Xin chào quý Thầy, quý Cô cùng các vị Phật tử!
Hôm nay tôi cùng quý vị chia sẻ một mẫu chuyện trong kinh Phật, câu chuyện được trích từ Kinh Pháp Cú Thí Dụ phẩm Phóng Dật, rút từ Đại Chánh Tạng quyển 4, trang 584a b.
Ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, có năm trăm vị thương nhân ra biển tìm bảo vật, tìm được nhiều châu báu muốn mang về nước của mình, không ngờ đi ngang qua một ngọn núi thì bị ác quỷ làm cho mê hoặc, tìm không ra đường để về quê nhà; Lương thực đã dùng hết, mọi người phải chịu đói khát đau khổ khốn đốn, vì thế mà chết dần chết mòn, nên số tài bảo mang theo đều bỏ lại hết trong núi.
Lúc ấy, trong núi có một vị Tỳ kheo đang tu hành, nhìn thấy như thế trong lòng bèn nghĩ: “Mình khổ công tu tập suốt bảy năm, đã không chứng được đạo quả, mà còn phải chịu sự thiếu thốn, đồ mặc thức ăn đều không đủ, thân này khó giữ; những báu vật này đều không có chủ, chi bằng mang về xây nhà lập nghiệp.”
Sau đó, thầy bèn xuống núi đi nhặt những bảo vật, trước tiên dấu chúng trong chỗ kín, sau đó bèn xuống núi trở về tìm người thân giúp đỡ, đến mang những thứ quý giá này về nhà.
Thầy Tỳ kheo đi được nửa đường, đức Phật quán sát thấy vị Tỳ kheo này thiện căn đã thuần thục đến lúc được độ, nên Ngài bèn hóa thân làm vị Tỳ kheo ni, mặc dù cạo đầu, thân mặc tăng phục, nhưng mặt lại trang điểm đánh phấn tô son lòe loẹt, lại vẽ chân mày, đeo trang sức vàng bạc, vòng hoa đi dọc theo vách đá vào khe núi. Vị Tỳ kheo ni do Đức Phật hóa hiện đang đi trên đường thì gặp thầy Tỳ kheo, bèn đảnh lễ và chào hỏi.
Thầy Tỳ kheo nhìn thấy Tỳ kheo ni trang điểm như thế, bèn trách mắng Tỳ kheo ni rằng: “Học đạo cần phải giống cô vậy sao? Đã cạo tóc, mặc đồ tu, tại sao vẽ chân mày, lại còn đeo trang sức?”
Vị Tỳ kheo ni do đức Phật hóa hiện đáp: “Một người xuất gia học đạo lẽ não cần phải giống thầy vậy sao? Thầy tuy đã từ biệt người thân, tìm vào núi sâu thiền định cầu đạo, tại sao lại còn muốn cất chứa những thứ không phải là tài sản của mình? Tại sao chỉ vì tham cầu năm dục mà bỏ quên đạo tâm, phóng túng ham thích không biết khống chế, không biết tư duy mạng sống ngắn ngủi? Chúng ta sống trong thế gian này, chẳng qua chỉ ở tạm thời. Thầy làm như thế, sẽ mang đến tội lỗi càng sâu nặng cho bản thân mà thôi.”
Kế tiếp Tỳ kheo ni nói bài kệ, có nội dung như sau: “Tỳ kheo cần phải trì giới nghiêm mật, nếu sanh tâm phóng dật, sẽ sanh nhiều ưu phiền, tranh luận, phiền não từ nhỏ sanh lớn, tích lũy các nghiệp ác mai sau sẽ chịu quả báo tự lao vào lửa lớn thiêu thân.
Nếu nghiêm trì tịnh giới, phước đức có được sẽ mang đến hoan hỷ, được như thế, thì mới có thể đoạn trừ được phiền não trong tam giới, tiếp cận với giải thoát của Niết Bàn. Đối với người phạm giới tâm lúc nào cũng lo sợ không vui, nếu phạm phải giới trọng tất gánh chịu ác quả.”
Ngay sau khi nói xong bài kệ, Ngài liền hiện thân Phật, tướng tốt sáng ngời, vị Tỳ kheo nhìn thấy vô cùng bất ngờ, lông tóc đều dựng đứng lên, vội vàng hướng về đức Phật đảnh lễ sám hối những lỗi lầm, bạch với đức Phật rằng: “Đệ tử thật là ngu muội vô tri! Tự mình làm trái với giáo pháp, tội lỗi đã gây nên không thể nào xóa bỏ được, biết làm sao để rửa sạch đây?”
Lúc ấy, đức Thế Tôn liền nói bài kệ, có nội dung như sau: “Nếu trước phóng dật biếng nhác, sau đó biết khắc phục chính mình không tiếp tục tạo nghiệp xấu, có quyết tâm và dũng khí như thế, đủ để soi sáng thế gian; cần phải có tâm kiên định như vậy, rồi dùng chánh niệm và thiền định để thâu nhiếp tâm thì mới đúng.
Nếu lỡ phạm phải sai lầm tạo nghiệp xấu, sau đó biết cải tà quy chánh, nỗ lực tu thiện, như thế gọi là bỏ ác hành thiện, đủ mạnh để soi sáng thế gian, thường xuyên nhớ nghĩ thiện pháp thì mới đúng. Tuổi trẻ tinh tấn nương theo lời dạy của đức Phật mà tu tập, xa lìa những thứ ham muốn nhỏ nhặt để tinh tấn hướng đến con đường thành Phật như thế, đủ để soi sáng thế gian; giống như khi mây đen tan biến, ánh trăng sẽ soi sáng bầu trời vậy.
Nếu người trước đây gây tạo nghiệp xấu, sau biết sai không tái phạm, sửa đổi lỗi lầm, đủ để soi sáng thế gian, giống như khi mây đen tan biến, ánh trăng sẽ soi sáng bầu trời vậy.”
Thầy Tỳ kheo nghe đức Phật nói hết bài kệ, phiền não lập tức tiêu sạch, lòng tham dứt bỏ, cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, sau đó tìm đến dưới gốc cây tu tập sáu phép quán hơi thở: Sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh; cuối cùng thầy Tỳ kheo chứng đắc đạo quả, chứng A la hán.
Câu chuyện này có nhiều điểm thức tỉnh chúng ta: Người ta thường thích chỉ trích người khác, nhưng lại rất ít khi nhìn thấy lỗi của chính mình. Kỳ thật, như Tỳ kheo ni do đức Phật hiện thân, muốn tẩy bỏ đồ hóa trang không khó; cũng như thế, muốn bỏ những thứ dơ bẩn bên ngoài rất dễ, nhưng muốn trừ đi sự ố uế trong tâm thức, thì khó khăn hơn nhiều.
Ngoài ra câu chuyện còn nhắc nhở chúng ta: Biết được sai lầm cần phải sửa sai, không phải chỉ biết ray rứt khổ não vì những lỗi lầm đã tạo, quan trọng là phải biết sửa sai và không được tái phạm. Như ngài Long Thọ bồ tát trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận, có một ví dụ rất hay “việc ác đã sanh cần phải nhanh chóng đoạn trừ, như xa lìa rắn độc.” Chúng ta đã biết lỗi nơi thân, khẩu, ý của mình, cần phải nhanh chóng sửa đổi, cũng giống như bị rắn độc cắn cần phải vội vàng chữa trị, nếu chậm trễ sẽ mất mạng. Không những từ bỏ những thứ không tốt, mà cả lúc những thứ bất thiện sắp sảy ra hay chưa sảy ra, sắp nghĩ ra hay chưa nghĩ ra, cần phải cẩn thận đề phòng, nên “ác nghiệp chưa sanh đừng để nó sanh, như ngăn chặn dòng nước chảy”; giống như ngăn chặn nước lũ, việc trước hết cần phải chuẩn bị đầy đủ, đừng để nước dâng tràn mênh mông, rồi mới kêu cứu thì đã muộn màng rồi.
Chúng ta cùng nhau nỗ lực.
Phước Nghiêm 13.04.2013