Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Song-Tu-Ly-Su-Vo-Tam-Niem-Phat

Song Tu Lý Sự Vô Tâm Niệm Phật
Đại Sư Phi Tích | Dịch Giả : Tịnh Sĩ

Hỏi: Huyền nghĩa của pháp niệm tam thế Phật và day mặt về hướng tây đã được nghe. Song các pháp ấy đều có niệm có tư duy, có sanh có diệt, làm sao tương đồng với yếu chỉ “Ðem tâm vô niệm mà tu niệm Phật” trong Kinh “Thắng Thiện Vương Sở Vấn”?

Ðáp: Về thuyết “Vô niệm”, nhiều người hiểu lầm, nếu chẳng nghiên cứu tinh tường thì e phải mù mịt đường tu thẳng tắt ấy. Nay sẽ đem hai phương diện Lý và Sự để nói rõ.

Về phương diện Lý tức là Chơn thật vô niệm. Trên phương diện này, “Hữu” và “Vô” có nghĩa: “niệm vốn vô niệm”. Là sao? Có nghĩa: Phật do tâm sanh, tâm tức là Phật. Giống như dao không tự cắt, tay không tự xúc, Phật cũng chẳng tự thành Phật, tâm cũng chẳng tự có tâm. Tâm không thể lập ở ngoài Phật, Phật cũng chẳng có ở ngoài tâm. Phật đã chẳng có thì tâm há có? Ý nghĩa vô tâm niệm Phật rõ ràng như vậy. Do đó thế gian nói “niệm Phật là có niệm”, còn tôi nói “niệm Phật là vô niệm” vẫn chẳng sai vậy.

Lại nữa, niệm tức là “không”, há có niệm ư? Chẳng phải niệm diệt mới “không”, vậy há có vô niệm? Tánh của niệm là “không”, há có sanh diệt ư?

Lại nữa, “Tâm vô niệm” là “không chỗ trụ” và “tu niệm Phật” là “khởi tâm”. “Tâm vô niệm” là từ gốc vô trụ và “tu niệm Phật” là thành lập tất cả pháp. (“Ðem tâm vô niệm mà tu niệm Phật” là “nên ở trong không chỗ trụ mà khởi tâm”, là “từ gốc vô trụ mà thành lập tất cả pháp”). Tâm vô niệm thì “niệm tức là không”, Tu niệm Phật thì “không tức là niệm”.

Như thế, niệm Phật chẳng khác với yếu chỉ vô niệm, đây là nói về Trung Ðạo.

Tâm niệm và Phật đều bặt (lặng) là chỉ, cả hai đều sáng tỏ là Quán. Chỉ Quán tức Ðịnh Huệ đều đồng há chẳng phải là chánh định ư? Chẳng phải là tam muội ư? Nay chỗ sáng tỏ mà thường lặng tức là “tâm vô niệm” vậy, lặng mà thường sáng tỏ là “tu niệm Phật” vậy. Ðức Như lai chứng “tịch chiếu tam-ma-địa” tức là chứng cảnh giới “Cứu cánh niệm Phật” này. Nên tam muội ấy mới sanh ra “Thủ Lăng Nghiêm Vương Sư Tử hống định”.

Như Kinh “Bồ Tát niệm Phật tam muội”, phẩm Phá Tướng có kệ nói:

“Niệm Phật Chơn Kim Sắc,
An Trụ tâm vô trước (chẳng chấp)
Nhiếp tâm không gián đoạn,
Quán pháp nào là Phật.
Kim Sắc chẳng phải Phật,
Bốn ấm kia cũng vậy
Lìa sắc cũng chẳng Phật,
Lìa bốn ấm cũng thế.
Bậc tối thắng tịch tịnh
Khéo diệt trừ tất cả,
Ngoại đạo các tà kiến
Như Long Vương làm mưa,
Thấm mát cả vạn vật
Ðấy là Phật Thế Tôn”.

Kinh này nói rõ Lục độ vạn hạnh, không một pháp nào chẳng là “Niệm Phật tam muội”.

Hỏi: Về phương diện “Lý” đã giải xong, xin ngài trình bày về “Sự” để người tu học đạt được “Chơn thật vô niệm”, hợp với Bát-nhã-ba-la mật, rõ thông pháp “Ðại Thừa Vô tướng thâm Diệu Thiền định”.

Ðáp: Lý và Sự đi đôi với nhau. Trước đã nói lý và sự, nay sẽ nói về Sự của lý. Ðại phẩm kinh nói: “Ðối với kẻ độn căn, Phật nói các pháp đều không tịch là vì họ hay sanh chấp kiến. Ðối với người lợi căn, Ngài nói đến tướng hảo của Chư Phật giống như sen không nhiễm bùn”. Bởi thế nên Ngài Tu Bồ đề tuy là tiểu thừa mà thành bậc đệ nhất thấu rõ Không, thấu đạt các pháp vô danh vô tướng và được thọ ký tương lai thành Phật hiệu là Danh Tướng Như Lai. Nếu chẳng phải đại thừa tất còn sợ sắc thinh hương vị xúc lôi cuốn, còn lo trốn tránh không phút giây thong thả thì dám đâu đi quanh quẩn trong “vườn hoa” sắc tướng. Nay đã thấu đạt Danh Tướng nên được Phật thọ ký vậy.

Nói về Sự. Phật đã sanh nơi tâm thì ban Châu tam muội, không niệm vẫn đạt được. Cảnh đã không làm động được ta thì Pháp Hoa Tam muội, chẳng cầu mà tự có. “Tâm vô niệm” là dứt mọi loạn tưởng và “tu niệm Phật” là khéo tưởng Phật.

Kinh “Văn Thù Sở thuyết ma ha bát nhã” nói: “Như người học bắn cung, tập lâu thành thiện xảo. Sau đó dù vô tâm bắn mà tên pháp ra đều trúng cả. Cũng thế, người muốn thâm nhập nhất hạnh tam muội nên hướng về nơi Phật đang ngự chuyên ròng xưng niệm danh hiệu của ngài, niệm niệm tiếp nối không gián đoạn. Ðược vậy thì ngay trong mỗi niệm đều thấy tam thế chư Phật như người tập bắn cung kia sau khi tập thuần thục, vô tâm vẫn bắn trúng”. Như thế thì “vô tâm” chẳng phải là không khởi niệm. Cũng vậy Kinh Phương Ðẳng nói: “Niệm luôn luôn không dừng nghỉ Phật sẽ hiện”. Anh Lạc kinh nói: “Ðạo là nhứt tâm, đa tưởng chẳng phải Ðạo”. Tọa thiền tam muội Kinh noí: “Bồ Tát tọa thiền chẳng nghĩ gì cả, chỉ chuyên niệm một Phật như núi chúa Tu Di vàng chói giữa biển cả trong xanh. Cho đến niệm công đức Pháp thân cũng như vậy”.

Hỏi: Nếu nói Vô niệm là tam muội thì cứ việc để tâm thẳng vào chỗ vô niệm, sao lại đi xa nẻo ấy mà dụng ý niệm.

Ðáp: Lăng Già Kinh nói: “dùng cây gài cửa để mở cây gài cửa”, và tục ngạn nói: “Khiến giặc đuổi giặc”. Nay ta dùng niệm để dứt niệm thì có gì chẳng được, huống hồ niệm mà thuần thục thì chẳng cầu mà tự thành vô niệm, không cần dùng sức. Giống như kiếm sĩ múa gươm, múa đến khi rung động cả mây xanh rồi bỏ kiếm vào bao đeo bên lưng mà chẳng mất nội lực. Lại như đầu bếp chặt thịt nếu bỏ dao thì chẳng làm được. đó là niệm thuần thục, chẳng quá rõ ràng rồi ư?

Nên Khởi tín luận nói: “Nếu biết rõ tuy nói mà không có người nói để nói, tuy niệm mà không có tâm niệm để niệm thì gọi là tùy thuận tam muội. Còn lìa niệm mà gọi là chứng nhập thì chỗ chứng nhập này tức là Chơn thật tam muội. Huống hồ cảnh giới Vô niệm ở vào hàng Diệu giác vì chỉ đấng Như Lai mới liễu tri được tướng ban đầu khi tâm chưa sanh khởi này (vô niệm). Ðối với tướng này, Bồ tát thập địa còn chưa biết được huống là chúng ta chưa vào được hàng thập tín”.

Nếu chẳng y theo ngài Mã Minh, từ chỗ nói vào nơi không nói, từ chỗ niệm vào nơi vô niệm thì e phải vướng lỗi “thích lầu cao mà khinh đất thấp, bỏ quần mà mặc áo”, như thế há được ư?

Kinh Ðại Phật Ðảnh Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm nói: [Ngài Pháp Vương tử Ðại Thế Chí cùng 52 vị Bồ tát đồng bực, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch Phật rằng: “Con nhớ hằng hà sa số kiếp về trước có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang và liên tiếp mỗi kiếp 12 vị Như lai ra đời. Vị Phật rốt sau tên là Siêu nhật nguyệt Quang. Phật này dạy con pháp môn niệm Phật tam muội: ‘Như một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, hai người như thế dù có gặp nhau cũng như chẳng gặp, có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người nhớ nhau và nhớ niệm sâu chặt thì dù có trải qua đời này đời khác cũng vẫn bên nhau như bóng với hình chẳng trái lìa. Cũng thế, mười phương như lai luôn thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con cứ trốn tránh thì dù mẹ nhớ thương cũng chẳng làm sao gặp được. Nếu con nhớ mẹ đồng như mẹ nhớ con thì mẹ và con đời này đời khác (muôn đời) vẫn không xa cách. Nếu chúng sanh luôn nhớ Phật niệm Phật thì hiện tại tương lai chắc chắn thành Phật, theo Phật không xa?’ Nghe như thế chẳng nhờ phương tiện, tự tâm con liền được khai ngộ như người ướp hương thơm nơi thân có mùi thơm, đây gọi là Hương Quang Nghiêm. Chỗ tu nhân thuở xưa của con là dùng tâm niệm Phật để chứng nhập vô sanh nhẫn. Ngày nay con ở cõi này để dẫn dắt người niệm Phật trở về Tây phương Tịnh độ. Phật hỏi viên thông, con nghĩ không cần chọn lựa, cứ thu nhiếp hết lục căn, tiïnh niệm liên tục thì đắc tam ma địa. Ðây là đệ nhất”]
 
Trích từ: Luận Bảo Vương Tam Muội
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
2 Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ Tải Về
3 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về