Kính thưa quý thầy cô và chư vị cư sĩ!
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với quý vị một câu chuyện được trích trong “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da” thuộc “Đại Chánh Tạng” quyển 23 trang 857a~859a.
Xưa kia, khi đức Phật ở tại thành Xá Vệ vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Dưới chân núi Kiều thiểm tỳ thất thâu ma la có rất nhiều xóm làng, có một vị trưởng giả tên là Phù đồ, rất là giàu có. Sau khi trưởng giả Phù Đồ lập gia đình không lâu thì sinh được một cô con gái rất dễ thương, sau này lớn lên được gả cho con trai của trưởng giả Cấp Cô Độc.
Không lâu sau đó, trưởng giả Phù Đồ lại sinh một cậu con trai, dung mạo rất dễ thương. Ngày cậu vừa chào đời, cha của cậu bé rất vui mừng, lớn tiếng gọi: “Thiện Lai! Thiện Lai!” (có ý nghĩa là thật tốt đẹp khi đến đúng lúc). Vì thế, lúc bấy giờ người thân bạn bè đều gọi cậu bé là “Thiện Lai”.
Nhưng do phúc đức của cậu bé này rất mong manh, tài sản của gia đình ngày ngày bị tiêu hao tán tận, đến nỗi mất cả cha mẹ, cậu không còn nơi nương tựa, đi lưu lạc khắp nơi. Thấy vận mệnh của cậu bé như vậy nên mọi người đổi tên gọi cậu thành “Ác Lai”. Cậu bé sống cùng với nhóm người ăn xin, sống nhờ vào lòng thương xót của người khác. Khi ấy, có một người là bạn cũ với cha mẹ cậu bé thấy sự nghèo khổ như thế, thì cho một đồng tiền, để cho Ác Lai mua thêm áo quần và thức ăn. Ác Lai không nơi tương tựa nên lìa bỏ quê hương, đi đến thành Xá Vệ. Lúc đó có tỳ nữ thân cận của chị Ác Lai thấy và nhận ra Ác Lai, nên chạy vội về nhà nói với chủ nhân: “Tôi mới đi ra ngoài, nhìn thấy Ác Lai vô cùng khốn khó!”
Ngươi chị của Ác Lai nghe thế thì vô cùng đau buồn, liền phái người đem vải trắng và tiền bạc cho em, để giúp em bớt đi sự nghèo túng này. Nhưng điều không ngờ là phúc đức của Ác Lai quá mỏng, vải và tiền lại bị trộm cắp lấy đi mất.
Chị của Ác Lai sau khi biết được chuyện này thì than thở: “Ác nghiệp sao mà sâu dày thế, phúc đức hoàn toàn không có, tôi không biết được cách nào giúp đỡ em ấy?” Và từ đó bỏ rơi Ác Lai, không quan tâm hỏi han gì nữa.
Khi ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc chuẩn bị nghênh đón đức Phật và chư Tăng đến nhà để cúng dường. Trưởng giả sau khi chuẩn bị đồ ăn thức uống thịnh soạn thì cung kính mong đợi đức Phật và chư Tăng quang lâm.
Khi đó, Ác Lai và số bạn bè hành khất nghe nói trưởng giả chuẩn bị đồ ăn thức uống cúng dường đức
Phật và chư Tăng nên nên cùng rủ nhau lập nhóm mà hẹn đến nơi đó, hy vọng có thể tìm được những thức ăn thừa trong buổi cúng dường này.
Trưởng giả từ xa thấy một nhóm khất cái tụ tập thì ra lệnh cho người ở: “Đức Phật và chúng Tăng sắp đến rồi, khẩn trương mời họ phải xa nơi chỗ này, đi nơi khác, .”
Lúc ấy, nhóm người ăn xin đều nghĩ: “Trước đây vị trưởng giả rất từ bi luôn thương xót giúp đỡ người nghèo khổ như chúng ta, là nơi chúng ta nương tựa; nhưng tại sao bây giờ lại xua đuổi chúng ta? Nhất định là do Ác Lai nghiệp quá sâu dày, làm chúng ta bị liên lụy tai ương này!” Vì thế, nhóm người ăn xin khiêng Ác Lai ném vào đống phân. Ác Lai vô duyên vô cớ bị nhóm người ăn xin khinh khi, ức hiếp, nên trong lòng cảm thấy uất ức vô cùng, chịu không nổi khóc lóc than thở ở nơi đống phân đó.
Trưởng giả Cấp Cô Độc phái người đến thỉnh đức Phật và chúng Tăng đến thụ nhận cúng dường. Lúc này, Thế Tôn mang y cầm bát và đại chúng quây quanh cùng đi đến nhà trưởng giả.
Lúc ấy, đức Thế Tôn vì lòng đại từ bi, đưa mọi người đến bên cạnh Ác Lai. Đức Thế Tôn nói với quý thầy: “quý thầy nên khởi tâm nhàm chán sự luân hồi sinh tử trong ba cõi, và chán ghét những điều kiện tạo ra sự luân hồi ấy. Quý thầy cũng nên quán chiếu người này, đời này là đời cuối cùng của ông, nhưng hiện tại chịu đựng khổ não, không có được sự hỗ trợ và giúp đỡ”. Vì thế, đức Phật dạy A nan: “hôm nay thầy để giành cho Thiện Lai một nửa phần cơm.”
Sau đó, đức Phật đi vào nhà trưởng giả và ngồi xuống chỗ của mình. Trưởng giả thấy đại chúng đã an tọa, thì dâng thức ăn thanh tịnh lên cúng dường đầy đủ cho đức Phật và quý thầy.
Nhưng vì sức mạnh ác nghiệp của Thiện Lai trong quá khứ làm cho ngài A Nan quên mất việc để lại thức ăn cho Thiện Lai. Đức Thế Tôn là thầy của trời người, có năng lực không bao giờ quên mất chính niệm, nên biết A Nan không nhớ việc này, thì Ngài tự để giành một phần thức ăn trong bát của mình cho Thiện Lai.
A Nan dùng cơm xong mới nghĩ ra: “Hôm nay tôi bị gì làm nhiễu loạn thế? Dám không làm đúng lời dạy của Thế Tôn.”
Đức Phật dạy A Nan: “cho dù chư Phật nhiều khắp cõi Nam thiệm bộ châu và bốn biển lớn, giảng dạy giáo pháp, con đều nghe nhớ không quên; nhưng hôm nay do Thiện Lai phúc đức quá mỏng, làm cho con quên đi lời nói của ta. Bây giờ con gọi Thiện Lai đến đây.”
Lúc ấy, A Nan nghe lời Phật dạy, đi đến trước mặt Thiện Lai gọi lớn: “Thiện Lai! Thiện Lai!” Nhưng ông quên mất tên “Thiện Lai” của chính mình, vì thế im lặng không có phản ứng gì.
A Nan lại gọi tiếp: “Ông là con của trưởng giả Phù Đồ, trước đây tên là Thiện Lai. Tôi gọi chính là gọi ông, không phải gọi người khác!”
Sau khi Thiện Lai nghe rồi, thì nói một đoạn kệ, đại ý như sau:
“Tôi đã quên mất tên Thiện Lai từ lâu, làm sao mà người khác lại gọi đúng tên tôi? Hay là ác nghiệp của tôi đã hết, thiện nghiệp hiện tại đã sinh khởi?
Đức Phật là người có nhất thiết trí, là nơi chúng sinh quay về nương tựa, có thể là đức Phật từ bi thích nói lời ái ngữ nên gọi đúng tên ta là Thiện Lai!
Tôi là người không có phúc báo, tất cả người thân bạn bè đều rời bỏ tôi, bị tất cả tai họa khổ não bức bách, thì sao gọi là Thiện Lai (điều tốt) được?”
Lúc ấy, A Nan đưa Thiện Lai đến nơi đức Phật ở, sau khi đảnh lễ xong, ngồi qua một bên.
Đức Phật dạy A Nan: “đem một phần thức ăn cho Thiện Lai!” A Nan đem bát cho Thiện Lai.
Lúc ấy, Thiện Lai nhìn vào trong bát chỉ còn một nửa thức ăn, thì liền rơi lệ, thưa đức Phật: “tuy đức Phật để cho con một phần thức ăn, nhưng cũng chỉ một ít, làm sao con ăn no được?”
Đức Thế Tôn biết được suy nghĩ của Thiện Lai, nên liền an ủi ông: “cho dù bao tử con lớn như đại hải, miệng con có thể nuốt cả núi Tu Di, tùy ý con ăn nhiều ít, thì thức ăn cũng không hết được. ”
Đức Thế Tôn hỏi Thiện Lai: “trong chéo áo của con có vật gì vậy?” Thiện Lai nghe xong lập tức mở chéo áo thì bất ngờ thấy có một đồng tiền, liền thưa đức Phật: “Đồng tiền này là do bạn của cha con thấy con khổ sở mà cho, nhưng phúc đức của con quá mỏng, nên quên mất việc này.”
Đức Thế Tôn dạy Thiện Lai: “con đem tiền này đi mua một ít hoa sen xanh về đây.” Sau khi Thiện Lai đi rồi, đức Phật và chúng Tăng trở về chỗ cũ.
Lúc ấy, Thiện Lai nghe lời Phật dạy, đi vào vườn hoa của người chủ tên là Lam Bà. Chủ vườn thấy thế liền nói: “Ác Lai! Đi ra chỗ khác! Không được phép bước vào! Đừng vì nghiệp nặng của ông mà làm cho vườn hoa của tôi tan nát héo úa, ao hồ khô cạn.”
Thiện Lai trả lời: “do Đức Thế Tôn muốn tôi đến đây mua hoa sen xanh.” Tiếp đến nói một bài kệ có nội dung như sau:
“Đối với tôi thì hoa sen xanh không có ý nghĩa gì; nhưng do vì bậc đại sư đầy đủ nhất thiết trí muốn tôi đi mua.”
Lúc ấy, Lam Bà nghe được điều đó thì trong lòng khởi lên tâm cung kính ngưỡng mộ, lập tức nói một bài kệ:
Thánh giả đại tịch tĩnh, trời người đều muốn cúng dường; còn ông là người sứ giả của Phật thì muốn lấy bao nhiêu hoa thì tùy ý.”
Vì thế, Thiện Lai đem tiền đưa cho Lam Bà và hái hoa sen xanh mang về chỗ đức Phật.
Đức Thế Tôn thấy thế thì nói: “Thiện Lai! Con đem hoa sen này cúng dường chúng Tăng.”
Thiện Lai cầm hoa sen cúng dường từ đức Phật cho đến từng vị Tăng. Lúc ấy chư Tăng không ai dám nhận lãnh.
Đức Phật nói: “Nên sinh lòng thương xót vị thí chủ này, mà nhận sự cúng dường của ông ấy. Còn các loại vật phẩm có mùi hương thì rất tốt cho mắt, ngửi mùi hương của nó không có bị sai phạm gì.”
Lúc đó, chư Tăng tiếp nhận sự cúng dường của Thiện Lai, hoa cũng nở rất tươi đẹp.
Thiện Lai sau khi thấy hoa sen xanh nở rộ, liền nghĩ đến trong đời quá khứ, từng ở nơi chư Phật tu tập thanh biến xứ quán trong mười phương pháp tu quán, tất cả các việc ấy hiện ra rõ ràng trước mặt.
Thế Tôn tiếp tục giảng dạy tinh hoa Phật pháp cho Thiện Lai, chỉ bày điều lành nên làm điều ác nên bỏ, tu tập các việc tốt để đạt được lợi ích và công đức tán thán các pháp lành. Lúc ấy, Thiện Lai lập tức chứng được kiến đạo.
Sau khi Thiện Lai chứng đắc sơ quả, vô cùng vui mừng nói một bài kệ trong sự hạnh phúc hy hữu:
“Đức Phật dùng sợi dây đặc biệt đưa tôi ra, làm cho tôi có thể an trụ ở nơi sơ quả; thấy tôi ở nơi xấu ác mà khởi lòng từ bi, cứu tôi ra khỏi như đưa con voi từ bùn lầy mà lên đất khô.
Trước đây tôi có tên là Thiện Lai, sau đó bị người khác gọi là Ác Lai; bởi vì được sống trong giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà sống đúng với tên gọi Thiện Lai.”
Sau khi nói bài kệ xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ đức Phật, trình bày: “Thế Tôn! Con xin được xuất gia ở trong giáo pháp tốt lành của đức Như Lai, để xa lìa thế tục, tu hành phạm hạnh.”
Đức Thế Tôn dùng tiếng Phạm âm thanh tịnh dạy:
“Lành thành Tỳ kheo! Con tu tịnh hạnh”. Nói xong, Thiện Lai hiện thân xuất gia, râu tóc tự rụng, mặc pháp phục thọ giới cụ túc thành thầy Tỳ kheo.
Từ đó về sau Thiện Lai dũng mãnh tinh tấn tu học, đạo tâm vững chắc, không kể là đầu đêm cuối đêm đều nỗ lực tu duy ý nghĩa giáo pháp, quên đi mệt mỏi, cuối cùng đoạn trừ tất cả phiền não, chứng đắc quả A la hán, ông nói một bài kệ:
“Quá khứ từng ở nơi chư Phật, chỉ chấp trước sắc thân gạch đá sắt thép này; còn hiện nay nghe được giáo pháp của đức Thế Tôn, được chuyển thành pháp thân vàng ngọc.
Tôi sẽ không bị luân hồi trong sinh tử, cũng không thọ thân đời sau, từ đó phụng trì pháp thanh tịnh xa lìa ô nhiễm, một cách an ổn hướng về tường thành niết bàn.
Nếu như có người thích châu báu, thích được sinh thiên hoặc giải thoát, thì nên thân cận bậc thiện tri thức, nguyện vọng mong cầu được viên mãn như ý.” Từ khi đức Phật Thế Tôn hóa độ Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Tất Lân Đà Phạt Tha v.v.. có một số người không có tín tâm tôn kính đức Phật, bèn dèm pha dị nghị nói: “Sa môn Kiều Đáp Ma là kẻ cắp ăn trộm của xã hội, trên trái đất này, khó lắm mới xuất hiện bậc thiên tài, thì lại bị Kiều Đáp Ma âm thầm dẫn dụ, trở thành thị giả của mình.”
Ngoài ra, đức Phật còn hóa độ người gánh phân Ni Tha (Ni Đà), người ngu đần như Châu Lợi Bàn Đà (Tiểu Lộ), còn có người chủ nuôi bò, Thắng Huệ, năm trăm ngư dân, Thiện Lai v.v.. Những người không có tín tâm và cung kính nên mỉa mai hủy bán: “Sa Môn Kiều Đáp Ma tham lam đi tìm đệ tử, trước giờ không biết chán, cho dù họ là người khổ sở bần tiện, ngu đần, cũng hóa độ cho xuất gia, để có người sai bảo.”
Sau khi đức Thế Tôn nghe được những lời như thế, trong lòng nghĩ: “Hàng đệ tử lớn của ta đức hạnh thanh cao ưu việt, thường thì mọi người không biết, tùy tiện khinh khi hiền thánh nhân, không biết điều đó sẽ mang lại tội lỗi, tự mình hại chính mình. Hiện tại Ta cho mọi người biết đức hạnh thù thắng của Thiện Lai.” Thường thì trong giáo pháp của chư Phật, nếu như hàng đệ tử thật sự có công đức đặc biệt, mà người khác không hiểu được về các bậc hiền thánh, thì đức Phật dùng phương pháp khéo léo chỉ ra công đức của họ.
Lúc ấy, Thế Tôn muốn xiển dương đức hạnh của Thiện Lai, liền chỉ dạy A Nan: “Hiện tại ta muốn đi đến núi Thất Thu Ma La, nếu thầy nào muốn đi cùng, thì mang theo y bát.” Sau đó đức Thế Tôn cùn mọi người đi về núi Thất Thủ Ma La.
Đương thời, có mọt con rồng độc ở trong núi Am Bà, gần núi ấy có các loại ngũ cốc, thường bị độc long phá hoại gây tổn thất. Người dân sống ở khu vực núi này, khi nghe đức Phật đến, liền từ các nơi tụ tập về, cùng đến nơi ở của Ngài, sau khi đỉnh lễ thì ngồi qua một bên.
Lúc ấy, đức Thế Tôn vì đại chúng mà giảng dạy chính pháp vi diệu, chỉ bày việc nào nên làm việc nào nên bỏ, tu học để hưởng được lợi ích của việc tốt, tùy hỷ tán thán công đức của việc làm tốt, sau đó thì Ngài im lặng không nói nữa.
Lúc ấy, đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ dưới chân đức Phật, sau đó thưa: “Nguyện Thế Tôn thương xót chúng con, hoan hỷ chấp thuận lời thỉnh mời của chúng con, ngày mai nhận lễ cúng dường buổi cơm đạm bạc của chúng con.” Đức Thế Tôn hiểu được tấm lòng của đại chúng, nên im lặng nhận lời thỉnh mời.
Đại chúng biết được đức Phật đồng ý chấp nhận cúng dường, nên trở về nhà, trong đêm đó chuẩn bị thực phẩm tốt nhất để cúng dường, và đổ đầy các vật dụng đựng nước. Sau khi mọi việc đã sắp xếp xong, thì họ đợi đến trời sáng, phái người đi đến nơi đức Phật và chúng Tăng ở để bẩm báo là thời gian cúng dường đã đến rồi. Đức Thế Tôn mang y cầm bát đi cùng đại chúng đến nơi cúng dường của mọi người, và ngồi ở vị trí đầu tiên của hàng chúng Tăng.
Dân chúng và bà la môn trong thôn dưới núi, chuẩn bị rất đầy đủ thực phẩm cúng dường, đợi đức Phật và Tăng chúng dùng xong, thì đến trước đức Phật, mọi người thứ tự ngồi xuống, đức Thế Tôn thuyết pháp chỉ dạy, mọi người đều hoan hỷ và tán thán đức Phật: “Thế Tôn! Chúng con thường nghe đức Thế Tôn rất là vi diệu, có khả năng chế ngự được dạ xoa hung ác không gì so sánh bằng, bất luận là dạ xoa ở nơi hoang vắng, dạ xoa lông nhọn như mũi tên, dạ xoa như con voi con lừa v.v.. cho đến nữ dạ xoa như A Lực Ca, quỷ tử mẫu đều có thể chế phục; ngoài ra còn có long vương Nan đà, Ổ Ba Nan Đà, A Bát La là các loại rồng cực độc, ngài đều có thể chế phục. ”
Thưa Thế Tôn! Hiện tại ở núi này có con rồng độc Am Bà, thường gây tổn hại chúng tôi, không duyên không cớ cố ý gây oán thù với chúng con, mỗi ngày nó phun khí độc ba lần, tỏa xa trăm dặm, làm cho tất cả cầm thú ngửi đến đều bị ngộp thở chết; không luận là người nam hay nữ, màu da đều trở thành vàng đen, hoàn toàn mất đi màu da cũ. Cầu mong đức Thế Tôn thương xót chúng con, hàng phục con rồng độc này!”
Đức Thế Tôn nghe xong, liền nói với A Nan: “Con chuẩn bị một ống tre có đựng các quẻ tre đặt trước đại chúng, ai mà có khả năng hàng phục rồng độc thì rút một cây.” Nhưng đại chúng không có một ai bước ra lấy quẻ tre cả. Vì thế đức Thế Tôn gọi Thiện Lai: “Con đi lấy một thẻ tre, trong buổi sáng con đem y bát vào làng, thứ tự từng nhà khất thực. Sau khi dùng trai xong, thì đi đến nơi rồng độc Am Bà ở.”
Khi ấy độc long vương từ xa thấy Thiện Lai đi đến phạm vi thế lực của mình, rất là tức giận, lập tức làm cho mây mù che khắp, bầu trời tức khắc đen tối, mây màu biến sắc, sấm chớp ầm ầm, mặt đất chấn động, tiếp đến giáng trận mưa đá lớn, muốn hãm hại Thiện Lai.
Lúc ấy, Thiện Lai nhập vào định từ bi, tất cả cuồng phong bão táp đó đều biến thành mùi hương của trầm của gỗ chiên đàn v.v.. từ trên không nhẹ nhàng rơi bay đất.
Rồng Am Bà thấy tình hình như thế càng phẫn nộ, lại từ trong không trung ném các loại vũ khí như đao kiếm bánh xe... nhưng khi các loại đó bay gần đến Thiện Lai thì trở thành hoa sen tuyệt đẹp, từ trên không trung rơi xuống. Rồng độc tiếp tục thổi ra khỏi lửa, Thiện Lai cũng lập tức nhập vào thiền định hỏa quang, rồi dùng thần thông biến hóa thành một khối lửa lớn, bao quây long cung và các nơi khác, bốn bề đều bị ngọn lửa lớn bao phủ.
Lúc bấy giờ, rồng độc thấy lửa lớn mãnh liệt như thế trong lòng vô cùng hoảng sợ, toàn thân lông tóc dựng ngược, muốn bỏ trốn, nhưng nhìn bốn bề là biển lửa, chỉ có chỗ của Thiện Lai là mát mẻ yên tĩnh.
Vì thế, rồng độc chỉ còn cách đến chỗ Thiện Lai, đỉnh lễ Ngài rồi thưa: “Xin ông cứu tôi, cứu giúp tôi!”
Thiện Lai trả lời: “trong kiếp trước của ông đã tạo các nghiệp ác quá nhiều, khiến ông hiện tại sinh vào ác đạo. Đến đời này, ông lại gây hại cho chúng sinh, tiếp tục tạo các nghiệp xấu, sau khi ông chết, thì sẽ đọa lạc về đâu? Ông muốn nương tựa vào điều gì? Nhất định đọa vào địa ngục, kết quả này ông không cần hoài nghi nữa!”
Lúc ấy, rồng độc nói với Thiện Lai: “Đại đức! Vô cùng cảm ơn sự chỉ dạy của ông, thế thì bây giờ tôi nên làm như thế nào?”
Thiện Lai nói: “Ông nên quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới, cho đến hết đời, không được tái phạm.” Thế là rồng độc lập tức quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới, phát nguyện đến hết đời không phạm giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu. Sau khi rồng độc phát thệ nhất định thực hiện thì đảnh lễ Thiện Lai, rồi đột nhiên biến mất.
Sau khi Thiện Lai hàng phục rồng độc, thì trở về nơi đức Phật ở, đảnh lễ Ngài và thưa: “Thế Tôn! Rồng độc bị con hàng phục và thọ trì tam quy ngũ giới.”
Đức Phật liền nói với quý thầy: “Trong tất cả hàng đệ tử Thanh Văn, Tỳ kheo Thiện Lai là người hàng phục rồng độc là đệ nhất!”
Phần sau của câu chuyện còn dài, tại sao Thiện Lai lại gặp vận mệnh bi thảm như thế, vốn là sinh vào nhà giàu có, nhưng song thân lại mất sớm, gia sản tiêu tán, lại bị bạn bè ăn xin ném vào đống phân? Nhưng sao sau này có nhân duyên gì mà được gặp đức Phật, nghe được giáo pháp và chứng đắc A La Hán? Không những chứng đắc A La Hán mà còn trở thành vị hàng phục rồng độc đệ nhất.
Muốn biết tường tận, xin mời vào phần sau sẽ rõ!
Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 10 tháng 5 năm 2014