Ngài Bạt Nhật La Bồ Đề Vajrabodhi, Dịch Là Kim Cang Trí)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài là người nước Ma Lại Da ở nam Thiên Trúc. Vương quốc đó gần núi Bổ Đà Lạc Tiên (trong đó có cung điện Quán Âm). Người cha vốn thuộc dòng Bà La Môn, tinh thông luận ngũ minh, làm thầy của vua Kiến Chi.

Ngài Bạt Nhật La Bồ Đề vừa chào đời vài năm thì đọc thuộc cả chục ngàn lời trong một ngày. Chuyên tâm thành ý xem kinh tạng suốt mãi không mỏi mệt. Năm mười sáu tuổi, đối với giáo lý Phật đà, Ngài đã khai ngộ, mà không thích các luận Ni Kiền Tử. Chẳng bao lâu, Ngài xuống tóc xuất gia, rồi ngày đêm tinh cần tu tập. Sau này, Ngài theo vị thầy bổn sư đến tu viện Na Lan Đà, học tập kinh luận như Tu Đa La A Tỳ Đạt Ma, Trung Quán, Duy Thức v.v... Ngài lại tinh thông giới pháp, thấu suốt mười tám bộ luật. Ngài đến tây Thiên Trúc học các kinh luận Tiểu Thừa cùng môn Du Già Tam Mật Đà La Ni. Ngài lại sang nam Thiên Trúc y theo ngài Long Trí học về Kim Cang Quán Đảnh Hệ (thuộc tư tưởng Mật giáo) trong bảy năm. Hơn mười năm sau, Ngài hoàn toàn thông suốt ba tạng kinh điển. Ngài cũng đi lễ bái hết tất cả thánh tích. Kế đến, Ngài tới nước Sư Tử, lên núi Lăng Già, rồi đi qua hơn hai mươi nước ở phía đông. Lúc đến thánh địa của Bồ Tát Quán Thế Âm ở núi Phổ Đà Lạc tại nam Thiên Trúc, và thấy Bồ Tát hiển hiện oai linh, nên Ngài đột nhiên phát nguyện sang truyền bá Phật pháp tại nước Chi Na. Lại nữa, nghe Phật pháp đang được hưng thịnh ở nước Chi Na, Ngài bèn theo thương thuyền đến phủ Quảng Châu vào năm 719. Đường Huyền Tông nghe tin, bèn ban sắc lịnh thỉnh Ngài đến trú tại chùa Từ Ân. Tại chùa Tiến Phước, Ngài kiến lập đàn tràng Đại Mạn Noa La Quán Đảnh để độ bốn chúng đệ tử. Hai vị thiền sư Đại Trí và Đại Huệ, cùng tam tạng Bất Không, đồng lễ Ngài làm thầy.

Sau này, nhà vua thỉnh Ngài đến Lạc Dương. Trong năm đó, từ tháng giêng đến tháng năm, khắp nơi bị nạn hạn hán. Nhà vua đã lập đàn cầu mưa mà không được. Do đó, nhà vua bèn triệu thỉnh Ngài lập đàn tràng cầu mưa, và sai thiền sư Nhất Hạnh hầu cận cẩn mật. Ngài dùng pháp của Bồ Tát Bất Không Câu Y, lập đàn tràng ngay tại chùa. Ngài lại làm tượng Bồ Tát Thất Câu Chi bằng lụa, dài bốn khuỷu tay. Đến sáng ngày thứ bảy, bầu trời vẫn không một bóng mây, và khí hậu vẫn nóng oi bức. Sau giờ ngọ, đột nhiên gió từ hướng tây bắc thổi đến, rồi mây vần vũ kéo tới, và mưa đổ xuống ào ạt. Hôm đó, có cả hàng chục ngàn người đến nơi đàn tràng. Người người xa gần đều lấy làm kinh ngạc về sự linh ứng thần dị của đàn tràng cầu mưa. Các sĩ thứ đều bảo nhau:

- Ngài Kim Cang Trí đã bắt được rồng.

Bấy giờ, nhà vua thường để tâm nơi lý u huyền chứ chưa trọng nơi pháp Không mônẠ. Do nghe lời sàm tấu, nhà vua bèn ra lịnh cho các tăng sĩ ngoại quốc người Phiên tộc phải trở về bổn quốc. Thị giả nghe tin này bèn trở về chùa thuật lại cho Ngài nghe. Ngài bảo:

- Ta là Phạn tăng chứ không phải Phiên Tăng. Sắc lịnh không rõ ràng, nên Ta không đi!

Qua vài ngày sau, tại Nhạn Môn, Ngài đột nhiên dâng sớ từ biệt nhà vua. Nhà vua kinh hoàng, lập tức ban chiếu chỉ giữ Ngài ở lại.

Cô công chúa thứ hai mươi lăm là Thậm Chung, rất được nhà vua thương mến, nhưng lại bị bịnh đã lâu mà không ai có thể cứu chữa được, nên suốt ngày nằm tại ngoại quán Hàm Nghi. Cô ta luôn nhắm mắt, và không nói lời nào suốt cả mấy tuần. Trước đó, cô ta cầu thỉnh Ngài đến ban giới pháp. Ngài biết rõ cô ta chắc phải chết. Tuy nhiên, nhà vua cứ nằng nặc cầu thỉnh Ngài cứu sống cô ta. Ngài bèn chọn ra hai tỳ nữ bảy tuổi, rồi lấy lụa bịt mắt lại, và cho nằm xuống đất. Kế đến, Ngài bảo Ngưu Tiên Đồng vẽ một tấm bùa, rồi đốt ngay nơi chỗ công chúa Thậm Chung đang nằm. Thứ đến, Ngài đọc tụng thần chú. Bấy giờ hai tỳ nữ đọc theo Ngài mà không sai một chữ. Ngài bèn nhập vào tam ma địa (tam muội chánh định), và dùng thần lực bất tư nghị mà sai khiến hai tỳ nữ đem sắc chỉ đến gặp vua Diệm Ma. Trong khoảng khắc công chúa Thậm Chung tỉnh dậy, và mở mắt cùng nói chuyện như bình thường. Nhà vua nghe tin bèn lập tức một mình cỡi ngựa đến ngoại quán. Công chúa Thậm Chung bẩm tấu:

- Nghiệp lực khó chuyển. Hôm nay vua Diệm Ma sai con trở về để gặp mặt lại tôn nhan của thánh thượng mà thôi.

Nói xong, đến khoảng giữa trưa, bèn qua đời. Từ đó, nhà vua mới bắt đầu quy ngưỡng Tam Bảo.

Trong lục cung, nhà vua rất ân sủng yêu mến Võ Quý Phi như châu ngọc. Ngài khuyên bà Võ Quý Phi rằng hãy mau tạo tượng Bồ Tát Kim Cang Thọ Mạng. Ngài lại khuyên quận vương ở Hà Đông phải kết tượng Phật bằng lụa rồi đặt bên trong tháp Phật Tỳ Lô Giá Na. Ngài bảo môn đồ:

- Thọ mạng của hai người này (Võ Vương và quận công ở Hà Đông) chẳng được lâu.

Vài tháng sau, quả nhiên đúng như lời Ngài dự đoán. Võ Quý Phi và quận công đều qua đời. Ngài thường nói những lời tiên tri như thế rất nhiều, và đều linh ứng.

Ngài thông suốt lý sự, tinh tường kinh luận giới luật, thần chú. Ai có hỏi điều gì, Ngài bèn giải thích rõ ràng. Gặp mặt qua người nào thì Ngài nhớ mãi không quên. Những cảnh thuận nghịch, vui buồn giận thương đều không làm xao xuyến tâm Ngài, khiến ai ai cũng tôn sùng kính phục. Ngài thường y theo pháp thức mà lập đạo tràng mạn noa la (hay mạn đà la), và đều có cảm ứng.

Sa môn Nhất Hạnh khâm phụng sự giáo huấn của Ngài, nên được pháp quán đảnh.

Vì lợi sanh lợi vật, và thể theo sắc lịnh của nhà vua vào năm 723, tại chùa Tư Thánh, Ngài dịch được hai quyển Kim Cang Đảnh Du Già Trung Lược Niệm Tụng Pháp (thuộc hệ Kim Cang Mật Thừa), và hai quyển Thất Cu Chi Đà La Ni. Tại chùa Đại Tiến Phước vào năm 730, Ngài dịch một quyển Mạn Thù Thất Lợi Ngũ Tự Tâm Đà La Ni Quán Tự Tại Du Già Pháp Yếu Lược. Sa môn Trí Tạng chuyển ngữ. Sa môn Nhất Hạnh sao chép trau chuốt thành văn. Thấy trong quyển này có nhiều chỗ thiếu sót, nên Ngài bổ túc thêm vào cho đủ. Những ấn khế tổng trì do Ngài phiên dịch đều có linh nghiệm. Nhờ Ngài mà mật chú được lưu truyền khắp nơi, khiến rất nhiều người được cứu độ.

Vào tháng tám năm 732, tại chùa Quảng Phước ở Lạc Dương, Ngài bảo đồ chúng:

- Khi trăng tròn là lúc Ta sẽ viên tịch.

Nói xong, Ngài bèn đến lễ bái tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, đi nhiễu ba vòng. Trở về bổn viện, Ngài dâng hương phát nguyện, kính cẩn phó chúc cho đệ tử những giáo pháp vừa mới được phiên dịch, rồi an nhiên mà hóa, thọ bảy mươi mốt tuổi, được năm mươi mốt hạ lạp. Mồng bảy tháng mười một năm đó, đồ chúng an táng nhục thân của Ngài tại Long Môn ở Nam Y, và lập tháp thờ phụng. Ngài được nhà vua ban hiệu là quốc sư Sắc Thụy. Đệ tử thọ pháp là Bất Không.