Thưa quí Thầy Cô, quí vị phật tử thân mến!
Hôm nay Tôi giảng tiếp phần cuối câu chuyện Thiện Lai Tỳ kheo hàng phục Rồng dữ, câu chuyện được trích từ “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Gia”, trong “Đại Chánh Tạng Kinh” quyển 23 từ trang 859a~860a.
Hiện tại chúng ta tóm lược lại phần thứ nhất. Khi đức Phật còn tại thế, có một vị trưởng giả tên là Phù Đồ sinh được một người con trai rất kháu khỉnh, ông vô cùng vui mừng, đặt tên cho nó và luôn miệng gọi: “Thiện Lai! Thiện Lai!” Rồi bạn bè thân thích cũng liền gọi bé trai là: “Thiện Lai”. Thế nhưng, phước đức của Thiện Lai lại rất mong manh. Sau khi bé được sinh ra thì gia sản ngày một tiêu hao tán tận, không bao lâu cha mẹ lại qua đời. Mọi người cho rằng vận xấu do chính nó đem đến, nên mọi người lại gọi nó là “Ác Lai”.
Ác Lai không nơi nương tựa, đành phải sống cùng với những người ăn xin khác đi xin ăn sinh sống qua ngày. Một hôm, nghe tin tại nhà trưởng giả Cấp Cô Độc có thiết trai cúng dường đức Phật và chúng Tăng, nên Ác Lai cùng với các người ăn xin khác đi đến đó, với hi vọng là có được chút ít đồ ăn thừa. Nhưng khác với mọi lần không ngờ hôm nay khi thấy những người ăn mày đến, ông Trưởng giả lại ra lệnh cho người hầu đuổi toàn bộ bọn họ đi. Những người ăn mày cho rằng tại Ác Lại nên họ mới bị đuổi, cho nên trách mắng Ác Lai thậm tệ, sau đó họ ném Ác Lai vào trong đống phân. Ác Lai bị sốc quá lớn, nên nằm trong đống phân khóc lóc, kêu la thật lớn .
Thế Tôn thương tình nên gọi nó là “Thiện Lai”, còn đặc biệt cho nó một nửa bình bát đồ ăn của mình, lại còn thuyết pháp cho Thiện Lai nghe. Sau khi nghe xong, Thiện Lai liền chứng sơ quả, lập tức xuất gia với Đức Phật, sau đó tinh tấn tu hành, đoạn trừ tất cả phiền não, chứng đắc quả A La Hán.
Thế Tôn muốn hiển dương đức hạnh của Thiện Lai, nên dẫn Tăng chúng đi đến làng của Thiện Lai, bảo Thiện Lai hàng phục rồng dữ và khiến cho rồng dữ quy y tam bảo, thọ trì năm giới. Đức Phật tán thán: “Trong chúng Thanh Văn đệ tử, thì tỳ kheo Thiện Lai là người hàng phục rồng dữ đệ nhất!”
Lúc ấy, những người Bà la môn và dân chúng ở gần núi Thất Thu Ma La nơi Thiện Lai sinh sống, nhìn thấy rồng dữ đã bị hàng phục, không còn lo sợ bị làm hại nữa. Họ bày tỏ sự vui sướng và muốn chúc mừng, nên mọi người phấn khởi ùn ùn mang hương hoa và các phẩm vật cúng dường đến trước đức Phật. Sau khi mọi người đảnh lễ đức Phật rồi lui ra một bên và nói: “Thế Tôn! Vô cùng may mắn và hạnh phút vì nhờ vào sức mạnh thần thánh của Người, đã vì mọi người mà diệt trừ con rồng dữ này, chúng tôi muốn cúng dường Người, kính mong Người tiếp nhận sự thỉnh cầu của chúng tôi.
Đức Phật nói với nam nữ cư sĩ Bà la môn: “Mọi người nên biết rằng người hàng phục rồng dữ là con của trưởng giả Phù Đồ – đó là thầy Thiện Lai. Thầy ấy đã khiến cho rồng dữ hoàn toàn cải đổi những lỗi lầm trước kia và còn cho nó thọ tam qui ngũ giới, chứ không phải là do thần lực của Tôi. Các người nên đem những phẩm vật này đến cúng dường thầy Thiện Lai, để tỏ lòng báo đáp ân đức của thầy ấy.
Mọi người nghe theo lời dạy của đức Phật, mang phẩm vật đến nơi thầy Thiện Lai ở, sau khi đảnh lễ xong thì nói: “Thánh giả, lòng từ bi to lớn của Thầy làm cho chúng con không còn phải sợ sệt và lo lắng, làm cho những chúng sinh cư trú ở đây đều được an ổn, kính xin Người mở lòng từ bi mà cho chúng con biết
Người cần những thứ gì ạ? ”
Thầy Thiện Lai trả lời: “Mọi người có thể tùy theo khả năng của mình mà cúng dường Tam bảo.”
Lúc đó, chúng Bà la môn thuận theo ý của thầy Thiện Lai, cung thỉnh đức Phật và chúng Tăng tiếp thọ cúng dường ẩm thực trong bảy ngày, đức Phật hoan hỷ tiếp nhận.
Mọi người nhận thấy đức Phật đã đồng ý tiếp nhận sự cúng dường nên vui mừng đảnh lễ và lui ra. Đêm hôm ấy, họ chuẩn bị đủ các loại đồ ăn vật uống thượng hạng, và trải những tấm đệm mềm mại. Khi trời vừa sáng, liền cho người đến nơi đức Phật cư ngụ thỉnh cầu: “thời khắc thọ trai đã đến, mọi thứ đã chuẩn bị xong, kính thỉnh đức Phật và đại chúng đến nơi thọ cúng.”
Vì vậy, Thế Tôn bèn lúc trời vừa rạng sáng dẫn theo Tăng chúng đến nhà thí chủ, các cư sĩ và Bà la môn. Khi nhìn thấy đức Phật cùng chúng Tăng đã ngồi xong, mọi người liền dâng lên những món ngon vật lạ cúng dường đức Phật và chúng Tăng. Đợi sau khi mọi người đã dùng xong, họ đến trước đức Phật, cung thỉnh đức Phật khai thị, lắng nghe ý nghĩa thâm sâu vi diệu của Phật pháp. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy đều như vậy.
Có một vị Bà la môn, vốn là bạn trước kia của cha thầy Thiện Lai, có khả năng đọc chú thu phục rồng dữ. Nhưng vì con rồng này dữ quá nên sợ, ông ta liền đổi tên họ rồi trốn vào thành Xá Vệ và ở lại trong đó sinh sống.
Lúc bấy giờ, vua Thắng Quang (cũng chính là vua Ba tư nặc) phong cho ông ta chức vụ Đại thần chủ tượng (quản lý tất cả những gì có liên quan đến việc huấn luyện voi). Sau đó, ông ta vì một số công việc nên đến chân núi ở quê mình, nghe tin thầy Thiện Lai đã hàng phục được rồng dữ, ông cũng vô cùng vui mừng.
Ông liền đến nơi thầy ấy ở, sau khi đảnh lễ xong, nói: “Thánh giả! Chúng tôi vì sợ rồng dữ, mà rất nhiều người đã lần lược rời bỏ quê hương. Bây giờ nghe nói Thầy đã phát khởi lòng đại từ bi, vì mọi người diệc trừ cái oán thù rồng dữ này, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng hoan hỷ, tôi rất muốn cúng dường Thầy, ngày mai kính thỉnh thầy nhận sự cúng dường của tôi.” Thầy Thiện Lai từ chối, nên Bà la môn lại nói: “Nếu như thầy không nhận, kính thỉnh thầy hãy tiếp nhận sự cúng dường của tôi trong ngày đầu tiên thầy về lại thành Vương Xá. Thầy Thiện Lai đã từ bi hoan hỷ tiếp nhận.
Thí chủ ở dưới chân núi cúng dường đức Phật và chúng tăng đã hết bảy ngày, mọi người cùng nhau đảnh lễ đức Phật, nghe đức Phật khai thị diễn thuyết diệu pháp. Thế Tôn vì mọi người tuyên thuyết pháp nghĩa, khai thị các pháp thiện thì nên hành trì, pháp không thiện không nên làm, hướng dẫn mọi người xả ác hành thiện, và giải thích lợi ích của việc tu thiện pháp, tùy hỷ tán thán công đức của việc hành thiện. Ngay lúc đó rất nhiều người đoạn trừ nghi hoặc chứng đắc quả thánh.
Đức Phật và chúng Tăng dần dần trở về thành Xá
Vệ, trưởng giả Cấp Cô Độc đến trước đức Phật đảnh lễ rồi lui ra ngồi một bên.
Lúc ấy sau khi Thế Tôn thuyết pháp cho Ông nghe xong thì im lặng tịch tĩnh.
Trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy thưa rằng: “Thế Tôn! Rất mong ngày mai đức Phật và chúng tăng có thể đến nhà của con, thọ nhận sự cúng dường đạm bạc.” Thế Tôn im lặng biểu hiện sự đồng ý. Trưởng giả vui mừng đảnh lễ đức Phật rồi quay về.
Lúc đó, vị Bà la môn đại thần chủ tượng đến nơi của thầy Thiện Lai, và nói: “Thánh giả! Trước kia tôi đã từng thỉnh cầu Thầy, nếu như thầy đến thành này, thì Thầy thọ nhận sự cúng dường của tôi trước tiên.”
Thiện Lai bạch với đức Phật, đức Phật nói: “thầy đã nhận lời mời rồi thì nên đi trước để thọ cúng.”
Lúc đó thầy Thiện Lai đi đến nhà người Ba la môn. Người Bà la môn liền bày lên đủ các loại thức ăn ngon và cung kính thành khẩn cúng dường. Người
Ba la môn vì muốn giúp cho thầy tiêu hóa tốt, nên sau khi thầy thọ thực xong, ông ta đã bỏ một ít rượu vào trong nước uống của thầy, loại rượu mà đến voi cũng thích uống.
Thầy Thiện Lai không hề hay biết, nên sau khi uống nước đó xong thì đánh răng súc miệng và ra về. Kết quả khi về được nữa đường thì bị ngất xỉu vì trời quá nóng.
Chư Phật Thế Tôn luôn chánh niệm trong mọi lúc mọi nơi, đức Phật liền biến ra một túp lều ngay nơi Thiện Lai ngất xỉu để che thầy Thiện Lai, nhưng mọi người lại không hề hay biết.
Sau khi Thế Tôn ở nhà ông trưởng giả Cấp Cô Độc dùng cơm, thuyết pháp cho mọi người nghe xong, thì đến nơi thầy Thiện Lai nằm và nói với các vị tỳ kheo: “các Thầy hãy quan sát hành động của thầy Thiện Lai.
Thầy ấy trước kia từng hàng phục rồng dữ Am bà ở núi Giang Trư (cũng chính là núi Thất thu ma la) nhưng bây giờ thì như vậy, đến một con lươn cũng không thể điều phục được. Các vị tỳ kheo nên biết, nếu như uống rượu thì sẽ có những sai lầm lớn như vậy.”
Khi ấy, Thế Tôn đưa hai bàn tay có vô lượng hào quang – bàn tay phước đức thù thắng trang nghiêm, vuốt nhẹ lên đầu thầy Thiện Lai, nói: “Thiện Lai! Vì sao thầy không quan sát cẩn thận, mà có hậu quả không lường như thế?”
Lúc bấy giờ, thầy Thiên Lai đã bắt đầu tỉnh lại va đi theo đức Phật trở về khu vườn của ngài Cấp cô độc. Giống như thường ngày, sau khi rửa chân xong, đức Phật ngồi kiết già và nói với chúng tỳ kheo: “Các thầy nên quán sát thật kỹ, uống rượu sẽ tạo nên rất nhiều tội lỗi.”……
Các vị tỳ kheo nhìn thấy thầy Thiện Lai từng là một người ăn xin lưu lạc đầu đường xó chợ, sau đó nghe Phật thuyết pháp mà chứng quả A la hán, lại còn hàng phục được rồng dữ, mọi người đều rất lấy làm lạ, nên thỉnh vấn đức Phật: “Thầy Thiện Lai trong đời quá khứ đã tạo nghiệp gì mà lại được sinh ra trong gia đình giàu có? Sau đó lại trở thành kẻ nghèo cùng khốn khổ, phải làm nghề ăn xin để sống qua ngày, bị người đời gọi là “Ác Lai”, lại còn bị những người bạn ăn xin ném vào đống phân. Và đã tạo nghiệp gì mà lại được gặp đức thế Tôn, đoạn trừ tất cả phiền não chứng quả A la hán?”
Đức Phật nói với chúng tỳ kheo: “Các thầy nên chú ý lắng nghe! Trong đời quá khứ rất lâu về trước, lúc đó không có Phật ra đời, chỉ có Độc Giác xuất hiện ở thế gian. Độc Giác tuy có lòng thương xót, nhưng không nói pháp. Một hôm, có một vị trưởng giả đến giữa khu vườn hoa, muốn dạo chơi ngắm cảnh. Lúc đó có một vị Độc Giác bị bệnh, vì muốn đi xin thức ăn nên đã ăn mặc rách rưới đi về phía vườn hoa.
Người trưởng giả vừa nhìn thấy người ăn xin liền nổi giận, cảm thấy rất ghớm ghét, không thể chịu được, ra lệnh cho bảo vệ: “Đừng cho đồ ác lai này bước vào vườn hoa.”
Người bảo vệ vì thương cảm Độc Giác nên chần chừ do dự. Trưởng giả thấy bảo vệ không có động tĩnh gì, nên tự mình đi về phía trước nắm lấy cổ áo của Độc Giác tôn giả và dùng sức xô ngài té vào đống phân, rồi nói: “Tại sao ông không đi làm bạn với những người ăn xin đi?”
Lúc đó, Độc Giác tôn giả vì có lòng thương xót cho người này, liền bay lên không trung giống như thiên nga vương, biến hiện ra 18 loại thần thông biến hóa. Người phàm phu này vừa nhìn thấy Độc Giác hiện thần thông liền cảm thấy vô cùng hối hận. Lúc này nhìn hắn ta giống như một cây đại thụ bị ngã vậy; Hắn chỉ dám đứng từ xa mà hướng về phía Độc Giác đảnh lễ sám hối, thưa: “Trời ơi! Thiện Lai thánh nhân! Ngài đích thực là phước điền, cầu xin ngài từ trên không trung hạ xuống, thương xót cho tôi người không có trí tuệ này, hãy chấp nhận sự sám hối của tôi, đừng để tôi bị đọa lạc vĩnh viễn, chịu khổ trầm luân.”
Tôn giả Độc Giác nhìn thấy sự thành tâm, thành ý sám hối của hắn, liền từ không trung giáng xuống mặt đất. Trưởng giả sau khi đảnh lễ xong, lập tức chuẩn bị các loại đồ uống ăn tốt nhất và đem hương hoa cúng dường, kiền thành sám hối trừ bỏ ác nghiệp, và phát nguyện lớn: “Nguyện tất cả những vật hiện tại tôi cúng dường, là để gieo trồng phước thiện, trong đời vị lai có thể sinh ra trong gia đình phú quí giàu sang, có thể gặp được bậc thầy tốt nhất, tôi nguyện thọ nhận sự chỉ dạy của ông ta, để được khai ngộ, hướng đến cửa giải thoát, tuyệt đối không lười biếng.”
Các thầy tỳ kheo! Vị trưởng giả lúc đó là thầy Thiện Lai, ông đã từng làm việc ảnh hưởng đến Độc
Giác, gọi tôn giả Độc Giác là “Ác Lai”, lại còn xô ngài té vào đống phân; bởi vì những hành động như vậy, nên trong năm trăm đời sau thường làm người ăn xin, bị người đời gọi là “Ác Lai”, lại còn bị đồng bọn ném vào trong đống phân. Cũng bởi vì trong quá khứ cúng dường, phát nguyện nên được sinh ra trong gia đình giàu có, ngày nay có thể trong giáo pháp của ta xuất gia tu hành, đoạn tận phiền não, chứng đắc quả A la hán. Các thầy tỳ kheo! Nghiệp do mình tạo ra, tất phải tự mình thọ nhận, quả báo không mất đi bao giờ. Cho nên, các thầy tỳ kheo, khéo tu tập hạnh lành, tuyệt đối không được tạo tác ác nghiệp, phải tu tập như vậy.
Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta, nhân quả nghiệp báo đời đời không mất. Nên lưu ý thân, miệng, ý của chính mình. Không nên vì muốn nhanh một tí mà lại khởi tâm sân hận, chửi mắng người khác, phiền lụy chúng sinh. Chỉ cần tạo nhân ác nghiệp, một khi nhân duyên đầy đủ thì sẽ thọ nhận quả khổ.
Thầy Thiện Lai trong đời quá khứ là một vị trưởng giả, bởi vì ngăn cản Độc Giác vào vườn hoa của ông ta, đã mắng Độc Giác là Ác Lai. Kết quả vốn dĩ tên của mình là Thiện Lai thì lại bị gọi là Ác Lai. Lại cũng bởi vì ông ta đẩy Độc Giác ngã vào trong đống phân, bảo Độc Giác đi làm bạn với người ăn xin, nên kết quả ác báo lại rơi vào chính bản thân mình, đã bị đọa làm người ăn xin còn bị đám bạn ăn xin ném vào đống phân.
Nhưng do trong đời quá khứ ông thành tâm thành ý sám hối và cúng dường Độc Giác; lại dõng mãnh phát nguyện hy vọng sau này có thể gặp được bậc thầy tốt nhất, chấp nhận sự dạy dỗ tuyệt đối không lười biếng; chính ông ta cũng từng ở trước mặt đức Phật tu luyện qua Thanh Biến Xứ Quán trong mười biến xứ, cho nên đời này có thể cơ duyên gặp đức Phật.
Tuy nhiên thầy Thiện Lai một đời gian truân lận đận, mới sinh ra thì tài sản gia đình tiêu hao tán tận, cha mẹ mất sớm, đi vào đường cùng lưu lạc làm ăn xin, còn bị những người ăn xin thấp hèn nhất trong xã hội bức hiếp, khinh rẻ; Nhưng khi ông ta gặp được đức Phật, liền nắm bắt lấy cơ duyên hiếm có này tinh tấn tu hành, tiến bộ vượt bậc, trở thành bậc thánh thọ nhận sự cúng dường của trời người. Với nghị lực kiên định và lòng quyết tâm ấy thật khiến người tán thán.
Hiện tại chúng ta có nhân duyên nghe hiểu Phật pháp, hy vọng mọi người nên nắm bắt và quí trọng. Chúng ta cùng nhau nỗ lực!
Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 24 tháng 5 năm 2014