Nguồn động lực giúp chúng ta đối nhân xử thế là lòng tự tin. Người có lòng tự tin thường làm việc với tinh thần dũng cảm, hăng hái, dứt khoát và triệt để. Thiếu tự tin thường làm việc trong tâm trạng sợ trước lo sau, đầu voi đuôi chuột, dậm chân tại chỗ…
Tuy nhiên có người ngộ nhận tự tin với tự phụ, kiêu ngạo, cho rằng khoe khoang khoác lác là biểu hiện của lòng tự tin. Chỉ người nào thiếu tự tin mới nói và làm vậy. Kẻ bạc nhược, sợ hãi thường đao to búa lớn, để che dấu khuyết điểm. Sở dĩ họ ngộ nhận như thế vì chưa hiểu ý nghĩa đích thực của lòng tự tin.
Tự tin xuất phát từ việc hiểu rõ chính mình. Người nào càng hiểu mình, càng tự tin. Khổng Tử nói “biết thì bảo rằng biết, không biết cứ nói là không biết, ấy mới là người biết”. Khi bạn hiểu rõ năng lực, kiến thức, sở trường, biết khuyết điểm, thiếu sót, thậm chí biết tài sản mình sở hữu, biết tình trạng sức khỏe của mình thế nào, mới có lòng tự tin.
Tại sao phải hiểu rõ khuyết điểm của mình? Ví dụ, ngày nào đó tôi biết mình đang đau họng, tôi mới biết cách điều chỉnh âm lượng và tốc độ lời nói mình, khi đau tôi sẽ nói nhỏ, nói chậm. Biết khuyết điểm để phòng ngừa, lưu ý, đưa ra những giải pháp thích hợp để hoàn thành công việc. Khuyết điểm không phải điều xấu, không ai toàn vẹn cả. Điều quan trọng là phải tự biết khuyết điểm, bạn biết càng nhiều khuyết điểm của mình, càng có cơ hội trưởng thành, càng có niềm tin về mình.
Ví dụ, nếu biết sử dụng máy vi tính, sẽ mang lại rất nhiều tiện lợi cho mình, nhưng tôi không biết gì về nó cả, nếu có người hỏi tôi về máy tính, tôi sẽ nói là “tôi không biết”. Tôi không hiểu chính trị, nên nếu có người hỏi tôi về điều này, tôi sẽ không nói, dù có ép, tôi cũng không biết nói gì, vì tôi không am hiểu chính trị, nên tin chắc rằng, nếu mình nói sẽ toàn nói sai. Đây chính là sự sáng suốt của người hiểu rõ chính mình!
Hiểu rõ bản thân cũng là một sự tự tin, tự tin có được từ việc thừa nhận những thiếu sót của mình.
Vậy chúng ta có nên học tất cả những gì mình chưa biết không? Không nhất thiết phải học. Kiến thức, sở trường của mình, nếu có lợi cho xã hội, nhất định phải làm, phải cho; nếu phát hiện còn nhiều thiếu sót, còn điều chưa hiểu trong phạm vi sở trường, hiểu biết của mình, bạn nên học, nên tìm tòi nghiên cứu thêm để hoàn thiện mình về phương diện này. Những kiến thức nên bổ trợ cho kiến thức chuyên môn, chỉ cần hiểu những vấn đề cơ bản là được, bạn không nên “vượt rào”, ví dụ, người xuất gia lại bàn về máy tính, bàn về chính trị, không phải là chuyện buồn cười, chuốc lấy sự chê bai của thiên hạ sao?
Hiểu rõ chính mình còn hàm nghĩa, mình tự biết khả năng chịu đựng, giới hạn của bản thân. Biết điều này giúp bạn không lo âu, phiền muộn, tự trách, vì bạn hiểu mình làm hết mình cũng chỉ đến thế, không nên làm những việc ngoài tâm tay với.
Khi tôi diễn giảng Phật pháp, dạy cách tu hành cho Phật tử, tôi rất tự tin, vì đây là sở trường, là nhiệm vụ của tôi. Tôi hiểu được bao nhiêu, làm được chừng nào về Phật giáo, tôi sẽ hết lòng nói cho mọi người biết, với tôi, thế là quá đủ. Khi đó, dù người khác không chấp nhận, cười chê, vẫn không sao, vì tôi biết, mỗi người có lập trường, kiến giải khác nhau. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, nhất định tôi sẽ tiếp tục giải đáp thắc mắc, hoặc nói thêm cho người đó những phần họ hoài nghi, không chấp nhận. Nếu người nghe giải thích có lý, đúng sự thực, tôi sẽ vui vẻ tiếp thu, ghi nhận, học hỏi.
Tự tin đến từ sự hiểu rõ chính mình. Hiểu mình giúp mình tự tin, tin vào sở trường của mình, vào khả năng có thể cống hiến cho xã hội. Khi đó bạn sẽ không lo lắng, phiền muộn, hay làm quá sức, cuộc sống nhờ thế nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Từ điểm này, chúng ta thấy, tự tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự trưởng thành của đời mình.