Home > Khai Thị Phật Học
Công Hạnh Tu Chứng
| Hòa Thượng Thích Trung Quán, Việt Dịch


Từ khi mới phát tâm Bồ Tát hạnh, đến khi thành Phật có bao nhiêu cấp bực?

Từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật phải trải qua 51 cấp bực.

51 cấp bực là những gì?

Là: Thập tín, mười ngôi; Thập trụ, mười ngôi; Thập hạnh mười ngôi; Thập

hồi hướng, mười ngôi; Thập địa mười ngôi; và Phật địa ( diệu giác) 1 ngôi.

Thập tín mười ngôi là gì:

1. Tín tâm trụ
2. Niệm tâm trụ.
3. Ðịnh tiến tâm
4. Tuệ tâm trụ.
4. Ðịnh tâm trụ
6. Bất thoái tâm.
7. Hộ pháp tâm
8. Hồi hướng tâm.
9. Giới tâm trụ
10. Nguyện tâm trụ.

Thập trụ mười ngôi là những gì?

Thập trụ mười ngôi là:

1. Phát tâm trụ
2. Trị địa trụ
3. Tu hành trụ
4. Sinh quý trụ
5. Phương tiện cụ túc
6. Chính tâm trụ.
7. Bất thoái trụ
8. Ðồng chơn trụ
9. Pháp vương tử trụ
10. Quán đảnh trụ.

Thập hạnh mười ngôi là những gì?

Thập hạnh mười ngôi là:

1. Hoan hỷ hạnh
2. Nhiêu ích hạnh
3. Vô sân hạnh
4. Vô tận hạnh
5. Ly si loạn hạnh
6. Thiện hiện hạnh
7. Vô trước hạnh
8. Tôn trọng hạnh
9. Thiện pháp hạnh
10. Chơn thực hạnh.

Thập hồi hướng mười ngôi là những gì?

Thập hồi hướng mười ngôi là:

1. Cứu độ nhứt thiết chúng sanh, ly chúng sanh tướng hồi hướng
2. Bất hoại hồi hướng.
3. Ðẳng nhứt thiết Phật hồi hướng
4. Chí nhứt thiết Phật hồi hướng
5. Vô tận công đức tạng hồi hướng
6. Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng
7. Tùy thuận đẳng quán nhứt thiết chúng sinh hồi hướng
8. Chân như tướng hồi hướng
9. Vô phọc ( phược ) giải thoát hồi hướng.
10. Pháp giới vô lượng hồi hướng.

( sau thập hồi hướng có chổ lập thêm tứ gia hạnh: Noãn, Ðảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất).

Thập địa mười ngôi là gì?

Thập địa mười ngôi là:

1. Hoan hỷ địa
2. Ly cấu địa
3. Phát quang địa
4. Diệm tuệ địa
5. Nan thắng địa
6. Hiện tiền địa
7. Viễn hành địa
8. Bất động địa
9. Thiện tuệ địa
10. Pháp vân địa.

Có thể nào xếp gọn và phân loại cho dễ nhớ không?

Trong 51 cấp bực ấy, quy lại và sắp theo thể thống thì có 5 bực, gọi là ngũ nhẫn như sau:

1. Phục nhẫn,
2. Tín nhẫn,
3. Thuận nhẫn,
4. Vô sinh nhẫn,
5. Tịch diệt nhẫn.

A. Bực thứ nhứt là phục nhẫn, có ba ngôi:

1. Tập chủng tính, tức là thập tín và thập trụ.
2. Tính chủng tính, tức là thập hạnh.
3. Ðạo chủng tính, tức là thập hồi hướng. Ba ngôi này gọi chung là Tam hiền.

B. Bực thứ hai là tín nhẫn, có ba ngôi:

1. Hoan hỷ địa, tức là sơ địa trong thập địa.
2. Ly cấu địa, tức là nhị địa.
3. Phát quang địa tức là tam địa.

C. Bực thứ ba là thuận nhẫn có ba ngôi:

1. Diệm tuệ địa, tức là tứ địa
2. Nan thắng địa, tức là ngũ địa.
3. Hiện tiền địa tức là lục địa

D. Bực thứ tư là vô sanh nhẫn, có ba ngôi:

1. Viễn hành địa, tức là thất địa.
2. Bất động địa, tức là bát địa.
3. Thiện tuệ địa, tức cửu địa.

Ð. Bực thứ năm là tịch diệt nhẫn, có ba ngôi:

1. Pháp vân địa, tức thập địa.
2. Phật địa, tức diệu giác Phật quả.

Nói tóm lại 51 cấp bực, xếp gọn thành 5 bực mười bốn ngôi.

Ngôi thứ nhứt, phục nhẫn, là tập chủng tính, do tu thập tín tâm mà thành vô lậu chủng tính.

Ngôi thứ hai, phục nhẫn là tính chủng tính, bực Bồ Tát này tu mười món Ba La Mật, quán sát thân bất tịnh, thụ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã; lại tu thí, từ, tuệ; sau nữa quán sát ba đời và mười hai nhân duyên. Ở ngôi này có thể làm lợi ích lớn cho chúng sanh, vì đã bước qua ngã kiến, nhân kiến và chúng sinh kiến.

Ngôi thứ ba, Phục nhẫn, là Ðạo chủng tính, tức là làm nhân cho Vô lậu thánh trí của thập địa. Ngôi này trước quán năm uẩn, thứ quán nhân quả ba cõi, sau quán Nhị đế, được mười nhẫn, giáo hóa chúng sinh, làm Chuyển luân vương cai trị bốn thiên hạ. ( trên đây là ba ngôi thuộc về phục nhẫn ).

Ngôi thứ nhứt, Tín nhẫn, là Hoan hỷ địa. Ngôi này tu hạnh bố thí, đoạn trừ tham trong ba cõi, thành tựu công đức bố thí Ba la mật.

Ngôi thứ hai, tín nhẫn, là ly cấu địa. Ngôi này đoạn trừ sân trong ba cõi, tu hạnh từ bi, thành tựu công đức trì giới Ba la mật.

Ngôi thứ ba, Tín nhẫn, là Phát quang địa. Ngôi này đoạn trừ si trong ba cõi, tu Ðại quang minh định, thành tựu công đức nhẫn nhục Ba la mật. Ðến đây, Bồ Tát đủ ba phép minh và năm phép thần thông, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. ( trên đây là ba ngôi thuộc về tín nhẫn).

Ngôi thứ nhứt, Thuận nhẫn, là Diệm tuệ địa, tu hạnh tinh tiến, thành tựu công tiến Ba la mật; do Ðịnh Ðại quang minh, mà được đại Trí tuệ như đám lửa cháy sáng.

Ngôi thứ hai, Thuận nhẫn, là Nan thắng địa; do Diệu định mà thuận hành ngũ minh, được công đức định Ba la mật. Ðến ngôi này, tùy theo sự nghiệp thế gian, làm lợi ích cho chúng sinh, mà không bị văn tự, học thuyết thế gian mê hoặc, đó là điều rất khó nên gọi là Nan thắng.

Ngôi thứ ba, Thuận nhẫn, là Hiện tiền địa, tu phép quán Nhị không, liễu ngộ lý Duyên sinh vô thể, quán mười hai nhân duyên, thành tựu công đức tuệ Ba la mật, trí vô phân biệt thường hiện tiền.

Ba ngôi này có thể một thân biến hiện khắp mười phương ức cõi Phật, làm lợi ích cho chúng sinh không thể tả xiết. ( trên đây là ba ngôi thuộc về Thuận nhẫn).

Ngôi thứ nhứt, Vô sinh nhẫn, là viễn hành địa, thường dùng trí vô phân biệt, thoát ly được tất cả chướng phiền não, siêu xuất hạnh quả Nhị thừa, đầy đủ phương tiện Ba la mật.

Ngôi thứ hai, Vô sinh nhẫn, là Bất động địa. Ngôi này ly cả hữu, vô. Không trụ bên hữu tướng, cũng không trụ bên vô tướng, có năng lực hàng phục ma oán, không bị vô minh lay chuyển, được đại nguyện Ba la mật.

Ngôi thứ ba, vô sinh nhẫn, là Thiện tuệ địa. Ngôi này chứng được bốn phép vô ngại giải, Nghĩa vô ngại giải, Từ vô ngại giải, Thuyết pháp vô ngại giải, có thể diễn thuyết khắp mười phương không sợ sệt, được công đức Ba la mật. Ðến đây Bồ Tát thường thị hiện nhiều thân làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. ( Trên đây là ba ngôi thuộc về Vô sinh nhẫn).

Ngôi thứ nhứt, Tịch diệt nhẫn, là Ðẳng giác địa, tức Pháp vân địa. Ngôi này do tu Kim cang dụ định, đoạn được tập khí các chướng, chứng được trí Ba la mật, và các công đức khác, gần bằng như Phật nên gọi là Ðẳng giác.

Ngôi thứ hai, Tịch diệt nhẫn, là Phật địa, tức Diệu giác Phật quả, thành tựu tất cả công đức vô minh dứt sạch, giác ngộ hoàn toàn, như hoa sen bừng nở, như người tỉnh cơn mê…, thấy biết những việc đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai; từ bi, bình đẳng, hung lực, quả quyết hơn tất cả Trời, Người, Phàm, Thánh; làm lợi ích cho muôn loài, cứu vớt chúng sinh nỗi chìm trong sáu ngã.

Có thể nói đại khái sự hành hóa độ sinh của các cấp bực kể trên không?

Trong kinh dạy: Các vị Bồ Tát thường thị hiện nhiều thân, trong nhiều quốc độ, tùy duyên hóa độ chúng sinh: Như ngôi Thập trụ Bồ Tát, làm vua ở châu Ðông thắng thần, thành trì bằng đồng, kiêm thống trị hai châu để giáo hóa chúng sinh.

Ngôi Thập hạnh Bồ Tát, làm vua ở châu Tây ngưu hóa, thành trì bằng bạc, kiêm thống trị ba châu để giáo hóa chúng sinh.

Ngôi thập Hồi hướng Bồ Tát, làm vua ở châu Bắc câu lư (cu lô), thành trì bằng vàng kiêm thống trị bốn châu, giáo hóa chúng sinh.

Ngôi sơ địa Bồ Tát, đi trăm cõi Phật, làm Chuyển luân thánh vương, cai trị châu Diêm phù đề, tu bách pháp Minh môn, giáo hóa chúng sinh.

Ngôi Nhị địa Bồ Tát, đi nghìn cõi Phật, làm vua cõi trời Ðao lợi, tu thiên pháp Minh môn, giáo hóa chúng sinh ( thập thiện nghiệp đạo).

Ngôi Tam địa Bồ Tát, đi vạn cõi Phật, làm vua cõi trời Dạ ma, tu pháp Minh môn, y bốn pháp thiền định, giáo hóa chúng sinh.

Ngôi Tứ địa Bồ Tát, đi ức cõi Phật, làm vua cõi trời Ðâu Suất, tu ức pháp Minh môn, và Bồ đề phận pháp, giáo hóa chúng sinh.

Ngôi Lục địa Bồ Tát đi ngàn ức cõi Phật, làm vua cõi trời Tha hóa tự tại, tu ngàn ức pháp Minh môn, và Thập nhị nhân duyên trí, giáo hóa chúng sinh.

Ngôi Thất địa Bồ Tát, đi muôn ức cõi Phật, làm vua cõi trời Sơ thiền, tu muôn ức pháp Minh môn, dùng trí phương tiện thiện xảo, giáo hóa chúng sinh.

Ngôi Bát địa Bồ Tát, đi trăm vạn ức vi trần cõi Phật, làm vua cõi trời Nhị thiền, tu trăm vạn số vi trần pháp Minh môn, song chiếu bình đẳng, dùng thần thông nguyện trí, giáo hóa chúng sinh.

Ngôi cửu địa Bồ Tát, đi trăm muôn ức A Tăng kỳ số vi trần cõi Phật, làm vua cõi trời Tam thiền, tu trăm ngàn muôn ức A Tăng kỳ số vi trần pháp Minh môn, dùng bốn trí vô ngại giáo hóa chúng sinh.

Ngôi Thập địa Bồ Tát, đi các cõi Phật nhiều không kể xiết, làm vua cõi trời Tứ thiền, tu pháp Minh môn nhiều không thể nói, được lý tận Tam muội, cùng tột nguồn gốc ba cõi, làm lợi ích cho chúng sinh đồng như cảnh Phật.

Ngoài ra các vị Bồ Tát, tùy cơ cảm của chúng sinh, hiện thân quỷ, thần, rồng, rắn, thảo, mộc, v. v… để hóa đạo chúng sinh, không thể dùng con mắt phàm trần của chúng ta mà thấy được.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Công Hạnh Tu Chứng