễu nghĩa, vì chân thật vô sinh thì không ngại bất thứ sinh gì, nếu vô sinh ngoài sinh mới có thì vô sinh tuyệt chẳng phải là vô sinh mà là hư vô. Vô sinh không ngại sự đản sinh, đản sinh không chướng lý vô sinh, như khi nói Phật tính không sinh khi thành Phật, không diệt khi là chúng sinh hàm nghĩa Phật tính bất động, vô sinh vô diệt, thế nên thành Phật hay là chúng sinh cũng không hề tác động hay ảnh hưởng đến Phật tính, đó là thật nghĩa vô sinh của Phật tính và bản tâm hay Phật tính mới là thật Phật, vì vậy kinh Hoa Nghiêm dạy "Tâm, Phật, chúng sinh, thị tam vô sai biệt", tâm, Phật và chúng sinh là ba thứ không sai khác. Đó là khi nhận tâm là Phật thì Phật và chúng sinh cũng đều là Phật, nếu nhận Phật là Phật thì Phật và chúng sinh cùng tâm có khác nhau.

Như vậy chân thật vô sinh tất không ngại đản sinh, bởi đản sinh không hề chướng ngại lý vô sinh, do không có sự đản sinh nào sinh được vô sinh, hơn nữa vô sinh còn là thật nghĩa của đản sinh, trên lập trường thật nghĩa từ vô sinh tự tại thị hiện đản sinh, thị hiện đản sinh nhưng vẫn vô sinh, nói chung vô sinh mà sinh, sinh mà vô sinh, sinh và vô sinh tương tức bất nhị, đó là thực nghĩa đản sinh của đức Phật.

Commented [4]: Vô sinh là không, sinh là sắc, không và sắc tương tức bất nhị, tức không khác mà chính là. Vô sinh mà vẫn sinh, sinh mà vẫn vô sinh đó là thật nghĩa của bát nhã trung đạo, sinh khác với vô sinh đó là nghĩa của giả tức thức

Và đản sinh là cánh cửa mở bày sự giác ngộ giải thoát khỏi sinh lão bệnh tử khổ bằng sự ngộ nhập thật pháp vô sinh của bản tâm còn gọi là niết bàn thanh tịnh vô sinh diệt.

ĐT 1.6.23