Home > Khai Thị Phật Học > Do-Sinh-Va-Tung-Niem
Độ Sinh Và Tụng Niệm
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Nam mô A Di Đà Phât.

Kính Thưa Sư Ông

Dạ, y vào lời giảng dạy của Sư Ông, con đã vào chơ mua cá phóng sanh, đến chùa lạy Phât, bố thí người nghèo, cúng dường Tam Bào; con đã chợt nhận ra là đi vào chợ mua cá phóng sanh, đến chùa lạy Phât; Bố thí người nghèo, cúng dường Tam Bảo phát khởi từ Tâm bình đẳng, vì lợi lạc chúng sanh đồng thành quả vị Vô Thượng Bồ đề, làm Chư Phât hoan hỷ, mọi hành sự sai biệt nhưng phát xuất từ Tâm bình đẳng như trên thì vào chợ, đi chùa, cứu giúp người nghèo khó, cúng dường Tam Bảo đều là đọc tụng kinh, niêm Phật, cúng dường Chư Phật, thế thì chùa và chợ đều thành tịnh độ trong Tâm, chợ và chùa đều là đạo tràng bình đẳng trong Tâm.

Kính thưa Sư Ông, con xin viết lên những đều chợt nhận ra trên sau quá trình được nghe, đọc suy tư và hành những lời giảng, những lời chỉ dạy và những khuyến tấn phát bồ đề tâm của Sư Ông với được tham gia những hành thiện pháp, phóng sanh bố thí cúng dường cùng Sư Ông.

Nam mô A Di Đà Phật, Kính bạch Sư Ông, những dòng tư duy trên con vừa viết ra như trên có gì sai, không đúng Pháp Phật, xin Sư Ông từ bi chỉ dạy cho con để đời đời kiếp được kết thành bồ đề quyến thuộc với Sư Ông và đời đời kiếp hành đúng Bồ đề tâm hạnh vì lợi lạc chúng sanh.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát.

Nam mô Chư Bồ Tát Tùng Địa Dõng Xuất.

Bình luận.

Nhân duyên thị hiện nơi đời của đức Phật chủ yếu để chỉ dạy chúng sinh mở bày tâm Phật (Phật tri kiến) và hoàn thành tâm này hầu xóa bỏ tâm mê muội làm chủ chúng sinh hằng bao đời. Tâm mê đã sai sử chúng ta như một gã nô lệ làm theo mọi tham sân, biến ta và mọi chúng sinh thành những kẻ giác đấu chuyên nghiệp chỉ được quyền sống nếu giết được mọi đối phương trong mỗi trận đấu. Tâm Phật giải thoát chúng ta ra khỏi kiếp giác đấu nô lệ, đem đến cảnh giới hòa bình an lạc giữa mọi chúng sinh, không ai phải giết ai để được sống hay để được an lành, một nhân gian tịnh độ. Tâm Phật độ sinh bình đẳng không phân biệt kẻ ác người thiện, cũng không phân biệt nơi chốn bất kể là thiên đường hay địa ngục, vì tâm này biến khắp mọi phương, nhiếp hết chúng sinh nên tâm này là tâm đại đạo,

Nhân gian tịnh độ làm thế nào để có thể thành hiện thật? Chắc chắn là không thể thành được đối với những kẻ nô lệ giác đấu bị tâm mê khống chế lãnh đạo. Điều kiện ắt có và đủ để thế giới đấu trường này biến thành nhân gian tịnh độ, đó là nói lời vĩnh biệt với tâm mê, quay về với bản tâm Phật trí xưa nay bị lãng quên, thay vì đối diện nhau bằng vũ khí hãy chung lưng kề vai vứt bỏ mọi hung khí cùng hướng về tương lai "một người vì mọi người, mọi người vì một người", đời sống của một người là sự sống của mọi người và ngược lại, có như vậy tịnh độ mới hiện hữu ở mọi nơi mọi lúc mà đâu phải chỉ có ở phương đông hay tây. Tịnh độ mà sở dĩ cục hạn ở một phương là biểu hiện cho tâm Phật chỉ được rất ít chúng sinh tiếp nhận được sự khai thị Phật trí, nếu mọi

người đều ngộ nhập Phật trí thì ai cũng là Thánh chúng và tất nhiên bi trí hiện hữu khắp mười phương, thử hỏi đâu là nơi nằm ngoài cõi tịnh đây.

Bản hoài thị hiện độ sinh của đức Phật là như thế, đáng tiếc do si mê kiên cố, ngu muội vững bền, tham sân bất thối, chúng sinh lái Phật pháp qua hướng thế gian mê tín, coi Phật Bồ tát là thần bảo hộ chu cấp ngũ dục cho ta thay vì gột rửa tham dục. Thế nên ô hô! Càng thờ Phật càng thêm tham si, họ không tàm quý khì quỳ trước bậc vô dục cầu xin mọi thứ dục lạc thấp hèn, cũng không day dứt khi từ chối cứu giúp hữu tình, đã vậy khi cầu dục không được như ý lại giận trách Phật vô tình, được ta cúng lễ đủ thứ mà chỉ biết nhận không biết đền đáp, thực bạc bẽo không đáng thờ nữa.

Ôi! Chả biết từ đâu họ nhận được lời hứa thờ Phật sẽ được ngài ban lại mọi thứ tham dục họ mong cầu? Có lẽ đó là truyền thống dân gian được các sư sãi chùa làng chỉ dạy pháp "thờ Phật ăn oản" cho dân quê và được lưu hành qua nhiều thế hệ, và khi đã thành truyền thống hay tập tục thì chẳng có Phật thánh nào thay đổi được, và mọi thứ mê tín, sai lầm đều thành chân lý, và chân lý thật bị đem chôn vào cõi vĩnh cửu, không còn ngày tái sinh. Đồ chúng kiểu này là oan gia muôn kiếp của Phật pháp và số này đến giờ vẫn chiếm đại đa số trong hàng ngũ Phật giáo đồ.

Đã biết đại ý của đức Phật là dùng nói pháp như ngón tay chỉ ra vầng trăng Phật trí, sau khi Phật niết bàn, tụng kinh, trì chú, niệm Phật được dùng thay cho Phật nói pháp, mục đích vẫn để chỉ ra Phật tâm tức tâm độ sinh. Như vậy hành độ sinh công đức sẽ vượt xa trì tụng, vì độ sinh là Phật sự lợi lạc hữu tình của những người trưởng thành trong việc tu học, còn trì tụng là học tập độ sinh, điều căn bản của kẻ sơ cơ tu học Phật, mà chưa phải pháp độ sinh thực sự, ví như chữa bệnh là thực hiện lợi ích cho bệnh nhân, mà không hề là đọc các sách y học cho người bệnh nghe để giúp họ khỏi bệnh. Đọc sách là học cách chữa, khi đã chữa thì không cần đọc sách, cũng vậy vào các chốn sát sinh để cứu sinh, các nơi nghèo khổ để cung cấp phẩm vật, đến chùa để tu bổ tháp tượng… là đang hành độ sinh. Con cá không cần được ta cầu chúng được chết nhẹ nhàng trước khi vào nồi kho, người nghèo không cần nghe kinh cứu khổ rồi ra về với bàn tay không một hạt gạo, ngay đến chùa chiền cũng không chỉ cần tụng niệm mà không cần sự hộ trì vật chất của thí chủ.

Tóm lại kinh sách là phương tiện, đọc tụng nghiên cứu là luyện tập. Thực hiện độ sinh ở mọi nơi thuần khổ như Bồ tát Địa Tạng vào địa ngục, hay như những nơi khổ nhiều vui ít để biến những nơi đó thành tịnh độ hay chí ít làm vơi đi phần nào nỗi khổ, để còn thấy trong đau khổ cũng còn xen lẫn những nụ cười, đó là hành động độ sinh của một người đã nhận ra sự hiểu biết từ trong giấy mực của kinh sách, và dĩ nhiên khi ấy hà tất phải cần đến ngón tay tụng niệm. Có Bồ tát nào tụng niệm đâu, mà ngược lại mọi lời lẽ độ sinh của ngài là thứ để chúng sinh tụng niệm.

GK 16.4.22