Xã hội loài người đang đứng trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới, có lẽ cũng đã bước những bước đầu tiên vào kỷ nguyên mới rồi, kỷ nguyên của thời đại khoa học công nghệ thông tin và tin học phát triển đến đỉnh cao của nó, nhưng đồng thời cũng là kỷ nguyên có nhiều biến động nhất về mọi lãnh vực của xã hội, mà đặc biệt là vấn đề văn hoá đạo đức. Công nghệ khoa học phát triển đã đem lại cho đời sống sinh hoạt của con người nhiều tiện nghi vật chất hơn, thoã mãn nhu cầu cần thiết cho con người. Nhưng, cũng chính nó đã tạo ra không ít những nguy hại cho xã hội, như sự biến đổi mạnh mẽ trong kinh tế, trong sản xuất, đã làm thay đổi mạnh mẽ mọi lãnh vực hoạt động của con người : nhiều nhân tố mới, hiện tượng mới, xã hội mới… đã xuất hiện. Hàng loạt các vấn đề như dân số, môi trường, bệnh tật, nạn thất nghiệp… đã nảy sinh và dẫn đến hàng loạt các tệ nạn khác như ma tuý, tham nhũng, đạo đức xuống cấp, băng hoại hay mai một dần…. Con người lại rơi vào những lo toan, khủng hoảng.
Xã hội ngày mỗi tiến bộ, hiện đại hoá, công nghiệp hoá... nhiều cái “hoá” khác, và con người cũng dần “cơ tâm hoá”. Tôi muốn nói đời sống sinh hoạt của con người đã trở nên máy móc và dần xa lạ với chính mình. Một khuynh hướng mới xuất hiện trong thế hệ trẻ, đó là khuynh hướng “ly tâm”. Sống quay cuồng theo guồng quay của máy móc, điện toán, vật chất … và đã lãng quên chính mình. Sống mà không biết mình là ai, liệu cuộc sống như vậy có ý nghĩa gì không?
Vì vậy, những nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà tôn giáo… những người đang thao thức về một hướng đi cho nhân loại có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc cần phải ý thức rõ vấn đề thực trạng của xã hội để có một hướng đi đúng đắn.
Theo tôi, nếu như trước đây loài người đã để hết sức lực, trí tuệ để chinh phục thiên nhiên, để mong làm chủ thế giới, để mưu cầu hạnh phúc (mà tôi cho đó là mưu cầu tham dục), thì bây giờ, trong khúc quanh quan trọng này của lịch sử, chúng ta nên giành những sức lực còn lại để chinh phục chính mình. Bởi vì, sự hỗn loạn, khủng hoảng đã nỗi lên và tồn tại trên thế giới không phải vì loài người không chinh phục được thiên nhiên, mà bởi vì nó đã nỗi lên vì cá nhân không được giáo dục để tự biết mình.
Gần đây nhân loại đã có những cố gắng trong việc thực hiện những cuộc cách mạng, cải cách trên mọi lĩnh vực nhằm đem đến hoà bình cho thế giới. Những sóng triều cách mạng đang lắt lay ấy, hầu hết đều hướng ra bên ngoài. Tất cả đều thiên trọng về vật chất và cả một thế giới ‘tri thức vật chất’. Điều đó càng làm cho dục vọng thêm lớn, sân hận thêm nhiều – nguồn gốc của khổ đau. Họ không hề hiểu ra rằng cuộc cách mạng chân chính có thể thay đổi được thực trạng của cuộc sống là cuộc cách mạng hướng vào bên trong. Cuộc cách mạng tâm linh, cách mạng với chính mình.
Mới đây, hồi tháng 11 năm 2000, một hội nghị lớn gồm các nhà chính trị, tôn giáo lớn trên thế giới đã được tổ chức tại Hoa Kỳ, với mục đích như tên gọi của nó “Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình”. Tất cả các nhà chính trị, nhà khoa học, nhà tôn giáo đại diện cho quốc gia và tôn giáo mình đều có quyền phát biểu và đưa ra đường hướng thiết lập, xây dựng hoà bình cho nhân loại vào kỷ nguyên thứ ba này. Hội nghị kết thúc với nhiều hy vọng vào tương lai tươi sáng của một thế giới đại đồng. Trong đó, ai cũng nhận ra rằng, tiếng nói của Phật giáo thật nhân bản và đúng đắn cho việc thực hiện mục tiêu mà hội nghị đưa ra.
Sở dĩ phải dài dòng như vậy là để thấy rằng, khát khao vươn đến hạnh phúc là sự cấp thiết cần nhận diện thực trạng cuộc sống, nhận diện chính mình là điều kiện đầu tiên để con người bắt tay vào công cuộc cách mạng lớn, cách mạng tự thân.
Như chúng ta đều biết, cái học của người xưa gọi là “đạo học”. Đạo học là gì? Có thể mạn đàm thêm thế này, căn cứ vào tự dạng của chữ ‘đạo’, ghép bởi bộ ‘xước’ là đi và bộ ‘thủ’ là đầu, là cội gốc, mà thưa rằng, ‘đạo học’ là đường về với bản gốc của mình. ‘Đạo’ chính là con đường ‘phục quy kỳ căn’, trở lại với căn cơ nguồn ngọn của con người muôn thuở. Nhà Phật gọi đó là ‘bản lai diện mục’, là ‘chân tâm thường trụ’.
Như vậy, lối giáo dục của người xưa là hướng dẫn con người trở về với chính mình, trở về ‘bản sở’.
Sách Trung Dung viết: “Thiên mệnh chi vị tánh, xuất tánh chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo”, nghĩa là, mệnh trời gọi là tánh, noi theo tánh gọi là đạo, tu đạo gọi là giáo. Mấy câu này cho chúng ta thấy, đối tượng của đạo hay đối tượng của giáo dục là TÁNH con người. Hiện thực cái tánh bản nhiên đó chính là cứu cánh của đời người. Cái tánh đó ở đâu? Mạnh Tử nói: “Tánh mệnh thiên tiên phi do ngoại thược ngã dã” – Tánh mệnh là thiên tiên, là phú bẩm, bẩm sinh tự nội, không phải là do ngoài đúc ra và đổ vào cho ta. Tánh ấy nằm nơi thâm cung tâm hồn con người mà ta cũng gọi là ‘Minh đức’, cái tánh linh, tinh tuyền, vi diệu soi sáng bao la; hơn thế nữa, là chính cái bản tánh bản nhiên của con người, nhưng đồng thời cũng là ‘Thiên lý’, một thứ thiên lý nội khởi: “Thiên lý tại nhân tâm”. Nói tóm, cái tánh ấy là Phật tánh nơi mỗi con người. Và học đạo chính là làm cho hiển bày cái tánh, cái tâm này. Cho nên Khổng Tử nói: “Học vấn chi đạo vô tha cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ”, cái đích lớn lao của sự học không có gì khác hơn là tìm lại cái tâm đã mất của mình.
Như thế, đạo Nho cũng hướng con người trở lại với chính mình, đạo Phật cũng vậy.
Nhưng đạo Phật nói rõ ràng hơn. Trước hết đức Phật khẳng định, tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có trí tuệ giác ngộ và đều có khả năng sống cuộc sống thật hạnh phúc. Thế nhưng, vì tham ái và chấp thủ mà chúng sanh không nhận thấy kho tàng trân bảo đó. Sự tham ái và chấp thủ chính là tác dụng của vô minh, làm cho chúng ta không thấy được sự thật của con người và vũ trụ. Sự thật đó là gì? Tất cả vạn vật trong vũ trụ vạn hữu kể cả con người đều không không một tự tánh cố định, tất cả đều do nhân duyên mà sinh thành, tồn tại và hoại diệt, cho nên bản chất của chúng là vô ngã.
Dù rằng đó là sự thật nhưng không phải ai cũng có thể chấp nhận được sự thật. Điều đó đã nói lên rằng, biết là khổ đau nhưng cũng không nở từ bỏ, không nở sống cho có hạnh phúc! Tôi nói có vẻ mâu thuẫn và không hợp lý lắm, phải không? Nhưng các bạn hãy thử nghiệm xem, đôi khi ta tàn nhẫn với chính mình quá, biết rằng hút thuốc, uống rượu có hại cho sức khoẻ nhưng mấy ai chấp nhận đời sống hạnh phúc, tức bỏ thuốc, bỏ rượu. Đó là những điều đơn giản nhất. Cuộc sống này còn bao nhiêu thứ tác hại khác, bao nhiêu hành động, lời nói và suy nghĩ đưa chúng ta vào đoạn trường khổ đau như sát sanh, nói dối, tà dâm, trộm cắp… Ta thử hỏi ta đã thiết tha mong cầu hạnh phúc chưa? Mong cầu hạnh phúc mà cứ mãi hành động, nói năng, suy nghĩ những điều bất thiện thì làm sao có hạnh phúc được, phải không ?!
Từ khi sinh ra, tất cả chúng ta ai cũng biết rằng, mình phải chết, nhưng không biết là lúc nào. Có ai dám chắc mình sống được bao lâu không? Thế nhưng, chúng ta vẫn để ngày tháng trôi qua một cách vô nghĩa. Chúng ta đắm mình trong dục lạc, trong suy nghĩ miên man, mà những niềm vui dục lạc ấy tồn tại được bao lâu và những nghĩ suy, tính toán có lợi ích gì? Giống như một người nông dân vừa gặt xong một vụ mùa trúng lớn. Anh ta treo những bao thóc lên trần nhà và nằm suy nghĩ. Chà, với bấy nhiêu gia sản ta có thể bán bớt đi để lấy tiền cưới một người vợ, ta sẽ tổ chức đám cưới và sau đó sẽ sống một đời sống hạnh phúc, sinh con đẻ cái. Anh ta đang miên man với những dự tính trong đầu, thì trong khi đó con chuột đã gặm đứt sợi dây buộc những bao thóc và rơi xuống đầu anh ta, chết tức khắc với những ước mơ đầy quyến rũ.
Trong chúng ta ai không hơn một lần mộng mơ và suy nghĩ như thế! Nhưng rồi bạn được những gì? Trong khi đó, hạnh phúc sẽ lập tức hiện hữu ngay đây và bây giờ nếu bạn buông bỏ tất cả những suy nghĩ mông lung, gạt bỏ tất cả những mưu toan mộng mị để trở về với chính mình, nắm lấy tâm thức mình để tận hưởng bầu không khí thanh tịnh, tươi mát toả ra từ suối nguồn tâm thức. Đó mới thực sự là hưởng thụ cuộc sống. Và đó mới là cuộc cách mạng chân chính nhất, cuộc cách mạng tâm linh, trở về với chính mình, với cõi giới ngàn đời yên tịnh.