Trong cuộc sống ai cũng mong muốn gặp được quý nhân, mong có được quý nhân giúp đỡ. Tuy nhiên có những người sau khi được giúp đỡ lại cho rằng đó là lẽ đương nhiên, thậm chí còn oán hận đối phương “bạn chỉ giúp một chút như vậy chưa đủ, nên tiếp tục giúp tôi mới đúng!” lại có người thấy quý nhân trước mặt nhưng không phát hiện, thậm chí còn mắng “quý nhân” của mình là kẻ lắm điều, thích xen vào việc của người khác.
Người Trung Quốc thường dùng câu “chó cắn Lã Động Tân, không nhận ra được người tốt” để chỉ những hạng người này. Lã Động Tân là người tốt, ông lấy thức ăn cho chó, kết quả con chó đó không những không biết cảm kích, lại còn cắn ông.
Trong xã hội những việc tương tự như vậy rất nhiều. Bạn giúp người khác không những họ không biết ơn, thậm chí còn trách bạn nhiều chuyện, những người như thế dù bạn có đối tốt với họ thế nào họ cũng không những không vừa lòng, có lúc còn quay ngược lại lấy oán báo ân. Gặp những trường hợp như thế sẽ làm cho chúng ta dao động, khó giữ bình tĩnh, nhưng nếu nói xảy đến thì chúng ta nên làm thế nào?
Có một vị cư sỹ nói với tôi: “Người tốt khó làm, cửa thiện khó mở. Vì vậy, nên làm người tốt nhỏ bé, không nên làm người tốt vĩ đại; cần làm những việc tốt nho nhỏ, không nên làm việc tốt lớn; nên mở cánh cửa thiện nhỏ bé, không nên mở cánh của thiện to lớn”.
Tôi hỏi nguyên do tại sao? Anh ta nói: “Khi một người đói khát, bạn cho họ nửa cân gạo để giúp họ vượt qua cơn đói khát, đáng lí họ sẽ cảm ơn anh mới phải. Nhưng nếu bạn nuôi họ, ngày nào cũng lo cơm nước, đến khi bạn có việc cần họ giúp đỡ, sẽ gây cho họ sự phản cảm, lúc đó anh ta sẽ nói “có việc gì to tát, tôi chỉ ăn một vài bát cơm nhà anh, anh lại biến tôi thành cái gì đây?” Dần dần sẽ xuất hiện những mâu thuẫn trong tâm lý họ, xung đột sẽ xảy ra.” Câu nói của vị cư sỹ xem ra rất có ý nghĩa, rất đúng, nhưng thực chất không hoàn toàn chính xác.
Ví dụ, nếu có người biết Pháp Cổ Sơn đang làm từ thiện họ sẽ lũ lượt kéo đến trước cửa, hi vọng chúng tôi sẽ cho họ tiền của, vật chất, nếu cảm thấy chúng tôi không cung cấp đủ sẽ lên tiếng mắng chúng tôi: “Cửa Phật nên đại từ đại bi, tại sao các ngài lại không từ bi?” Có người cho rằng nếu chúng tôi không làm từ thiện, sẽ không có ai biết, cũng sẽ không có ai đến trách mắng hay cầu xin chúng tôi.
Giữa người với người cần phải cùng nhau hợp tác giúp đỡ, khi mình có tiền của, tài sản, năng lực cần cố gắng giúp đỡ người khác. Việc họ có coi bạn là quý nhân hay không, không quan trọng. Mặc dù có thể sẽ có những di chứng sau này, nhưng đã làm việc tốt, mở cánh cửa thiện, làm quý nhân của người khác, bạn không nên so đo, cũng không nên hành thiện để chờ mong sự đền đáp. Làm việc tốt chỉ đơn thuần bởi vì chính mình đã “tự nguyện” làm, khi người khác được giúp đỡ, mình cũng sẽ cảm thấy rất vui, đó chính là sự báo đáp từ việc giúp đỡ người khác, sau này người ta có phê phán, đối xử với mình thế nào, cũng không cần quan tâm.
Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn làm quý nhân của người khác, những việc có thể làm được nên cố gắng làm, sự phê phán, phỉ báng, những yêu cầu quá đáng của họ cũng không nên để bụng. Dù đối phương có trách mắng thế nào, đó là việc của họ, không có liên quan đến mình; nếu mình không đáng bị mắng mà lại bị mắng, vậy thì họ đã phải tức giận, nản lòng, chỉ cần có cống hiến sức lực của mình, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ.