Home > Khai Thị Phật Học > Duc-Phat-Do-Ac-Tac-Uong-Quat-Ma-La
Đức Phật Độ Ác Tặc Ương Quật Ma La
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa quý Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện Phật giáo. Câu chuyện này được trích từ kinh Xuất diệu, trong Đại Chánh tạng, quyển 4, trang 703a23 704c13.

Trong kinh từng dạy, nếu có ai trước kia đã từng làm sai, sau đó biết dừng lại, không tiếp tục sai phạm, chẳng khác nào như khi ánh trăng chiếu xuống thế gian, một khi ánh sáng xuất hiện thì đám mây u ám liền tiêu tan.

Lúc đức Phật còn tại thế, có một khoảng thời gian, Ngài trú ngự tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá vệ. Lúc ấy, tại một vùng cách Xá vệ không xa, có một người con trai của Bà la môn, tên là Vô Hại (có nơi dịch là Ương quật ma hoặc Ương quật ma la, có nơi lại dịch là Chỉ Man). Anh ta thường nghiên cứu kinh điển Bà la môn cùng với thầy giáo và bạn bè, lại được gần gũi hầu hạ người thầy tuổi cao đức trọng. Vị thầy này đã ngoài tám mươi tuổi, nhưng lại có một cô vợ rất trẻ, cô này có dung mạo rất xinh đẹp, hội đủ lễ tiết và uy nghi của nữ nhi. Còn tướng mạo của anh chàng Bà la môn Vô Hại cũng là bậc đại trượng phu, đoan chánh không ai sánh bằng, đúng là độc nhất vô nhị.

Một hôm, vợ của người thầy vì dục vọng bộc phát quá mãnh liệt, không làm chủ được mình nên cô ôm chặt cánh tay của Vô Hại và nói:

- Tôi rất ngưỡng mộ và yêu mến đức tính tốt của anh. Tôi muốn tiến thêm một bước nữa, kết mối quan hệ tình cảm đặc biệt với anh, anh thấy thế nào?

Vô Hại vừa nghe xong, lập tức đưa tay bịt kín hai tai, và nói:

- Tôi thà chết chứ tuyệt đối không làm theo lời cô.

Cô vợ của người thầy nói rằng:

- Trong lúc người ta đang bị đói khát thì cho họ thức ăn nước uống, như thế chẳng lẽ không phải là đang thổ lộ tình cảm hay sao? Bây giờ, ngọn lửa dâm dục hừng hực đang bốc cháy trong tôi, cho nên, tôi mới cần dòng nước dâm dục của anh để dập tắt, tại sao anh không đáp lại sự khao khát của tôi? Nếu vì anh mà hại đến mạng sống của tôi, như thế thì anh học những kinh điển này có ý nghĩa gì?

Vô Hại đáp:

- Nếu tôi làm theo nguyện vọng của cô, tức là vi phạm pháp của Bà la môn. Sau khi chết phải đọa vào địa ngục, như thế chẳng phải quá oan uổng sao?

Nói xong, Vô Hại gỡ tay của cô ta ra, rồi đi ra ngoài. Vì không được chàng đáp ứng, nên cô ta liền vò đầu bức tóc cho rối bời lên, bốc đất chà lên cho mặt mày lấm lem, cố ý xé y áo rách tả tơi, xong ngồi bệt xuống đất, ôm mặt gào thét, khóc lóc sướt mướt.

Ngay lúc đó, trưởng lão Phạm chí trở về, nhìn thấy cảnh tượng như thế, ông vô cùng hốt hoảng, vội vã đến dìu nàng lên và hỏi:

- Ai đã đánh nàng ra nông nỗi này?

Người vợ đáp:

- Chính là người đệ tử thân tín của ông đó!

Sau khi nghe xong, ông liền nghĩ: “Bây giờ không phải lúc thích hợp để làm rõ việc này. Nếu hắn ta biết được, chắc chắn sẽ hại mình. Ta phải tính kế một chút, để hắn rơi vào bẫy, đợi đến khi bắt được, ta sẽ giết chết hắn.

Sau đó, trưởng lão Phạm chí liền gọi Vô Hại đến, nói:

- Tất cả những chú thuật con học từ trước đến nay đã thông thạo rồi, không có thiếu sót gì. Nay nên chọn ngày lành tháng tốt để cúng tế thần, như vậy thì chú thuật của con mới được thành tựu viên mãn. Bây giờ, tay trái con hãy cầm lá chắn, tay phải cầm kiếm, đến các con đường hiểm, gặp người thì chém ngay. Con phải giết đủ một nghìn người, mỗi người chỉ chặt lấy một ngón tay của họ, xâu thành vòng tròn. Lúc ấy, chú thuật của con sẽ thành tựu viên mãn.

Lúc này, ác quỷ sai quỷ ăn tinh khí người, đi theo để xúi sử Vô Hại, dung túng cho anh ta tạo ác, khiến anh ta chặn đón những người đi đường, sát hại để chặt ngón tay, làm cho dân làng không còn ai dám đi lại trên đường nữa. Vô Hại chuyển hướng về phía bìa rừng, không kể là thôn xóm hay nơi hoang vắng, người dân khắp nơi đều phải chịu họa chung, thế nhưng đếm lại số ngón tay đã chặt được, thì Vô Hại thấy vẫn còn thiếu một ngón tay, chưa đủ số một nghìn.

Người mẹ của Vô Hại luôn nhớ đến con trai: “Con trai của tôi đã đợi lâu nơi hoang vắng, chắc phải chịu đựng giá lạnh, bị sự đói khát hành hạ, thật là tội nghiệp quá!”. Nghĩ thế, bà liền khăn gói mang lương thực vào rừng tìm con.

Từ xa, Vô Hại nhìn thấy mẹ, hắn liền nghĩ: “Ta nghe lời của thầy căn dặn phải hoàn thành xâu chuỗi ngón tay, nhưng bây giờ còn thiếu một ngón nên số lượng vẫn chưa đủ. Nay đúng lúc đích thân mẹ mang thức ăn đến, nếu ta ăn cơm xong mới chặt ngón tay của mẹ, thì chú thuật không thể thành tựu, nhưng nếu giết chết mẹ mình, thì sẽ phạm tội ngũ nghịch”.

Vô Hại nhờ gieo trồng duyên lành trong quá khứ, nên được đức Phật đến hóa độ. Trí tuệ của đức Thế Tôn có đủ Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh, Ngài quán sát biết được anh ta quyết định giết mẹ, như thế sẽ bị phạm vào tội ngũ nghịch. Đức Phật liền suy nghĩ: “Nếu Vô Hại quyết giết mẹ, thì dù có vài ức đức Phật xuất hiện cũng không thể cứu được. Bây giờ, Ta phải đến cứu anh ta thoát khỏi biển khổ, giúp cho hai mẹ con họ đều được an toàn, không bị tổn hại, như thế chẳng phải là rất tốt sao?”.

Thế là đức Phật liền hóa thành vị tì kheo, hai tay ôm bình bát, rồi đi từng bước trên con đường Vô Hại thường đi, sau đó rẽ vào viên lâm. Những người trên đường, hay những người chăn trâu thấy vậy liền ngăn:

- Sa môn! Mau dừng lại! Đừng có đi vào con đường nguy hiểm đó. Phía trước có kẻ rất tàn nhẫn tên là Chỉ Man, mấy hôm nay hắn đã giết không biết bao nhiêu người. Chúng tôi rất dè chừng, cũng vô cùng sợ hãi, không một ai dám bước đến con đường này nữa. Sa môn đi một mình, lại ốm yếu như thế, nếu không may bị ác tặc hại, như thế chẳng phải sẽ rất thảm hại sao?

Hóa thân tì kheo đáp:

- Xin đừng quá lo lắng! Tôi có đủ chú thuật để điều phục ác tặc đó, khiến anh ta không thể nào hại tôi được.

Nói xong, Ngài tiếp tục nhắm hướng viên lâm mà đi.

Từ xa, Chỉ Man nhìn thấy có vị tì kheo đang đi đến, anh ta vô cùng mừng rỡ, không nén nổi niềm vui trong lòng: “Ước mơ của ta cuối cùng sắp thành hiện thực rồi! Xâu chuỗi ngón tay này chắc chắn sẽ hoàn thành mà ta không cần phải giết mẹ. Chú thuật sẽ được thành tựu viên mãn. Trước hết, mình tạm thời không giết mẹ, cũng không vội ăn, đợi giết vị tì kheo đó xong rồi hãy ăn cơm”.

Lúc đó, anh ta một tay cầm kiếm, tay kia cầm lá chắn, chạy đến chỗ vị tì kheo.

Lâu nay, Vô Hại vốn là người dũng mãnh và cường tráng, tốc độ chạy của anh ta như ngựa Bôn (một giống ngựa hiếm, chạy nhanh như bay), do vậy, anh ta chạy thật nhanh, đuổi theo đức Phật. Lúc đó, đức Phật dùng thần thông, khiến anh ta đột nhiên không bước được, còn bước chân của đức Phật thì cứ sải đều, chính vì thế, Vô Hại mệt lả người nhưng vẫn không đuổi kịp đức Phật.

Chỉ Man hét lớn:

- Dừng lại! Dừng lại! Sa môn! Tôi có chuyện muốn hỏi.

Tì kheo đáp:

- Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới chưa dừng lại!

Lúc ấy, Chỉ Man dùng một bài kệ nói với thầy tì kheo, đại ý như sau:

“Thầy cứ đi mãi mà nói mình đã dừng lại, còn tôi đã dừng bước, mà lại nói tôi còn đi. Xin hãy nói rõ nghĩa của ‘dừng’ và ‘đi’. Tại sao Thầy dừng lại, còn tôi không dừng lại được?”.

Lúc đó, đức Phật cũng dùng kệ để đáp:

“Này Chỉ Man! Ta đã dừng lại, vì Ta không còn mang khổ đau đến cho nhân loại; còn anh là người rất tàn nhẫn, tại sao không sửa đổi tội lỗi đã gây nên?”.

Đức Phật nói: ‘Ta sớm đã dừng lại’, không có nghĩa là dừng hành động bước đi của đôi chân, ở đây, ý của đức Phật là Ngài đã chấm dứt việc làm tổn hại tất cả chúng sanh. Câu ‘tự mình chưa dừng lại’ là nói: “Chỉ Man! Tại sao vẫn anh chưa dừng hành động tạo ác lại?”. Nói rộng ra như bài kệ trong khế kinh.

Lúc ấy, ác tặc Chỉ Man lập tức quẳng cây kiếm và lá chắn trong tay, ngay cả chiếc vòng ngón tay đang đội trên đầu cũng xuống vứt dưới núi sâu, nước thẳm. Anh chắp hai tay lại, đối trước đức Phật thành tâm sám hối, lại dùng kệ tán thán đức Phật:

“Con xin nương tựa bậc Thánh vĩ đại, mong được đảnh lễ bậc Sa môn tôn kính, giờ này, xin cho con được sám hối những lỗi lầm mà con đã tạo từ trước đến nay”.

Lúc ấy, đức Thế Tôn hiện thân tướng trang nghiêm trở lại, uy nghiêm tột bậc, Ngài nắm lấy tay của Chỉ Man rồi trở về tịnh xá Kỳ Hoàn. Đến nơi, Ngài dạy chúng đệ tử:

- Các thầy hãy chỉ dạy cho Chỉ Man, để anh ta trở thành tì kheo!

Chỉ Man nương vào sự giáo hóa của đức Phật và chư tăng, được trở thành một vị sa môn Thích tử.

Sáng sớm, thầy đắp y, ôm bát vào thành Xá vệ khất thực. Lúc ấy, trong thành có một con voi mẹ mang thai, đã đến lúc sinh nở, nhưng voi con mãi không ra được (trong kinh Xuất diệu thì nói có một con voi mẹ khó sanh, lại có kinh nói là bà mẹ khó sinh con, chúng ta đang dựa theo kinh Xuất diệu, là voi mẹ khó sanh con).

Từ xa, người chủ của voi nhìn thấy có thầy tì kheo đang đi đến, vội vàng đứng lên chặn đường, ông ta nói:

- Nếu thầy giúp cho voi mẹ sinh được suông sẻ thì mới được vào trong thành khất thực; bằng không, thì tôi không cho thầy vào thành.

Thầy tì kheo đáp:

- Tôi chưa từng đọc tụng qua các bài chú nguyện này. Ông đợi tôi trở về thưa hỏi đức Thế Tôn, xong rồi tôi sẽ trở lại chú nguyện cho chúng được mẹ tròn con vuông.

Trở về tịnh xá, thầy Chỉ Man đến đảnh lễ đức Thế Tôn và thưa:

- Bạch Thế Tôn! Sáng nay, con đi vào thành khất thực, vừa đến cửa thành thì gặp một con voi mẹ sắp sinh con. Chủ của voi muốn con chú nguyện cho nó, nói là nếu con giúp cho voi mẹ sinh nở được thuận duyên, thì con mới được đi vào thành khất thực. Xin Thế Tôn từ bi dạy cho con bài thần chú, giúp cho voi mẹ sinh nở được suông sẻ, và cũng giúp cho con được vào thành đi khất thực.

Đức Phật bảo thầy Chỉ Man:

- Thầy đi đến nơi đó và nói như vầy: “Giờ đây, lấy tâm chí thành chú nguyện, tôi từ lúc chào đời cho đến nay, chưa một lần sát hại chúng sanh”. Do lời chân thành chú nguyện của thầy như thế, voi con chắc chắn sẽ suông sẻ ra đời.

Lúc ấy, thầy Ương quật ma học được chú thuật nơi đức Phật xong, liền đi đến chú nguyện cho voi mẹ. Cuối cùng, nó đã sinh con một cách dễ dàng.

Khi ấy, người dân đều nhốn nháo lên:

- Lành thay! Thế gian quả nhiên có chuyện kỳ lạ thế này. Tên Chỉ Man từ trước đến nay giết hại không biết bao nhiêu sanh mạng, bây giờ lại chú nguyện rằng: “Tôi từ khi sanh ra cho đến nay chưa từng giết hại một chúng sanh”. Chí thành chú nguyện như thế, mà giúp cho voi mẹ sinh con nhẹ nhàng.

Nhờ thế, thầy Chỉ Man mới được vào thành để khất thực. Trong số những người dân đi đường nhìn thấy thầy đi đến, có những người là cha mẹ, hoặc anh em của những người không may trước đây bị Chỉ Man giết hại, đều đến báo thù. Có người cầm dao gậy, ngói đá ra sức ném vào thầy, khiến cho đầu thầy bị chảy máu, thân thể bầm dập, y áo rách nát, đến cả bình bát cũng bị vỡ vụn. Cuối cùng, thầy chỉ còn cách chạy nhanh ra khỏi thành, không thể đi khất thực được nữa.

Thầy Chỉ Man trở về nơi đức Thế Tôn đang cư trú, đảnh lễ đức Phật xong, thưa với đức Thế Tôn những gì vừa xảy ra. Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của thầy, liền nghĩ: “Thọ mạng của thầy Chỉ Man này sắp kết thúc rồi!”.

Khi đó, đức Thế Tôn giảng pháp cho Chỉ Man nghe, nhờ thế mà thầy chứng được quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, đầy đủ sáu món thần thông, thanh tịnh sáng suốt.

Lúc ấy, vua Ba tư nặc đã triệu tập bốn loại binh chủng: Mã binh, tượng binh, xa binh và bộ binh muốn tiến về phía viên lâm để vây bắt Ương quật ma. Vừa ra khỏi thành Xá vệ, đi được nửa đường thì có người báo tin, tên đại tặc Ương quật ma đã tiếp nhận sự giáo hóa của Như Lai, trở thành tì kheo rồi. Nghe vậy, nhà vua bèn rút quân, chuyển hướng về tịnh xá Kỳ Hoàn, bái kiến đức Như Lai.

Lúc ấy, đức Phật biết vua Ba tư nặc sắp đến, liền dùng thần thông ẩn kín thân hình của thầy

Ương quật ma, khiến cho không ai thấy được.

Vua Ba tư nặc đến trước đức Phật, sau khi đảnh lễ xong, nhà vua ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn đã biết sự việc, nhưng vẫn hỏi nhà vua rằng:

- Đại vương chuẩn bị binh khí, triệu tập bốn loại binh chủng, để làm gì?

Nhà vua thưa với đức Phật:

- Trong nước có giặc, tên là Ương quật ma, hắn trốn trong núi rừng, tìm cách giết hại người dân, bạo ngược không thể nói. Vì thế, con phải triệu tập binh chúng muốn đến trừng trị hắn, nhưng đi được nửa đường thì nghe rằng: “Ương quật ma đã tiếp nhận sự giáo hóa của đức Phật, trở thành một thành viên của Tăng đoàn”. Bạch Thế Tôn! Không biết bây giờ thầy ấy đang ở đâu?

Đức Phật biết được tâm tư của vua, liền thâu nhiếp thần thông, khiến cho nhà vua nhìn thấy thầy Ương quật ma. Nhà vua vừa nhìn thấy thầy, thì kinh hãi đến nỗi bị ngất, ngã ra trên đất. Các đại thần vội vã dìu vua dậy, lấy nước rải lên mặt cho nhà vua tỉnh lại.

Đức Phật nói với vua rằng:

- Chỉ nhìn thấy sự khiếp sợ nhỏ nhặt, là may mắn cho nhà vua đó! Hiện giờ thầy ấy đã chứng quả A la hán. Nếu trước đây trong viên lâm, ngài nhìn thấy hình tướng của thầy ấy, trên đầu đội chiếc vòng được xâu bằng ngón tay người, trên thân ướt đẫm máu, tay cầm kiếm bén, khuôn mặt hung dữ, lộ rõ nét tàn ác, chỉ cần nhìn thấy, tim gan ngài sẽ tan nát mà chết mất.

Nhà vua bạch đức Phật rằng:

- Hôm nay, đức Như Lai đã điều phục người chưa từng được điều phục, độ người khó hóa độ. Thế Tôn! Kẻ giết người không gớm tay, tại sao có thể chứng được quả A la hán?

Đức Phật dạy:

- Không nên ưu sầu khổ não! Chúng sanh tạo nghiệp báo có trước, có sau; có nghiệp báo đã chín muồi, có nghiệp báo chưa đến lúc thọ báo; có nghiệp báo vừa mới tạo, lại có loại đã kết thúc.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn quán sát nhân duyên quá khứ, liền vì đại chúng nói một bài kệ. Đại ý như sau:

“Trước đây tạo ác, nhờ thiện diệt nó, như mặt trăng chiếu soi thế gian, một khi vừa xuất hiện, mây mù liền tiêu tan”.

Nghĩa là người trước đây tạo ác, bây giờ cần phải làm thiện để diệt ác; ánh sáng chiếu xuống thế gian, chẳng khác nào ánh trăng vừa soi sáng, xóa tan đám mây đen.

‘Trước đây tạo ác, nhờ thiện diệt nó’, cũng giống như thầy Chỉ Man, từng sát hại vô số người; ‘nhờ thiện diệt nó’ có ý nghĩa như thế nào? Tức sau đó dùng Bát chánh đạo của bậc Thánh hiền để diệt ác. Vô số tội lỗi đều được rửa sạch, đến cả gốc tạo tội cũng được bứng lên, hoàn toàn thanh tịnh, chứng đắc Vô sanh pháp (không còn tái sanh trong tam giới nữa). Vì thế nói: ‘Trước đây tạo ác, nhờ thiện diệt nó’.

‘Như mặt trăng chiếu soi thế gian, một khi vừa xuất hiện, mây mù liền tiêu tan’, ý nghĩa của thế gian có ba: Một là chúng sanh thế gian; hai là quốc độ thế gian; ba là ngũ ấm thế gian. Chẳng khác nào ánh trăng của mùa thu, được các vì sao bao quanh, mặt trăng nằm giữa các vì sao, vô cùng sáng rỡ. Ánh sáng của nó có thể soi rọi xa muôn vạn dặm. Cũng vậy, những nghiệp ác mà thầy tì kheo đã tạo trong quá khứ, đã được dứt sạch, tu hành tịnh hạnh, có thể độ khắp chúng sanh. Do đó nói: Như mặt trăng chiếu soi thế gian, một khi vừa xuất hiện, mây mù liền tiêu tan.

‘Trước đây tạo ác, tu thiện để diệt nó; ái nhiễm ở thế gian, nên nhớ đều là Không’, ý muốn nói là người trước kia làm ác, bây giờ cần phải tu thiện để tiêu trừ nghiệp ác; người thế gian vì tham ái mới bị nhiễm trước, nên nhớ đến đạo lý của tánh Không.

‘Trước đây tạo ác, tu thiện để diệt nó’, chúng sanh do tham ái nhiễm trước nên tạo nghiệp bất thiện. Như vợ của trưởng lão Phạm chí, khởi ý niệm hại anh chàng Vô Hại cũng vì tâm tham ái. Do đó nói: “Trước kia đã tạo ác, giờ đây cần phải tu thiện để tiêu diệt ác”.

‘Ái nhiễm ở thế gian, nên nhớ đều là Không’, vì tâm niệm tham ái sâu nặng, kiên cố, nên khiến chúng sanh lưu chuyển không ngừng trong tam giới, thọ sanh trong bốn loài: Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh hoặc hóa sanh; lưu chuyển trong năm ác đạo, đều do không buông bỏ được tham ái, nhiễm trước. Người tu tập cần phải hiểu rõ sự vô thường của thế gian, chỉ là giả tạm không thật có, biết được tất cả là rỗng lặng, không phải nơi nương tựa vững chắc, cho nên nói: “Vì tham ái nhiễm trước nên phải luân hồi trong thế gian. Người tu tập cần phải nghĩ nhớ đạo lý tánh Không, biết thế gian đều là sanh diệt vô thường, không phải nơi có thể nương tựa”.

Trong câu chuyện này, có nhiều điểm mà chúng ta cần chiêm nghiệm kỹ càng:

Nguyên nhân chủ yếu khiến chúng sanh tạo ác, phần nhiều là do ba độc tham, sân, si dẫn dắt. Ví như vợ của trưởng lão Phạm chí vì sanh tâm ái nhiễm, nhưng không đạt được mục đích, liền muốn hãm hại Chỉ Man. Người thầy của Chỉ Man vừa mới nghe lời oán trách của vợ, liền đùng đùng nổi giận, chưa tìm hiểu sự thật đúng sai, đã vội tìm cách hãm hại học trò mình. Còn Chỉ Man chỉ biết ngoan ngoãn nghe theo lời thầy mà không phân biệt được thiện ác, giết hại không biết bao nhiêu người vô tội, đến nỗi suýt nữa là phạm vào nghịch tội. Vì vậy, chúng ta cần phải đoạn trừ phiền não tham, sân, si, thì mới không còn tạo nghiệp ác, không phải chịu khổ trong luân hồi. Nếu muốn hết khổ, nên như lý mà tư duy đạo lý của tánh Không.

Sau khi giết hết chín trăm chín mươi chín người, Chỉ Man vốn muốn đuổi theo để giết đức Phật, nhưng không cách gì đuổi theo kịp, liền thét lớn: “Dừng lại! Dừng bước lại!”. Đức Phật đáp: “Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới chưa dừng lại”. Câu nói này mang ý nghĩa rất sâu sắc.

‘Ta đã dừng lại rồi’: Ý muốn nói tôi đã chấm dứt hành động bất thiện, đã kết thúc sự luân hồi sanh tử trong tam giới.

‘Chính anh mới chưa dừng lại’: Ý nói tại sao anh không dừng hành động tàn ác lại, cứ phải bị đọa lạc trong tam giới, chịu luân hồi không dứt.

Chỉ Man vừa nghe xong, lập tức hướng về đức Phật cầu xin sám hối, xin được xuất gia. Sau khi thọ lãnh giáo pháp của đức Thế Tôn, thầy Chỉ Man chứng được quả A la hán. Vua Ba tư nặc sanh tâm hoài nghi, nên thưa hỏi đức Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thầy Chỉ Man giết chết vô số người như thế, nghiệp chướng sâu dày, tại sao có thể chứng quả A la hán?

Đức Phật đáp:

- Nghiệp báo mà chúng sanh đã tạo có trước, có sau, có quả báo đã đến lúc chín muồi, có loại chưa đến lúc, có quả báo chỉ vừa mới bắt đầu, có quả báo đã trả xong.

Kinh Diêm dụ trong Trung a hàm cũng có nói:

Dù phạm nghiệp ác sâu dày, nhưng chỉ cần có đủ thời gian, hạ quyết tâm khẩn trương tu tập, tu thân, tu giới, tu định và tu huệ thì quả báo đã tạo tuy nặng, nhưng quả báo phải nhận có thể nhẹ. Giống như lượng muối lớn nếu đổ vào sông thì nước sông vẫn không có vị mặn. Ngược lại, tuy tạo tội nhỏ, nhưng không biết tu thân, tu giới, tu định, tu tập trí huệ thì vẫn phải chịu quả báo như thường, cũng như lượng muối tuy ít nhưng thả vào trong một ly nước nhỏ thì vị mặn chát.

Chính vì thế, nếu biết đã tạo phải nghiệp ác, cần phải biết ăn năn, chí thành sám hối, tận dụng thời gian tinh tấn tu tập.

Ngoài ra, luận Đại trí độ cũng có nói:

Như có người lợi căn, phiền não lại nhẹ, nếu tu tập thì dễ dàng đắc quả, như ngài Xá lợi phất hay Mục kiền liên. Thế nhưng, cũng có người tuy lợi căn nhưng lại bị phiền não ngăn che, dù có tu tập cũng không dễ dàng chứng quả, nhưng nếu nhân duyên đầy đủ, họ cũng được chứng quả, cũng như anh chàng Chỉ Man.

Trong luận Đại trí độ còn nói:

Có người tu tập vì muốn được giải thoát, nhưng cuối cùng lại bị đọa vào ác đạo; lại có người tạo nghiệp ác, kết quả lại được giải thoát. Tại sao có người muốn được giải thoát, lại bị đọa vào ác đạo? Như có thầy tì kheo tu tập chứng được tứ thiền, sau đó khởi tâm tăng thượng mạn, tự cho rằng mình đã chứng đắc Tứ quả, không còn phải tái sanh. Đâu biết lúc lâm chung, tướng nghiệp hiện tiền, vị này sanh tâm đại tà kiến, nói: “Đức Phật nói dối!”. Do sanh tâm đại tà kiến như thế, khiến thầy bị đọa vào địa ngục, cho nên cần phải ghi nhớ, chánh tri, chánh kiến là vô cùng quan trọng.

Có người vốn sắp tạo ác, vậy mà nhân duyên chín muồi, giúp họ được giải thoát. Giống như Chỉ Man, ban đầu định giết mẹ mình, hại đức Phật, rốt cuộc, gặp được nhân duyên bất khả tư nghì, được đức Phật giáo hóa nên anh ta được giải thoát.

Liên quan đến nhân duyên của Chỉ Man trong quá khứ, có viết lại rất chi tiết trong kinh Hiền ngu và kinh Tăng nhất a hàm. Đại chúng có thể tự tìm đọc.

Qua câu chuyện trên, mong mọi người cùng nhau cố gắng.

Lớp giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 14.11.2015