Home > Khai Thị Phật Học > Phuc-Huu-Lau-Va-Vo-Lau
Phúc Hữu Lậu Và Vô Lậu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Đời sống của một người có hạnh phúc hay không tùy thuộc vào phúc phần của họ, hễ có phúc thì không chỉ có lộc và thọ mà còn có nhiều may mắn bình an. Nếu vô phúc thì vô lộc và vô thọ, cho dù có lộc và thọ nhưng vô phúc thì lộc và thọ sẽ là mối đại họa. Vì vậy khi cần đến lộc thọ hay sự may mắn bình an, người ta thường làm các thiện pháp như cúng dường chùa tháp, tăng ni, cho đến bố thí phóng sinh để cầu phúc. Do phúc gắn liền với hạnh phúc của thế gian, nên phúc này được gọi là phúc báo thế gian, vì vậy mọi sinh vật thuộc thế gian từ người đến thú đều rất cần đến phúc báo nhân thiên.

Hữu lậu là gì?

Lậu ở đây mang nghĩa rò rỉ, chỉ cho sự tồn tại có giới hạn và suy tàn trong từng niệm. Phúc hữu lậu là thứ phúc nhất thời không vĩnh hằng chịu sự chi phối của vô thường, có rồi sẽ mất, khi có thì hạnh phúc, lúc mất thì đau khổ gấp bội, vì chẳng có khổ nào hơn khổ mất phúc, đã vui trước khổ sau hẳn nhiên đối với người trí huệ phúc hữu lậu quả là thứ phúc bạc không có giá trị để cần cầu.

Có hai lý do chính để gọi là phúc hữu lậu. Thứ nhất phúc đó là một thứ dục lạc của sắc thân theo ý mong cầu của ngã, song ngã vô thường nên ngã hữu lậu vì vậy mọi thứ phúc gắn liền với ngã cũng đều vô thường và hữu lậu.

Không nên ngộ nhận khi tôi bố thí tôi không cầu cho bản thân thì đó sẽ là phúc vô lậu, bởi dù không cầu cho bản thân nhưng cầu cho tha nhân hữu lậu nên phúc ấy cũng hữu lậu. Thứ phúc này chỉ được quả báo trong nhân thiên nên cũng gọi là phúc báo nhân thiên.

Thứ hai nếu nhân tạo phúc chỉ là lòng trắc ẩn nhất thời, tuy không cầu phúc cho ngã, nhưng cũng vô tâm không vui thích hành thiện tạo phúc thì quả phúc của thiện pháp bất thường lúc sinh lúc diệt ấy dĩ nhiên cũng là phúc hữu lậu.

Tóm lại mọi thứ phúc báo của hữu tình và vô tình thuộc thế gian như sinh mạng của cải, vinh hoa phú quý, chùa chiền danh thanh đều là phúc hữu lậu. Thế nhân có thói quen làm thiện đều cầu cho bản thân và tất cả đều là phúc hữu lậu.

Làm thế nào để nhận biết phúc hữu lậu?

Ngã và thế giới này vốn vận hành theo luật vô thường, mọi thứ đều xoay vần biến đổi theo hai pháp đối nghịch như ngày và đêm, vui và buồn, sống và chết. Bản chất của mọi thế gian pháp là vô thường, bất kể hữu tình hay vô tình hễ thuộc thế pháp tất vô thường, vì vậy ngã và mọi thứ thuộc ngã đều vô thường, nên chi mọi phúc họa của ngã đều vô thường, phúc nào cũng thành họa khi kết thúc và họa nào cũng thành phúc khi nó chấm dứt.

Do đó không khó để nhận ra thế nào là phúc hữu lậu. Đó là phàm làm mọi thiện pháp từ bố thí, phóng sinh, xây chùa, tạo tượng, thiết trai cúng dường nhằm vào mục đích cầu phúc lộc cho bất kì cái sắc thân vô thường hữu lậu nào (là tôi hay là ai) hoặc cho các thứ vật chất thế gian (nhà cửa của cải, tạo tượng, cất chùa) được thành tựu đều là phúc hữu lậu. Không nên ngộ nhận khi bố thí tôi không cầu cho bản thân thì đó sẽ là phúc vô lậu, vâng dù không cầu cho bản thân nhưng cầu cho tha nhân hữu lậu thì phúc ấy cũng hữu lậu. Thứ nữa quả phúc của các thiện pháp lúc hành lúc không cũng là phúc hữu lậu.

Phàm nhận biết ngã và thế gian này đều thuộc vô thường hữu lậu tất hiểu rõ mọi thứ phúc báo thế gian đều hữu lậu.

Thế nào là vô lậu?

Vô lậu có nghĩa sự tồn tại vô giới hạn và không bị giảm thiểu. Vô lậu là tính thường trụ của chân tâm, khác với vọng tâm vô thường hữu lậu của nhất thiết chúng sinh. Chân tâm thường trụ vô lậu là Phật tâm nên Phật thường trụ, vọng tâm vô thường hữu lậu là chúng sinh tâm nên chúng sinh vô thường. Do vậy phàm dụng vọng tâm tạo tác bất kể mọi pháp hồi hướng đến các thứ thế gian pháp đều là vọng nghiệp thuộc pháp hữu lậu, thế nên Địa Tạng bồ tát nói "mọi suy nghĩ hành động của chúng sinh nam Diêm phù đề đều là (vọng) nghiệp” và như vậy làm thế nào có được công đức khi cử chỉ động niệm đều từ vọng sinh, nếu ba nghiệp đều khởi từ bồ đề tâm khi ấy mọi tư duy hành động đều là công đức vô lậu, như vậy không bồ đề tâm tất không công đức, do vậy kinh Hoa Nghiêm dạy "lìa bồ đề tâm mọi việc thiện đều thành nghiệp của ma”. Nhờ phát tâm không chỉ đạt được công đức vô lậu, mà còn thành tựu tam thân, đặc biệt là Báo thân. Một tâm bồ đề nhiếp trọn ba thân, bao gồm Pháp thân (nhất thiết trí), Báo thân (công đức viên mãn) và Hóa thân (bi nguyện độ sinh). Ba thân viên mãn hợp nhất mới là chân thân Phật.

Vì sao hành thiện cầu phúc không linh ứng?

Mục đích của tạo phúc đã là cầu lộc và thọ, dĩ nhiên việc phúc này nhắm lợi cho bản thân, và thực tế đây chỉ là mượn sự tạo phúc để cầu lợi, dụ như thả cá hay bố thí để cầu phúc lộc cho bản thân, khi ấy cá và người nghèo bị lợi dụng làm lễ vật như hương hoa quả trái để cầu xin. Khi các pháp phóng sinh hay bố thí tưởng chừng như thiện pháp lại chỉ là thứ lợi dụng pháp thiện lấy loài vật và người nghèo khổ làm lễ vật để mưu cầu dục lạc cho bản thân, do vậy các thiện pháp này đã bị tâm trục lợi biến thành bất thiện pháp nên làm thế nào có phúc được. Bởi vậy biết bao người dâng lễ cầu xin cùng với vô số điều xin xỏ, mà mãi không thấy phúc đến gõ cửa, nạn vẫn còn, khổ vẫn y, trước sao sau vậy, phép màu không đến. Ôi! Phúc hữu lậu còn không thành bàn gì đến công đức.

Từ đây suy luận hễ hành thiện pháp với mục đích cầu lợi lộc cho bản thân tức cầu cho tôi (ngã) thì đều là sự lợi dụng thiện pháp một cách bất thiện, vì vậy mà không có phúc, có chăng cũng chỉ là thứ phúc đức bất tịnh và thấp kém.

Phúc không do Phật thần ban bố mà do tâm thanh tịnh tức bồ đề tâm sinh khởi, ngoài tâm này không thể có phúc vô lậu.

Nhận chân sự khác biệt giữa hữu lậu và vô lậu.

Bản chất của ngã và thế gian vốn dĩ vô thường vô ngã nên mọi thứ luôn là hữu lậu, không thể có vô lậu trong ngã và thế gian vô thường vọng huyễn. Đồ chúng mù mờ ngu ngơ không nhận ra sự khác biệt giữa hữu và vô lậu, nên ngây ngô ngỡ rằng mọi thứ dính dáng đến hình thức của đạo Phật đều là phúc vô lậu (công đức) như xây chùa, tạo tượng, bái sám cúng dường… còn như bố thí, phóng sinh chỉ liên quan đến tục nhân nên đều là tục sự chỉ được phúc hữu lậu thấp hèn. Họ nào biết chùa tượng, tăng ni cho đến nhà cửa, nam nữ đều thuộc thế giới hữu lậu nên đều hữu lậu bình đẳng như nhau. Tăng tục bình đẳng khi đều nhận vọng tâm là ngã, và chỉ khác nhau nếu phát tâm, và người phát tâm bất kể tăng tục đều thành tựu công đức vô lậu. Công đức không ở bất kỳ thứ gì thuộc thế gian hư ngụy mà chỉ duy ở nơi chân tâm, đã biết công đức do tâm quyết định, thì chỉ cần phát tâm hành bất kỳ điều thiện nhỏ nào như bố thí cho người ăn mày cũng sinh công đức, trái lại nếu dùng vọng tâm chấp ngã xây chùa tạo tượng vẫn không công đức như vua Vũ đế mà thôi.

Cứ xem chư Bồ tát cứu khổ cứu nạn mà thành tựu công đức Báo thân, còn thế nhân cũng làm từ thiện cứu trợ tha nhân nhưng không thành công đức mà chỉ có chút phúc báo thế gian. Vì sao vậy? Đơn giản Bồ tát phát đại bi tâm cứu vớt muôn loài nhưng không cầu phúc mà hồi hướng cho ta và người đồng thành quả bồ đề, nhờ sự hồi hướng của tâm vô thượng này mà thành tựu công đức vô lậu, do đó đức Phật dạy “hồi hướng đến quả bồ đề thì công đức vô tận”. Thế nhân cứu giúp tha nhân bằng lòng trắc ẩn nhất thời hoặc tâm cầu lợi, do tâm cầu lợi nên chỉ có phúc báo mà không có công đức. Muốn được công đức xuất thế cần phải phát tâm đại bi lợi ích chúng sinh, thế nên từ thiện khác với Bồ tát đạo. Từ thiện là hành thiện với tâm mong cầu các thứ hữu lậu bao quát tình hay vô tình, như thân mạng hay của cải, lại khi cần thì mới hành. Bồ tát đạo là hành thiện với tâm cứu khổ cứu nạn, vượt ngoài việc cầu phúc, nơi đâu có khổ nạn thì cứu giúp nơi ấy, sự hành thiện đó không vì cầu phúc, mà để ban phúc cứu muôn loài, thông qua sự hồi hướng cho chúng sinh được hoàn thành công đức vô lậu bằng việc nhận biết phát tâm vô thượng cứu độ muôn loài. Đó là sự khác biệt giữa Bồ tát đạo và từ thiện, Bồ tát dụng tâm ban phúc qua sự cứu độ, phàm nhân kiếm phúc qua sự từ thiện, do dụng tâm khác mà thành quả cũng khác, nhân kiếm phúc của từ thiện đưa đến quả phúc hữu lậu, nhân ban phúc lợi ích hữu tình của Bồ tát đạo dẫn đến quả phúc vô lậu.

Ngạn ngữ Trung quốc có câu “nhàn thời bất thiêu hương, cấp lai bão Phật cước” có nghĩa lúc vô sự hương không màng đốt, khi nguy thì ôm cứng chân tượng Phật. Câu này miêu tả tinh thần làm thiện cầu phúc của thế nhân chỉ hành khi hữu sự, lúc vô sự thì thờ ơ với thiện pháp, do tính chất hữu lậu lúc làm lúc không nên phúc cũng hữu lậu. Trái lại với người phát tâm cứu khổ hễ chúng sinh còn khổ thì còn cứu, sự cứu khổ thường xuyên ấy tạo nên phúc vô lậu tức công đức như tinh thần "địa ngục vị không thệ bất thành Phật” của Bồ tát Địa Tạng.

Không nên ngộ nhận ngớ ngẩn rằng cứ xây chùa tạo tượng để cầu phúc lộc cho bản thân là công đức vô lậu, và bố thí phóng sinh chỉ là phúc hữu lậu, cần phải hiểu rõ mọi việc thiện nhằm mục đích cầu cho ngã và những thứ thuộc ngã như thân tôi, nhà tôi hay chùa tôi đều là phúc hữu lậu, do ngã hữu lậu nên phúc của ngã cũng dĩ nhiên hữu lậu.

Các thứ phúc báo.

Phật giáo đồ thường phân chia ra hai phương diện đạo và đời. Đạo là các hình thức chùa tháp, tăng ni, kinh tượng và mọi sinh hoạt liên quan đến các hình thức đó như tụng niệm, lễ bái, cúng dường, và đời là mọi thứ sinh hoạt trong đời sống thường nhật ngoài khuôn khổ được coi là đạo như làm lụng kiếm tiền nuôi thân và gia đình. Mọi sinh hoạt về đạo của người tại gia đều được coi là phúc báu, thế nên ngoài việc kiếm sống người tại gia còn kiếm phúc để giúp cho bản thân được nhiều may mắn qua việc cúng dường tiền tài, vật dụng, công quả cho chùa chiền và tăng ni.

Phật giáo tiểu thừa coi mọi sinh hoạt về đạo của tín đồ đều là phúc báo, vì theo tiểu thừa phúc đức cao nhất của người tu hành là chứng quả A la hán, còn phúc của người tại gia là sinh thiên, do không nhắm đến sự thành Phật nên tín đồ tiểu thừa không cần phát tâm độ nhất thiết chúng sinh.

Tuy nhiên cứu cánh tu hành của đại thừa Phật giáo nhắm đến thành Phật và độ nhất thiết chúng sinh, nên cần phải thành tựu công đức viên mãn, và để thành tựu công đức buộc phải độ vô lượng chúng sinh, song muốn độ nhất thiết chúng sinh lại cần phải có trí tuệ viên giác tức thành Phật. Thế nên với tinh thần thệ độ nhất thiết chúng sinh hành giả cần cầu thành Phật quả, và độ sinh là con đường duy nhất dẫn đến Phật quả. Để độ sinh và thành Phật cần phải phát tâm bồ đề, tâm này vô lậu không thuộc thế gian hữu lậu vô thường nên mọi sự hồi hướng hay phát sinh từ tâm này đều là vô lậu công đức. Tâm công đức vô lậu trong kinh gọi là vô thượng tâm, đại đạo tâm hay bồ đề tâm. Nếu không phát tâm vô thượng thì không thể hành việc vô thượng là độ nhất thiết chúng sinh, và không thể chứng được quả vô thượng là Phật quả. Do phát tâm vô thượng mà thành tựu hai việc vô thượng là thành Phật (lý vô thượng) và độ sinh (sự vô thượng), thành tựu sự lý vô thượng này đồng nghĩa với thành tựu công đức vô thượng.

Ba vô thượng tiêu biểu cho ba thân của đức Phật. Lý vô thượng là Pháp thân Phật, sự vô thượng là Hóa thân Phật, công đức vô thượng là Báo thân Phật. Đức Phật là tổng hợp của ba thân vô thượng nên ngài được tôn xưng là bậc Vô thượng tôn và tâm Phật là vô thượng tâm. Đây là điểm đặc thù của thật đại thừa, giáo pháp duy nhất dẫn đến quả Phật nên cần phải thành tựu công đức.

Chỉ có đức Phật có đủ ba thân, đặc biệt là Báo thân công đức. Báo thân là kết quả lý sự viên dung của Pháp thân và Hóa thân. Ngoài chư Phật ra, ngay đến Bồ tát và A la hán cũng đều không có Báo thân, nguyên nhân do Bồ tát chưa độ sinh viên mãn, còn A la hán thì không nguyện độ sinh, nên cả hai đều không có Báo thân. Không phát tâm độ sinh tất không thành tựu công đức Báo thân nên không thể thành Phật. Do đó muốn thành tựu tam thân, đặc biệt là Báo thân công đức thành Phật độ sinh không thể không phát tâm vô thượng nguyện độ nhất thiết chúng sinh.

Vì lý lẽ trên đại thừa phân biệt phúc đức ra hai loại bao gồm phúc hữu lậu còn gọi thế gian phúc báo, sở dĩ gọi là phúc báo nhân thiên vì được hưởng phúc báo của hai cõi trời người thuộc thế gian. Phúc vô lậu được gọi là xuất thế gian phúc báo do thoát khỏi mọi pháp thế gian như vô thường vô ngã và sinh diệt, nên được niết bàn thường an lạc tự tại, do vậy gọi đây là phúc đức xuất thế gian, nói gọn là công đức. Hơn nữa công đức bao quát nhất thiết trí và từ bi độ sinh, chỉ có chư Phật mới có thứ phúc công đức này. Xét cho cùng thì phàm nhân chuộng phúc hữu lậu hơn công đức vô lậu, thế nên người phát tâm luôn là thiểu số.

Làm sao để có phúc?

Như lời dạy của đức Phật trong kinh Địa Tạng bản nguyện có thể chia phúc hữu lậu làm hai loại là đại và tiểu. Tiểu phúc là hồi hướng cho tôi và thân quyến, đại phúc là hồi hướng sâu rộng đến mọi người. Đồ chúng Phật giáo nên bỏ thói quen lợi kỷ chỉ cầu lợi cho bản thân, thay vào đó tu tập hồi hướng cho muôn loài, đừng ngốc nghếch cho rằng nếu cầu cho người thì mình vô lợi, cần hiểu rằng cầu cho người thì thành người có đức, đức vượt trội phúc, có đức thì dư thừa phúc, có phúc chưa hẳn có đức. Cổ nhân chả bảo "có đức mặc sức mà ăn” đó sao, có phúc chỉ là kẻ phú quý, có đức mới là Thánh nhân, và chả có Thánh nào chết đói cả, kẻ phú quý cần đến ngày giờ phong thủy, sợ sệt quỷ thần, quỵ lụy cúng bái, trái lại bậc Thánh nhân thừa đức không cần dựa vào những thứ trên, thậm chí nhờ có đức lớn mà quỷ thần của những kẻ phú quý tôn thờ cũng phải nể sợ tôn kính, như cổ nhân nói "đức trọng quỷ thần kinh”. Người có đức không buồn lo thân chỉ lo cho thiên hạ nên được tôn là Thánh, những bậc này thành tựu đại phúc đức hữu lậu. Phàm nhân mải lo thân nên vô đức chỉ góp nhặt được chút phúc mau tan như bọt nước. Muốn nâng cấp phúc báo từ tiểu lên đại đồ chúng cần thay đổi tâm hồi hướng.

Thánh nhân thế gian nếu muốn được công đức tức phúc vô lậu tất cần phát tâm bồ đề nhiêu ích hữu tình, không bỏ bất cứ chúng sinh nào. Bậc Thánh thế gian đức phủ muôn người, nhưng khi họ phát tâm bồ đề đức sẽ phủ khắp muôn loài, không chỉ ở một cõi mà ở khắp sáu cõi, cũng không giới hạn nơi hiện tại mà trải dài đến tận vị lai, vì vậy đức vô hạn và phúc cũng vô cùng, đó là bậc đại Thánh của muôn loài vượt trội chư Thánh của nhân loại, nên là Thánh của các Thánh, và được tôn xưng là bậc Vô thượng tôn. Đó là lý do bồ đề tâm được gọi là Vô thượng tâm, người thành tựu tâm này là bậc Vô thượng tôn tức Phật. Nếu không phát tâm vô thượng tất không thể thành tựu bậc Vô thượng tôn.

Thế nhân trọng phúc lẫn tiền, với họ phúc là tài sản vô hình, tiền là tài sản hữu hình, nên họ kiếm phúc cũng như kiếm tiền đều nhằm vào việc lợi ích cho bản thân. Kiếm tiền nuôi thân đã không được gọi là thiện pháp, thì việc kiếm phúc nuôi thân dĩ nhiên cũng không phải là thiện pháp, mà đã không phải là thiện pháp tất nhiên làm sao có phúc. Do không hiểu làm thế nào được phúc, người tại gia chỉ biết nghe theo Tăng nhân hô hào cúng dường làm tượng hay xây chùa là công đức vô lượng, rồi hè nhau làm để kiếm phúc, họ không vì tượng cũng chẳng vì chùa mà chỉ do có phúc lợi thân nên đóng góp, với tinh thần ấy chung cục hoàn toàn không phúc, đến ngay Vũ đế tự xây cất biết bao tự viện còn bị Tổ sư nói là không công đức, cần hiểu rằng xây dựng cho bản thân hay của cải như nhà hay chùa, tượng và tháp đều là các thứ hữu lậu nên không được công đức. Đồ chúng đừng kiếm phúc qua ý nghiệp tham lam mà nên tạo phúc bằng tâm bồ đề. Nhìn xem người phát tâm như các vị Bồ tát thường luôn tạo phúc, các vị này không cần kiếm phúc, phúc cũng tự sinh, ngược lại phàm nhân chỉ mưu lợi tính toán đủ thứ từ lễ bái cầu xin, cúng dường bố thí để kiếm phúc, song vẫn chẳng thấy bóng dáng phúc đâu.

Cần hiểu rằng khi phát tâm vì lợi ích muôn loài mà bố thí, không vì lòng trắc ẩn nhất thời hay tâm cầu lợi, khi ấy quả phúc của sự phát tâm thường hành mới là vô lậu, và phúc vô lậu mới chính là công đức. Do vậy nếu không phát tâm vui thích lợi lạc hữu tình thì không thể có công đức, do đó Lục tổ Huệ Năng nhấn mạnh "công đức ở ngay tự tính chân tâm mà không do xây chùa tạo tượng, bố thí cúng dường mà thành”.

Tóm lại muốn có công đức trước nhất phải phát bồ đề tâm nhiêu ích hữu tình, nhờ vậy mọi việc thiện lớn nhỏ đều hành và chúng đều là công đức vô lậu, và hễ đã là phúc vô lậu thì đều bình đẳng, bố thí ăn mày cũng bằng cúng dường Phật, riêng phúc hữu lậu mới có sự cao thấp khác biệt.

Phát tâm bồ đề và công đức vô lậu.

Tâm bồ đề là chân tâm bản giác có đủ bốn đức thường lạc ngã tịnh, do tính thường nên vô lậu, mọi pháp phát sinh từ chân tâm thanh tịnh vô lậu này đều là pháp vô lậu thanh tịnh nên là công đức.

Lại nữa vì vốn là bản tâm chân thật của nhất thiết chư Phật và chúng sinh nên không bao giờ sinh diệt, tăng giảm vì vậy là thường pháp bất động hay vô lậu pháp nên mọi pháp sinh khởi từ tâm bồ đề đều là vô lậu pháp. Do đó nếu không phát tâm ắt không thể thành tựu pháp vô lậu tức công đức viên mãn thành Phật, vì vậy muốn theo con đường thành quả bồ đề cần phải quy y Phật, và phát tâm vô thượng bồ đề là chân chính quy y Phật. Tỉnh Am đại sư dạy "phát tâm là cửa chính yếu để vào đạo”. Đức Phật cũng nói "thành Phật không khó, nhưng do vì khó phát tâm mà thành Phật mới khó”.

Muốn được công đức không nên chọn lựa đối tượng nào có công đức để thực thi như cúng chùa thay vì phóng sinh, cúng Tăng hơn là bố thí cho người bần cùng, mà là dụng tâm như thế nào thì có công đức. Dụng tâm vô lậu thì có công đức vô lậu, dụng tâm hữu lậu thì chỉ có phúc hữu lậu. Ngoài ra cần biết nếu hồi hướng cho các pháp thế gian sẽ là phúc hữu lậu, nếu hồi hướng đến các pháp xuất thế gian vô lậu thì thành công đức vô lậu.

Bản tâm hay Bồ đề tâm vốn sẵn đủ tam thân, trí huệ, công đức và từ bi nên hễ phát khởi tâm bồ đề thì cử chỉ động niệm gì cũng đều là công đức, tâm này lại thường hằng nên công đức cũng thường hằng, vì vậy mọi thứ liên quan đến tâm bồ đề cũng đều thường hằng bất tận. Trong kinh Địa Tạng bản nguyện đức Phật dạy “khi tạo phúc nếu hồi hướng cho ta và thân quyến phúc báo chỉ trong ba đời, nếu hồi hướng cho mọi người phúc báo sẽ kéo dài nhiều đời, nếu hồi hướng cho quả vô thượng bồ đề thì phúc báo vô tận”, hai điều trên đều có cùng tận nên là phúc hữu lậu, chỉ có hồi hướng đến quả bồ đề mới là phúc vô tận gọi là công đức vô lậu. Hồi hướng đến quả bồ đề chính là sự phát tâm cầu thành Phật độ sinh, nhờ vào phát tâm mà mọi thiện pháp đều mang tính công đức vô tận.

Những ai muốn cầu được thứ phúc cao thượng nhất lại bất diệt nên phát tâm bồ đề và hồi hướng đến quả vô thượng bồ đề.

VTA 3.2.2024