Home > Khai Thị Phật Học > Duc-Phat-Dung-Ba-Phuong-Phap-De-Tu-Dieu-Phuc-Va-Dieu-Phuc-Moi-Nguoi
Đức Phật Dùng Ba Phương Pháp Để Tự Điều Phục Và Điều Phục Mọi Người
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Xin chào quý Thầy, quý Cô và tất cả quý vị Phật tử.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện được trích trong kinh Phật, câu chuyện này được trích từ kinh “Pháp Cú Thí Dụ” phẩm Tượng, trong Đại Chánh Tạng quyển số 4, trang 600b 600c.

Ngày xưa đức Phật trú tại thành Xá Vệ tịnh xá Kỳ Thọ, vì bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ có cả trời, rồng, quỷ thần, đế vương, đại thần cùng với người dân trăm họ trong thành khai thị chánh pháp.

Lúc ấy có vị trưởng giả tên Ha Đề Đàm, đến trước đức Phật đảnh lễ xong, rồi qua một bên, quỳ xuống chắp tay bạch đức Phật: “Lâu nay con may mắn được nghe giáo pháp của đức Thế Tôn, mong muốn được tận mắt nhìn thấy dung mạo của Ngài, nhưng vì quá bận rộn, không thể thực hiện được, xin đức Thế Tôn rộng lòng khoang dung cho con”. Đức Phật bảo ông ngồi xuống rồi hỏi thăm ông ở đâu? Tên họ là gì?

Ha Đề Đàm bạch: “Con thuộc dòng Cư sĩ, tên là Ha Đề Đàm, trước đây từng làm nghề huấn luyện voi cho quốc vương.”

Đức Phật: “Ông làm thế nào để huấn luyện voi?

Có bao nhiêu cách?”

Cư sĩ: “Con thường huấn luyện voi bằng ba phương pháp, thứ nhất là dùng móc sắt móc vào miệng của voi, rồi dùng dàm và dây da để khống chế (dàm là để trùm lên đầu ngựa hoặc đầu voi để dễ điều khiển hành động của chúng, rồi dùng dây cương buộc lại, vật này gọi là long đầu, cũng gọi là lạc đầu; sau đó dùng dây da buộc quanh thân chúng). Thứ hai là cho chúng ăn ít lại, để chúng yếu đi. Cuối cùng là lấy gậy đánh vào thân thể, cho chúng đau đớn. Phải dùng ba phương pháp này mới huấn luyện được chúng.”

Đức Phật: “Tại sao dùng ba phương pháp này sẽ huấn luyện và điều phục được voi?”

Ha Đề Đàm: “Dùng móc sắt móc miệng, thì mới có thể giữ chặt miệng của voi (đây là khống chế miệng). Tiếp theo không cho chúng ăn no, thì mới có thể khống chế sức mạnh của voi (đây là khống chế về thân). Cuối cùng dùng côn đánh vào thân thể chúng, tức là dẹp bỏ cái tâm ngang tàng của chúng (đây là khống chế ý). Đây là ba phương pháp nhiếp phục thân, khẩu, ý giúp cho việc huấn luyện voi được tốt.”

Đức Phật: “Voi đã được điều phục dùng để làm gì?”

Ha Đề Đàm: “Sau khi điều phục xong, có thể làm kiệu chở vua, cũng có thể đem ra chiến trường chiến đấu, tùy ý điều khiển, tới lui không trở ngại.”

Đức Phật: “Chỉ có những phương pháp này thôi ư? Còn phương pháp nào khác nữa không?”

Ha Đề Đàm: “Điều phục voi chỉ có những phương pháp như thế mà thôi.”

Đức Phật: “Ông giỏi điều phục voi như thế, phải chăng cũng rất giỏi điều phục bản thân mình? Ông nói những phương pháp này chỉ dùng để huấn luyện voi, kỳ thật cũng có thể dùng để điều phục tự thân.”

Ha Đề Đàm: “Con không biết điều phục chính mình có nghĩa gì? Từ trước đến nay chưa từng được nghe qua, cúi xin đức Thế Tôn chỉ dạy cho con.”

Đức Thế Tôn: “Như Lai cũng có ba phương pháp, không chỉ áp dụng để chuyển hóa người, mà còn giúp chính mình chứng đắc quả vô sanh giải thoát:

Thứ nhất: Dùng lòng chân thật để thâu nhiếp khẩu nghiệp (không vọng ngữ, không ác khẩu, không hai lưỡi, không ỷ ngữ; không cần phải dùng móc sắt để khống chế miệng voi, mà dùng chân thành để thâu nhiếp khẩu nghiệp).

Thứ hai: Dùng tình thương bình đẳng để điều phục sức mạnh của thân nghiệp (không giống như người huấn luyện voi bắt chúng phải ăn ít lại để cho chúng kiệt sức, không thể phản kháng. Không phải! Nên dùng tâm từ bi để để điều phục thân nghiệp).

Thứ ba: Lấy trí tuệ xóa tan màn vô minh che lấp (lấy trí tuệ điều phục ý nghiệp của chúng ta, không như người huấn luyện dùng gậy đánh vào thân thể, để cho khiếp sợ nên mới chịu nghe lời. Không phải như thế! Mà dùng trí tuệ diệt trừ phiền não). Dùng ba phương pháp có thể hóa độ tất cả chúng sanh xa lìa ba đường ác, tự mình cũng có thể chứng đắc vô vi Niết bàn, không còn sa đọa vào vòng của luân hồi tử sanh chịu cảnh khổ đau.”

Đức Thế Tôn bèn nói một đoạn kệ, trong mỗi bộ kinh nội dung không giống nhau, đây là theo trong kinh Pháp Cú Thí Dụ: Ý muốn nói: “Có con voi tên là Hộ Tài, tánh khí nó hung dữ khó điều phục, nên phải dùng chiếc dàm và dây da, cũng không cho chúng ăn no, thế nhưng chúng vẫn ước được làm những con voi rừng tự do.”

Còn trong kinh Pháp Cú: Nghĩa là: “Có một con voi lớn tên là Tài Thủ, tánh nó hung hăng khó huấn luyện, phải dùng dàm và dây da, cũng không cho chúng ăn, nhưng vẫn không điều phục được, vẫn chạy nhảy tán loạn.” (Trong một số kinh điển có đề cập đến, voi khi nhìn thấy voi cái, khởi tâm dâm dục, đuổi theo con voi cái, nên phải dùng dàm và dây da khống chế, nhưng vẫn chưa chắc đã giữ được chúng).

Con người chúng ta cũng thế, trước đây hành động theo bản năng của mình, thường làm theo những gì mình muốn, đến nay đã trừ bỏ cái tâm thích phóng dật ấy đi, đã hàng phục được phiền não rồi, cũng giống như người huấn luyện voi lấy móc sắt móc vào miệng của voi vậy.

Vui vẻ tu học chánh đạo, không phóng dật, thường gìn giữ cái tâm, thì mới từ bỏ được cái khổ nơi thân (muốn thân được hết khổ, chúng ta nên hạ thủ công phu từ nơi tâm) cũng như voi được vượt qua cạm bẫy, bùn lầy không khác.

Cho dù người huấn luyện có thể huấn luyện được những giống voi hay ngựa tốt, nhưng vẫn không bằng điều phục bản thân mình. Nếu không làm chủ được chính mình, thì khó đạt được đến chỗ an ổn. Chỉ có những người điều phục được chính mình, thì mới tự do đi đến đâu cũng an vui, chứng được Vô úy Niết bàn.”

Ha Đề Đàm nghe xong vô cùng hoan hỷ, cảm nhận sự an lạc thật sâu sắc, trong tâm không còn nghi hoặc, ngay trong giây phút ấy đạt được pháp nhãn chứng đắc sơ quả, và những người đến nghe trong buổi pháp thoại ấy, cũng được chứng đắc kiến đạo.

Câu chuyện này có nhiều điểm để chúng ta phản tỉnh:

Người huấn luyện voi có thể dùng thức ăn, móc sắt hoặc gậy để điều phục thân, khẩu và ý của voi, nhưng không chuyển hóa được thân, khẩu và ý của chính mình. Trong thế gian có người sùng bái “anh hùng”, có người ca ngợi “thánh hùng”. Anh hùng là dùng để chỉ cho sức mạnh của thân chinh phục người, còn thánh hùng là dùng trí tuệ để xua tan phiền não cho chính chúng ta.

Anh hùng có thể dùng sức mạnh của thân để chinh phục người khác, nhưng chưa chắc thắng được chính mình; Bậc “thánh hùng” đại hùng, đại lực, đại từ bi, không những giúp cho mình tự đoạn trừ được phiền não, mà còn cứu giúp cho chúng sanh được an vui giải thoát.

Thay vì dùng những biện pháp cứng nhắc để chinh phục người, thì hãy lấy trí tuệ để chuyển hóa chính mình.

Chúng ta cùng nhau nỗ lực tinh tấn.

Nói thêm một chút: Đại hùng, chúng ta nói đến “đại hùng”, mọi người đừng nghĩ đến “đại hùng Tiểu Đinh Đang”. Ở trong chùa đều có đại hùng bảo điện, có đúng không?

Hai chữ “đại hùng” là chỉ cho đại hùng, đại lực, đại từ bi, cho nên đại hùng cũng chính là danh hiệu của đức Phật. Đức Phật an trụ trong bảo điện, cho nên gọi là “đại hùng bảo điện” đừng có nghĩ đến Tiểu Đinh Đang.

Phước Nghiêm 23.3.2013