Home > Khai Thị Phật Học
Tu Tâm Và Dưỡng Tánh
Hòa Thượng Thích Huyền Vi


Cùng chư Tăng Ni và quý Phật tử thân mến: Sách đại học của nhà nho có câu:

‘Dục bình thiên hạ, tiên trị kỳ quốc.
Dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia.
Dục tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân.
Dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm’.

Nghĩa là:

‘Muốn cho thiên hạ được hòa bình thì trước hết, mỗi nước phải được thạnh trị.

Muốn cho mỗi nước được thạnh trị, trước hết mỗi gia đình phải được hòa thuận.

Muốn cho mỗi gia đình được hòa thuận thì trước hết phải sửa đổi những hành vi bất chánh nơi thân mình.

Muốn sửa đổi những hành vi bất chánh nơi thân mình, trước hết phải tu sửa cho Tâm mình được đoan chánh, ngay thẳng’.

Sách nho chỉ dạy cách học làm người thế gian, tức là làm người phàm phu, mà còn dùng phương pháp ‘chánh tâm’ làm căn bản; lẽ nào chúng ta, những người tu hành, đang học đạo làm Thánh, làm Phật với mục đích cao thượng hơn nhiều, là giải thoát sanh tử luân hồi, lại thờ ơ trong việc tu tâm được?

Người phàm phu nơi thế gian thường nói: ‘Tu Phật là tu tâm, đâu cần phải ở chùa, tụng kinh, gõ mõ, ăn chay, niệm Phật, mới là tu’. Câu đó đúng, nhưng chỉ đúng với các bậc đã giác ngộ, đã nhận chân lý, đã thấu rõ luật nhân quả huyền vi. Hạng phàm phu tục tử mà cũng dám học đòi, nói câu đó thì chỉ giống như con vẹt học nói tiếng người. Khi được hỏi đến tâm là gì? Tâm ở đâu? thì nói đông nói tây, cưỡng từ đoạt lý, chỉ nam chỉ bắc mà thật sự chẳng hiểu tâm là gì? Tâm từ đâu đến? Tại sao biết có tâm?

Đạo Phật là đạo của tâm, dùng tâm làm cứu cánh cho mục đích giải thoát sanh tử; nên chúng ta, những người tu hành, vì mục đích cuối cùng đó, càng phải biết rõ về tâm. Không biết rõ về tâm thì sự tu hành của chúng ta không bao giờ đạt được kết quả, trở thành bậc giác ngộ, độ được cho mình và độ được cho người.

Trong thời mạt pháp hiện nay, đa phần những người xuất gia, mặc dầu đã thọ Đại Y giải thoát, cũng vẫn tiếp tục tạo nghiệp, tu hành buông lung cạn cợt, chỉ vì không biết rõ về tâm và tánh. Tổ Sư đã gọi những người này là hạng ‘Thử tức, điểu không’. ‘Thử tức, điểu không’ nghĩa là khi nghe nói ‘Phật tức tâm, tâm tức Phật’ thì cũng chỉ biết lải nhải theo như con chuột kêu ‘tức tức...’, nghe nói ‘Vạn pháp giai không’ cũng chẳng hiểu cái ‘tánh không’ là thế nào, mà lúc nào cũng giống như con chim học nói tiếng người, suốt ngày chỉ biết bắt chước mà kêu réo ‘không không...’.

Do đó, trong thời pháp khai thị hôm nay, Thầy sẽ giảng cho quý vị rõ về tâm và tánh, vì tâm và tánh giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc tu hành của quý vị. Dù quý vị tu hành theo pháp môn nào, thiền, tịnh hay mật, cũng phải lấy tâm và tánh làm tông chỉ tu hành. Có biết rõ tâm thì mới tu, mới sửa được tâm. Biết rõ tánh thì mới nuôi dưỡng được tánh.

Phàm là chúng sanh hữu tình, loài nào cũng có tâm và có tánh. Riêng loài người là loài tối linh ư vạn vật, thì cái tâm và cái tánh được hiển lộ dưới thiên hình vạn trạng, rất khó điều dưỡng. Tâm tánh con người có thể đưa con người trở nên các bậc Thánh, nên nói con người có Phật tánh, linh tánh. Trong loài vật, tâm và tánh hiển lộ rất hạn chế, không có khả năng sửa đổi, tu dưỡng nên nói là vật thì có Pháp tánh.

Nhưng con người, dù là tối linh ư vạn vật, nhưng không phải ai cũng là Thánh. Vì nghiệp thức và công năng tu tâm dưỡng tánh mà có Thánh có Phàm. Người có tâm tánh rộng lớn, có lòng thương xót, lợi ích đến chúng sinh mọi loài, chu biến pháp giới, không từ bỏ loài nào mà không thương xót thì sẽ trở thành Thánh. Người có tâm tánh nhỏ hẹp, chỉ bo bo ôm lấy cái tính ích kỷ, chỉ biết làm lợi ích cho mình, coi thường những tổn hại đến người khác, loài khác thì thuộc loại phàm phu.

Mặc dầu tâm vốn không khác; không tăng ở hàng Thánh, không giảm ở loài sâu kiến, côn trùng, nhưng sở dĩ có lớn có nhỏ, có rộng có hẹp là do công năng tu luyện phát triển, làm cho tâm đến chỗ toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ; hoặc để cho vọng tình, vọng tưởng, tham dục thế gian làm ô nhiễm. Vì vậy, có tâm nhưng phải biết tu, có tánh cũng phải biết dưỡng. Sách có câu:

Người đời sớm phải tri cơ,
Gương lu vì bụi, trăng lờ vì mây,
Chở che nhờ đức cao dầy,
Dẫu tu cho mấy không tầy tu tâm.

Con người sinh ra, dẫu sẵn có cái tâm tánh của Thánh, bản nhiên thanh tịnh đồng như chư Phật, nhưng vì nghiệp thức mà cái tâm Phật, tánh Phật đó ví như tấm gương trong sáng bị bụi bậm bám lên, như mặt trăng hằng chiếu rọi nhưng bị mây che lấp nên gương và trăng không hiển lộ, chiếu rọi được bản tánh trong sáng. Muốn đạt được tâm tánh sáng suốt đồng chư Phật, phải biết lau chùi cho hết bụi phủ trên gương, phải biết làm như gió, thổi tan đám mây mờ che lấp mặt trăng.

Để quý vị có thể hiểu rõ hơn, Thầy sẽ định nghĩa từng chữ trong từ ngữ Tu Tâm Dưỡng Tánh.

Tu là sửa đổi, tu tập, luyện tập. Sách Nho gọi đó là ‘Chánh kỳ Tâm’. Người tu tâm phải nhận biết sự vật đúng như tự tánh của chúng. Đối nghịch với chánh là tà vạy, là điên đảo, là cong quẹo, lợi mình hại người. Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta biết phương thức đi vào ‘chánh tâm’ bằng con đường thực hành Bát Chánh Đạo. Từ hành động, lời nói, ý nghĩ, từ mạng sống, nghề nghiệp, phải có nhận thức cho đúng đắn.

Muốn sửa cho tâm ngay thẳng, con người phải biết tôn trọng và thương yêu người khác, loài khác vì chính mình cũng muốn được người khác và loài khác tôn trọng và thương yêu. Phải hiểu rõ rằng sự hiện diện của mỗi loài, mỗi người, trên trái đất này cũng quan trọng như sự hiện hữu của mình. Những hành động, lời nói hay tư tưởng gây đau khổ, phiền não cho người khác, loài khác đều là hành động, lời nói, tư tưởng không chân chính, không ngay thẳng.

Trước khi làm việc gì, nói lời gì hay suy nghĩ gì đều phải đặt sự lợi ích của người khác, loài khác làm đề mục tư duy, đừng để cho cái Ta và cái lợi cho Ta, sản phẩm của Mạt Na Thức, chi phối. Như vậy gọi là sửa đổi, tu tập hay tu luyện.

Chữ tu trong đạo Phật còn có ý nghĩa tích cực, cao cả hơn. Đạo Phật không chủ trương mưu cầu an lạc, hạnh phúc riêng cho mình, dù là không tổn hại đến người khác, loài khác, mà người tu theo Phật, phải đem lại sự an vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài khác. Đức Phật cho rằng, nếu chỉ có một mình mình được sống an vui, hạnh phúc trong một quốc độ đầy dẫy sợ hãi, đau khổ, thì cái an vui và hạnh phúc của mình không trọn vẹn, không an ninh.

Ví như một người giàu có sống giữa một xã hội đầy bất công, nghèo đói, khổ sở thì sự giàu có của người đó khó mà được bảo đảm vì lúc nào cũng lo sợ bị ăn trộm, ăn cướp. Không phải chỉ riêng của cải có thể bị trộm cướp, ngay cả tính mạng cũng không an toàn. Đã có lo sợ thì hạnh phúc, an vui không được trọn vẹn. Quan niệm này được thấy rất rõ khi Đức Phật còn là Thái Tử Tất Đạt Đa, dạo chơi ngoài hoàng thành, nhìn thấy những đau khổ của con người, sanh lòng lo sợ cho chính mình và thương xót cho thân phận con người qua những chu kỳ già, bệnh và chết. Cũng vì thấy rằng, trong ngôi vị Thái Tử và Quân Vương, tuy Ngài có thể có đầy đủ hạnh phúc và sung sướng vật chất thế gian, nhưng hạnh phúc đó được tạo ra bằng mồ hôi, nước mắt của những người hầu hạ, và rồi Ngài cũng sẽ già, sẽ bệnh và sẽ chết, không mang theo được sự sung sướng vật chất đó, nên cái hạnh phúc Ngài đang có không phải là cái hạnh phúc trọn vẹn, lâu bền. Ý chí đi tìm một con đường giải thoát lo sợ, khổ đau cho chính mình và cho loài người, loài vật, đã đè nặng tâm tư của Ngài và thúc giục Ngài từ bỏ cái an vui tạm bợ thế gian để đi tìm cái an vui đích thực, trọn vẹn, an toàn và vĩnh cửu cho mình và cho chúng sanh.

Trong pháp tu Tứ Chánh Cần là bốn phép tu siêng năng tinh tấn thì hai phép đầu là:

Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh, và Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh có tính chất tự lợi, tiêu cực.

Hai phép sau:

Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sanh, và Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sanh, là pháp môn tu tập có tính chất lợi tha, tích cực.

Trong pháp tu Thập Thiện là dứt trừ những việc bất thiện của thân, miệng và ý là pháp tu tự lợi. Tích cực phát triển những việc thiện của thân, miệng và ý là pháp tu lợi tha.

Cho nên trong chữ tu của đạo Phật, bao gồm phần tiêu cực là tự sửa đổi tâm tánh không ngay thẳng của mình và phần tích cực là luôn luôn đặt lợi ích của chúng sanh lên hàng đầu, nhà Phật gọi là nhiêu ích hữu tình. Đó cũng là bản hoài của chư Phật, chư Bồ Tát thị hiện giáng trần. Các Ngài không an hưởng niết bàn mà phát nguyện nhập thế độ sanh. Quý vị tu theo đạo Phật thì phải theo hạnh độ sanh của chư Phật, của chư Bồ Tát. Như thế mới gọi là thực hành đúng nghĩa chữ tu của người con Phật.

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu tâm (tiếng Phạn là Citta) là gì? Tâm được định nghĩa là sự hiểu biết, phân biệt, là tâm linh, linh tánh v.v... Tâm còn là căn cứ phát khởi hành động, cảm thọ. Nói cách khác, tâm là phần tinh thần của loài hữu tình.

Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Đức Phật dạy: ‘Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả...’. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật giảng cho Ngài A Nan và Vua Ba Tư Nặc: Tâm là cái thấy nhưng cái thấy này khác với cái thấy của con mắt. Con mắt có thể bị mù, nhưng cái thấy không bị mất. Cái thấy (tâm) không già, không trẻ, không sanh, không diệt. Người chết rồi, tâm bỏ thân này, thọ thân khác. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa định nghĩa: Tâm là ‘cái hiểu biết, phân biệt’ cũng gọi là phần tinh thần của con người. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn hay có màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng gì. Không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; không thể dùng lỗ tai mà nghe được tâm; cũng không thể dùng tay chân mà rờ đụng được tâm; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có tâm.

Duy Thức Học lại nói: Tâm gồm tám thức tâm vương và 51 tâm sở.

Tâm được định nghĩa qua Kinh và Luận bao gồm thiên hình vạn trạng như thế. Ngôn ngữ thế gian không đủ để tả cái mà Đức Phật gọi là ‘chơn tâm’.

Để quý vị khỏi bị rối loạn về nghĩa của tâm, Thầy cũng miễn cưỡng, tóm tắt định nghĩa về tâm như sau:

‘Tâm là sự hiểu biết, phân biệt, chủ tể của vạn pháp. Tâm không hình, không tướng, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch. Trên, nơi Phật Thánh, không tăng; dưới, nơi côn trùng, không giảm. Lớn như Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nhỏ như hạt bụi trần gian, vô hình như ba cõi, chín địa; hữu hình như chén nước, cọng rau; chỗ nào cũng có tâm, cái gì cũng là tâm. Từ vô thỉ, loài hữu tình sanh ra đã sẵn có tâm. Tâm không từ đâu đến (vô lai), chẳng có chỗ đi (bất khứ). Tâm không ở một chỗ nhứt định nào (ưng vô sở trụ) mà chỗ nào cũng có tâm (nhi sanh kỳ tâm)’. 

Trong phần sau, khi nói tới các loại tâm, quý vị sẽ hiểu rõ hơn.

Dưỡng là gì? Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường nghe đến hai chữ tu dưỡng đi đôi với nhau, và tưởng như hai chữ này là một động từ kép để nói lên sự sửa đổi tánh nết con người.

Thật ra, mỗi chữ có nghĩa riêng của nó. Tu là sửa đổi, có ý nghĩa là diệt trừ cái xấu, chuyển cái xấu thành cái tốt; trong khi dưỡng không có ý nghĩa sửa đổi hay diệt trừ. Dưỡng là hành động đi sau hành động tu, nghĩa là sau khi cái xấu đã được chuyển hóa thành cái tốt rồi, thì dưỡng là hành động lựa chọn phương pháp để phát triển cái tốt vừa được chuyển hóa, hành động này gọi là điều dưỡng; hoặc làm cho cái tốt được tồn tại, không biến trở lại thành cái xấu. Hành động này gọi là bảo dưỡng; hoặc làm cho cái tốt được phát triển thành tốt hơn, gọi là nuôi dưỡng. Thí dụ như trong phép tu Tứ Chánh Cần.

Ba phép đầu:

Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh.

Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh.

Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sanh là hành động tu.

Phép thứ tư:

Tinh tấn phát triển những điều lành đã phát sanh. là hành động dưỡng.

Nói cách khác, tu có tính chất tiêu cực, tự lợi. Dưỡng có tính chất tích cực, lợi tha. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa nói: Tu là trừ mà dưỡng là cộng. Trong nhà Phật, khi nói đến hai chữ dưỡng tánh, chúng ta nên hiểu cái tánh được nuôi dưỡng không chỉ có ý nghĩa cạn cợt là những tánh nết tốt trong đạo làm người thế gian, mà còn có ý nghĩa cao cả hơn và siêu xuất thế gian là nuôi dưỡng và phát triển Phật tánh sẵn có đang tiềm tàng trong mỗi chúng ta.

Tánh, tiếng Phạn là Cetasika, có nghĩa là tánh tình, tức là trạng thái, hành động phát sinh bởi tình cảm của loài hữu tình, thí dụ như tánh ủy mị, tánh nóng nảy, tánh kiêu căng v.v... Tánh cũng có nghĩa là tánh căn. Các thức (bát thức và tâm sở) tiếp xúc với trần hay cảnh, nương theo trần, cảnh mà phát sinh ra.

Thí dụ như tánh yêu ghét, tánh phân biệt v.v... và cũng có nghĩa là tánh đức. Tánh đức là tánh của Phật, của Thánh, của bậc Giác Ngộ v.v.... Giữa tâm và tánh không khác nhau bao nhiêu, thật ra, cũng chỉ là một. Tánh cũng là ‘cái hiểu biết và phân biệt’ của tâm, được huân tập, hiển lộ (hiếu động). So sánh tâm và tánh cũng giống như so sánh nước và sóng. Ta có thể nói tâm như nước (tướng yên lặng) và tánh như sóng (tướng chuyển động). Tướng có khác, nhưng thể không khác. Tâm và tánh là một như nước với sóng là một.

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu tâm có mấy thứ? Trước khi nói về các thứ tâm và tánh, Thầy muốn mở một dấu ngoặc ở đây để nói về phạm vi bài giảng hôm nay. Trong mục đích giúp quý vị tìm hiểu, quán sát cái tâm và tánh thường hiển lộ hàng ngày, trong lúc quý vị tu hành để giải thoát khỏi thất tình lục dục của phàm phu mà bước lên mức độ siêu thoát của hàng Thánh, hàng Phật. Thầy không có ý phân tách cái tâm và tánh như Duy Thức Học.

Thế nên, quý vị hãy tạm rời bỏ những phân tích, giải thích tâm và tánh của Duy Thức. Hôm nay, Thầy chỉ muốn nêu lên sự khác biệt về tâm và tánh giữa phàm phu như chúng ta và hàng Thánh như các bậc đã giác ngộ.

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về hai thứ Tâm: Phàm Tâm và Thánh Tâm. Thế nào gọi là Phàm Tâm và thế nào gọi là Thánh Tâm?

Phàm Tâm có mấy loại? Qua Kinh điển, Thầy phân loại phàm tâm thành ba loại:

1)  Thức Tâm.
2)  Viên Tâm và
3)  Cấu Tâm

1. Thức tâm là gì?

Là cái tâm nương theo sự hiểu biết của tám thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và a lại da thức. Đức Phật gọi cái tâm này là vọng tâm, nghĩa là cái tâm u mê, mờ tối. Có hiểu biết nhưng là cái hiểu biết hư dối. Những hiểu biết của thức, vì có nhân vô minh nên sanh ra chuyện này chuyện khác. Kinh có câu: ‘Vạn pháp duy Thức’. Vì cái hiểu biết của thức là cái hiểu biết bị màn vô minh che lấp, cái hiểu biết bị gió nghiệp chi phối, không hiểu lẽ huyền vi của luật nhân quả và lý duyên sanh, nên tâm nương theo cái hiểu biết si mê đó mà cho là có, là thiệt. Những hành động do thức tâm phát khởi chỉ là những hành động tạo nghiệp, dẫn dắt con người đắm chìm trong đau khổ và phiền não mà lưu chuyển trong sanh tử luân hồi.

2.  Viên tâm:

Viên là con vượn. Viên tâm là tâm hay giao động như con vượn hay nhảy từ cành này qua cành khác, lăng xăng, thay đổi luôn luôn. Sáng quyết định tinh tấn tu hành, chiều lại thối chí sợ lâu, ngại khó. Tuy có tọa thiền, nhưng chỉ tọa được cái thân, còn cái tâm thì khởi nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác, chuyện quá khứ, hình ảnh xa xôi v.v... không lúc nào yên. Niệm Phật mà tâm không gắn liền vào câu niệm Phật, mắt nhìn ngang nhìn dọc. Cái tâm lăng xăng, như con vượn chuyền cành này, là một chướng ngại trong việc tu hành.

Điển hình cho cái tâm lăng xăng này là câu chuyện của Đại Sư Thần Quang cầu đạo. Mặc dầu Thần Quang Đại Sư đã là một vị cao tăng, chân tu và có ý chí dõng mãnh, chịu đứng suốt đêm dưới mưa tuyết và chịu chặt cánh tay để tỏ sự quyết tâm cầu đạo của mình, nhưng vẫn không giữ được cái tâm cho an định. Thế nên, ngay câu đầu tiên xin Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền đạo là xin được truyền phép an tâm. Hiển nhiên, Đại Sư đã có chướng ngại trong việc tu hành vì tâm không an. Chỉ đến khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma bảo Ngài đem cái tâm ra để Tổ an cho, Thần Quang Đại Sư mới đắc đại ngộ và đạo nghiệp mới được khai mở để đưa Ngài lên địa vị Tổ thứ hai của Phật Giáo Đông Độ với pháp hiệu Huệ Khả.

3.  Cấu tâm là gì?

Cấu tâm là cái tâm bị ô nhiễm của phàm phu. Cấu tâm làm cho con người chấp cái thân là thiệt, là thường còn, nên lúc nào cũng lo cho cái thân được hưởng thụ. Cái tâm lúc nào cũng đắm chìm trong ngũ dục: Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Suốt đời chỉ lo cho cái thân vật chất và tạo tác những hành động, lời nói và tư tưởng với mục đích vị kỷ. Chính cái cấu tâm là nguồn gốc của đau khổ và phiền não trong cuộc sống hàng ngày vì bị cái thân đòi hỏi, chi phối, không lúc nào biết đủ.

Tóm lại, cái tâm phàm phu là cái tâm ích kỷ, nhỏ hẹp và gây chướng ngại trong sự tu hành của quý vị. Hàng ngày, chúng ta cứ sống bằng cái tâm phàm phu nên không lúc nào cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát. Mặc dầu quý vị cũng theo đủ các thời khóa lễ, cũng tụng kinh, niệm Phật và tưởng rằng như thế là tu. Quý vị hãy thử tự quán sát xem cái tâm nó có để cho quý vị được yên ổn không? Trước khoá lễ, quý vị có dành đủ thì giờ để chuẩn bị cho thân tâm thanh tịnh không? Trong khoá lễ, quý vị có để cho ý thức dẫn dắt quý vị vào những suy nghĩ mông lung gì khác ngoài việc tụng Kinh không? Mỗi lần xướng hồng danh Phật, quý vị có quán tưởng đến tướng hảo quang minh của chư Phật không? Quý vị có cảm thấy hồi hộp, khó chịu thi thấy câu Kinh mình đọc không hòa được với nhịp mõ không? Quý vị có để ý tới người bên cạnh, đằng trước, đằng sau xem người ta có trang nghiêm giống như mình không? Quý vị có ý định nói cho người ta biết sau khóa lễ không? Sau thời Kinh, quý vị có cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát không?

Những câu hỏi đó đều là những phân tách chướng ngại để quý vị tự quán sát xem mình có nhất tâm chưa? Chỉ có chính quý vị mới tự quán xét và sửa đổi được. Nếu quý vị còn cảm thấy nặng nề, còn suy lường so sánh, còn lo sợ Thầy quở, bạn chê, còn lăng xăng suy nghĩ thì quý vị phải tự lo liệu mà tìm cách sửa đổi cho tâm được nhẹ nhàng thanh thoát. Thầy cũng không sửa giùm quý vị được, bạn cũng không làm giúp quý vị được. Như thế gọi là tu, nghĩa là lúc nào cũng tỉnh thức trong mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ chỉ có tánh chất hướng thượng và viên mãn. Như thế mới gọi là tu.

Bây giờ chúng ta hãy bước qua phần tìm hiểu về cái tâm của các bậc Thánh. Các bậc Thánh ở đây, Thầy muốn nói đến các vị đã đắc được các quả vị A La Hớn, Duyên Giác, Bích Chi và Bồ Tát. Các vị này đã đắc được quả vị Vô Sanh, có cái trí vô lậu; tuy có thể còn mang cái thân phàm phu như chúng ta, nhưng tâm của các ngài, trừ quả vị A La Hớn chủ trương giải thoát phiền não, đã vượt khỏi hệ lụy thế gian, giải quyết sanh tử và an hưởng niết bàn, là cái tâm rộng lớn, lúc nào cũng mang nguyện cứu độ chúng sanh.

Chư vị Bồ Tát vì đại nguyện mà thị hiện xuống thế gian, mượn cái thân phàm phu làm phương tiện hóa độ, mang cuộc đời tu hành tinh tấn của các Ngài, cũng trải qua những chu kỳ sanh, trụ, dị, diệt của định luật thiên nhiên, cũng trải qua những tai kiếp trần gian, làm phương tiện để chỉ cho chúng sanh phương pháp tu hành đạt Thánh quả. Cuộc đời của các Ngài là phương tiện thân giáo, là những bài học, những tấm gương quý báu cho người đời noi theo và để chứng minh lời dạy của Đức Thế Tôn: ‘Trong mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh’ và ‘Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành’.

Cũng như đã nói về phàm tâm, Thầy cũng phân Thánh tâm thành ba loại:

1)  Chí thành tâm.
2)  Thâm tâm và 
3)  Hồi hướng phát nguyện tâm. 

1) Chí thành tâm là thế nào? Người có tâm chí thành là người có cái tâm thành thực, tuyệt đối không bao giờ hư dối trong việc làm, lời nói và tư tưởng. Phàm làm việc gì cũng đem tất cả khả năng của mình để thực hành cho đến viên mãn. Người có tâm chí thành luôn luôn hành động theo chiều hướng: Hướng đi lên, hướng Thánh thiện, hướng đạo đức, hướng giải thoát và hướng xuất thế gian. Trong Kinh có câu: ‘Độ tận chúng sanh, đạo ta mới thành’. Đó là cái Tâm chí thành của chư Thánh, chư Bồ Tát. Trong Kinh Sám Nhật Tụng, quý vị hàng ngày đọc tụng tứ hoằng thệ nguyện:

‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ thệ nguyện học,
Phật đạo vô lượng thệ nguyện thành’.

hoặc lời nguyện của A Nan Tôn Giả trong Kinh Lăng Nghiêm:

‘Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong,
Thước ca ra tâm vô động chuyển’.

Đó là những thí dụ điển hình cho tâm chí thành của các bậc Thánh. Trong cuộc sống hàng ngày của quý vị, nhất nhất mọi hành động, lời nói, tư tưởng đều phải nên thực hiện với cái tâm chí thành đó. Mỗi việc làm, phải đem tất cả khả năng mà làm cho tới khi viên mãn, không để một kẽ hở nào cho người ta còn có thể thấy và phê bình là mình đã làm công việc một cách thiếu thành thực. Nếu công việc mình làm bị phê bình là dở, là không đẹp, là không hay v.v... thì trước hết mình phải có cái thiện chí học hỏi, sau khi đã tận dụng khả năng, để có thể thành tựu tốt đẹp hơn; sau đó là tự khảo sát cái công việc đó có được thực hiện với tất cả sự thành thực của mình hay chưa? Phải nên coi những lời phê bình, chỉ trích như những sự khảo xét trong ‘Tuyển Phật Trường’. Thực hành được một cách viên mãn là quý vị đã chuyển được cái hiểu biết hữu lậu của tiền ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) thành cái hiểu biết (trí hay tâm) vô lậu thành Sở Tác Trí.

2. Thâm tâm: Thâm là sâu sắc. Tâm là cái hiểu biết. Thâm tâm là hiểu biết sâu sắc, hiểu biết đến tận cùng nguồn gốc tự tánh của các pháp và phát khởi lòng tin kiên cố, không lay chuyển.

Chỉ khi nào quý vị biết được tận cùng bản thể của các Pháp, quý vị mới có thể phát khởi được tín tâm hay thâm tâm kiên cố. Thế nào là lòng tin kiên cố? Xưa Mã Tổ có một vị đệ tử là Ngài Hoàng Mai.

Hoàng Mai Đại Sư, một hôm hỏi Mã Tổ: ‘Phật là gì?’.

Mã Tổ đáp: ‘Phật tức tâm’.

Hoàng Mai Đại Sư đại ngộ và từ biệt Thầy, về núi Mai Tử ẩn tu.

Vài năm sau, có một đệ tử khác của Mã Tổ tìm đến viếng Hoàng Mai Đại Sư và hỏi: ‘Đại Sư được pháp gì của Mã Tổ?’

Sư đáp: ‘Phật tức tâm’.

Vị đệ tử nói: ‘Gần đây, Mã Tổ thường dạy ‘Phi tâm phi Phật’, ý Đại Sư thế nào?’.

Sư cười và đáp: ‘Mặc cho ông già nói gì thì nói, Ta chỉ biết một điều Phật tức tâm’.

Người đệ tử về trình lên Mã Tổ. Mã Tổ ha hả cười và nói: ‘Trái mai đã chín’.

Qua câu chuyện trên, cái tín tâm kiên cố là cái thâm tâm của bậc Thánh. Sau khi đã nhận thức được cái bản thể của Pháp và đã phát khởi lòng tin, dù ông Thầy mình có nói khác cũng không thay đổi được thâm tâm của mình.

Khi còn tại thế, Đức Phật không muốn người đời tin lời Ngài một cách nông cạn và vội vàng nên Ngài đã nói: ‘Đừng vội tin những lời Như Lai nói. Hãy đem về suy nghĩ kỹ càng và thực nghiệm trong đời sống. Nếu thấy lời của Như Lai là đúng với sự thật, mang lại hạnh phúc cho mình và cho người, bấy giờ hãy nên tin. Bởi vì các người chỉ có thể tin sâu đậm sau khi đã thực nghiệm với chính bản thân. Sau khi đã có lòng tin, hãy tinh tấn thực hành lời của Như Lai. (Kinh Cho Người Kalamas).

Thâm tâm của các bậc Thánh là căn bản phát khởi tín tâm kiên cố. Tín tâm cũng là một trong ba điều kiện cốt tủy (tín, nguyện, hành) của Tịnh Độ tông. Trong khi tu luyện thâm tâm, quý vị cũng cần quán sát các pháp cho thật thâm sâu và phải phát khởi tín Tâm kiên cố, bất thối chuyển. Chúng ta hãy xem các bậc trí giả đã có thâm tâm kiên cố vào những điều gì?

1) Tin kiên cố rằng Chư Phật ba đời không hề nói dối.

2) Tin vào chánh pháp. Những lời của Đức Thích Ca dạy trong suốt 49 năm giáo hoá chúng sinh là những phương pháp hữu hiệu, thực tiễn nhằm giúp chúng sinh sống một cuộc sống không còn lo sợ, bớt đau khổ, phiền não và hướng dẫn những người xuất gia tu hành tìm lại được cái bản thể thanh tịnh và thoát khỏi Sinh Tử Luân Hồi.

3) Tin Tăng là các bậc chân tu, là những người đem giáo lý của Phật tới ban cho chúng sanh.

4) Tin vào chân lý là Pháp Tứ Diệu Đế, tức là bốn sự thật cao quý.

5) Tin rằng thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, do Đức Thích Ca giới thiệu, là hiện hữu và cầu vãng sanh.

6) Tin vào lý ‘Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ’. Chỉ cần trở về được với chân tâm thì thế giới Cực Lạc hiện tiền.

7) Tin vào tánh bình đẳng và bất biến của luật Nhân Quả, Nghiệp Báo.

8) Tin vào lý Duyên Sanh. Các hiện tượng đều là giả hợp, không có tự tánh cố định. Các pháp hữu lậu đều vô thường.

9) Tin Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất dẫn tới giác Ngộ, Giải Thoát.

10) Tin vào lời dạy của Đức Thích Ca: Mọi người đều sẵn có đầy đủ Phật tánh và khả năng thành Phật.

Trên đây, Thầy chỉ lược kể những đức tin căn bản của các bậc trí. Quý vị tu hành, muốn bước lên hàng Thánh, phải dùng cái Tâm sâu sắc để quán sát và phát khởi lòng tin, thực hành triệt để những điều mình đã tin. Khi đã phát khởi được tín tâm hay thâm tâm là quý vị đã chuyển được cái thức thứ sáu (ý thức) hữu lậu của phàm phu thành cái trí hay cái thâm tâm vô lậu của hàng Thánh giả: Diệu Quán Sát Trí và chuyển thức thứ bảy (Mạt Na Thức) thành Bình Đẳng Tánh Trí.

3. Hồi hướng phát nguyện tâm: Đây là bản hoài của chư Phật ba đời. Trong Kinh Sám Hối Hồng Danh có câu: ‘...Hoặc tu tịnh hạnh, căn lành đã có, tu hạnh bồ đề, căn lành đã có và trí vô thượng, căn lành đã có. Tất cả hợp lại, so sánh trù tính, đều hồi hướng cho quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác. Như các Đức Phật đời quá khứ, hiện tại và vị lai đã làm việc hồi hướng....’ Tâm phát nguyện hồi hướng là tâm của chư Phật ba đời. Đây chính là tư tưởng của đại thừa Phật giáo. Các bậc Thánh, sau khi đã đắc quả vị Thánh, đều phát nguyện hồi hướng để dẫn dắt chúng sinh cùng tu hành để ‘đồng thành Phật đạo’.

Tâm phát nguyện hồi hướng là tâm của bậc Thánh, lúc nào cũng thương xót chúng sanh muôn loài, chỉ nghĩ đến lợi ích của chúng sanh mà thị hiện xuống thế gian để hóa độ muôn loài. Chúng ta hàng ngày đọc tụng Kinh Sám của các Vị Tổ Sư đều thấy cái tâm phát nguyện hồi hướng của chư Tổ. Như trong Sám Quy Mạng của Tổ Qui Sơn, có câu: ‘... nhiên hậu bất xả pháp giới, biến nhập trần lao...’ hoặc trong Sám Khể Thủ của Tổ Vân Thê: ‘...nhiên hậu bất vi an dưỡng, hồi nhập Ta Bà, phân thân vô số...’. Đó là cái tâm phát nguyện hồi hướng của các bậc đã giác ngộ, sau khi đắc đạo, không an trụ nơi thánh vị, thụ hưởng niết bàn mà đều phát nguyện trở lại trần gian cứu vớt chúng sanh.

Đến đây, Thầy đã cùng quý vị khảo sát các loại tâm của phàm phu và tâm của các bậc Thánh. Thầy trích dẫn lời của Đức Phật Thích Ca trong Kinh Pháp Cú về tâm phàm và tâm Thánh để quý vị tư duy thâm nhập, lấy đó làm đề mục mà tiến tu đạo nghiệp:

‘...Tâm kẻ phàm phu thường xao động biến hóa, rất khó chế phục, gìn giữ; nhưng kẻ trí lại chế phục tâm mình, làm cho chánh trực một cách dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên’ (câu 33).

‘...Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục, biến hóa u ẩn, khó thấy, nhưng người trí lại thường phòng hộ tâm mình, và được yên vui, nhờ sự phòng hộ ấy’ (câu 36).

‘...Người Tâm không an định, không hiểu biết chánh pháp, không tín tâm kiên cố, thì không thể thành tựu trí huệ cao siêu’ (câu 38).

‘...Thân này thật là ngắn ngủi! Nó sẽ ngủ một giấc ngủ dài dưới ba thước đất, vô ý thức, bị vất bỏ như khúc cây khô vô dụng’ (câu 41). 

Bây giờ, nói về tánh (Cetadika). Củng như nói về tâm, Thầy cũng sẽ nói về hai loại tánh: Phàm tánh và Thánh tánh. Trong Phàm tánh cũng có ba loại:

A) Chúng sanh tánh.

B) Dục tánh và

C) Ác tánh.

A)  Chúng Sanh Tánh:

Là những tánh thường có của phàm phu. Đó là tánh tham lam, tánh sân hận, tánh si mê, tánh cống cao ngã mạn, tánh nghi ngờ và những nhận thức mê lầm, gọi chung là ác kiến. Trong Duy Thức Học gọi các tánh này là 6 món căn bản phiền não. Chúng ta hãy lần lượt nghiên cứu về 6 cái chúng sanh tánh sau đây:

1) Tham lam: Người có tánh tham lam thường thích chiếm hữu. Thấy cái gì đẹp, cái gì hay của người khác, dù có cần tới hay không, cũng muốn có, cũng muốn chiếm hữu và không bao giờ muốn chia xẻ cho ai những vật dụng thuộc về mình. Con người sinh ra, hầu như ai cũng có tánh này. Vì đã sanh ra bởi nghiệp và tánh tham lam là cái tánh tạo nghiệp nên cứ bị nghiệp dẫn dắt trong sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát khỏi nếu không sớm biết tu sửa. Trong bốn tánh tội, sát, đạo, dâm, vọng đều từ cái tánh tham lam mà phát khởi. Vì là tánh tội nên rất khó diệt trừ. Tánh tham lam xuất hiện dưới nhiều hình thức từ thô đến tế. Thô như tính trộm cắp, tế như tánh tham danh, tham lợi, tham sắc v.v...

Người tham lam luôn luôn đau khổ, phiền não vì không bao giờ bằng lòng với những thứ họ đã có và luôn luôn bày mưu tính kế để chiếm đoạt cho được những vật của người khác mà họ ưa thích. Họ đau khổ vì lúc nào cũng cảm thấy thèm khát, thiếu thốn. Tục ngữ có câu: ‘Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy’. Cũng chỉ vì tánh tham lam, thích chiếm hữu mà thế giới ngày nay đã xảy ra bao nhiêu cuộc chiến tranh xâm lăng hay nội chiến, tàn sát sinh mạng nhân loại. Người tu hành có tánh tham lam thì không bao giờ chịu nhường nhịn, rất khó mà thực hiện tinh thần lục hòa trong Tăng chúng.

2) Sân hận: Sân là nóng nảy. Người có tánh nóng nảy thường gây thù chuốc oán. Gặp việc trái ý là phát khởi tâm bực tức, nóng nảy và hành động không cần suy nghĩ đến hậu quả hay nghĩ đến quyền lợi của người khác. Nguy hiểm hơn nữa là tánh nóng nảy (sân) có thể dẫn đến lòng thù hận, sẵn sàng hại đến sinh mạng của người khác. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: ‘Nhứt niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai’ nghĩa là một niệm lòng giận nổi lên, thì trăm ngàn cửa chướng ngại được mở ra. Người tu hành mà không diệt trừ được tánh sân hận, không thể nào đạt được đạo.

Trong chuyện nhà Phật có thuật lại một câu chuyện của một nhà tu hành khổ hạnh, rất chăm chỉ là ông Uất Đầu Lam Phất. Trong khi ông tu khổ hạnh trong rừng, nhưng thường bị những con quạ đến đậu trên ngọn cây, nơi ông ngồi tọa thiền, mà kêu réo om sòm, khiến ông không thể nào định tâm được. Ông nổi giận mà phát lời nguyền khi đắc đạo sẽ dùng thần thông để bắt giết những con quạ đã làm phiền ông. Vì giận dữ mà phát lời nguyền như thế nên ông không đạt được quả giải thoát mà còn bị đọa làm súc sinh thành con phi ly (chồn biết bay, để đuổi bắt loài quạ). Kinh khác cũng nói: ‘Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn’ nghĩa là, một đốm lửa sân có thể đốt cháy hàng vạn núi công đức. 

3) Si mê: Si là mờ tối, mê là u mê. Trong nhà Phật còn gọi si mê là vô minh (không sáng suốt). Si mê, theo quan điểm của Phật giáo, không phải là người không có học hành, không có kiến thức; mà si mê là chỉ người không có trí tuệ giác ngộ.

Người si mê là người thiếu óc phán đoán và luôn luôn ích kỷ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ta và của ta. Ngoài đời, tánh si mê khiến cho người ta có những hành động mờ ám, không biết tôn trọng người sống cùng trong một đoàn thể, cộng đồng xã hội và là động lực thúc đẩy tánh tham và sân.

Trong ba tánh tham, sân si thì tánh si mê được coi là quan trọng nhất, độc hại nhất. Kinh văn có câu: ‘Bất úy tham, sân khởi, duy khủng tự giác trì’ nghĩa là, không sợ tánh tham và sân nổi lên mà chỉ e giác ngộ chậm trễ. Nếu con người sớm tỉnh thức (tự giác), thì tánh tham lam và sân hận không có cơ hội phát triển. Sự thiếu hiểu biết và ích kỷ dẫn dắt người đời đến những hành động phạm pháp.

Đức Phật nói: "Vô minh thúc đẩy con người tạo nghiệp chất chồng mà kết quả là bị đọa vào ba đường ác, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục". Người tu hành có tánh si mê là người không biết học hỏi nơi Thầy giỏi, bạn tốt; không hiểu biết rõ ràng về luật Nhân Quả và lý Nghiệp Báo, căn cơ ám độn. Nhà Phật gọi tham, sân si là ba thứ độc hại, cần phải diệt trừ tận gốc mới có hy vọng viên thành đạo quả, chỉ khi nào diệt trừ được ba chúng sanh tánh gây nên chướng ngại này ta mới có thể khai mở trí tuệ và chân tâm sáng suốt mới hiển lộ được.

Người tu theo đạo Phật, dầu Tăng hay Tục, cũng cần luôn luôn ghi nhớ rằng trong con người mình, lúc nào cũng mang pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật. Không hiểu được ông Phật trong mình, sẽ đưa chúng ta vào mê tín, hạ thấp giá trị của Phật Tánh và tỏ lòng bất kính đối với bậc Đại Giác Ngộ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta phải cố gắng học hỏi để thoát khỏi cái màn vô minh đang bao trùm cái linh tánh Phật của mình.

4) Cống cao ngã mạn: Cống cao ngã mạn là tánh kiêu căng, tự cao, tự đại, tự cho mình hơn người mà sanh lòng khinh rẻ những người kém may mắn, kém hiểu biết, yếu ớt hơn mình. Đối với những người tài giỏi hơn mình, giàu có hơn mình, quyền thế hơn mình thì đem lòng sợ sệt và luôn luôn tìm cách bươi móc những cái xấu của người ta ra để tỏ ra rằng mình vẫn hơn người. Những người có tánh cống cao ngã mạn thường không chịu học hỏi thêm những điều hay và luôn luôn chấp cái ta và cái của ta là thiệt, là mới đáng quý, đáng trọng ; còn người khác và của người khác đều là giả, là hào nháng bề ngoài.

Cũng vì cái Ta mà thường hay lén lút bợ đỡ người trên và lấn lướt kẻ dưới, hoặc vì tánh kiêu căng mà gây ra những cuộc tranh chấp đến máu đổ, thịt rơi, vẫn chưa vừa lòng. Người tu hành có tánh cống cao ngã mạn không bao giờ chịu học hỏi từ những người bạn lành đồng tu vì trong thâm tâm, không bao giờ cho ý kiến của người khác là điều đáng học hỏi. Đó là một chướng ngại rất lớn trong sự tinh tấn tiến tu đạo nghiệp. Những người tu hành này rất dễ vì danh và lợi mà thoái tâm tu hành. 

5) Nghi ngờ: Nghi ngờ là không bao giờ tin tưởng vào sự việc gì hay bất cứ ai, kể cả chính mình. Ngoài đời, người có tánh nghi ngờ, thường gọi là tánh đa nghi, là người không thể thành tựu việc lớn. Thí dụ như một vị Lãnh Tụ có tánh nghi ngờ thường không có người phụ tá giỏi vì ông luôn luôn lo sợ người ta sẽ phản mình hay mưu đồ tranh đoạt quyền lợi, địa vị của mình. Trong đạo, người có tánh nghi ngờ thường thiếu quyết tâm tu hành, mau chán và thường thay đổi ý kiến trong vấn đề lựa chọn pháp môn tu hợp với căn cơ của mình. Tánh nghi ngờ thường biểu lộ dưới ba hình thức:

a) Nghi mình: Tánh nghi ngờ phát sanh lòng e ngại khó khăn vì nghi ngờ chính khả năng của mình. Không bao giờ tin tưởng rằng mình đủ kiên nhẫn để tu tập cho đến khi thành tựu. Nghe nói pháp môn nào hay, pháp môn nào dễ là theo ngay, nhưng chỉ một thời gian sau, không lâu, vì không thấy kết quả như ý mình mong muốn, liền cho là không thích hợp với khả năng của mình, lại bắt đầu đi tìm kiếm pháp môn khác. Cứ như thế nên không khi nào đạt được cái gì.

b) Nghi người: Vì tánh đa nghi nên không tin người nào, dù là Thầy hay bạn, hết lòng chỉ vẽ cho mình. Vì không chịu kiên nhẫn nên khi chưa đạt được kết quả gì liền nghĩ ngay rằng Thầy hay bạn còn điều gì giấu mình.

c) Nghi pháp: Khi thấy người hay làm ác lại giàu có sang trọng, bèn nghi ngờ luật Nhân Quả không đúng, dẫn dắt đến sự thối tâm học đạo. Nhiều khi còn tệ hại hơn nữa là quay lại chê bai hủy báng đạo pháp và người hành trì đạo pháp.

Tóm lại, người tu hành có tánh nghi ngờ, không thể có thành tựu viên mãn vì thiếu lòng tin. 

6) Ác kiến: Chữ ác ở đây không có nghĩa đồng như ác độc mà chỉ có nghĩa là những nhận thức (ý kiến) sai lầm về những sự vật, hiện tượng. Ác kiến gồm có 5 loại nhận thức sai lầm:

a) Thân kiến: Nhận thức rằng cái thân này là thiệt, không hiểu biết về lý duyên sanh, nên lúc nào cũng chỉ lo cho cái thân được đầy đủ, no ấm. Sự sai lầm thân kiến khiến người ta sanh lòng tham lam và ích kỷ.

b) Biên kiến: Nhận thức một bên, một chiều: Hoặc có nhận thức rằng kiếp người là thường còn, chết đi thì lại tái sanh làm người trở lại trong kiếp sau, nên không cần sớm tu hành, kiếp nào muốn thành Phật, lúc đó tu hành cũng chưa muộn. Nhận thức này, nhà Phật gọi là thường kiến của ngoại đạo. Hoặc có người nhận thức ngược lại rằng, chỉ có một đời, không có tái sanh, chết rồi là hết, thật sự không còn gì. Vì chấp như vậy nên cho rằng tu hành là vô ích. Sống đời này thì chỉ biết đời nay nên luôn luôn chạy theo những dục vọng, hưởng những tiện nghi, lợi dưỡng vì e sợ chết rồi thì không còn hưởng thụ được nữa. Nhận thức này, nhà Phật gọi là đoạn kiến của ngoại đạo.

c) Kiến thủ: Người có tánh này lúc nào cũng bo bo bảo vệ ý kiến của mình, không chịu sửa đổi, dù thấy ý kiến người khác cũng có lý, nhưng lại thấy ý kiến của mình thích hợp hơn.

d) Giới cấm thủ: Người có tánh này người đời gọi là cố chấp hay mê tín vì lúc nào cũng chấp vào những giới cấm của ngoại đạo một cách máy móc, cuồng nhiệt, dù giới cấm đó có làm tổn thương đến sinh mạng của chúng sanh khác. Thí dụ như tục lệ giết trâu bò, gà vịt, thậm chí giết cả người để cúng tế thần linh.

e) Tà kiến: Người có tà kiến thường tin theo thần, quỷ và tin tuởng thần quỷ có thể làm cho mình trở nên giàu có, hạnh phúc, yên ổn.

Tóm lại, chúnh sanh tánh, như Thầy vừa phân tách, là những tánh xấu, tánh bất thiện, thường có của người phàm phu. Chúng ta là người tu hành, đi tìm một con đường sống thánh thiện với mục đích cao cả hơn thì phải dần dần xa lánh những tánh đó cho đến khi diệt trừ hẳn những chúng sanh tánh để bước sang lối sống của bậc Thánh nhân, bậc Giác Ngộ và liễu sanh thoát tử. 

B) Dục Tánh:

Như quý vị học đạo đều đã biết: Thế giới Ta Bà của Đức Phật Thích Ca hay nói cách khác là trong cái vũ trụ hay thế giới mà chúng ta đang sống, được phân ra làm ba cõi: Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc.

Đức Phật Thích Ca là giáo chủ của thế giới Ta Bà, cũng như Đức Phật A Di Đà là giáo chủ của thế giới Cực Lạc. Mỗi thế giới đều có nhân dân. Theo giáo lý của Đức Thích Ca, thế giới Ta Bà là thế giới nhiều uế trược hơn cả, và trong thế giới này thì cõi Dục là cõi xấu xa nhất. Nhân dân trong cõi này nhiễm nhiều tội lỗi nên Ngài rất thương xót, phải thị hiện xuống để hóa độ, cứu vớt.

Dục là tánh ham muốn và mọi người hay chúng sanh thường sống theo dục tánh tầm thường và ích kỷ. Tuy nhiên, nhờ sự giáo hoá của Đức Thích Ca, trong thời này dù được gọi là thời kỳ Mạt Pháp, cũng có các vị Thánh đã thoát vòng sanh tử, nhưng vì lời đại nguyện thương xót chúng sanh trong khi tu hành mà hồi nhập trở lại để cứu vớt, hóa độ. Cũng có các vị tu hành đắc đạo mà chúng ta thường gọi là Thánh Tăng và cũng có các vị đang tu hành, gieo trồng nhân lành giải thoát, đoạn trừ nghiệp chướng, như quý vị đây, hy vọng một ngày trong hiện đời sẽ thành tựu đạo quả, tuy còn mang thân phàm phu nhưng tâm tánh là tâm tánh của Thánh nhân. Vì vậy, cõi Dục này được gọi là Cõi Phàm Thánh đồng cư.

Trong phạm vi phân tách các dục tánh, Thầy muốn nói đến những tâm tánh phàm nhân, chỉ biết sống theo ngũ dục lạc tầm thường, thấp hèn và ích kỷ. Ngũ dục lạc là năm cái vui của tánh ham muốn, gồm có: Tài là tiền bạc. Sắc là vẻ đẹp. Danh là tiếng tăm. Thực là sự ăn uống và Thùy là sự ngủ nghỉ.

Con người phàm phu chỉ nhìn thấy cái vui vẻ và hạnh phúc trong năm cái ham muốn đó, mà không biết rằng, những cái vui vẻ đó chỉ là giả tạo và không lâu bền. Dù có đạt được trong chốc lát cũng cảm thấy khoái lạc và tưởng rằng hay muốn tưởng rằng những khoái lạc đó sẽ là vĩnh viễn. Vì thế nên người ta lúc nào cũng cố gắng tìm kiếm cho được cái khoái lạc đó và không bao giờ biết đầy đủ và như ý.

Khi gặp hoàn cảnh không như ý thì cái khoái lạc đó liền biến thành cái đau khổ. Thí dụ như có người ham muốn cái vui của tài (tiền bạc); nhưng giàu có đến thế nào đi nữa, khi nhìn chung quanh lại vẫn thấy có người giàu có hơn mình và bắt đầu phiền não, khởi tâm ganh ghét rồi suốt đời lo mưu tính kế làm sao cho mình kiếm ra cho được nhiều tiền hơn mới chịu. Cứ thế, dù có kiếm được hơn lại vẫn thấy mình chưa phải là giàu có nhất, không bao giờ ngừng được cái tánh ham muốn về tiền bạc. Các tánh ham muốn khác như ham muốn sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ cũng đem lại những phiền não, ganh ghét người khác như vậy.

Nhà trước tác Ngô Thừa Ân bên Trung Hoa, khi viết bộ tiểu thuyết nổi tiếng, được xếp vào hạng một trong Ngũ Tài Tử của Văn Học Trung Hoa, là bộ truyện Tây Du Ký, tiểu thuyết hóa giáo lý nhà Phật và những gian truân của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang đời nhà Đường đi thỉnh Kinh Phật bên Thiên Trúc (Ấn Độ). Nhân vật lịch sử chính là Ngài Huyền Trang và những nỗi khổ nhọc, nguy hiểm trên bước đường đi thỉnh Kinh là chuyện thật, nhưng những vai trò của Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sa Tăng và con Long Mã là những vai trò được đặt ra để làm điển hình cho những tâm tánh phàm phu của Ngài Huyền Trang khi chưa đắc đạo.

Để diễn tả cái ngũ dục tánh của phàm nhân, Ngô Thừa Ân đã đặt ra đoạn truyện Tôn Ngộ Không đấu phép với Đức Phật. Đức Phật xòe bàn tay và thách đố Tôn Ngộ Không nhảy ra khỏi bàn tay của Ngài. Tôn Ngộ Không cậy mình có phép cưỡi mây (cân đẩu vân), nhảy một cái có thể xa cả ngàn vạn dậm nên nhận lời thách đố của Đức Phật. Đức Phật dùng thần thông làm bàn tay lớn ra rồi mời Tôn Ngộ Không nhảy lên. Khi nhảy lên bàn tay, Tôn Ngộ Không chỉ nhìn thấy một vùng trời đất bao la, khói mây mù mịt. Tôn Ngộ Không dùng phép Cân Đẩu Vân nhảy vài cái và tới một vùng hoang vu vắng vẻ, chỉ có năm ngọn núi cao vút tận trời xanh. Tin chắc mình đã nhảy khỏi bàn tay của Đức Phật từ lâu, nhưng sợ khi trở về nói cho Đức Phật biết thì không có bằng chứng, bèn làm dấu bằng cách tiểu tiện vào một gốc cây dưới chân một ngọn núi; rồi nhảy trở về.

Sau khi Đức Phật thâu phép lại thì Tôn Ngộ Không thấy mình đứng trước Đức Phật, bèn nói về chỗ mình đã nhảy tới và đã làm dấu rồi thách thức Đức Phật theo mình tới chỗ đó. Đức Phật mỉm cười, xoè bàn tay và bảo Tôn Ngộ Không lại ngửi một ngón tay của Ngài xem có nhận ra dấu tích mình đã để lại không? Tôn Ngộ Không ngửi lại bàn tay của Phật và nhận ra mùi nước tiểu của mình. Lúc đó mới biết là mình chưa ra khỏi bàn tay của Phật...

Trong đoạn truyện này, tác giả Ngô Thừa Ân đã dùng nhân vật Tôn Ngộ Không làm điển hình cho cái tánh chúng sanh, ngông cuồng, ngạo mạn, vọng tưởng. Năm ngón tay của Phật tượng trưng cho ngũ dục lạc của thế gian, bàn tay của Phật tượng trưng cho lòng ham muốn nơi cõi Dục. Con người còn bám víu vào cõi Dục thì dù có tài năng đến mấy mà thiếu sự sáng suốt của trí tuệ, cũng không có cách gì thoát khỏi cái thiên la địa võng, trùng trùng điệp điệp của ngũ dục lạc. Người xuất gia như chúng ta phải làm cách nào dùng cái trí tuệ, linh tánh sáng suốt mà vượt qua được cái dục tánh của phàm phu thì mới hy vọng đạt thành Đạo quả.

4) Ác tánh:

Ác tánh là loại Phàm tánh thứ ba. Ác tánh là 10 cái tánh tội hay tánh bất thiện của phàm phu tạo ra bằng hành động (thân nghiệp), lời nói (khẩu nghiệp) và ý nghĩ (ý nghiệp). Gồm có:

1) Tánh hay sát hại sinh mạng của chúng sanh hữu tình khác.

2) Tánh hay trộm cắp, tham lam chiếm hữu vật không phải của mình.

3) Tánh hay làm chuyện tà dâm, đồi phong bại tục.

4) Tánh hay nói dối để che giấu lầm lỗi của mình hay để làm lợi ích cho mình.

5) Tánh hay nói thêu dệt để gây chia rẽ người khác.

6) Tánh hay nói hai chiều để hại người, lợi mình.

7) Tánh hay nói những lời hung ác để nhục mạ người khác.

8) Tánh tham lam, lấn lướt, cái gì cũng ham có.

9) Tánh nóng nảy, ưa giận dữ, mua thù chuốc oán.

10) Tánh mê muội, không chịu học hỏi và không tin Chánh Pháp.

Người tu hành phải biết chuyển những ác tánh của phàm phu thành những thiện tánh mà Thầy sẽ đề cập tới trong phần giải thích về Thánh tánh sau đây.

Cũng như đã phân loại Phàm tánh, Thánh tánh cũng được phân thành 3 loại:

1)  Thiện tánh.
2)  Đức tánh và
3)  Giác tánh. 

1.  Thiện Tánh: Thiện tánh là tánh lành, ngược lại với 10 ác tánh của phàm phu mà Thầy vừa nói ở trên, nghĩa là:

a) Không sát sanh
b) Không trộm cắp.
c) Không tà dâm.
d) Không nói dối.
e) Không nói lời thêu dệt.
f) Không nói đôi chiều.
g) Không nói lời hung ác.
h) Không tham lam.
i) Không sân hận và
j) Không mê lầm chánh pháp.

Mười tánh thiện này, trong nhà Phật gọi là Thập Thiện Nghiệp và là một pháp môn tu căn bản để tiến lên quả vị Tam Thặng (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát). Người tu pháp môn Thập Thiện, theo tư tưởng Đại Thừa, không những tự mình phải chuyển ác tánh thành thiện tánh mà còn phải tiến xa hơn một bậc nữa là tìm cách ngăn ngừa, khuyên bảo người khác đừng làm điều ác và đừng để cho cho điều ác được có cơ hội phát triển.

Kinh Thập Thiện Nghiệp nói người tu pháp môn thập thiện sẽ được nhiều pháp lành như không lo sợ (vô úy đức), sáu căn mắt, tai mũi, lưỡi, thân và ý được đầy đủ, vẹn toàn, linh hoạt, trí tuệ được thù thắng, và Trời, người tôn kính. Mọi người tín cẩn, kính trọng, và nhiều phước báu, mặc dầu không cầu. Tâm tánh nhu hoà, phước trí tăng trưởng. Vì lẽ đó, người ta nói Thập Thiện là cội gốc của tất cả các pháp lành thế gian và xuất thế gian.

2. Đức tánh: Đức tánh là những tánh thiện lành giúp cho người tu hành tích tụ phước báu, thí dụ như tánh từ bi, tánh nhẫn nhục, tánh lợi tha (bố thí), tánh hỷ xả. Phát triển Đức tánh là phát triển đời sống vị tha, hướng thượng và đạo đức. Người tu hành biết phát triển đức tánh chắc chắn sẽ không bị đọa vào ba đường dữ là súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục, mà sẽ được sinh về cõi trời, người để tiếp tục trưởng dưỡng căn lành tiến lên quả vị xuất thế gian. 

3. Giác tánh: Giác Tánh là những đức tánh nhờ giác ngộ mà được phát triển và giúp cho người tu hành tăng trưởng trí tuệ. Muốn trở thành Thánh nhân hay đạt Thánh vị, chúng ta phải có công năng tích tụ đầy đủ phước và huệ. Đức Phật Thích Ca thành Phật vì Ngài có phước và huệ vẹn toàn vì vậy mà được tôn xưng là bậc Lưỡng Túc Tôn. Giác tánh là những tánh lành như trí tuệ, tinh tấn, bình đẳng, kiên trì, thanh tịnh v.v...

Tóm lại, tu tâm dưỡng tánh để làm gì? Người phàm phu cũng cần tu tâm dưỡng tánh để trở nên một người đạo đức, được người đời kính trọng và gieo trồng nhân lành để đời sau được tái sanh làm người hay làm bậc cao quý nơi cõi Trời. Tuy chưa thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi nhưng sẽ không bị đọa vào ba đường dữ, mới có thể tiếp tục tu dưỡng. Người xuất gia lấy lý tưởng giải thoát sanh tử làm cứu cánh, càng phải chú trọng và tích cực tu tâm dưỡng tánh hơn để thành tựu những nấc thang căn bản hầu giải tỏa nghiệp chướng và giải tỏa sanh tử luân hồi. Vậy tu tâm dưỡng tánh như thế nào? Có 3 giai đoạn cần tinh tấn thực hành:

1.  Chuyển lục căn: Người tu Phật phải biết chuyển mắt, tai, mũi, luỡi, thân và nhất là ý thành những căn thanh tịnh. Mắt tránh nhìn những hình ảnh xấu xa, tai không tìm nghe những âm thanh khêu gợi dục vọng, mũi không ngửi những hương thơm giả tạo hấp dẫn của thế gian, lưỡi không nếm những vị ngon ngọt, nồng nặc, thân không xúc chạm những vật êm ái và ý không tán loạn vì vọng tưởng. Nuôi dưỡng các căn lành cho sự hiểu biết của các thức được trong sạch và hướng thượng hầu chuyển các thức thành trí tuệ vô lậu.

2. Diệt lục trần: Trần hay cảnh là những hiện tượng thường làm ô nhiễm và phát khởi ác tánh, vọng tâm. Diệt lục trần không phải là phá hủy hết những hiện tượng bên ngoài vì không ai có khả năng làm được việc đó. Trần và cảnh là những hiện tượng tự nhiên hay thiên nhiên. Diệt ở đây có nghĩa là thu liễm lục căn đừng để cho lục thức hay Tâm chạy theo hoặc tham luyến nơi trần và cảnh. Trong Kinh Udana, Đức Phật dạy về sự thu liễm lục căn và diệt lục trần như sau:

‘Người kia đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi, đã thanh lọc ô nhiễm, thu phục lục căn, thông suốt các pháp học và đã chơn chánh sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là Thánh nhơn. Đối với người ấy không còn có sự bồng bột, dầu ở nơi nào trên thế gian. Đối với hạng người biết tri túc, người đã nghe đến chơn lý và đã thấy, thì sống ẩn dật là hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, người biết thu thúc, đối với mọi chúng sanh, là hạnh phúc. Không luyến ái, vượt lên khỏi dục vọng là hạnh phúc. Phá được cái ‘ngã chấp’ quả thật là hạnh phúc tối thượng’. (Trích Đức Phật và Phật pháp). 

Pháp môn tu căn bản và hữu hiệu nhất để diệt lục trần là pháp tu Tứ Niệm Xứ, gồm có:

· Quán thân bất tịnh,
· Quán thọ thị khổ,
· Quán tâm vô thường,
· Quán pháp vô ngã.

3. Hành Lục Độ: Diệt lục trần là hành động căn bản và tiêu cực. Hành lục độ là hành động mạnh mẽ và tích cực hơn để người tu hành vượt khỏi các pháp thế gian mà nhập vào dòng Thánh (siêu phàm nhập thánh). Lục độ gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Người tu hành phải thực hành từng giây, từng phút những phép tu này và nuôi dưỡng sự thực hành cho đến khi hành động thực tập trở thành giác tánh. Làm mà không còn thấy mình làm, đắc mà không thấy có gì để đắc, mới gọi là tiến tới mức độ Ba La Mật tức là ‘đáo bỉ ngạn’. Lúc đó không còn có thể trở thành cái gì khác hơn là... Phật.

Chư Phật, từ vô thỉ, trải qua nhiều a tăng kỳ kiếp, ra vào sáu nẻo để hoá độ chúng sinh; mang thân phàm phu mà không biết nhàm chán sự tinh tấn tu hành, đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chư Tổ chuyển lục thức, diệt lục trần, tu Phật tâm, dưỡng Thánh tánh mà đạt đạo; chúng ta cũng có linh tánh đồng như chư Phật, chư Tổ, nay vẫn còn là hạng phàm phu chỉ vì mê ngộ không đồng mà thôi.

Tổ Quy Sơn dạy: ‘Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy....’ nghĩa là ‘vì Nghiệp mà phải mang cái thân này, chưa ai thoát khỏi cái lụy của hình hài...’. Chúng ta, từ lâu đời nhiều kiếp, không nhận ra cái thiện căn, thiện tánh của chúng ta để nuôi dưỡng nên cứ phải mang cái hình hài từ tinh cha, huyết mẹ ô uế mà làm phàm nhân; không thể trở về được với cái bản thể uyên nguyên đồng như chư Phật. Trong nhân gian có câu:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa,
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

(Kiều Nguyễn Du)

Lời tuy mộc mạc nhưng ý thật là siêu thoát và hợp lý đạo; nhắc nhở đến Phật tâm, Thánh tánh lúc nào cũng ở trong ta. Người mê muội mới oán trách ông Trời đã sanh ra ta để phải chịu những thống khổ của cuộc đời. Người tỉnh thức biết cái giá trị của tâm, của bản thể chân như.

Quý vị Tăng Ni, Phật tử:

Trong hơn một tiếng đồng hồ, Thầy đã giảng giải, phân tách, chỉ bày cho quý vị Tâm là gì? Tánh là gì? Phàm tâm, phàm tánh khác với Thánh tâm, Thánh tánh ra sao? Chúng ta, hàng ngày tu tập, phải tinh tấn sáng suốt tư duy để nhận ra tâm tánh của mình mới có thể tu, mới có thể dưỡng được. Tu Tâm Dưỡng Tánh là làm sao cho mỗi ngày có sự tiến bộ trong đời sống cá nhân, có sự nhu hòa trong đời sống cộng đồng và sau cùng là tiến tới chỗ tâm tánh trở nên nhất như, nghĩa là không còn có phân biệt người và ta.

Tục ngữ nước ta có câu: ‘Thương người như thể thương thân’ chính là chỗ tâm tánh nhất như vậy. Đối với vọng tình, vọng tưởng thế gian, ta vẫn giữ được cái tâm thanh tịnh, không bị ô nhiễm và tham luyến. Kinh nói: ‘Nhất tâm bất sinh, vạn pháp câu tức’ có nghĩa là khi cái tâm tánh được tu dưỡng đến mức trở về được cái bản thể thanh tịnh, không khởi một niệm dầu thiện dầu ác thì các pháp (vọng tâm) lập tức chấm dứt. Lúc đó, quý vị có thể ngang nhiên tuyên bố như Đức Phật đã tuyên bố:

‘Này hỡi người thợ làm nhà (dụ cho ái dục, cái nhà là dụ cho thân thể), Như Lai đã tìm được ngươi (nhận ra được tự tánh của ái dục để tận diệt). Từ đây, ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa (không còn thọ nghiệp sanh tử luân hồi).

Kết luận cho thời pháp hôm nay, Thầy để lại cho quý vị mấy câu thơ để quý vị tư duy và dùng làm kim chỉ nam trong việc Tu Tâm Dưỡng Tánh:

Tu tâm dưỡng tánh chuyên cần,
Đắc thành đạo quả là phần tự nhiên,
Tâm như nước chảy từ nguồn,
Tánh như sóng bủa theo luồng bát phong,
Tâm phàm luân chuyển long đong,
Tánh phàm tám thức khó mong xuất trần.
Tâm Phật giác ngộ toàn phần,
Tánh Phật rộng lớn trong ngần lợi tha,
Tâm tánh lên xuống một nhà,
Tâm chánh là Phật, tánh tà là ma.

Thầy mong quý vị tinh tấn tối đa.  Nam Mô Độ Nhân Sư Bồ Tát Ma Ha Tát



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tu Tâm Và Dưỡng Tánh

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Giáo Khoa Phật Học - Cấp Ba, Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
2.    Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai, Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
3.    Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một, Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
4.    Giáo Trình Phật Học, Chan Khoon San | Lê Kim Kha, Việt Dịch
5.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 1, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
6.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 2, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
7.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 3, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
8.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 4, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
9.    Phật Học Cho Trẻ Em, Cư Sĩ Hoàng Phước Đại, Việt Dịch
10.    Phật Học Cơ Bản, Nhiều Tác Giả
11.    Phật Học Dị Giải, Cổ Phong Trăn | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
12.    Phật Học Phổ Thông Toàn Tập, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
13.    Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần
14.    Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
15.    Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
16.    Phật Học Trung Đẳng Tập 1, Đại Sư Thái Hư | Nguyễn Khuê, Việt Dịch
17.    Phật Học Trung Đẳng Tập 2, Đại Sư Thái Hư | Nguyễn Khuê, Việt Dịch
18.    Phật Học Vấn Đáp, Pháp Sư Sướng Hoài | Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Việt Dịch
19.    Phật Học Vấn Đáp, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Thượng Tọa Thích Đức Trí, Việt Dịch
20.    Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch