Home > Khai Thị Phật Học
Quan Tâm Và Cống Hiến Kết Thành Mối Thiện Duyên Chân Chính
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Khuyết Danh, Việt Dịch


Phật giáo có nói về “kết duyên”, ý muốn nói giữa con người với nhau cần có sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau bước trên con đường lương thiện, quang minh. Vì vậy “rộng kết duyên lành” thực chất chính là “phổ độ chúng sinh”. Tuy nhiên, chúng ta nên dùng cách nào để kết duyên cùng với người khác? Bất luận đó là sự viện trợ về vật chất hay sự quan tâm về tinh thần, chỉ cần không rời xa tinh thần Phật pháp, đó chính là cách để kết duyên cùng với chúng sinh.

Thông thường mọi người dùng vật chất để kết duyên cùng người khác, nhưng nếu hiểu Phật pháp, có thể dùng Phật pháp để giúp đỡ mọi người, khuyên bảo và khích lệ họ, hi vọng sau này họ sẽ dùng Phật pháp để giúp đỡ chính họ, đó mới là sự giúp đỡ tốt nhất. Bởi vì, nếu chỉ dựa vào sự giúp đỡ của người khác, bất luận giúp đỡ nhiều bao nhiêu, lớn đến đâu cũng không đáng tin cậy, không lâu dài, giống như khi mắc bệnh chỉ biết liên tục đi tìm bác sỹ mà không biết điều chỉnh thói quen xấu trong cuộc sống của mình, thì không thể khỏi bệnh hoàn toàn được.

Nếu có thể dùng Phật pháp để giải quyết, không chỉ là những tiêu chí chữa bệnh, cũng có thể trị được tận gốc. Dùng Phật pháp để giải quyết vấn đề tâm lý, đó chính là cách tốt nhất và triệt để nhất. Vì vậy, dùng Phật pháp để giúp đỡ người khác, đó là cách kết duyên tốt nhất.

Tuy nhiên, kết duyên cũng phân biệt giữa tịnh duyên và chướng duyên, chúng ta nên dùng thái độ như thế nào để kết duyên với người khác, dùng trái tim thanh tịnh để kết thành duyên gọi là duyên thanh tịnh, lấy trái tim dơ bần kết thành duyên gọi là duyên dơ bẩn (chướng duyên). Gọi là trái tim dơ bần, chính là nội tâm mình có những mục đích, mong ngóng người khác có thể báo đáp cho mình, mối duyên này khiến cho cả hai đều thấy mệt mỏi, phiền muộn, cuối cùng có thể trở thành duyên ác, cả hai nảy sinh những thù hận, với mối duyên như vậy tốt nhất là không nên kết.

Kết duyên trong tín ngưỡng dân gian, cũng có những quan niệm đúng mà lại không hoàn toàn đúng.

Ví dụ, quan niệm về “liễu duyên”, đặc biệt quan niệm “bảy đời vợ chồng”, cho rằng nam nữ khi qua đời kết thành mối nhân duyên sâu đậm, nếu như đôi vợ chồng này không có đủ bảy đời với nhau, duyên phận của hai người không thể bị chia cắt.

Thực chất đây không phải là quan niệm đúng theo tinh thần Phật pháp, bởi mối liên hệ nhân quả, nhân duyên giữa con người với nhau là điều không thể hiểu được.

Mặc dù mối quan hệ của hai người ban đầu có thể mờ nhạt, do rất nhiều nguyên nhân, có thể tiếp tục trở nên ngày càng sâu đậm, giống như cây mây và sợi tơ buộc lại với nhau, chỉ cần dùng lực sẽ khiến chúng càng buộc càng chặt, càng buộc càng rối, không có đầu có cuối. Nhân duyên, nhân quả là chuỗi liên tục không ngừng, hơn nữa cũng không phải là cái bất biến, vì vậy quan niệm về “liễu duyên” phải mà lại không phải, “bảy đời vợ chồng” cũng chỉ là sự tưởng tượng trong tiểu thuyết mà thôi.

Ngoài ra, dân gian còn có cách nói “hoàn nguyện” cho rằng các vị thần thánh trong chùa có thể đạt đến trình độ có thể đáp ứng được mọi nguyện vọng của chúng sinh nên chúng ta cần phải hi sinh hoặc cúng tế để hoàn nguyện, tính chất của việc báo đáp như vậy đi ngược lại với quan niệm của Phật pháp. Phật pháp đối với việc cứu độ chúng sinh là vô điều kiện. Ví dụ: tôi dùng Phật pháp để giúp đỡ người khác không cần điều kiện gì, không bởi vì có một số người cúng cho tôi rất nhiều đồ, tôi sẽ đối xử tốt với người đó, đối với cá nhân tôi, người khác đối với tôi tốt thì tôi sẽ tốt với họ, đối với tôi không tốt thì thôi, tôi không để họ ở trong lòng, chỉ cần là người chấp nhận Phật pháp, tôi sẽ dùng hết khả năng của mình để giúp đỡ họ. Vì vậy Phật pháp không bàn về “liễu duyên” bất tịnh, cũng không nói “hoàn duyên” cần báo đáp, cần hiểu rõ về “kết duyên” trong Phật giáo mới thực sự kết thành mối thiện duyên rộng lớn.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Quan Tâm Và Cống Hiến Kết Thành Mối Thiện Duyên Chân Chính