Home > Khai Thị Phật Học > Dan-Sinh-Nhung-Dieu-Chua-Biet
Đản Sinh Những Điều Chưa Biết
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Phật giáo đồ ai ai cũng biết đản sinh là ngày đức Phật ra đời và biết rất rõ Phật sinh ra ở đâu, ngày tháng nào, nhưng sự hiểu biết này đều thuộc về chúng sinh tri kiến. Thế nhưng có rất nhiều điều chân thật, quan trọng và lợi ích về đản sinh mà hầu hết Phật giáo đồ chưa từng biết, sự không biết ấy dẫn đến thế tục hóa hay si mê hóa pháp thanh tịnh giác ngộ của chư Phật, vì lẽ này chư Phật thị hiện đản sinh thiên bá ức hóa thân vẫn chưa độ tận chúng sinh. Nói đến độ sinh trước nhất cần đến sự khai mở Phật tri kiến cho chúng sinh thông qua chuyển pháp luân, muốn thế chư Phật cần thị hiện các hóa thân thành đạo chuyển pháp luân, sự thị hiện này được khởi đầu bằng đản sinh.

Và đản sinh cần được hiểu đúng nghĩa bằng Phật tri kiến. Theo chúng sinh tri kiến thì đản sinh là ngày đức Phật ra đời, tín đồ vui mừng vì từ đây có bậc Thánh để nương tựa cầu cạnh mong được ban phát các dục lạc thế gian, và đức Phật trở thành đối tượng để cầu xin cho cái tôi và cảnh giới nghiệp báo của cái tôi được đúng ý tôi, thay vì nhận đức Phật là nơi quy y để được chỉ dẫn đâu là con đường quay về với sự thật, giác ngộ là sự nhận ra đường về.

Thị hiện và đản sinh.

Chúng sinh và thế gian là sản phẩm của nghiệp si mê, không si mê tất không có chúng sinh và thế gian, và như thế đản sinh của bậc giác ngộ không thể là kết quả của mối duyên nghiệp nào đó, đã không do nghiệp duyên mà hiện hữu nơi đời nên gọi là thị hiện đản sinh. Phật pháp gọi thị hiện là một hiện hữu phát sinh từ nguyện lực của bi tâm theo tinh thần "nên hiện thân nào độ thì ứng hiện thân nấy" mà không hiện hữu do nghiệp chiêu cảm. Đã không do nghiệp sinh mà do nguyện sinh tất nhiên đản sinh mang ý nghĩa đem pháp xuất thế đến cho thế gian, ý nghĩa đó được đức Phật khẳng định trong kinh Pháp hoa "Như lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện nơi đời (đản sinh), đó là chỉ bày chúng sinh hiểu biết và vào trong Phật tri kiến.". Để được ngộ nhập Phật tri kiến tức giác ngộ, chính là pháp quy y, y vào sự chỉ dạy của đức Phật để trở về (quy) với thật trí, sự hiểu biết đúng thật gọi là Phật tri kiến, và như thế đức Phật đản sinh để làm chỗ quy y cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, song chúng sinh tham si sâu dày chỉ biết mong cầu dục lạc nên phụng thờ đức Phật với niềm tin ngài sẽ ban bố mọi thứ dục lạc mà họ thiết tha xin xỏ.

Đức Phật đản sinh như vị trưởng giả đến dẫn dắt cùng tử trở về, song cùng tử nghiệp nặng thích làm kẻ gia nô hơn làm con trưởng giả, vì vậy trong tâm chúng sinh chỉ biết thờ Phật cầu được ăn oản, như người làm công phụng sự chủ để được lương, và vẫn tránh né cho dẫu được Phật nhận làm con đưa về cảnh giới giải thoát. Âu cũng do thói quen cầu xin mà đánh mất cơ hội làm con trưởng giả thoát kiếp cùng tử.

Vô sinh và đản sinh.

Đức Phật từ đâu đản sinh đến thế gian? Ngài đã không do nghiệp báo chiêu cảm mà thọ sinh, tất nhiên phải là từ chốn thanh tịnh vô nghiệp báo, đó là cảnh giới bất động vô sinh vô diệt mà thị hiện đản sinh. Đã từ vô sinh đến hẳn nhiên không phải để nuôi dưỡng hay bảo bọc thân tâm và thế giới sinh tử luân hồi của chúng sinh, bởi những thứ đó hoàn toàn là tạo tác vọng nghiệp, mà để khai mở con mắt huệ tức Phật tri kiến cho chúng sinh thấy được cõi vô sinh, gọi là bờ bên kia của bến sinh tử này, thanh tịnh pháp ấy giúp chúng sinh dứt trừ vọng nghiệp. Thế nhân quan niệm con người từ cát bụi, chết là quay về với cát bụi; cát bụi là thể còn gọi là gốc, thân người là ngọn ngành, thân người có sinh tử, cát bụi vẫn y si không thay đổi từ sinh đến tử của kiếp người. Hay như sóng biển sinh ra biết bao bọt nước, bọt nước có sinh nên có diệt, nhưng biển chưa hề sinh diệt. Bọt nước hay thân người sinh sinh tử tử trong bản gốc vô sinh là cát bụi và biển cả nhưng cát bụi và biển vẫn vô sinh vô diệt.

Đản sinh chỉ dạy cho tín chúng nhận biết Đức Phật như biển vô sinh, chúng sinh như bọt biển chịu sinh tử, nay xả bỏ thứ bọt biển sinh tử quay về bản gốc vô sinh thì chấm dứt mọi sinh tử khổ. Phật là bản thể tức chân tâm tự tính của chúng sinh, vì vậy đức Phật dạy "hết thảy chúng sinh đều có Phật tính" bản thể của chúng sinh đã là Phật thì ai cũng có thể quay trở về và y vào bản tâm, gọi là quy y bản tâm thì đều thành Phật cả, nhưng xét cho cùng thì không có thành Phật mà chỉ là thức tỉnh (giác) nhận ra và về lại gốc thật của ta mà thôi. Mê muội quên gốc vô sinh nên chìm trong mộng trường sinh tử, đức Phật đản sinh để thức tỉnh giấc mơ vô cùng, chấm dứt sinh tử về lại chốn vô sinh. Hiềm nỗi chúng sinh thích mộng ngại tỉnh nên vẫn mong Phật giúp họ kéo dài cơn mơ, bỏ qua cơ hội trăm ngàn ức kiếp mới có được.

Niết bàn và đản sinh.

Phật pháp gọi niết bàn là chỗ tịch tĩnh bất động. Bất động có nghĩa không đổi thay, thường trụ bất biến, lại cũng có nghĩa là không sinh diệt. Đạo Phật là đạo giải thoát khỏi khổ sinh tử, vì vậy bến đỗ là cõi niết bàn vô sinh, và như thế niết bàn là cứu cánh giải thoát, đức Phật đản sinh không ngoài mục đích chỉ ra cứu cánh này.

Niết bàn không phải là cõi để đến hay để sinh về mà là chỗ trở về; khi nói trở về tất cần hiểu rằng niết bàn là chỗ trụ chân thật, là gốc nguồn của mọi hữu tình, ngoài niết bàn vô sinh mọi cảnh giới đều là huyễn mộng. Đã là bản nguyên của chúng sinh dĩ nhiên niết bàn chính là bản tâm, tâm này vô sinh nên chưa từng là Phật hay chúng sinh, bất động nên chưa từng có mê ngộ. Theo tục đế thì niết bàn vô sinh là y báo của chính báo thành Phật, nhưng theo đệ nhất nghĩa đế thì y chính nhị báo của bản tâm vốn là một. Bản tâm vốn sẵn là giác bao gồm hai đặc tính trái ngược là động như phổ quang biến chiếu biểu trưng cho thành đạo và chuyển pháp luân tức chính báo, và tĩnh như bất động vô sinh biểu trưng cho niết bàn tịch tĩnh tức y báo.

Chư Phật từ niết bàn vô sinh thị hiện sinh vào cõi sinh tử, giáo lý nhất thừa gọi là "tùng bản thùy tích" từ gốc hiện nơi ngọn ngành, với mục đích giác ngộ chúng sinh trở về niết bàn vô sinh, nhất thừa pháp gọi đây là "tùng tích quy bản" từ ngọn sinh tử quay về gốc vô sinh, ấy là giải thoát thành Phật, bởi thành Phật đơn giản chỉ là sự quy bản. Bản tâm xưa nay hằng bất động, hằng giác và vô sinh nên không có chuyện thành Phật hay sinh về niết bàn mà hoàn toàn chỉ là ngộ nhập bản tâm xưa nay. Bởi nếu có chúng sinh thành Phật hóa ra chúng sinh là một thực thể, và nếu đã là một thực thể tất không thể thay đổi để từ chúng sinh thành Phật, vã lại nếu Phật từ thứ khác thành thì Phật cũng có thể hóa thành thứ khác và như thế Phật không phải là thực thể, nên là vô ngã, vô thường, nhiễm (bất tịnh) và khổ. Phật đã vô thường và y tha khởi thì niết bàn cũng y theo và chung cục bản tâm cũng vọng huyễn không còn là bản mà trở lại là vọng tâm.

Đản sinh để khai mở Phật tri kiến.

Lý do chân thật của đản sinh là gì? Câu đáp của đức Phật đó là vì một đại sự nhân duyên duy nhất để mở bày cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến.

Phật tri kiến nói gọn là Phật trí hay thật trí. Thế nào là Phật trí? Đó là trí biết tính chân thật của mọi pháp, cũng chính là trí nhận biết ra đâu là chân và vọng, nói rõ hơn thật trí là sự nhận biết chân lý. Phật trí nhận ra nguồn gốc của các pháp, nên thấu hiểu được bản tâm chân thật của hữu tình vốn thanh tịnh vô nhiễm, bất động tịch tĩnh không sinh tử, phổ quang biến chiếu không u ám mê mờ, tựu chung bản tâm sẵn đủ mọi yếu tố giác ngộ, tịch tĩnh an lạc của Phật và niết bàn. Chúng sinh được đức Phật khai thị mới nhận ra bản tâm giác tính của mình xưa nay gọi là ngộ Phật tri kiến, và quay trở về bản tâm gọi là nhập Phật tri kiến. Ngộ nhập Phật tri kiến chính là quy y vô thượng tâm. Lại cũng có thể nói theo tục đế phân biệt thì ngộ là lý giải và nhập là sự hành, lý sự viên dung là Phật tri kiến, lại nói quy y là sự lý viên dung, vô thượng tâm là Phật tri kiến.

Nếu đản sinh không để khai thị Phật tri kiến, thì sẽ không có đản sinh, bởi đây là đại sự nhân duyên của đản sinh, điều này chứng minh đản sinh cùng với khai thị và ngộ nhập Phật tri kiến là một.

Ngộ Phật tri kiến và thành đạo.

Nếu không ngộ Phật tri kiến thì không thể thành đạo. Thành đạo là giác ngộ, đạo mà Phật pháp muốn chỉ dạy là đạo giác ngộ, phàm có thật trí nhận ra chân vọng thì mới là giác ngộ, song không phải mọi thứ nhận biết chân vọng của thế tục là giác ngộ, chỉ có sự nhận biết ra nguồn gốc thật của chân vọng tức thực tính của các pháp mới gọi là giác ngộ. Khi giác ngộ nhận biết chân thật tất sẽ thanh tịnh, không còn mê lầm nên vô nhiễm, thanh tịnh vô nhiễm nên thường trụ bất động, vô sinh vô diệt, đó là các đức tính của giác ngộ. Trí huệ giác ngộ ấy là Phật tri kiến, Phật có nghĩa giác ngộ, tri kiến cũng là trí, nên Phật tri kiến còn gọi là Phật trí, người có Phật trí được gọi là Phật.

Phật là bậc giác ngộ nên đạo Phật là đạo giác ngộ, vì vậy đức Phật đản sinh là để giác ngộ hóa chúng sinh, đó là nhân duyên chân chính nhất được kinh Pháp hoa gọi là đại sự nhân duyên, muốn độ hóa tất nhiên phải mở bày Phật trí cho chúng sinh, về phần chúng sinh người nào muốn giác ngộ để giải thoát khỏi dòng sinh tử vô cùng thì phải ngộ nhập Phật trí.

Đản sinh đã không ngoài nghĩa giáo hóa chúng sinh giác ngộ thành đạo, song đa phần tín chúng lại hiểu sai cho rằng đức Phật đản sinh để bảo hộ họ an bình trong nhà lửa của ba cõi. Rõ ràng đức Phật đản sinh không để làm vua che chở cho thần dân, thậm chí ngài cũng thẳng thừng khước từ sự dưng cúng thành Vương xá của vua Tần bà ta la, mà đến để đưa chúng sinh ra khỏi nhà lửa, nếu đến với thế gian để ban bố dục lạc đức Phật đã không từ bỏ ngôi vua. Giữa đời sống ngũ dục vương giả và cuộc sống đạm bạc nghèo nàn của một khất sĩ đức Phật đã chọn làm khất sĩ, ngài Huyền giác gián tiếp giải thích vì sao lại coi khất sĩ hơn cả ngôi vua bằng lời ca trong Chứng đạo ca như sau:

"Cùng Thích tử, khẩu xưng bần,

Thực thị thân bần, đạo bất bần,

Bần tắc thân thường phi lũ hạt

Đạo tắc tâm tàng vô giá trân,

Vô giá trân, dụng bất tận,

Lợi vật ứng cơ chung bất lận."

Cùng Thích tử miệng xưng nghèo

Thật thì thân nghèo, đạo không nghèo

Nghèo nên chỉ mỗi áo nâu sồng

Đạo thì tâm chứa bảo vô cùng

Vô số bảo, dùng không cạn

Tùy cơ lợi vật không hề tiếc.

Khất sĩ thân nghèo nhưng đạo không nghèo nên tùy căn tính mà lợi lạc hữu tình, chả hơn là giàu ngũ dục do tính tranh cướp nên nghèo cùng sự cứu giúp tha nhân. Nhờ vào Phật trí mà thành đạo nhân lợi ích hữu tình, do thiếu Phật trí nên sẵn lòng cướp đoạt của hữu tình, gieo rắc cảnh khổ nạn cho muôn loài. Nếu tiếp thọ được sự khai thị Phật tri kiến của Như lai chắc hẳn đệ tử Phật cầu đạo không cầu dục, và kỉ niệm đản sinh bằng sự lợi vật ứng cơ hơn là dâng lễ cầu xin ngũ dục.

Ngộ Phật tri kiến và chuyển pháp luân.

Nếu không thành đạo thì không chuyển pháp luân. Thành đạo là tự giác, chuyển pháp luân là giác tha. Theo đệ nhất nghĩa đế thì tự giác và giác tha là một, hễ thực sự tự giác ắt sẽ bao gồm giác tha. Bởi giác là ngộ nhập bản tâm tự tính, bản tâm vốn thanh tịnh, bất động vô sinh nên không hề có nhân ngã, mê ngộ, Phật và chúng sinh. Bản tâm là thực thể của mọi pháp nên ngoài bản tâm chẳng thể có bất kì pháp nào.

Phật là bản tâm, bản tâm vốn thanh tịnh và vô hạn nên Phật là thanh tịnh vô hạn, nếu dùng ngôn ngữ tục đế diễn bày thân Phật thì thanh tịnh pháp vô hạn chính là thân Phật, vì vậy theo chân đế thì đâu cũng là Phật.

Do pháp thân thanh tịnh biến khắp mọi nơi không có giới hạn của tự giác hay giác tha mà giác hạnh phải viên mãn, có nghĩa không gì không giác, vì vậy dụng của pháp thân thanh tịnh là tịnh hóa tức giác hóa nhất thiết, thế nên sự giác ngộ viên mãn tự động dẫn đến hai tác dụng là thành đạo tức thành Phật và chuyển pháp luân tức độ sinh, nếu chỉ thành đạo mà không kèm theo chuyển pháp luân thì không thể gọi là giác ngộ viên mãn (viên giác), vì chưa rốt ráo thanh tịnh, nói khác hơn là chưa thành tựu pháp thân thanh tịnh nên không được gọi là Phật, như trường hợp của hàng nhị thừa là Thanh văn và Duyên giác. Do đó thành đạo và chuyển pháp luân là một, thành Phật và độ sinh không hai. Kết hợp hai thứ này thành bản tâm thanh tịnh vô hạn.

Nhập Phật tri kiến và niết bàn.

Phàm nhân thường nhận thức niết bàn là một thế giới an lạc xen lẫn trong các thế giới khác nhưng thuộc cõi sinh hoạt của chư Phật, chư Phật sau khi tịch sinh về cõi này gọi là nhập niết bàn, như người tu tịnh sau khi chết sinh về tịnh độ. Kì thật niết bàn là một cảnh giới vô trụ nên không thể định vị, hơn nữa lại là chốn vô sinh, đã vô trụ lại vô sinh dĩ nhiên không thể có chuyện sinh về niết bàn, thậm chí xuất hay nhập niết bàn. Nói như vậy có nghĩa đâu đâu cũng là niết bàn và niết bàn chính là bản tâm thanh tịnh bất động xưa nay. Thế nhưng do đâu phàm nhân không nhận ra? À! Cũng bởi do tâm mê che khuất bản tâm nên chúng sinh chỉ thấy cảnh giới nhiễm trược của tâm mê, như trong giấc ngủ người vô sự nhập vào ác mộng, họ chỉ thấy toàn cảnh đáng sợ của mộng mị mà thôi, đến khi tỉnh giấc họ thấy an bình và tái hiện vô sự mà nào có đến đi hay nhập cõi bình an vô sự ấy đâu, ác mộng như thế gian, đời thật như niết bàn, phải biết rằng ngay khi sống trong ác mộng (thế gian), sự sống ấy vốn không thật, nên mọi cảm thọ đều là vọng, sự sống thật vô sự (niết bàn) vẫn tồn tại không mất, chỉ cần tỉnh là nhận biết trở lại, đức Phật đản sinh để thức tỉnh những người say giấc mộng ảo, nên gọi ngài là Phật bậc thức tỉnh (giác ngộ).

Người trong mộng không thể đặt câu hỏi "niết bàn ở đâu trong thế giới mộng ảo?", dĩ nhiên là niết bàn vô sở trụ trong cõi mộng, nhưng không phải vì thế mà niết bàn không có thật, ngược lại do cõi ấy không hề có trong thế giới ảo mộng mới biết niết bàn thật sự là cõi chân thật, ngay khi kẻ mộng đánh mất cõi thật, niết bàn không hề diệt, cho đến khi từ mộng bừng tỉnh cảnh thật không hề sinh, nên mới biết niết bàn là chân thật và vô sinh vô diệt.

Tỉnh thức nhận ra sự thật, nên tâm thức tỉnh tức tâm giác hay tâm Phật chính là tâm chân thật và cảnh giới gọi là niết bàn của chân tâm dĩ nhiên cũng chân thật bất sinh bất diệt. Kẻ mơ chỉ nhận biết các thứ ảo mộng không thật nên tâm họ gọi là tâm mê muội vọng tưởng. Niết bàn là cõi tịnh tối thắng có đủ bốn đức "thường lạc ngã tịnh", là cõi vô sinh, cõi chân thật của mọi chúng sinh, khác với tịnh độ là cõi có sinh của người không thấy niết bàn tức chưa giác ngộ. Tỉnh để chân thật về không hơn là mộng đến cõi tịnh sao?. Niết bàn là chân tâm thanh tịnh, tịnh độ là cõi biến hóa của chư Phật còn gọi là hóa thành. Đó là chỗ khác biệt giữa tịnh độ và niết bàn.

Niết bàn có nghĩa tịch diệt, nôm na là vắng lặng, do dứt bặt hết mọi đối đãi phân biệt nên gọi là tịch diệt. Khác với đoạn diệt là biến mất hoàn toàn và vĩnh viễn, tịch diệt là dứt trừ hết mọi nhị nguyên, chấm dứt sinh tử đạt thành trạng thái tịch diệt vô sinh. Vô sinh tịch tĩnh bất động là đặc tính của bản tâm thanh tịnh, nên niết bàn cũng chính là bản tâm, nếu phân biệt cho dễ hiểu thì tính thanh tịnh của bản tâm gọi là chính báo tức thân tâm vô hạn của thật Phật Tỳ Lô Gía Na Phật, còn tính bất động tịch tĩnh của bản tâm gọi là y báo tức niết bàn vô sinh. Trên phương diện chân đế thì Phật và niết bàn đều là chân tâm nên đồng là một.

Giác ngộ tất bao gồm cả nhị báo; chính báo thì thành Phật độ sinh, bao quát thành đạo và chuyển pháp luân, y báo thì nhập niết bàn. Do nhập niết bàn nên dù có thành đạo hay chuyển pháp luân vẫn bất động, do thanh tịnh hóa nên tuy không hề lìa niết bàn bất động mà vẫn thành đạo và chuyển pháp luân. Tuy động nhưng hằng tĩnh, tuy tĩnh nhưng hằng động, động tĩnh viên dung đó là cảnh giới chân giác ngộ, tự tại giải thoát, gọi đó là Phật và niết bàn.

Để dễ hiểu hơn có thể phân biệt theo tục đế niết bàn là bản chốn quay về, gọi là y báo của bản tâm, Phật là ứng tích đưa chúng sinh trở về niết bàn, gọi là chính báo của bản tâm, theo chân đế thi Phật và niết bàn vốn chỉ là nhị báo của nhất tâm nên là một.

Nhập Phật tri kiến và đản sinh.

Phàm nhân thường hiểu đản sinh là sự ra đời của một chúng sinh mà sau đó trở thành Phật, như vậy sự ra đời đó chịu chi phối của nghiệp, từ thân tâm đến cảnh giới nên bất tịnh, và đó là sự hiện hữu của một chúng sinh mang nghiệp nơi cuộc đời thọ nghiệp.

Đản sinh là sự đến với cuộc đời bằng sự thanh tịnh nằm ngoài vùng phủ sóng của nghiệp lực, như hoa sen xuất hiện trong bùn mà không chịu sự chi phối của bùn. Vì vậy ngay khi ra đời đức Phật đã bước đi trên 7 đóa sen và dạy rằng đó là sự đản sinh độc tôn trong thế gian ô trược, rồi cũng do lẽ này mà gọi sự đản sinh thanh tịnh vô nghiệp này là thị hiện.

Như vậy đâu là lý do đản sinh đến cõi nhiễm trược? Thế gian đã là huyễn hóa, mọi thứ thuộc về thế gian đều là vọng không thật, nên chẳng có thứ gì đáng cầu, đáng có ngoài một thứ duy nhất là chứng thật. Tỉnh thức là chứng thật, song thứ duy nhất cần có và đáng có này bị đám chúng sinh say sưa trong cõi mộng mị vô chung bỏ qua trong mê muội thờ ơ bất cần, họ chỉ ngộ ra khi mở bày được Phật tri kiến, thế nên đản sinh là sứ mạng đem Phật trí đến chúng sinh. Bao giờ Phật trí đản sinh được trong mộng tâm, mộng mới diệt, chân mới hiển.

Ngày rằm tháng 4 Phật mới đản sinh, mừng đản sinh bằng lòng thành cùng lễ lộc trang nghiêm cũng chưa phải niềm vui mừng đích thực. Bất luận là ngày nào hễ Phật trí được khai mở đều là ngày đản sinh, vì từ đó mới thật sự quy y giác ngộ qua sự thành tâm cầu tìm đến thành đạo, chuyển pháp luân và niết bàn, sau đó lại đản sinh không chỉ thiên bá ức lần mà đản sinh đến vô cùng nhưng vẫn vô sinh.

Người biết cầu giác ngộ sẽ đạt được giải thoát, đấy là niềm vui tối thượng, và cũng là niềm vui trong sự đản sinh của đức Phật. Đó là chân thật mừng đản sinh.

Nếu Phật không đản sinh thì chúng sinh không thể tự thành đạo, chuyển pháp luân và niết bàn, như kinh Hoa Nghiêm dạy "thí như ám trung thất, vô đăng bất năng kiến, Phật pháp vô nhân thuyết, tuy huệ bất năng liễu", như ở trong nhà tối, không thấy nếu không đèn, Phật pháp không người giảng, không hiểu dẫu sẵn huệ. Nhà tối dụ cho giấc mộng ảo không nhận chân được dù sự chân thật vẫn sẵn có, cho đến khi có người gọi tỉnh, cũng vậy đản sinh để báo thức cho kẻ mộng say.

Tóm lại

Đức Phật từ bản tâm thanh tịnh vốn vô sinh, thị hiện đản sinh vào thế giới bất tịnh hư huyễn để thức tỉnh chúng sinh trở về với bản tâm chân thật bao gồm nhị báo, với chính báo là thành đạo (tự giác) và chuyển pháp luân (giác tha), cùng y báo là niết bàn bất động vô sinh.

Mừng Phật đản là mừng Phật trí từ đây được mở bày, nhờ vậy giác ngộ được nẻo đi lối về niết bàn vô sinh cho ta và chúng sinh, do đây không chỉ mừng cho ta mà còn cho muôn loài, vì đản sinh mang đến tin vui:

Ngã đẳng dữ chúng sinh giai cộng thành Phật đạo.

ĐT 15.5.22

Lại có người thắc mắc ta rốt cuộc thật sự là Phật hay là chúng sinh?

Phật là giác, giác có các đặc tính sau:

- Thanh tịnh không ô nhiễm.

- Không sai lầm nên là thật.

- Thức tỉnh không si mê.

Do các đặc tính này nên biết giác là thật, nên chứng thật là giác ngộ, như vậy bậc giác ngộ tức Phật và cảnh giới giác ngộ tức niết bàn là thật.

Trái lại chúng sinh ô nhiễm mê muội nên không thật, vì vậy biết chúng sinh và thế gian đều hư huyễn không thật.