Home > Khai Thị Phật Học
Nhân Duyên Đức Phật Tắm Cho Vị Tỳ Kheo Lâm Bệnh
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính thưa quý Thầy Cô, quý vị Phật tử!

Hôm nay, xin được chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ, phẩm Đao Trượng. Câu chuyện này được trích ra từ trang 591b9 c, quyển 4 của Đại Chánh Tạng.

Vào thời quá khứ, có một quốc gia tên là Hiền Đề. Lúc bấy giờ, có vị tỳ kheo lâm bệnh nặng nằm trên giường rất lâu, sức khoẻ đã suy yếu rất nhiều, đại tiểu tiện đều phải đi trên giường, toàn thân dơ bẩn và hôi hám nên không có ai lui tới chăm sóc.

Một ngày nọ, Thế Tôn cùng năm trăm đệ tử đến thăm vị tỳ kheo này và hỏi:

- Thầy bệnh lâu như vậy nhưng không có ai chăm sóc Thầy hay sao?

Vị tỳ kheo đáp:

- Dạ thưa không, bạch Thế Tôn!

Đức Phật hỏi:

- Lúc trước, khi sức khỏe còn tốt, Thầy có từng viếng thăm, chăm sóc qua bệnh nhân nào không?

Vị tỳ kheo đáp:

- Dạ thưa không, bạch Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

- Vậy thì đúng rồi! Trong quá khứ, Thầy không gieo nhân lành cho nên nay nhận quả như vậy.

Đức Phật từ bi bảo các vị đệ tử thay phiên nhau chăm sóc, nấu cháo mang đến cho vị tỳ kheo. Nhưng các vị đệ tử nhìn thấy vị tỳ kheo nằm bệnh, toàn thân dơ bẩn, hôi hám nên đã khởi tâm xa lánh. Thế Tôn biết tình hình như vậy, liền nhờ trời Đế Thích mang nước nóng đến, Đức Phật đích thân dùng tay kim cang tắm rửa sạch sẽ cho vị tỳ kheo. Lúc bấy giờ, đại địa chấn động, phóng đại quang minh, tất cả mọi người chứng kiến cảnh tượng như vậy đều vô cùng kinh ngạc, không gian như ngừng lại một cách trang nghiêm.

Quốc vương, thần dân, chúng quỷ thần cùng với vô số người lần lượt đến trước Phật, cung kính đảnh lễ, hướng về phía Đức Thế Tôn mà thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, người là bậc đạo sư tôn quý của thế gian, là thầy của trời người trong ba cõi, phước đức, trí tuệ đã viên mãn, tại sao lại còn đích thân tắm cho vị tỳ kheo vừa bệnh, vừa gầy, vừa hôi hám này?

Thế Tôn nói với toàn thể đại chúng và đức vua rằng:

- Như Lai ra đời không phải để hưởng thụ, mà là để cứu độ cho những mảnh đời cô độc, khổ nạn không nơi nương tựa. Nếu có ai có thể chăm sóc người xuất gia tu hành, người già neo đơn, thì người đó sẽ hưởng phước đức vô lượng, tâm mong cầu điều gì, đều có thể viên mãn. Giống như sông Hằng được hình thành từ năm dòng sông khác; phước đức của người đó cũng như vậy, do huân tập mà có được, công đức dần dần viên mãn, đến một ngày không xa thành tựu được đạo quả.

Nhà vua bạch cùng Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, vị tỳ kheo này trong đời quá khứ đã tạo tội nghiệp gì, vì sao bị bệnh nằm lâu ngày như vậy mà không cách nào trị khỏi?

Đức Phật đáp:

- Đời quá khứ, có một vị vua tên là Tác Ác Hạnh, cai trị nhân dân rất hà khắc và tàn bạo. Ông ta tìm một quan cai ngục lực lưỡng bạo tàn; khi có tội nhân, liền gọi quan cai ngục này đến hành hình. (thời xưa, người đảm nhận việc xử phạt tội nhân có chức danh là Ngũ Bách 五百. Các bản kinh đời Tống, Nguyên, Minh thì gọi là Ngũ Bách伍伯. Ngũ Bách伍伯, đây chỉ là chức danh chứ không phải tên thật của quan cai ngục).

Ngũ Bách thường mạo danh nhà vua để lộng quyền, tự tung tự tác, tuỳ theo ý muốn mà hành xử, có lúc rất độc đoán, có lúc lại nhân từ rộng lượng. Thường khi gặp tội nhân, lợi dụng thời cơ đòi hối lộ; Nếu có người đút lót, ông ta đánh nhẹ hơn một chút, nếu không có, sẽ đánh người ta đến nỗi rách da nát thịt. Dân chúng trong nước đều vì Ngũ Bách mà chịu khổ.

Bấy giờ, có một vị hiền nhân đức hạnh, bị người ta vu oan. Lúc sắp bị Ngũ Bách đánh, ông ta liền nói: "Ta là đệ tử của Phật, vốn không phạm tội gì, mà bị người khác vu khống, mong ông tha cho". Lúc đó Ngũ Bách bỗng khởi từ tâm, tuy cũng cầm roi da múa vài đường, nhưng đều không nhằm đánh trúng vị hiền nhân.

Sau khi Ngũ Bách qua đời, nhân vì tội hối lộ trong quá khứ, cùng vô số tội ác khác nên bị đọa vào địa ngục, nhận chịu vô số roi da, thống khổ vạn phần. Khi đã trả hết tội báo ở địa ngục, lại chuyển làm súc sanh; Làm súc sanh cũng bị đày đọa đánh đập. Trải qua năm trăm kiếp như vậy, tội báo làm súc sanh trả hết thì tái sanh làm người. Tuy được làm người, nhưng cũng phải chịu nhiều sự đau khổ, bệnh tật liên hồi.

Đức Phật bảo rằng:

- Vị quốc vương lúc bấy giờ là Đề Bà Đạt Đa, còn Ngũ Bách chính là vị Tỳ kheo lâm bệnh, còn vị hiền giả chính là ta.

Ta vào đời quá khứ bị quan cai ngục Ngũ Bách đánh roi da, ông ấy vì ta mà nương tay; Do tiền kiếp đã kết chút thiện duyên, cho nên đời này ta đích thân tắm cho vị tỳ kheo này.

Tất cả những hành vi thiện ác của con người, đều chiêu cảm theo phước đức, tội báo như bóng theo hình; bất luận họ đi đến đâu, bóng liền theo đến đó. Họa phúc theo thân, khi chuyển kiếp rồi, cũng khó tránh khỏi những quả báo đã tạo.

Nói đến đây Thế Tôn liền nói bài kệ có nội dung như sau:

- Nếu chúng ta cố ý đánh đập, hủy báng, gán tội cho người lương thiện thì quả báo phải chịu gấp nhiều lần. Mười tội báo này trở lại rất nhanh, khó mà tránh khỏi.

Thế nào là mười?

Thứ nhất, lúc còn sống phải chịu vô số thống khổ.

Thứ hai, thân thể hình hài không được khỏe mạnh, chịu nhiều khuyết tật.

Thứ ba, do nhân quả nghiệp báo mà phát sanh khổ não, bệnh tật.

Thứ tư, không đạt chí nguyện, tâm thần bất ổn.

Thứ năm, thường bị người khác vu oan hãm hại.

Thứ sáu, thường bị gọi đến quan phủ chịu các hình phạt.

Thứ bảy, tài sản không có cách nào giữ được lâu, thường không có cánh mà bay.

Thứ tám, bạn bè rời xa, người ngoài thì phản, người thân thì xa lìa.

Thứ chín, nhà cửa có được thường bị hỏa hoạn thiêu hủy.

Thứ mười, sau khi chết bị đọa vào địa ngục.

Bấy giờ, thầy tỳ kheo lâm bệnh nghe Đức Phật nói như vậy về tội nghiệp trong đời quá khứ, hiểu được nhân duyên giữa mình và Thế Tôn, liền khắc cốt ghi tâm, khẩn thiết phản tỉnh. Ngay lúc đó, tất cả các bệnh khổ, đau đớn đều tiêu tan, thân tâm an định, chứng quả A La Hán. Vua nước Hiền Đề nghe được cũng rất hoan hỷ, phát nguyện thọ trì năm giới làm Ưu Bà Tắc, dõng mãnh tinh tấn, y giáo phụng hành, chứng được Sơ quả.

Câu chuyện này có mấy điểm cho chúng ta học tập, sách tấn bản thân:

Thứ nhất, Đức Phật dạy: "Nếu có thể thăm hỏi, chăm sóc các vị tỳ kheo lâm bệnh, hoặc người bệnh, thì giống như hầu Phật vậy. Công đức này bằng với công đức được gặp Phật, được cúng dường Phật". Thầy tỳ kheo này nhân vì trong quá khứ chưa từng chăm sóc người khác, cho nên khi mắc bệnh cũng không có ai chăm sóc. Chúng ta nên tự nhắc nhở mình: "Bản thân có thường dùng lòng từ bi và thái độ ôn hoà đến thăm hỏi, chăm sóc bệnh nhân, quan tâm người cô độc không nơi nương tựa hay chưa? Có từng trồng hạt giống thiện duyên này hay chưa?

Thứ hai, chúng ta không nên vì nhất thời vui miệng, không cẩn thận vu oan giá họa cho người lương thiện, chuyện không nói có, gán ghép tội lỗi cho người. Nếu chúng ta có một chút thiện niệm, nhiều một chút từ bi, cùng mọi người kết rộng thiện duyên thì những thiện duyên này sẽ đưa đến quả báo tốt. Mong rằng tất cả chúng ta lưu ý đến tâm niệm và hành vi của mình.

Hôm nay, cùng mọi người chia sẻ đến đây!

Lớp giáo dục Phật Pháp Phước Nghiêm, ngày 20 tháng 10 năm 2012