Chúng ta đã chuyện trò lạm bàn khá tạm một vài vấn đề giáo lý pháp tu giải thoát; giờ có một pháp học nữa cũng thật quan trọng. Thật ra nói pháp quan trọng là nói về sự hành, nếu chẳng hành, pháp có thế nào cũng thành vô nghĩa, hay được lắm là gieo duyên thôi. Tuy nhiên cũng phải biết học pháp giải thoát, là nhắc lại lời Thế Tôn dạy, để có thể khởi sáng thêm tâm, điều đó dù chưa hành, nhưng vẫn có công đức, nên bạn và tôi chẳng ngại đôi lời thô thiển, kiến thức sơ căn, sám hối cầu mong cùng nhau học hỏi.
Thưa bạn, điều bạn và tôi tìm hiểu đây là pháp tu mười hai nhân duyên, pháp này quan trọng cho tất cả các hàng đệ tử của Phật, vì đó là một khám phá sinh tử, tìm ra được đầu mối của cuộc luân hồi bất tận mà ngày xưa Bồ Tát Tất Đạt Đa đã tìm ra để chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác trong thời kiếp Phật Thích Ca hiện nay.
Mười hai nhân duyên này đối với một vị chuyên cần học Phật, nỗ lực gia công quán chiếu có thể chứng đắc quả vị Duyên Giác; và có thể chứng đắc cả trước hoặc sau thời Phật. Tuy nhiên không phải dễ hiểu dễ biết dễ thực hành, chính ngay thời Phật, pháp này đã có Phật giải bày nhưng không phải ai cũng chứng được. Đa số đệ tử Thế Tôn thời bấy giờ với quả vị A La Hán đã là quá cao nhưng chắc chắn chư vị phải tiếp tục quán chiếu pháp tu mười hai nhân duyên để chóng đạt quả Chánh Giác.
Nhà Phật thường nói quả vị Thanh Văn là do tu chứng Tứ Đế, Duyên Giác nhờ Thập nhị nhân duyên và Bồ Tát do tu Lục độ vạn hạnh. Dù vậy trên bước đường đạt đến quả Phật tất cả quý Ngài trong ba hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát chắc chắn phải tiếp tục dụng công hành trì Thập nhị nhân duyên sâu hơn mới có thể toàn giác. Đó là tính chất quan trọng của mười hai nhân duyên như vậy.
Đối với người học Phật thời nay hầu hết là sơ cơ hành đạo, dù tu pháp môn gì cũng không thể không tìm hiểu mười hai nhân duyên; như đã thưa cả chư Bồ Tát còn tu, vậy chúng ta, nói là đang học Phật phải vui mừng học hỏi chứ. Thưa bạn đương nhiên ở đây bạn và tôi chỉ là tìm hiểu, chứ không thể nào dám gọi là thực hành quán chiếu thành tựu pháp tu này. Nhưng dù sao được tìm hiểu cũng là thắng duyên, và thắng duyên sẽ thành tựu trong tương lai.
Nào bây giờ thử tìm hiểu, thế nào là cái vòng quay mười hai nhân duyên, là vòng mắc xích cột người từ vô thỉ đến nay.
Mười hai nhân duyên gồm có: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Aùi, Thủ, Hữu, Sanh, Lão tử.
Vô minh: Là một đầu mối phát xuất từ bao giờ không ai biết, nhưng nó phải thật sự là có phát xuất và khởi động; sự khởi động của nó hiện lên như sóng biển, cứ lượn sóng này vào thì lượn sóng khác tiếp theo, nhưng thật ra sự khởi động của nó chưa từng ra khỏi đại dương. Nghĩa là có vô minh, nhưng cũng có trí huệ giải thoát. Và vô minh, trí huệ giải thoát là hai hiện tượng nhưng chỉ cùng một bản thể; bản thể nhứt như vô ngại. Cũng như biển động sóng khởi là vô minh, biển êm phẳng lờ là giải thoát, nhưng cả hai chỉ nằm trong đại dương là nhứt thể. Thế thì tìm hiểu vô minh là tìm hiểu quay lại con người chúng ta; và ngay lúc quay về tìm hiểu là bắt đầu phát khởi sự hiểu biết giải thoát. Nhưng chỉ mới phát được hiểu biết, chứ tất nhiên tuyệt đối chưa thể giải thoát được. Bởi có người vẫn tìm hiểu vô minh, nhưng chẳng tu giải thoát, thành ra chỉ là phát khởi, và vô minh vẫn còn nguyên vẹn.
Phải thật tu thật chứng, vô minh mới chấm dứt, cho nên người phá được vô minh, người đó không còn bàn luận như chúng ta nữa, bởi vì trí huệ giải thoát của người đó đã thật có, và trí huệ đó bấy giờ lại không phải trí huệ như chúng ta hiểu là đối lại với vô minh. Còn đối chiếu còn phân chia không phải là tuyệt đối, cho nên không thể dùng ngôn ngữ thế gian để giải thích, và chúng ta có hiểu được rốt ráo, tức phải chứng đạo như các Ngài mới rõ được.
Thế thì trước hết, một người học Phật, một hành giả công phu muốn giải thoát, phải thiết lập một sự hiểu biết tương đối trước khi đi đến tuyệt đối. Vậy tạm hiểu vô minh là sự đối lại với trí huệ giải thoát, và đối lại với trí huệ nghĩa là còn trong vòng luân hồi; còn trong vòng luân hồi là còn đầy đủ phiền não tham, sân, si. Nếu muốn dứt trừ vô minh tức phải dứt trừ phiền não, nhưng lại muốn dứt được phiền não, người này bắt buộc phải hiểu và tu theo giáo lý của Như Lai. Không hiểu giáo lý Như Lai, tức còn phiền não, vậy thì vô minh có nghĩa là không hiểu giáo lý của Như Lai.
Chúng ta có định nghĩa vô minh là sự mê mờ, sự tối tăm, sự ngây dại khởi đi từ bao giờ nữa, thì đó cũng chỉ là sự không thấy chân lý giải thoát mà thôi. Chân lý giải thoát căn bản nhất mà kinh dạy đó là Tứ Diệu Đế, bài pháp đầu tiên Phật dạy cho nhân loại mà chúng ta đã có bàn qua.
Vậy thì theo định nghĩa trên vô minh đã hình thành rồi một hình thể phàm nhân, tức đã kết mắc đầy đủ mười hai mắc xích nhân duyên, và ta đã là nạn nhân đang bàn thảo đây. Như thế ta mới biết và ý thức cần giải thoát. Và việc vô minh khởi đi từ bao giờ, đó là câu hỏi không thể giải quyết được vì hiện tại ta đang vô minh; nếu nói rằng từ vô thỉ thì cũng tiếp theo câu hỏi chừng nào nó mới dứt và rồi trả lời là vô chung!
Nhưng nó có vô thỉ hay vô chung, chẳng cần phải quan tâm, chỉ quan tâm hiện tại phải biết vô minh là luân hồi và dứt luân hồi là thực hành thành tựu đạo giải thoát vậy.
Bây giờ hãy tạm suy diễn tìm hiểu theo từng mắc xích lúc mà vô minh dưới một dạng thể mê mờ, động niệm, khởi lìa thân xác ngũ uẩn đã hư hoại, rồi duyên tạo thế nào mười một mắc xích kia.
Khi vô minh khởi đi, cũng tức là vọng niệm khởi sinh, nơi đây sinh ra Hành, tức sự khởi động bằng một lực, và lực này hẳn nhiên chìu theo cái mê muội không sáng suốt. Hành nhà Phật dạy là hành động, tức là nghiệp, là những tác nghiệp từ vô minh. Thật khó mà biết lúc ban sơ của vô minh, hành nghiệp khởi động thế nào? Nhưng cũng không ra ngoài vô minh, cho nên vẫn là Hành trong cái tính bất thiện và si mê.
Nếu căn cứ vào thân nghiệp chưa giải thoát, tức nói về một con người chưa tu chưa đắc pháp vừa chết đi, điều này dễ giải thích hơn. Vậy thì Hành ở đây là cả một nghiệp lực từ nhân quả của nhiều đời trước còn vướng mắc, hoặc ngay trong kiếp sống vừa qua. Hành nghiệp này sẽ lưu lại những hành động vi tế đã tạo, và hiện lên, duyên thành Thức, đó là một tâm thức hay gọi là một tâm niệm phân biệt trong tham ái, hay trong ý tưởng cao thượng. Đến phần Thức đây là vấn đề bắt đầu trở lại của một dòng sống. Thức vừa lưu chuyển vừa tích tụ chủng tử làm nhân thiện ác tạo thành quả báo tương lai; cho nên bao nhiêu hành động tâm niệm bấy giờ được lưu giữ mà chúng ta nghe gọi là Tạng thức vậy. Như thế khi một thân mạng mất đi, thì chính thức này còn gọi là tâm thức hay thần thức chuyển di ra khỏi ngũ uẩn, và từ đây lại tiếp tục đầu thai, hay tái sanh tùy vào dòng sống thiện ác của nghiệp, và bấy giờ ta lại gọi nó là nghiệp thức dẫn dắt tái sanh vậy.
Xin được trở lại theo tuần tự khi thức bắt đầu đi vào thai sau khi có sự giao hợp giữa cha mẹ với nhau; chính nơi đây một sinh linh bắt đầu khởi tác; và tất nhiên nếu thức không vào thai, thai không thể thành hình được. Nếu nghiệp thức đi vào thai có một quá khứ thiện, sự khởi tác tiếp theo sẽ được tốt đẹp cho đến khi ra thai, ngược lại sẽ bị chặn đứng nơi đây; hay khi thành hình sẽ có vấn đề, hoặc khi ra thai chẳng tránh được rắc rối. Tuy nhiên cũng còn cơ hội nhân duyên, nếu người mẹ tạo thiện phước, quả báo sẽ chuyển đổi đi.
Thức đã vào thai, tức duyên với Danh Sắc, là thời kỳ tượng hình của một chúng sanh bắt đầu. Tuy nhiên vẫn chưa thể rõ ràng, mà chỉ bắt đầu tạo ra một tinh thần, và một hình thể tương đối. Tinh thần ở đây được hiểu là Danh, và Sắc là phần hình tướng bắt đầu khởi tạo từ tinh cha huyết mẹ. Đến giai đoạn tiếp theo, Danh Sắc duyên Lục Nhập, bấy giờ mới đầy đủ các căn, tức sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nhưng vẫn còn trong bụng mẹ.
Rồi Lục Nhaäp duyên với Xúc, đó là lúc rời khỏi thế giới tối ngòm từ trong lòng mẹ, để đón chào một thế giới khác, thế giới đau khổ hay sung sướng tùy vào quá khứ nhân quả, nghiệp thức của chúng sanh này. Nhưng phải nói một trăm phần trăm là khổ; bởi vì thân sinh ra từ luyến ái của cha mẹ, thì làm sao thanh tịnh; mà không thanh tịnh, tức phiền não, phiền não thì có lớn lên làm ông gì cũng khổ. Cả làm tu sĩ cũng khổ, khổ trước khi được giải thoát. Như vậy chỉ có các bậc Bồ Tát thị hiện nhập thai mới không khổ theo, vì do nguyện lực sanh trở lại, chứ không bị nghiệp lực như chúng ta.
Thật tội cho đứa bé, tưởng thoát khỏi nơi chật chội hôi tanh, ra được ánh sáng trong lành tươi mát nào ngờ cả hai thế giới trong ngoài đều khổ.
Cái khổ đầu tiên của Xúc, đó là xung đột bất ngờ với thế giới bên ngoài tương phản thế giới bên trong, nên sợ sệt và đau đớn, do đó hầu như đứa bé nào sinh ra cũng khóc chẳng có cười. Và đó tiếp theo gọi là Thoï, tức cảm thọ yêu thương, ghét, muốn với hoàn cảnh qua sinh lý và tâm lý từ thân và tâm để rồi sinh ra Ái.
Chúng ta thấy Ái thật là ghê gớm, dù tiếp xúc, cảm thọ đời là khổ nhiều hơn vui, nhưng trong sự vui thương yêu của cảm thọ, Ái đã lẫy lừng tạo riêng thành mắc xích. Vậy mới thấy trong vòng luân hồi, bao giờ còn nghiệp ái, chúng sanh chẳng thể thoát khỏi khổ kiếp của thế gian.
Khi Ái phát sinh không ngừng liền sanh Thuû, đó là tất nhiên, hễ thương yêu luyến ái chừng nào người ta càng lo giữ gìn, bảo thủ chừng nấy. Càng giữ gìn bảo thủ, càng lo sợ lìa xa, tất tạo thành nghiệp lực luân hồi đời sau, đó gọi là Hữu; và đã có đời sau tức phải có Sinh ra. Đến đây một đời sống quá rõ ràng, rồi điểm cuối cuộc đời là Lão Tử vậy. Thế là mười hai mắc xích lại khởi đi trở lại ban đầu là ngây dại vô minh, tạo thành một vòng dây không đầu mối, chạy theo vòng tròn sinh tử đến bất tận.
Thưa bạn hình ảnh và chi tiết như vậy chỉ là lược giản, mường tượng hiểu được phần nào thôi, chứ chẳng phải đơn giản trình bày đâu; hơn nữa tôi và bạn lại đang chuyện trò học hiểu, chứ đâu phải là học giả, nghiên cứu học Phật, nhất là những vị vừa học vừa tu, thì sự hiểu về vòng quay mười hai nhân duyên sinh tử chắc chắn sáng sủa mạch lạc lắm. Mong rằng bạn và tôi trên đường học Phật, hoặc sẽ tìm ra sách giải, hoặc hội kiến chư vị uyên bác vấn đề này, để chúng ta có nhân duyên rõ ràng hơn. Mong lắm thay!