Lúc chúng ta nghiên cứu, thảo luận “Đại Trí Độ Luận”, thường phát hiện trong đó có nhiều đạo lý, rất giá trị cho chúng ta tham khảo tu tập. Tôi nghĩ nhân cơ hội này, nêu ra để mọi người cùng nhau tham khảo.
Trong “Đại Trí Độ Luận” có trích dẫn một bộ Kinh, nhắc đến Bồ tát không được khởi tâm khinh mạn. Như “Đại Trí Độ Luận” quyển 39 chép:
Như trong “Kinh” có nói: “Bồ tát khinh thường Bồ tát khác, thì xa rời Phật đạo suốt trong một kiếp, trải qua kiếp đó cần phải tu hành nhiều hơn. Vì lẽ đó mà không nên tự cao, cũng không khinh thường người khác” .
Những gì nói ở đây là trong “Kinh Ma ha Bát nhã
Ba la mật”. Nếu như Bồ tát khởi tâm khinh mạn các vị Bồ tát khác, chỉ cần khởi một tâm khinh mạn, thì bị xa rời Phật đạo trong một kiếp. Một kiếp chỉ đơn vị thời gian rất dài, thật đáng sợ! Chỉ cần khởi một niệm khinh mạn, thì mất đi một kiếp, khởi hai niệm, thì mất đi hai kiếp. Nếu như không thối tâm Bồ đề, vẫn muốn tu học Phật đạo, thì xem chúng ta khởi bao nhiêu niệm, phải trải qua bao nhiêu kiếp thì mới có thể tìm lại được những công đức đã mất đi. Cho nên, khuyên chúng ta không nên khởi tâm khinh mạn, coi thường người khác.
Đoạn văn vừa dẫn ở “Đại Trí Độ Luận”, trong “Kinh Đại Bát nhã” do Ngài Huyền Trang dịch trong đó nói rất cụ thể, như “Kinh Đại Bát nhã Ba la mật” quyển 455:
“Nếu Bồ tát Ma ha tát chưa được sự thọ ký của Phật, khởi tâm sân hận, đấu tranh, khinh thị, mạ nhục, phỉ báng đối với Bồ tát đã được thọ ký, Bồ tát Ma ha tát đó đã khởi bao nhiêu niệm không lợi ích, phải trả bao nhiêu kiếp từng tu hạnh lành, khi thời gian đó xa rời bạn lành, còn phải chịu rất nhiều sự trói buộc của sanh tử luân hồi. Nếu còn tâm đại Bồ đề, siêng năng tu hạnh lành không ngừng nghỉ, sau đó mới bù vào những công đức đã mất”.
Kinh nói rất rõ ràng, nếu như có Bồ tát chưa được sự thọ ký của Phật, mà khởi tâm sân hận, đấu tranh, khinh thị, nhục mạ, hủy báng đối với vị Bồ tát đã được sự thọ ký của Phật, thì vị ấy chỉ cần khởi bất cứ bao nhiêu niệm không tốt nào, thì sẽ bị mất đi những công đức thù thắng trong bao nhiêu kiếp. Lúc đó, vị ấy sẽ xa rời thiện tri thức, và chịu vô lượng sanh tử luân hồi. Nếu như vị ấy vẫn còn hy vọng thành tựu quả vị vô thượng Bồ đề, mà chưa thối tâm Bồ đề, thế thì phải tinh tấn tu hành bù lại những công đức đã mất.
Ngoài ra, còn tham cứu thảo luận vấn đề, nếu Bồ tát khởi ác tâm với các Bồ tát khác, làm cách nào sám hối được? Trong “Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật” quyển 19 Đại Chánh tập 8, trang 356c13~29 dạy:
Phật dạy: “A nan! Nếu Bồ tát chưa thọ ký khởi ác tâm, đấu tranh, chửi mắng đối với Bồ tát đã thọ ký, tùy khởi niệm bao nhiêu kiếp, nếu liên quan đến kiếp số, nếu không bỏ nhất thiết chủng trí, sau đó phải bù lại bằng những kiếp đại trang nghiêm”.
A nan thưa: “Thế Tôn! Ác tâm đó trải qua bao kiếp số không gián đoạn, mới có thể trừ sạch?”
Phật bảo A nan: “Tuy ta nói người cầu Bồ tát đạo và Thanh văn được hết tội. A nan! Nếu người cùng cầu đạo Bồ tát đấu tranh, sân giận chửi mắng, ôm hận, không hối cải, không bỏ qua với nhau, ta không nói hết tội, mà phải chịu nhiều hơn những kiếp số đã tạo; nếu không từ bỏ Nhất thiết trí, cho đến kiếp Đại Trang Nghiêm. A nan! Nếu Bồ tát đó sau khi đấu tranh, sân giận chửi mắng, rồi tự sám hối và suy nghĩ: “Ta vì sai lầm lớn! Ta nên vì hết thảy chúng sanh chịu khổ nhục, đời này, đời sau đều như vậy, ta nên nhẫn thọ tất cả những sự dẫm đạp của chúng sanh như cầu, như câm, như điếc, làm sao lấy lời ác báo hại người? Ta không nên làm hư hoại tâm vô thượng Bồ đề sâu dày này, mà khi ta đạt được đạo quả, phải độ hết tất cả khổ não của chúng sanh, sao lại khởi tâm sân hận?”
A nan thưa Đức Phật: “Bồ tát khởi ác tâm, trải qua vô số kiếp, có thể trừ bỏ tội lỗi không?” Đức Phật nói với A nan: “Tuy ta nói người cầu đạo Bồ tát và Thanh văn có thể hết tội”. Hết tội, nghĩa là sau khi phạm tội người đó thành tâm sám hối, thì tội nghiệp mới có thể tiêu trừ. Song Đức Phật dạy: “A nan! Nếu như người cầu đạo Bồ tát cùng với người khác đấu tranh, khởi tâm sân hận mà chửi mắng, ôm hận, không sám hối v.v... không sám hối, nếu những ác tâm đó không xả bỏ, thì tội nghiệp đó không có cách nào hết được”, “phải chịu nhiều hơn những kiếp số đã tạo” thì phải trải qua thời gian rất dài chịu nghiệp báo luân hồi sanh tử, và cũng không có thiện tri thức. Nếu như còn phát nguyện thành tựu Nhất thiết chủng trí, thì phải bù lại những gì đã mất đi. A nan! Nếu như Bồ tát khởi tâm niệm đấu tranh, chửi mắng, không sám hối, sau đó họ khởi tâm nghĩ: “Tội lỗi của ta thật quá lớn”, “ta nên vì tất cả chúng sanh chịu khổ nhục”, tức ý muốn nói từ nay trở về sau, nguyện vì hết thảy chúng sanh phục vụ lao dịch, không kết oán với mọi người, không chỉ có ở “đời này, cho đến đời sau đều hòa giải như vậy”, vị Bồ tát đó còn phải phát tâm, “nhẫn chịu hết thảy những sự dẫm đạp của chúng sanh giống như cây cầu”, tức vị Bồ tát đó chịu đựng mọi người muốn dẫm qua đạp lại như cây cầu, đều có thể an nhẫn, “như câm, như điếc thì làm sao có lời ác hại người”? Nghĩa là nếu có người ác tâm chửi vị ấy, vị ấy giống như người câm, người điếc, có người chửi họ, họ cũng không chửi lại, không như bạn chửi tôi một câu, tôi chửi lại bạn ba câu, bạn đánh tôi một đấm, tôi đấm lại bạn ba cái, Bồ tát không như vậy, họ an nhẫn đối với tất cả chúng sanh. Ta không nên phá hoại tâm vô thượng Bồ đề này, mà nên phát nguyện khi tôi đạt được vô thượng Bồ đề, sẽ độ hết thảy chúng sanh khổ não, thì làm sao tự mình có thể khởi tâm sân hận được?
Chúng tôi lại xem “Đại Trí Độ Luận” đối với đoạn văn này giải thích như sau, “Đại Trí Độ Luận” quyển 77 chép:
Phật đáp: “Pháp của ta tuy có phương pháp làm hết tội, nếu Bồ tát cùng đấu tranh, kết hận, không chịu xả bỏ thì không thể hết được”. Vì sao vậy? Vì vị Bồ tát đó tâm sân hận, khinh mạn sâu dày đối với Bồ tát khác. Vì sân, vì kiêu mạn cho nên không chịu sám hối, mà muốn hành những công đức khác cầu diệt tội ấy”.
Phật nói: “Tội ấy không thể hết, nếu ôm lòng hận, tuy làm phước đức khác, đều không thanh tịnh, vì không thanh tịnh nên không có năng lực, vì không có năng lực nên không diệt tội. Nếu người ấy muốn thành Phật, không rời bỏ Nhất thiết trí, quyết tâm sám hối, bù lại những kiếp trước cho đến phát đại trang nghiêm”.
Đức Phật dạy: Trong Phật pháp, tuy sám hối có thể tiêu trừ tội nghiệp, nhưng phải chú ý, nếu như Bồ tát cùng với mọi người đấu tranh, kết oán, “không chịu tức thời từ bỏ, thì không thể hết”. Từ bỏ, thì tâm ác, sân hận phải lập tức bỏ. Không được sau khi nổi trận lôi đình xong, thì bệnh tim của mình muốn phát tác rồi, lúc đó mới sám hối thì không được, phải lập tức từ bỏ, không từ bỏ thì không hết tội. Vì sao vậy? “Bồ tát tâm khinh mạn sâu dày”, giận Bồ tát khác, vì khởi tâm sân hận, khinh mạn, không thể thành khẩn mong cầu sám hối, cho dù muốn tu hành những công đức khác, hy vọng có thể trừ được những tội lỗi như thế, nhưng Đức Phật dạy: “Tội đó không thể hết”. Vì sao vậy? “Vì ôm hận”. Cho nên nếu như tâm hận thù không bỏ, tu nhiều công đức, tội đó cũng không có cách nào tiêu được, tuy tu những phước đức khác, cũng đều không sạch được. Bởi vì tâm hận thù chưa trừ bỏ, làm những phước đức khác cũng không thanh tịnh. Vì không thanh tịnh, cho nên đạo lực không mạnh, không có sức mạnh để diệt vô số các tội lỗi, tội đó không có cách nào tiêu trừ, vì vậy không nên khởi ác tâm, sân hận tâm. Nếu người “muốn làm Phật, không bỏ Nhất thiết trí”, tức không bỏ tâm Bồ đề, còn cuối mình thành khẩn mong cầu sám hối, thế còn phải bù những công đức mà vị Bồ tát đó đã mất mới có thể được.
“Kinh Đại Bát nhã” và “Đại Trí Độ Luận” đều nhắc đến điểm này, rất có giá trị cho việc cảnh giác tu hành của chúng ta, trên con đường tu hành, không nên nói là khởi những phiền não thô trọng, thậm chí không nên khởi tâm khinh mạn đối với người khác, vì đó là gieo nhân xa rời Phật đạo. Nếu chúng ta chỉ vì cái vui một thời, thì đã xa rời Phật đạo, không biết phải mất bao nhiêu thời gian, tinh thần, mới có thể bù đủ những công đức trước kia đã mất, thực tại là được một mất mười!
Hôm nay đem vài đoạn Kinh cùng mọi người thảo luận!
TỰ LỢI LỢI THA
“Thập Trụ Tỳ Bà Luận” nói “cộng lợi mới là thượng nhân”, cộng lợi đó là tự lợi lợi tha; nhưng “Đại Trí Độ Luận” nói “chỉ có lợi tha mới là thượng nhân”, như thế hai bộ Luận này có gì mâu thuẫn hay không, hay là điểm xuất phát chính không đồng, chúng ta chủ yếu thảo luận vấn đề này.
I. “Thập Trụ Tỳ Bà Luận” quyển 1
“Trên đời có bốn loại người: một là tự lợi, hai là lợi tha, ba là cộng lợi, bốn là không cộng lợi”. Ở đây nói đến bốn loại người, trong đó lấy “cộng lợi là thực hiện từ bi lợi ích cho tha nhân, gọi là thượng nhân”. Thượng nhân là người thực hiện tự lợi lợi tha. Song chúng ta nên chú ý định nghĩa về “cộng lợi”, là nhấn mạnh “thực hiện từ bi lợi ích cho tha nhân”. Hay nói cách khác, cộng lợi là ưu tiên lợi tha trước, từ trong lợi tha thì chính mình đạt được tự lợi. Ví dụ như, bạn xịt nước hoa cho người khác, thì chính mình cũng có thơm lây. Lợi tha như thế, thì tự mình cũng có phần lợi ích.
II. “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” quyển 7
“Chuyện thế gian không buồn vui, xả bỏ phần tự lợi, luôn tinh cần thực hành lợi tha, biết ơn cảm ơn. Việc thế gian là lợi suy, hủy báng danh dự, ca ngợi chê trách, khổ vui, ở trong các việc này tâm không hề buồn”. Dưới đây sẽ giải thích cụ thể, “chuyện thế gian” chính là các việc trong đời như “lợi suy, hủy báng danh dự, ca ngợi chê trách, khổ vui”, thường cho đó là tám ngọn gió. Tô Đông Pha nói về “tám ngọn gió thổi không lay động”, không phải chỉ Đông Tây Nam Bắc, mà “tám ngọn gió” lợi suy, hủy báng danh dự, ca ngợi chê trách, khổ vui. “Xả bỏ tự lợi, tinh cần thực hành lợi tha, Bồ tát chưa từng quen biết, chưa từng có nhân duyên với họ, nhưng họ thực hành thiện, thì xả bỏ tự lợi, hỗ trợ việc thiện của họ”. Bồ tát trước đó chưa quen biết họ, không có nhân duyên đặc biệt gì, cũng xả bỏ lợi ích để làm lợi ích tha nhân. Dưới đây có các vấn đề.
“Hỏi rằng: bỏ tự lợi tinh cần thực hành lợi tha, việc đó không thể”. Người ngoài đưa ra lời chất vấn: Muốn lợi tha, tại sao phải xả bỏ tự lợi? “Như Đức Phật nói: tuy là lợi ích cho người rất nhiều, nhưng không xả bỏ tự lợi. Như nói: xả bỏ một người để thành tựu nhà, xả bỏ một nhà để thành tựu một xóm làng, xả bỏ một xóm làng, để thành tựu một quốc gia, xả bỏ một quốc gia để thành thân mình, xả bỏ thân mình để thành tựu chánh pháp”.
Xả bỏ một người để thành tựu một gia đình, hình như xả bỏ nhỏ một chút để thành tựu càng lớn hơn, xả bỏ một nhà để thành tựu một xóm làng, xả bỏ một xóm làng để thành tựu một quốc gia. Từ đó cho thấy, xả bỏ một người không phải là xả bỏ chính bản thân mình, có thể là “chết bạn còn mình thì sống”. Cho đến xả một quốc gia để thành tựu chính mình, cũng là vì cá nhân, xả bỏ cá nhân để thành tựu chánh pháp.
Câu nói này có thể là rút ra từ “Kinh Tăng Nhất A hàm” quyển 31có một câu nói: “Vì gia đình hy sinh một người, vì xóm làng hy sinh một gia đình, vì quốc gia hy sinh một xóm làng, vì thân mình mà hy sinh thế gian” . Chỉ có nói đến đây, còn câu “xả bỏ thân mình để thành tựu chánh pháp” không có nhắc đến. Tôi hiện tại không xác định “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” dẫn dụng câu Kinh này, có phải là trích từ “Kinh Tăng Nhất A hàm”. Kinh này miêu tả câu chuyện sợi dây chuyền bằng ngón tay của Tỳ kheo Ương quật ma la. Câu chuyện này tôi nghĩ rất nhiều người đã nghe qua.
Ương quật ma la là con quỷ giết người, sau đó xuất gia với Đức Phật, chứng quả A la hán. Trước đây là ngoại đạo, thầy của ông là một Bà la môn ngoại đạo tà kiến, nói: “sau khi con giết được một ngàn người, thì có thể được sanh lên trời”. Hắn đã giết được rất nhiều người, sau khi giết người rồi đem chặt đầu ngón tay xỏ thành vòng hoa đeo cổ. Cuối cùng, sau khi giết được chín trăm chín mươi chín người, vẫn còn thiếu một người, hắn đi tìm khắp nơi nhưng không có ai. Lúc đó mẹ hắn đem cơm cho hắn, hắn nghĩ: “Chỉ còn lại một người này”. Rồi muốn giết mẹ của hắn. Vì hắn nghe thầy ngoại đạo nói, giết mẹ có thể sanh lên cõi trời cao hơn. Lúc hắn muốn giết mẹ, đột nhiên Phật lại xuất hiện. Lúc Phật xuất hiện, hắn vẫn chưa thấy, chỉ thấy luồn ánh sáng chiếu lòa. Lúc ban đầu rất lo lắng, nghĩ rằng nhà vua dẫn binh lính muốn giết hắn, vì vậy là ánh sáng của gươm dao. Nhưng hắn lại nghĩ chắc không phải. Nếu như nhà vua dẫn quân lính đến, thì chim thú ở đây nhất định rất sợ hãi chạy trốn, nhưng chúng nó hót âm thanh rất dịu dàng, thánh thót. Vậy cuối cùng là ánh sáng gì? Mẹ hắn biết đây là Đức Thế Tôn, bèn nói: “Đức Phật đến rồi”. Hắn nghĩ: “Vậy càng tốt!” Ngoại đạo nghĩ rằng: “Phật giống như Chuyển Luân Thánh Vương rất khó xuất hiện ở đời, nếu có thể giết Phật, thì càng sanh lên cõi trời cao hơn”. Hắn bèn hất mẹ một bên, chuyển qua đuổi theo Phật. Nhưng càng chạy càng cách xa, vĩnh viễn đuổi không kịp, cuối cùng hắn hét lên: “Dừng ngay lại! Dừng ngay lại!”.
“Ta đã dừng, do ngươi không dừng”. Ta đã ngừng lại, chỉ là ngươi tự mình chưa có dừng thôi. Ương quật ma la trong tâm nghĩ, đây nhất định không phải là người thường, liền tự sám hối giác ngộ. Ông ta liền theo Đức Phật xuất gia, sau đó chứng quả A la hán. Sau khi chứng quả, vì từ trước đã giết hại quá nhiều, nên mọi người hận ông ta, lúc đi khất thực, không ai bố thí thức ăn, mà còn dùng dao gậy đá gạch hành hạ ông, nhưng ông ta vẫn nhẫn chịu. Có người thắc mắc: “Đồ giết người xấu xa này, sao Đức Phật còn giáo hóa? Ông ta có lợi căn gì mà mau chứng quả A la hán”? Nhân cơ hội này đức Phật nói về nguồn gốc của Ương quật ma la.
Ương quật ma la đời trước là một vương tử. Có một vị Quốc Vương về già vẫn chưa có con trai, đi khắp nơi đến thần cây, thần thổ địa, thần núi để cầu, sau mới cảm được đứa con này. Quốc Vương nghĩ: “Ta đã già rồi, phải mau cưới vợ cho nó để có cháu”. Vương tử tới lúc lớn tuổi vẫn chưa muốn lập gia đình. Quốc Vương rất lo lắng, muốn tìm người có biện pháp khiến cho Vương tử sinh hoạt bình thường như người thế tục, ta liền ban thưởng cho người đó. Tiếp có một đoạn nữa, câu chuyện này mọi người tự xem. Vương tử sau khi sống cuộc đời thế tục, có quá nhiều cô gái bị lạm dụng, nên họ muốn báo thù. Họ liền đi tìm Quốc Vương và nói: “Bây giờ có hai con đường để chọn, nếu Ngài muốn bảo toàn tính mạng thì phải giết Vương tử, còn nếu bảo toàn tính mạng của Vương tử thì chúng tôi sẽ giết Ngài”. Ở thời điểm chọn lựa đó, Quốc Vương nói: “Xả một quốc độ để thành tựu thân”.
“Xả một quốc độ để thành tựu thân” là nói ra trong lúc này, câu tiếp “xả bỏ thân mình để thành tựu chánh pháp”, không thấy có ở trong “Kinh Tăng Nhất A hàm”. Nếu như chỉ coi một câu “xả một quốc độ để thành tựu thân”, đứng ở góc độ phàm phu, thì cuối cùng vẫn tiếc nuối sanh mạng của mình. Người ngoài trích dẫn đoạn này, muốn thành lập riêng chủ trương: “khi muốn lợi ích cho người khác, không nên xả bỏ lợi của mình”. Họ đã trích dẫn một đoạn “như Phật nói: tuy vì lợi ích của nhiều người, không nên xả bỏ lợi ích của chính mình”. Cho rằng đoạn này là ý của Phật.
Song, xem xét kỹ “Kinh Tăng Nhất A hàm” thật ra những lời này không phải Phật nói. Người ngoài muốn lợi dụng một đoạn như vậy ở trong Kinh để thành lập riêng chủ trương của mình: “muốn lợi ích người khác, có thể không cần xả bỏ lợi ích của mình”. Chủ yếu là họ muốn thành lập luận đề này, vậy thì người ngoài lại nói: “trước tiên làm lợi chính mình, sau đó mới làm lợi người khác, ” sau khi chúng ta lợi ích cho mình mới làm lợi ích cho người khác. Nếu như xả lợi ích của mình mà làm lợi ích cho người, “sau đó sinh hối hận” cuối cùng có thể mình hối hận. “Xả bỏ tự lợi lợi tha, tự cho mình là có trí huệ”, nếu như chúng ta tự cho là có trí huệ, vậy thì chúng ta ở trong thế giới này “là người ngu si nhất”. Đây là quan điểm của người ngoài, vậy chúng ta xem Bồ tát Long Thọ trả lời như thế nào.
“Đáp: ở trong thế gian, mong cầu lợi ích vì tha nhân, được xưng tán là thiện, tâm kiên cố như vậy. Huống gì việc làm của Bồ tát, vượt qua thế gian. Nếu lợi tha, tức là tự lợi”.
Ở đây Bồ tát Long Thọ đứng ở một góc độ khác nhìn, nếu như chúng ta hành lợi tha, kỳ thật tự mình đã được lợi rồi. “Bồ tát đối với việc của tha nhân, tâm ý không có sai khác”, câu nói này rất quan trọng, tức là Bồ tát lúc tự lợi lợi tha, khi đối diện với sự chọn lựa, có rất nhiều người trước lo cho mình, lo cho mình xong rồi, sau đó còn sức lực của cải mới lo cho người khác. Nhưng chúng ta chú ý câu nói này của Bồ tát Long Thọ: “Bồ tát đối với việc của tha nhân, tâm ý không có sai khác”, tức là khiến bạn lúc đối diện thời điểm quan trọng, khi đối diện sự lựa chọn, việc lợi tha tuyệt đối không có bị giảm bớt. “Phát tâm bồ đề, lợi tha tức tự lợi. Ý nghĩa này trong phần Sơ phẩm đã nói rõ.”
Phần trên có nhắc đến tự lợi, cộng lợi gọi là thượng nhân, ở đây không nói cụ thể nữa. Có một vài câu văn trong “Đại Trí Độ Luận” nói về tự lợi lợi tha, chúng ta cùng nhau so sánh.
III. “Đại Trí Độ Luận” quyển 95
“Hỏi rằng: ngoài ra có nói Bồ tát tự lợi ích, cũng lợi ích chúng sanh”, ở các chỗ khác có nói Bồ tát tự lợi, vẫn có lợi ích chúng sanh, song tại sao ở đây “chỉ nói lợi ích chúng sanh, không nói tự lợi? Tự lợi lợi tha có gì sai lầm?” Chỉ nói thuần túy lợi ích chúng sanh, mà không nói tự lợi. Chúng tôi nói tự lợi lợi tha có gì sai lầm? Chúng ta xem Bồ tát Long Thọ trả lời.
“Trả lời: Bồ tát thực hành thiện đạo vì tất cả chúng sanh, đây là ý nghĩa chơn thật”; Bồ tát thực hành thiện pháp, vì chúng sanh, không phải vì lợi ích của riêng mình. Vì vậy thành tựu Chánh giác, họ cũng vì chúng sanh; chứ không phải muốn tôi cao hơn người Nhị thừa, nên mới thành tựu Chánh giác, họ không có tâm so sánh cao thấp. “Có chỗ nói tự lợi, cũng lợi ích chúng sanh, là vì phàm phu mà nói, sau đó khuyến họ thực hành Bồ tát đạo”. “Đại Trí Độ Luận” nói rất rõ ràng, trong Kinh có chỗ nói tự lợi lại lợi ích chúng sanh, đây là phương tiện thiện xảo dẫn dắt người phàm phu. Vì sao phải như vậy? Vì một người khi mới bắt đầu, nếu như cố gắng rất nhiều, bản thân không có chút gặt hái gì, người bình thường không dễ gì làm được. Vì vậy khi mới bắt đầu, nếu nói tự lợi có thể lợi tha, đó là việc vui sao lại không thực hiện? Có dẫn dắt như vậy, sau mới có thể hành Bồ tát đạo.
Dưới đây phân biệt cụ thể: “Người vào đạo có hạng người bậc thượng, trung, hạ. Hạng người bậc hạ chỉ vì tự độ mà thực hành thiện pháp; hạng người bậc trung vì mình và vì người; hạng người bậc thượng chỉ vì tha nhân mà thực hành thiện pháp”. Vì vậy theo lập trường của Bồ tát Long Thọ, thuần túy lợi tha mới là chơn chánh thượng nhân; nếu như có một chút vì mình, cao nhất là “trung”.
Người ngoài đương nhiên không cho là như vậy, “hỏi rằng: việc đó không như vậy! Hạng người bậc hạ là chỉ vì chính mình”; điều này không có vấn đề gì. “Hạng người bậc trung là chỉ vì chúng sanh”; người ngoài cho là bạn chỉ vì lợi ích chúng sanh, đây là hạng người bậc trung; “hạng người bậc thượng là tự lợi cũng lợi tha nhân”. Nếu như chỉ là lợi tha, không thể tự lợi, thì sao là hạng người bậc thượng? Phần đông người đều có cách nghĩ như vậy.
Bồ tát Long Thọ trả lời: “Không phải như thế! Pháp thế gian cũng vậy, tự cúng dường cho chính mình không được phước báo đó”, chúng ta từ thế gian pháp lại xem, tự mình cúng dường bản thân không có gì phước báo, phước báo của chúng ta thật sự là làm lợi ích chúng sanh, mới là phước báo chân chính. Bạn thích ăn đều để dành lại cho mình ăn, thì có phước báo gì chứ? Đối với chúng sanh không có lợi ích nào, thì làm gì có phước báo. “Tự hại mình thì đâu có tội”; câu nói này phải tư duy thêm. Ví dụ nói: chúng ta thọ giới lấy nghiệp sát trong các giới sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu để nói, thật sự phạm giới sát, cần phải đầy đủ các điều kiện: thứ nhất, khởi lên tâm sát; thứ hai, đối phương là chúng sanh; thứ ba, nghĩ đó là chúng sanh. Có khi vốn là chúng sanh, nhưng bạn cho là khúc gỗ, không biết đó là chúng sanh, vậy chưa đủ; thứ tư, dùng phương pháp, như dao gậy, thuốc độc, đào hầm hố v.v…; thứ năm, đoạn đi tính mạng. Có khi chỉ là giết nhưng chưa thành mà thôi. Các điều kiện như vậy hội đủ, mới phạm giới sát.
Năm loại giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di v.v… đây là giới thọ suốt đời, giới thể này tồn tại theo thân mạng. Lấy tự sát lại nói, đương nhiên trong Phật giáo không tán thành việc tự sát, nhưng A la hán (các việc làm đã xong thì ngoại lệ). Có người tự sát, sau khi đoạn mất mạng căn, thì giới thể cũng mất đi. Vì vậy từ giới pháp của người xuất gia để phán đoán, người tự sát, người cố ý giết những chúng sanh khác, đó là phạm Ba la di, nhưng tự giết không có phạm Ba la di, không phải hoàn toàn không phạm, là phạm tội ngu si. Từ ý nghĩa này, thì “tự hại mình thì đâu có tội”, tội không có nặng như Ba la di. Cũng vậy, chúng ta cúng dường Phật có công đức rất lớn, cúng dường tự mình thì không có công đức gì cả. “Vì vậy, vì tự thân mà hành đạo, gọi là hạng người bậc hạ. Tất cả người trong đời chỉ vì tự lợi cho mình, không vì lợi tha; nếu vì tự thân mà hành đạo, là bị giảm bớt, vì ái trước chính mình”; vì tự mình tham ái bản thân, thực hiện đến đây thì dừng, nên chỉ là hạng người bậc hạ.
Phần dưới này nói đến hạng người bậc thượng, “nếu tự mình xả bỏ lợi lạc, chỉ vì tất cả chúng sanh mà hành thiện pháp, thì họ là hạng người bậc thượng”, đó là thuần túy lợi tha, là vì khác với tất cả chúng sanh. “Nếu chỉ vì tất cả chúng sanh mà hành thiện pháp, chúng sanh chưa thành tựu xong, tự lợi đã được đầy đủ”, chúng ta thuần túy vì chúng sanh mà hành các thiện pháp, tức chúng sanh chưa có thành tựu, tự lợi của chúng ta kỳ thật đã đầy đủ rồi; vì vậy chúng ta đang làm các việc thiện, người khéo léo kỳ thật lúc tu phước báo cũng có thể tu Không huệ. Ví dụ như ngày 17 tháng 09 năm 2001 có rất nhiều nơi xảy ra lụt lội, nhà mình đã ngập nước, song còn ra ngoài cứu những người khác, trong lúc khốn khổ làm lợi ích như vậy, bản thân không phân biệt giữa anh và tôi. Mà cũng không đợi họ cần tôi mới đến cứu, rồi biểu hiện rất kiêu ngạo. Nếu như cảnh giác tới điểm này mà phá trừ ngã tướng, tham sân v.v.. các thứ chấp trước, thì trong lúc tu phước báo có thể kiêm tu Không huệ, thì thật là phước huệ song tu. Vì vậy, khi lợi ích chúng sanh, mà có thể tu phước huệ, kỳ thật tự lợi đã đầy đủ, có phước lại có huệ.
Tiếp theo, “nếu tự lợi ích, lại vì chúng sanh, thì đó là tạp hành”. Tạp hành là hỗn tạp, không phải hoàn toàn lợi tha một cách thuần túy.
Cũng vậy, “có ba loại người cầu Phật đạo: Một là (hạng người bậc hạ) chỉ vì ái niệm Đức Phật, tự mong muốn bản thân thành Phật. Hai là (hạng người bậc trung) vì chính bản thân cũng vì chúng sanh. Ba là (hạng người bậc thượng), chỉ vì chúng sanh, là người thanh tịnh hành đạo, phá ngã điên đảo”.
Đoạn dưới này là hình dung bậc thượng nhân:
“Là khi Bồ tát hành bát nhã ba la mật, không có chúng sanh cho đến không có tri giả, không có kiến giả”, chính là không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả tướng, “an trụ trong đó, đưa tánh cam lộ cứu giúp chúng sanh” đây là lợi ích chúng sanh. “Tánh cam lộ là tất cả pháp trợ đạo. Tại sao vậy? Vì thực hành pháp ấy đạt được Niết bàn, Niết bàn có tên gọi là cam lộ”. Tất cả pháp trợ đạo bao quát rất nhiều, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát v.v… đều là pháp trợ đạo. “Đạo” nghĩa khác là “bồ đề”, ba mươi bảy đạo phẩm dùng văn tiếng Phạn hoặc Pali là pháp ba mươi bảy bồ đề phần, vì vậy chữ “đạo” của tiếng Trung tuy có nghĩa là con đường, nhưng cũng có nói “bồ đề” có ý nghĩa là “chánh giác”, “pháp trợ đạo” tức là pháp trợ giúp bồ đề. “An trụ trong tánh cam lộ, vọng tưởng về ngã v.v… không tái sanh khởi”. Chính là không có nhân ngã kiến. “Là Bồ tát tự đạt được vô sở trước, cũng khiến chúng sanh đạt được vô sở trước, gọi là lợi ích chúng sanh đệ nhất”, đây là lấy ba loại tâm tương ưng, lấy chí cầu vô thượng bồ đề là chí nguyện, đại bi đi đầu, và vô sở đắc làm phương tiện.
Chúng ta so sánh từ hai bộ luận này, “Đại Trí Độ Luận” toàn nhấn mạnh lợi tha là bậc thượng nhân, mà còn nhấn mạnh hơn khi lợi ích chúng sanh không có chấp trước, không có sự khác biệt giữa ngã và nhân. Nhưng chúng ta thấy “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” không đặc biệt nhấn mạnh khi lợi ích chúng sanh không chấp trước, mà nhấn mạnh kết quả, bạn không tự hại mình, cũng không hại người khác, mà hai bên cùng có lợi, là từ chỗ lợi ích này mà xét. Vì vậy về mặt chữ nghĩa hình như không giống, trên sự thật hai bộ Luận nhấn mạnh điểm quan trọng không giống nhau, nhưng không có mâu thuẫn, điểm này hy vọng mọi người hiểu rõ.
VI. Pháp sư Ấn Thuận “Bảo Tích Kinh Giảng Ký” (trang.152)
“Bồ tát tuy lấy lợi tha làm chính”, không phải nói hoàn toàn lợi ích chúng sanh, mà làm hại đến mình, một chút lợi ích cũng không có, hoặc tự mình thành nhân, không phải như vậy, trên thật tế “tự lợi lợi tha hỗ tương thành tựu. Như quảng tu đại chánh hạnh, đều có lợi ích với chúng sanh. Mà hiện tại muốn nói phương tiện giáo hóa, đều là tự mình tu tập đạt được”. Chúng ta đều hy vọng tự lợi như thế nào, thì cũng đi lợi tha như thế đó, “do đó Bồ tát là trong nguyên tắc lợi tha làm đầu, để thực hiện tự lợi lợi tha, thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”.
V. Pháp sư Ấn Thuận “Bảo Tích Kinh Giảng Ký” (trang 275)
“Bồ tát tu học Phật pháp, là vì chúng sanh”. Khi chúng ta muốn làm lợi ích chúng sanh, thì mình phải gương mẫu, như mình không làm tấm gương tốt, mà chỉ hy vọng người khác lo tu học Phật pháp, thì không dễ khiến cho mọi người sanh tín tâm. Vì vậy chúng ta “muốn lợi ích chúng sanh, thì cá nhân phải tu trì ngộ nhập”, tự đối trị phiền não của mình. Vì vậy “Bồ tát là vì lợi tha mà tự lợi, từ trong lợi tha hoàn thành tự lợi”, nếu như chỉ chuyên lo cho mình, thì đó không phải phong cách của Bồ tát mà là Thanh văn.
Vì vậy, Thanh văn và Bồ tát, không phải nói tất cả Thanh văn đều không có lợi tha, mà khi bắt đầu, Thanh văn chủ yếu ở tự lợi, sau khi chứng ngộ, tùy duyên mới lợi tha, đây là phát tâm của Thanh văn. Nhưng Bồ tát không cầu mình chứng ngộ trước, mà lợi ích chúng sanh trước. Từ trong lợi tha tự mình dần thể nghiệm lĩnh hội tánh Không, tu phước báo, trí huệ, từ trong lợi tha thành tựu mình. Trong tác phẩm “Học Phật Tam Yếu” và “Ngã Chi Tôn Giáo Quán” có đoạn giải thích rất hay, mọi người tự tham khảo trong “Ngã Chi Tôn Giáo Quan” từ trang 62 đến trang 65; trong “Học Phật Tam Yếu” bài ‘Tự Lợi Với Lợi Tha’ từ trang 141 đến trang 154.