Ngũ chúng xuất gia[1] có thể sử dụng “Linh Nham Sơn Tự Chuyên Tu Tịnh Ðộ Ðạo Tràng Niệm Tụng Nghi Quỹ” (Nghi thức tụng niệm của đạo tràng chuyên tu Tịnh Ðộ chùa Linh Nham), còn hai chúng tại gia do nhàn, bận bất đồng, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nên ở đây tôi trích dẫn vài đoạn hướng dẫn về công khóa do chư cổ đức định ra từ đơn giản tới phức tạp để mỗi người xét xem cách nào thuận tiện thì tận lực hành trì theo cách đó.
1.1. Pháp môn Chuyên Trì thứ nhất của cư sĩ Vương Long Thư
Trong bốn mươi tám nguyện của A Di Ðà Phật có một đại nguyện như sau: “Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa muốn sanh về cõi tôi, niệm danh hiệu của tôi mười tiếng mà nếu chẳng được sanh thì tôi chẳng làm Phật”. Ðấy là đức Phật sẵn có lời nguyện độ người, chỉ cốt người niệm Ngài mười niệm để biểu thị tấm lòng quy y. Mỗi sáng hướng về Tây, chắp tay, đảnh lễ, niệm Nam Mô A Di Ðà Phật mười tiếng. Rồi lại đảnh lễ, đọc một lượt bài Kệ Phát Nguyện của Ðại Từ Bồ Tát như sau:
Nguyện đồng niệm Phật nhân
Cộng sanh Cực Lạc quốc
Kiến Phật liễu sanh tử
Như Phật độ nhất thiết.
(Tạm dịch:
Nguyện người cùng niệm Phật,
Cùng sanh về Cực Lạc,
Gặp Phật hết sanh tử
Như Phật độ tất cả).
Rồi lại đảnh lễ lui ra. Chí thành như vậy thì không ai là chẳng được vãng sanh, chỉ e [phẩm vị trong] chín phẩm chẳng cao mà thôi! Nếu ai không biết chữ, ta dạy họ niệm bài kệ trên thì phước báo rất lớn.
1.2. Pháp môn Chuyên Trì thứ hai của cư sĩ Vương Long Thư
Mỗi sáng chắp tay, hướng về Tây đảnh lễ, niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Ðại Thế Chí Bồ Tát, Nam Mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát; mỗi danh hiệu mười lượt. Rồi lại đảnh lễ, niệm trọn bài kệ “Tán Phật Sám Tội Hồi Hướng Phát Nguyện” một lượt như sau:
Thập phương tam thế Phật,
A Di Ðà đệ nhất,
Cửu phẩm độ chúng sanh
Oai đức vô cùng cực
Ngã kim đại quy y,
Sám hối tam nghiệp tội
Phàm hữu chư phước thiện
Chí tâm dụng hồi hướng
Nguyện đồng niệm Phật nhân
Cảm ứng tùy thời hiện
Lâm chung Tây phương cảnh
Phân minh tại mục tiền
Kiến văn giai tinh tấn
Ðồng sanh Cực Lạc quốc
Kiến Phật liễu sanh tử
Như Phật độ nhất thiết
(Tạm dịch:
Mười phương tam thế Phật,
Phật Di Ðà bậc nhất, .
Chín phẩm độ chúng sanh,
Oai đức không cùng cực.
Con quy y sâu xa,
Sám hối tội ba nghiệp,
Có bao nhiêu phước thiện,
Dốc lòng hồi hướng cả.
Nguyện người cùng niệm Phật,
Tùy thời cảm ứng hiện.
Lúc chết, cảnh Tây Phương,
Hiện rành rành trước mắt,
Thấy, nghe đều tinh tấn,
Cùng sanh cõi Cực Lạc.
Gặp Phật hết sanh tử,
Như Phật độ tất cả).
Lại đảnh lễ, lui ra. Bài kệ này có oai lực lớn, diệt được hết thảy tội, tăng trưởng hết thảy phước. Phàm mỗi khi đảnh lễ, đốt hương lạy rất tốt. Mỗi ngày đều làm như thế, ắt sẽ sanh trong Trung Phẩm. Nếu dạy người khác niệm bài kệ này, sẽ được phước báo lớn.
Trong lúc niệm Phật, tâm nên tưởng thân mình đang ở Tịnh Ðộ, đối trước Phật chắp tay, cung kính niệm Phật. Lúc niệm Bồ Tát cũng giống như thế. Lúc lạy và đọc kệ, cũng tưởng mình đang ở cõi Tịnh Ðộ, đối trước Phật lễ bái và tụng kệ. Nếu khi nào đã có tượng Phật, Bồ Tát, chẳng cần phải làm như vậy; nhưng phải tưởng tượng Phật, Bồ Tát ấy như đức Phật và Bồ Tát [thật sự] hiện thân ở ngay tại đó, nhận sự lễ lạy của mình, nghe mình tụng niệm. Chuyên chí như vậy, phẩm vị vãng sanh ắt cao. Nếu càng tinh tấn hơn, mỗi ngày niệm Phật ba lượt, năm lượt, hoặc niệm ngàn tiếng, vạn tiếng, cho đến ngày đêm niệm Phật chẳng thiếu sót. Lại đem pháp môn Niệm Phật giáo hóa rộng rãi người đời, lại khiến họ khuyến hóa lẫn nhau, ắt sẽ Thượng Phẩm Thượng Sanh.
Nhận định:
Cách này chuyên vì người bận rộn quá mức, hoặc kẻ không biết chữ mà lập ra pháp Niệm Phật giản dị, cũng như để người mới học dễ hiểu mà chọn được một cách hành trì. Ngày ngày chí thành như thế, không ai là chẳng vãng sanh. Nếu lại hành thêm khóa tối, hoặc là cứ hễ rảnh là niệm, hoặc trong lúc làm việc vẫn niệm Phật không gián đoạn, lại còn rộng khuyên người khác, phẩm vị vãng sanh ắt sẽ cao.
1.3. Pháp Thập Niệm vào lúc sáng sớm của ngài Từ Vân Sám Chủ
Mỗi ngày vào lúc sáng sớm, sau khi ăn mặc tươm tất xong, đứng ngay ngắn, hướng mặt về phía Tây, chắp tay niệm liên tiếp A Di Ðà Phật đến hết một hơi là một niệm. Mười hơi như thế gọi là “mười niệm”. Chỉ tùy theo hơi thở dài hay ngắn, chẳng hạn định số câu niệm Phật, chỉ cốt niệm lâu dài, lấy hết một hơi thở làm hạn. Tiếng niệm Phật chẳng cao, chẳng thấp, chẳng rề rà, chẳng cấp bách, giữ sao cho vừa phải. Mười hơi liên tiếp như thế cốt ý để giữ cho tâm chẳng tán loạn, lấy chuyên tinh làm công, gọi là Thập Niệm, rõ ràng là dùng hơi thở để câu thúc cái tâm. Niệm như thế xong, phát nguyện hồi hướng như sau:
“Ðệ tử con tên là… nhất tâm quy mạng Cực Lạc thế giới A Di Ðà Phật, nguyện dùng quang minh thanh tịnh chiếu con, dùng từ thệ nhiếp thọ con. Con nay chánh niệm, xưng danh hiệu Như Lai trong mười niệm, vì đạo Bồ Ðề cầu sanh Tịnh Ðộ. Xưa kia, Phật đã thề: ‘Nếu có chúng sanh muốn sanh vào nước ta, chí tâm tin ưa, dẫu chỉ mười niệm; nếu chẳng được sanh, ta chẳng chịu giữ ngôi vị Chánh Giác’. Do nhân duyên niệm Phật này, nhập trong biển đại thệ của Như Lai, nương Phật từ lực, các tội tiêu diệt, tăng trưởng tịnh nhân. Khi mạng sắp hết, tự biết đến thời, thân không bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý chẳng điên đảo như nhập Thiền Ðịnh. Phật và Thánh Chúng tay cầm đài vàng, đến đón tiếp con. Trong khoảng một niệm, sanh cõi Cực Lạc. Hoa nở thấy Phật, liền nghe Phật thừa, đốn khai Phật huệ, rộng độ chúng sanh, mãn Bồ Ðề nguyện”.
Phát nguyện ấy xong, lễ bái hay chẳng lễ bái đều được, chỉ cần trọn một đời này, chẳng hề tạm bỏ ngày nào. Chỉ chẳng hề phế bỏ, tự dốc lòng vào đó, ắt sẽ sanh về cõi kia.
Nhận định:
Ðây là vì hàng vua, quan bận rộn việc nước, không rảnh rỗi để tu trì mà lập ra pháp này. Do chúng sanh tâm tán loạn, lại không rảnh rỗi để chuyên niệm, nên mượn hơi thở để nhiếp tâm như thế, khiến tâm tự chẳng tán loạn; nhưng cần phải thuận theo hơi thở dài hay ngắn, chẳng nên miễn cưỡng niệm cho nhiều, miễn cưỡng sẽ bị tổn khí.
Cũng chỉ được niệm mười niệm, chẳng nên niệm đến hai mươi, ba mươi niệm, niệm nhiều cũng bị tổn khí. Nếu như thêm Thập Niệm vào buổi tối hoặc ba lượt sáng, trưa, tối thì cũng được. Vì tán tâm niệm Phật khó được vãng sanh, cho nên lập ra pháp này cốt để tâm quy về một chỗ, nhất tâm niệm Phật, quyết định vãng sanh.
Số lần niệm tuy ít, nhưng công đức rất sâu. Vì thế, sau này chư Tổ đều coi cách này là phương tiện tối thắng để nhiếp thọ các căn cơ, càng thâm nhập càng thấy sâu xa. Giống như có được món ăn ngon lành, đã biết đến mùi vị của nó, thì trong mọi hành vi, lời lẽ hằng ngày đều chăm chắm tưởng mộ, chỉ còn nghĩ đến Phật, chứ nào còn phải hạn định trong một lúc uống trà mới dùng đến cách ấy! Nếu trong nhà có căn phòng thanh tịnh, hoặc có điện thờ Phật, hãy nên đối trước tượng Phật thắp hương, lễ bái, đứng niệm, hay quỳ niệm đều được cả!
1.4. Thông hành tảo vãn công khóa nghi thức
(Nghi thức tụng niệm sớm tối thông dụng)
a. Cúng dường: Trong điện Phật chỉ thờ Tây Phương Tam Thánh. Trước tượng Phật cúng hoa, hương, đèn, quả, nước v.v… Nếu chẳng đủ sức thì cúng một chén nước trong, thắp ba cây hương, đèn, hoa tùy lòng. Lúc thắp hương, nên thầm niệm hoặc đọc rõ tiếng bài tán hương:
Nguyện thử hương hoa vân
Biến mãn thập phương giới
Cúng dường nhất thiết Phật
Thế gian nan tín pháp
Cập chư thượng thiện nhân
Phổ huân chư chúng sanh
Giai phát Bồ Ðề tâm
Ðồng sanh Cực Lạc quốc
(Tạm dịch:
Nguyện mây hương hoa này
Ðầy ắp mười phương cõi
Cúng dường tất cả Phật
Pháp trong đời khó tin
Và những bậc thượng thiện
Xin hương này xông tỏa
Tất cả mọi chúng sanh
Ðều phát Bồ Ðề tâm
Cùng nhau sanh Cực Lạc)
b. Lễ bái: Lúc lễ bái trước hết nên chắp tay, đứng, hay quỳ, thành khẩn niệm:
Nhất tâm đảnh lễ Sa Bà thế giới đại từ đại bi nhân thiên giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ðệ tử tên là… khắp vì bốn ân, ba cõi, pháp giới chúng sanh, chí thành sám hối. Con cùng chúng sanh:
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp
Giai do vô thỉ tham, sân, si
Tùng thân, ngữ, ý chi sở sanh
Nhất thiết ngã kim giai sám hối
Tội tùng tâm khởi tương tâm sám
Tâm nhược không thời, tội diệc vong
Tâm vong, tội diệt, lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chân sám hối (một lễ)
(Xưa kia đã tạo các ác nghiệp
Ðều do vô thỉ tham, sân, si
Từ thân, miệng, ý phát sanh ra,
Hết thảy con nay xin sám hối.
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm đã không rồi, tội cũng tiêu
Tâm không, tội diệt thảy đều không
Thế mới gọi là chân sám hối)
Nhất tâm đảnh lễ Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật.
Ðệ tử tên là… khắp vì bốn ân, ba cõi, pháp giới chúng sanh chí thành phát bốn hoằng thệ nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. (một lạy)
Nhất tâm đảnh lễ Tây phương An Lạc thế giới đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ðệ tử tên là… khắp vì bốn ân, ba cõi, pháp giới chúng sanh chí thành phát đại nguyện, nguyện con và chúng sanh:
Túc thế thân sanh chư phụ mẫu
Lịch kiếp tổ tông cập oán thân
Ðồng trượng Như Lai từ bi lực
Tiếp dẫn vãng sanh An Lạc quốc (một lạy)
(Tạm dịch:
Cha mẹ đời này hay đời trước
Tổ tông, oán, thân suốt bao kiếp
Cùng nương Như Lai từ bi lực.
Tiếp dẫn vãng sanh cõi An Lạc)
Nhất tâm đảnh lễ Tây phương An Lạc thế giới đại từ đại bi Ðại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ðệ tử tên là… khắp vì bốn ân, ba cõi, pháp giới chúng sanh chí thành phát đại nguyện, trong bao kiếp:
Sở sát y thực chư oan mạng
Thập phương bị sát chư chúng sanh
Tất hoạch độ thoát sanh Tịnh Ðộ
Nguyện Phật từ bi phổ nhiếp thọ (một lạy)
(Tạm dịch:
Vì cơm áo giết oan các mạng
Bao kẻ tôi giết khắp mười phương
Thảy đều siêu thoát sanh Tịnh Ðộ
Nguyện Phật từ bi nhiếp thọ hết)
Nhất tâm đảnh lễ Tây phương An Lạc thế giới đại từ đại bi Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ðệ tử tên là… khắp vì bốn ân, ba cõi, pháp giới chúng sanh chí thành phát đại nguyện, nguyện con và chúng sanh:
Cộng dĩ Phổ Hiền thù thắng hạnh
Vô biên thắng phước giai hồi hướng
Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sanh
Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát. (một lạy)
(Tạm dịch:
Cùng theo hạnh Phổ Hiền thù thắng
Vô biên phước quý đều hồi hướng
Nguyện khắp chúng sanh đang chìm đắm
Mau sanh về cõi Vô Lượng Quang)
Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới thập phương thường trụ đại từ đại bi nhất thiết chư Phật, nhất thiết Tôn Pháp, nhất thiết Bồ Tát Hiền Thánh Tăng.
Ðệ tử tên là… khắp vì bốn ân, ba cõi, pháp giới chúng sanh chí thành phát đại nguyện, nguyện con và chúng sanh:
Cộng tiêu tam chướng, chư phiền não
Cộng tăng phước huệ dữ thọ khảo
Phổ nguyện tai, bệnh tất tiêu trừ
Vãng sanh viên thành Bồ Tát đạo (một lạy)
(Tạm dịch:
Cùng tiêu ba chướng, các phiền não
Cùng tăng phước huệ và tuổi thọ
Phổ nguyện tai, bệnh, thảy tiêu trừ
Vãng sanh viên thành Bồ Tát đạo)
c. Niệm tụng:
Chắp tay ngồi niệm:
Nam mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát (ba lượt)
Phật Thuyết A Di Ðà kinh (một biến)
Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni (tức chú Vãng Sanh, niệm ba biến, rồi đọc tiếp kệ tán Phật)
A Di Ðà Phật thân kim sắc
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di
Cám mục trừng thanh tứ đại hải
Quang trung hóa Phật vô số ức
Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn
(Tạm dịch:
Phật A Di Ðà thân kim sắc
Tướng hảo quang minh khó sánh bằng
Năm Tu Di uyển chuyển bạch hào
Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc
Trong hào quang hóa vô số Phật
Hóa các Bồ Tát cũng vô biên
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh
Chín phẩm sen vàng lên bến giác)
Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Ðà Phật (một lần)
Nam mô A Di Ðà Phật.
(niệm mấy trăm câu hoặc vài ngàn câu, lúc đầu định số lần niệm ít, dần dần tăng lên nhiều, nhưng phải giữ sao cho nhất định, chẳng nên lúc tăng, lúc giảm, khi ít, khi nhiều. Ðể nhớ số thì dùng xâu chuỗi, hoặc dùng hương, hoặc dùng đồng hồ để hạn định thời gian cũng được. Chẳng cần biết là niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng, hay niệm thầm, cốt sao miệng niệm, tai nghe, từng chữ rành rẽ, kỵ nhất là niệm như trả bài, tâm mong cho chóng xong thì khó lòng được lợi ích. Ngồi niệm hoặc vừa niệm vừa đi nhiễu đều được. Nếu đi nhiễu thì phải đi từ Ðông qua Nam, từ Tây sang Bắc. Nhiễu theo chiều thuận có công đức, chẳng được đi nhiễu ngược chiều sẽ mắc phải tội vạ. Niệm xong lại niệm):
A Di Ðà Phật
(ngồi niệm hoặc lặng im niệm thầm trăm tiếng hoặc mấy ngàn tiếng)
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát
(từ đây trở xuống, quỳ niệm ba lượt hoặc mười lượt, hoặc đứng chắp tay niệm, niệm xong lễ một lạy)
Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (ba lượt hoặc mười lượt, lễ một lạy)
Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (ba lượt hoặc mười lượt, lễ một lạy)
d. Hồi hướng:
Quỳ niệm kệ hồi hướng
(hoặc đọc bài Tây Phương Phát Nguyện Văn của Tổ Liên Trì trong phần Phụ Lục, hoặc đọc bài Phát Nguyện Hồi Hướng của Ngài Từ Vân Sám Chủ ở phần trước, nhưng lược đi bốn chữ “trong khoảng mười niệm”. Tùy người bận rộn hay rảnh rỗi, mà chọn lấy một bài để niệm. Cần phải khẩn thiết, chí thành, nương theo kinh văn phát tâm, câu nào cũng xuất phát từ tự tâm thì mới phù hợp với ý chỉ phát nguyện)
Nguyện ngã lâm chung vô chướng ngại
A Di Ðà Phật viễn tương nghênh
Quán Âm cam lộ sái ngô đầu
Thế Chí kim đài an ngã túc
Nhất sát na trung ly ngũ trược
Khuất thân tý khoảnh đáo Liên Trì
Liên hoa khai hậu kiến Từ Tôn
Thân thính pháp âm khả liễu liễu
Văn dĩ tức ngộ Vô Sanh Nhẫn
Bất vi An Dưỡng, nhập Sa Bà
Thiện tri phương tiện độ chúng sanh
Xảo bả trần lao vi Phật sự
Ngã nguyện như tư Phật tự tri
Tất cánh đương lai đắc thành tựu.
(Tạm dịch:
Nguyện con lâm chung không chướng ngại
A Di Ðà Phật đến tiếp nghênh
Ðầu con: Quán Âm rưới cam lộ
Chân con: Thế Chí lót đài vàng
Trong một sát na lìa ngũ trược
Duỗi tay khoảnh khắc đến Liên Trì
Hoa sen bừng nở, gặp Từ Tôn
Lắng nghe pháp âm hiểu thông suốt.
Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Nhẫn
Chẳng rời An Dưỡng, nhập Sa Bà
Khéo hiểu phương tiện độ muôn loài
Khéo dùng trần lao làm Phật sự
Con nguyện như thế, Phật tự hay
Mai sau rốt ráo được thành tựu.)
(Xưa nay, bài văn này có sự linh nghiệm lớn. Có người trong lúc phát nguyện thấy điềm lành, hoặc có người trong mộng thấy Phật phóng đại quang minh. Sự cảm ứng rất nhiều, chẳng thể thuật đủ, chỉ nên dốc sức mà hành thì mới tin là chẳng hư huyễn vậy).
e. Tam quy y:
Ðối trước Phật, chắp tay niệm:
Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh thấu hiểu đạo cả, phát tâm Vô Thượng (một lạy).
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh hiểu sâu kinh tạng, trí tuệ như biển (một lạy).
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh dắt dìu đại chúng, hết thảy không ngại (một lạy).
Phụ Lục:
1.5 Liên Trì Ðại Sư Tân Ðịnh Tây Phương Phát Nguyện Văn
(Bài văn Phát Nguyện Vãng Sanh Tây Phương do Liên Trì Ðại Sư mới đặt ra)
Khể thủ Tây Phương An Lạc Quốc
Tiếp dẫn chúng sanh đại đạo sư
Ngã kim phát nguyện, nguyện vãng sanh
Duy nguyện từ bi ai nhiếp thọ.
Ðệ tử mỗ giáp (đọc tên mình thay vào chữ “mỗ giáp”), phổ vị tứ ân, tam hữu, pháp giới chúng sanh, cầu ư chư Phật Nhất Thừa Vô Thượng Bồ Ðề đạo cố, chuyên tâm trì niệm A Di Ðà Phật vạn đức hồng danh, kỳ sanh Tịnh Ðộ.
Hựu dĩ nghiệp trọng phước khinh, chướng thâm huệ thiển, nhiễm tâm dị xí, tịnh đức nan thành. Kim ư Phật tiền, kiều cần ngũ thể, phi lịch nhất tâm, đầu thành sám hối. Ngã cập chúng sanh, khoáng kiếp chí kim, mê bổn tịnh tâm, túng tham sân si, nhiễm uế tam nghiệp. Vô lượng vô biên sở tác tội cấu, vô lượng vô biên sở kết oán nghiệp, nguyện tất tiêu diệt. Tùng ư kim nhật, lập thâm thệ nguyện, viễn ly ác pháp, thệ bất cánh tạo, cần tu Thánh đạo, thệ bất thoái đọa, thệ thành Chánh Giác, thệ độ chúng sanh.
A Di Ðà Phật dĩ từ bi nguyện lực, đương chứng tri ngã, đương ai mẫn ngã, đương gia bị ngã. Nguyện thiền quán chi trung, mộng mị chi tế, đắc kiến A Di Ðà Phật kim sắc chi thân, đắc lịch A Di Ðà Phật bảo nghiêm chi độ, đắc mông A Di Ðà Phật cam lộ quán đảnh, quang minh chiếu thân, thủ ma ngã đầu, y phú ngã thể, sử ngã túc chướng tự trừ, thiện căn tăng trưởng, tật không phiền não, đốn phá vô minh, viên giác diệu tâm, khuếch nhiên khai ngộ. Tịch quang chân cảnh, thường đắc hiện tiền. Chí lâm dục mạng chung, dự tri thời chí, thân vô nhất thiết bệnh khổ ách nạn, tâm vô nhất thiết tham luyến mê hoặc, chư căn duyệt dự, chánh niệm phân minh, xả báo an tường, như nhập Thiền Ðịnh.
A Di Ðà Phật, dữ Quán Âm, Thế Chí, chư thánh hiền chúng phóng quang tiếp dẫn, thùy thủ đề huề. Lâu, các, tràng phan, dị hương, thiên nhạc, Tây phương thánh cảnh chiêu thị mục tiền, linh chư chúng sanh, kiến giả, văn giả, hoan hỷ cảm thán, phát Bồ Ðề tâm. Ngã ư nhĩ thời, thừa kim cang đài, tùy tùng Phật hậu, như đàn chỉ khoảnh, sanh Cực Lạc quốc, thất bảo trì nội, thắng liên hoa trung. Hoa khai kiến Phật, kiến chư Bồ Tát, văn diệu pháp âm, hoạch Vô Sanh Nhẫn. Ư tu du gian, thừa sự chư Phật, thân mông thọ ký. Ðắc thọ ký dĩ, tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, vô lượng bách thiên đà la ni môn, nhất thiết công đức, giai tất thành tựu. Nhiên hậu, bất vi An Dưỡng, hồi nhập Sa Bà, phân thân vô số, biến thập phương sát, dĩ bất khả tư nghị tự tại thần lực, chủng chủng phương tiện độ thoát chúng sanh, hàm linh ly nhiễm, hoàn đắc tịnh tâm, đồng sanh Tây phương, nhập bất thoái địa.
Như thị đại nguyện, thế giới vô tận, chúng sanh vô tận, nghiệp cập phiền não, nhất thiết vô tận, nguyện ngã vô tận. Nguyện kim lễ Phật, phát nguyện tu trì công đức hồi thí hữu tình. Tứ ân tổng báo, tam hữu tề tư, pháp giới chúng sanh đồng viên Chủng Trí.
(Ðại Sư Ấn Quang bảo bài phát nguyện này văn tự, nghĩa lý hoàn bị, là bài phát nguyện bậc nhất xưa nay. Cư sĩ Lý Viên Tịnh đã viết lời giải thích cho bài phát nguyện này, in kèm vào sau cuốn A Di Ðà Bạch Thoại Giải Thích của Nam Ðình Hòa Thượng – xin xem bản dịch phần chú giải của Lý Cư Sĩ trong phần Phụ Lục E của Niệm Phật Pháp Yếu, cuốn Một)
Nhận định:
Ðối với người mới học Phật thì công khóa đơn giản hay phức tạp nên tùy theo rảnh rỗi hay bận rộn mà châm chước. Trên đây chỉ tạm nêu một cách thức, chứ không bắt buộc. Khi hoàn tất công khóa, có thể thêm vào câu “thay cho cha mẹ, sư trưởng, kẻ oán, người thân bao kiếp, lễ Phật ba lạy, cầu sanh Tịnh Ðộ” và niệm thêm chú Ðại Bi từ một đến bảy biến, niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát từ một trăm đến một ngàn lần, cầu nguyện: “Chiến tranh vĩnh viễn chấm dứt, vận nước tốt lành, chúng sanh an vui, thế giới hòa bình, biến Sa Bà thành thế giới Cực Lạc” thì càng hay. Là vì trước cơn đại kiếp, nguy nạn khó lường, thường nên chí thành niệm Quán Thế Âm Bồ Tát ắt Ngài sẽ tầm thanh cứu khổ, chuyển nguy thành an. Ví dù định nghiệp khó chuyển, vẫn có thể nhờ vào Bồ Tát lực và Phật lực để vãng sanh Tây Phương, thoát khỏi biển khổ. Nếu có cầu nguyện điều gì, cứ tùy ý mà cầu. Cốt sao thành tâm, sẽ có cầu ắt ứng.
1.6. Phép Quán trước khi ngủ của Thiện Ðạo đại sư
Người tu Tịnh Ðộ phàm muốn nhập Quán, hay lúc sắp ngủ nên nhất tâm chắp tay, hướng thẳng mặt về Tây, đứng hay ngồi, hay quỳ, niệm A Di Ðà Phật, Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng mười tiếng xong, phát nguyện như sau:
“Ðệ tử tên là… hiện là phàm phu sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân hồi sáu nẻo, khổ không tả nổi. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu A Di Ðà, bổn nguyện công đức, nhất tâm xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi chẳng bỏ, xót thương nhiếp thọ. Ðệ tử tên là… chẳng biết tướng hảo, quang minh nơi thân đức Phật, xin Phật hiện bày cho con được thấy và thấy Quán Âm, Thế Chí, các vị Bồ Tát, các sự thanh tịnh, trang nghiêm, quang minh, diệu tướng… trong thế giới kia, khiến con được thấy một cách rành rẽ”.
Phát nguyện xong, chánh niệm nhập quán, hoặc lúc sắp ngủ chánh niệm mà ngủ, chớ nên nói tạp nhạp, đừng mơ tưởng lung tung thì ngay trong lúc phát nguyện, sẽ được thấy [những diệu tướng đó], hoặc trong mộng mị được thấy. Cốt sao chuyên chí, sẽ được thỏa nguyện.
Nhận định:
Liên Trì đại sư bảo: “Từ xưa, đại sư Thiện Ðạo được xưng tụng là hóa thân của Phật A Di Ðà. Nay người tu Tịnh Ðộ phải nên tin tưởng sâu xa vào bài văn phát nguyện này, chớ vì chẳng thấy linh nghiệm liền buông bỏ ngay. Ðiều quan trọng là hành trì lâu ngày, ắt sẽ sanh về Tịnh Ðộ, công chẳng uổng phí vậy!” Sau khóa tụng buổi tối mỗi ngày hoặc lúc sắp ngủ xin hãy thực hành cách này.
1.7. Pháp nhiếp tâm trong khi ngủ của cư sĩ Hà Hiển Từ
Nằm ngủ niệm Phật dĩ nhiên là chẳng cung kính, hãy nên kê tay phải dưới đầu, tay trái đặt trên đùi trái, đấy gọi là thế nằm Cát Tường. Quán tưởng thân mình quỳ trước đức Phật, hai tay chắp lại, cung kính thầm niệm, chẳng nên niệm ra tiếng. Nếu đầu giường có đặt đồng hồ để giúp mình niệm thì càng hay. Niệm mãi đến khi ngủ thiếp đi mới thôi. Tỉnh giấc trong đêm, cũng làm như thế. Trong cả đời người, chuyện ngủ nghê hao hớt quá nửa quang âm. Nhiếp tâm niệm Phật như thế chính là lợi dụng thời gian bị bỏ phế, công hiệu rất lớn. Nếu như vận dụng tinh thần niệm lâu bị mất giấc ngủ, có thể lắng lòng tu pháp Ngọa Thiền.
Ngọa Thiền là buông bỏ thân tâm, một niệm chẳng sanh, giống như ngồi Thiền. Tu tập pháp Ðịnh này lâu ngày thì dù có ngủ mê vẫn chẳng điên đảo. Kẻ tại gia bộn bề công việc, ngay lúc ấy là tự do hãy gắng sức tu cách này thì công phu vô thượng đạt được ngay trong khi ngủ nghỉ.
Nhận định:
Ông Tô Ðông Pha nói: “Chỉ trong năm canh mới vứt bỏ việc nhà”. Bất luận tại gia hay xuất gia, đều hãy nên tận lực tu tập pháp này. Lâu ngày trong khi ngủ nghỉ, vẫn có thể niệm Phật chẳng ngớt, nhưng chẳng nên căng thẳng tinh thần quá mức, chỉ cốt sao tâm niệm, tâm nghe thì dễ ngủ, chẳng đến nỗi niệm lâu ngày bị mất ngủ.