Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!
Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một truyện cổ Phật giáo. Câu chuyện này được trích từ kinh Pháp cú thí dụ, phẩm ‘Sa môn’, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 604.
Khi đức Phật còn tại thế, có một thời, Ngài trú tại tinh xá ở nước Xá vệ, vì hàng trời, rồng, quỷ thần, quốc vương và người dân trong nước mà nói pháp.
Lúc ấy, có vị tì kheo trẻ tuổi, sáng sớm đắp y, chống tích trượng và mang bát đi vào thôn xóm để khất thực.
Bên đường, có một khu vườn chuyên kinh doanh hoa quả của quốc gia, bên ngoài trồng các loại nông nghiệp như kê, lúa… Bên trong, ở những lùm cỏ ven khu đất, có gắn những bẫy bắn tên tự động, một khi có gia súc, dã thú hoặc kẻ trộm đến lén trộm thực phẩm, hoặc đến phá hoại, nếu vô ý chạm vào bẫy, bẫy này sẽ tự khởi động chốt bắn tên ra. Nên bất kể là người hay súc sanh, khi vào trong vườn thường hay bị trúng tên mà chết.
Trong vườn, chỉ có duy nhất một cô gái tuổi còn rất trẻ, xinh đẹp tuyệt trần, cô ở trong đó trông coi vườn rau. Nếu ai muốn vào trong vườn, cần phải từ xa kêu lớn, ra hiệu cho cô gái biết trước, cô sẽ hướng dẫn lối vào an toàn thì mới bình an vô sự để vào trong; nếu ai không biết, thì chắc chắn sẽ bị tên bắn chết.
Vì chỉ một mình ở lại quản lý cả khu vườn, nên cô gái này thường ngâm nga những khúc nhạc thật lâm ly để bầu bạn. Mỗi khi âm thanh trong trẻo của cô cất lên, là khiến cho trái tim của biết bao người rung động. Nghe giọng hát của cô, chẳng ai mà không lập tức dừng ngựa, xuống xe, đậu xe gần đó, ngập ngừng đi tới rồi lại bước lui, rón rén đến nhìn trộm, rất muốn vào trong ngắm cô gái; hoặc dừng lại quanh quẩn ở đó, không muốn dời bước. Hầu hết những người qua đường đều bị giọng oanh vàng của cô gái thu hút.
Lúc ấy, thầy tì kheo trẻ tuổi khất thực xong, trên đường trở về tinh xá, khi đến đoạn đường ấy, vừa nghe được tiếng ca du dương của cô gái, thầy bèn nghiêng tai lắng nghe. Lập tức cả năm căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (hoặc năm loại tình cảm: hỷ, nộ, ái, lạc, oán) của thầy liền bị âm thanh của cô làm chấn động, tâm phóng dật khởi lên; tâm mê hoặc, ý rối loạn, tham luyến không ngăn được. Thầy cứ vẩn vơ suy nghĩ, hình dung về tướng mạo của cô gái, thầm nghĩ đây hẳn là một người rất yêu kiều. Khắc họa cô gái trong tâm trí xong, thầy liền bám theo tâm hoang tưởng muốn đi gặp cô, muốn được nói chuyện với cô, nên cứ hướng thẳng về vườn rau mà bước. Đi chưa được nửa đoạn đường, thì tâm thần thầy càng mê mẩn, tích tượng cầm trên tay không còn giữ vững, y đắp trên thân cũng rớt xuống, đến bình bát ôm trên tay cũng vứt bỏ, thầy đã không còn tự chủ được nữa.
Lúc ấy, đức Phật dùng túc minh thông, thiên nhãn minh, lậu tận minh…, quán sát thầy tì kheo trẻ, Ngài biết, chỉ cần thầy này tiến thêm vài bước nữa, lập tức sẽ bị cung tên bắn chết. Vị thầy này phước đức đã tích lũy đủ, hoàn toàn có khả năng chứng quả, thế nhưng, giờ đây vì ngu si mê hoặc nên bị tham dục che lấp. Đức Phật vì thương xót thầy tì kheo trẻ tuổi khờ dại, nên muốn đến độ thầy, giúp thầy được chứng đắc giải thoát. Ngài hiện thân cư sĩ, đến bên cạnh nói bài kệ quở trách thầy, nội dung như sau:
“Này thầy tì kheo, thầy muốn đi đâu? Tại sao thầy không khắc phục tâm ý, lại để cho phóng túng như thế? Mỗi một bước đi, tự mình cứ bám sát phiền não, rồi bước theo tâm tán loạn như thế?
Thầy tuy đang khoát ca sa trên thân, nhưng niệm ác và tập khí xấu không từ bỏ! Thầy nên biết rằng, người gây tạo nghiệp xấu, nhất định sẽ sa đọa vào đường ác!
Nên chặn đứng vọng tưởng phân biệt, cần hết lòng bảo hộ, tịnh hóa tâm niệm của mình, phải buông tham dục xuống; nếu ai không từ bỏ được tham dục, tự làm theo ý mình, cố chấp chỉ biết làm theo quán tính, thì sẽ bị tham dục lôi kéo đến ác đạo.
Cần phải thực hành tự giác! Phải hết lòng tự mình khắc chế. Thầy tuy đã xuất gia, tại sao lại còn lười biếng, tự phóng túng tâm ý, lại còn tham trước pháp nhiễm ô như thế?
Tu hành nếu còn biếng nhác, không chăm chỉ, thì khó đánh bại sức mạnh của cám dỗ, mê hoặc. Thầy tu hành không thanh tịnh như thế, thì làm sao đạt được pháp bảo thượng diệu?
Tự mình không điều phục, lại không nghiêm trì giới luật, thì chẳng khác nào cây khô trước gió, không biết sẽ bị quật đổ lúc nào; thân người khó được, Phật pháp khó nghe, vì sự nghiệp tu đạo của mình, tại sao thầy lại không nỗ lực tinh tấn?”.
Đức Phật nói xong đoạn kệ rồi, Ngài liền hiện thân trở lại với tướng hảo trang nghiêm, soi sáng khắp trời đất, ai được nhìn thấy đều từ bỏ được mê hoặc, lập tức biến mất tâm tán loạn, người người đều hoan hỷ.
Thầy tì kheo nhìn thấy đức Phật, tâm ý đột nhiên bừng sáng, chẳng khác nào trong bóng tối gặp được ánh sáng. Thầy lập tức gieo năm vóc sát đất, đảnh lễ đức Phật, cúi xin sám hối lỗi lầm của mình đã tạo, rồi tạ ân đức Phật. Vì đã hiểu rõ được chỉ quán, ngay lúc ấy, thầy chứng đắc a la hán, sau đó, thầy cùng đức Phật trở về tinh xá.
Nghe được sự việc này, có vô số người đều chứng đắc pháp nhãn tịnh (trong kinh điển của thanh văn nói pháp nhãn tịnh, gần giống như huệ nhãn của thanh văn, cũng chính là hướng sơ quả).
Câu chuyện này muốn nhắc nhở chúng ta:
Tham dục sẽ dẫn chúng ta từng bước, từng bước đi về chiều hướng của ác đạo. Chúng ta cần phải giữ gìn cẩn thận các căn, trong mọi lúc mọi nơi, giữ cho tâm chúng ta được thanh tịnh. Nếu sanh tâm phóng túng, sẽ rơi vào ác đạo nguy hiểm. Một khi bị tham dục mê hoặc, thì tự mình không cách nào khắc chế được tâm ý loạn tưởng. Cho nên, lúc bình thường, chúng ta cần phải tập thói quen phòng hộ sáu căn; hơn nữa, ngoài việc thọ trì “luật nghi giới”, cũng phải để tâm chú ý đến “luật nghi căn.”
Trong Phật pháp có ba loại tăng thượng học, đó là Giới tăng thượng học, Định tăng thượng học và Huệ tăng thượng học. Tại sao gọi là tăng thượng?
Chúng ta trì giới, hành trì miên mật để đạt định. Nếu chúng ta có định, nhưng chỉ dừng lại ở định, chấp trước sự hỷ lạc của thiền định, như thế vẫn chưa đủ, mà cần làm cho định lực ngày một tăng trưởng, cho đến lúc đạt được trí huệ vô lậu, như thế mới gọi là định tăng thượng học.
Huệ tăng thượng học bao hàm trí huệ cộng tướng và trí huệ biệt tướng.
Trí huệ cộng tướng: Ví dụ như Tam pháp ấn chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, niết bàn tịch tịnh tức là thông tất cả các tướng.
Trí huệ biệt tướng: Tức là hiểu biết tính khác biệt của các vật như đất, nước, lửa, gió, biết được tính của chúng là cứng, ẩm, nóng hay động. Nhưng nếu chỉ có trí huệ biệt tướng, vẫn chưa đủ khả năng đoạn trừ phiền não để đạt được giải thoát.
Theo lời giáo huấn của đức Phật, trí huệ của chúng ta cần thông đạt các pháp cộng tướng. Cộng tướng quan trọng nhất chính là thông hiểu được các hành vô thường, tất cả các pháp cũng đều vô thường. Danh từ ‘hành’ trong “các hành” được nói ở đây là chỉ cho pháp hữu vi, vì tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, đây chính là điểm trọng yếu của cộng tướng. Chúng ta thông đạt cộng tướng, có trí huệ thì mới có thể tiến tới đạt được giải thoát, loại trí huệ này được gọi là tăng thượng học.
Như thế, cần đầy đủ giới tăng thượng học, định tăng thượng học và huệ tăng thượng học thì mới chứng đắc giải thoát.
Sau khi chứng đắc giải thoát, mới đi đến giải thoát tri kiến, cũng chính là ngũ phần pháp thân giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Cho nên, chúng ta đối với phương diện giới học, ngoài việc hành trì không để phạm phải những điều đã được đức Phật chế định, cũng phải hết sức cẩn thận phòng hộ các căn; chỉ có căn luật nghi mới điều phục được các phiền não vi tế, lúc ấy, mới có thể tiến lên đạt được thiền định.
Chúng ta cùng nhau tinh tấn.
Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 06.12.2014