Trong Phật Pháp khi thuyết minh về các pháp (sắc pháp và tâm pháp) do nhân duyên sanh có đề cập tới hai loại lực:
a. Khả tư nghị lực (có thể hiểu biết nổi)
b. Bất khả tư nghị lực (ngoài sức tưởng tượng của trí óc con người)
KHẢ TƯ NGHỊ LỰC
Khả tư nghị lực, loại lực có thể dùng tâm thức để phân tích, suy lường, đươc, như: y vào nguyên nhân gì sẽ được kết quả gì, tạo loại nghiệp gì sẽ chiêu cảm quả báo gì, có cảnh gì sẽ làm phát khởi tâm gì và ngược lại, do loại hiện hành (tức chỉ sắc pháp và tâm pháp sinh ra từ chủng tử trong A lại gia) nào huân tập thành chủng tử nào và ngược lại do chủng tử nào sinh khởi ra hiện hành nào v.v... Ấy là những pháp tắc, nhân quả thông thường mà chúng ta có thể đo lường, phân biệt được.
Từ ađ̣o lý nhân quả phổ biến và thông thường đó chúng ta thấy rằng những ai tạo tội thượng phẩm (rất nặng) ngũ nghịch và thập ác sẽ đọa vào địa ngục; tạo trung phẩm (vừa vừa) ngũ nghịch và thập ác sẽ đọa vào loài ngạ quỉ; tạo hạ phẩm (nhẹ) ngũ nghịch và thập ác sẽ đọa vào loài bàng sanh.
Thực hành hạ phẩm ngũ giới và thập thiện sẽ được làm A Tu La; trung phẩm ngũ giới và thập thiện sẽ được sinh làm người; thượng phẩm ngũ giới và thập thiện sẽ được sanh về một trong sáu cõi trời Dục giới; tu hành thượng phẩm ngũ giới, thập thiện và kiêm tu tứ thiền, bát định (tức 4 thiền định của Sắc giới cọng với 4 Không định của Vô Sắc giới) thì sẽ sanh về cõi trời Sắc và Vô Sắc.
Quán Lý tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt và Đạo Đế), tu Tứ Niệm xứ (quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, và quán pháp vô ngã), tứ chánh cần (ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh, dứt trừ những điều ác đã sinh ra, làm nẩy nở những điều lành đã nẩy nở), tứ như ý túc (Dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, nhất tâm như ý túc, và Quán như ý túc), Ngũ căn (Tín căn, Tấn, Niệm, Định và Huệ Căn), Ngũ Lực (Tín lực, Tấn, Niệm, Định và Huệ Lực), Thất giác chi (Trạch pháp giác chi, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định và Xã Giác Chi), và Bát Chánh Đạo (Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tin tấn, Chánh Niệm và Chánh định) sẽ chứng A La Hán.
Quán 12 duyên khởi từ chiều mê mờ (lưu chuyển) đến chiều giác ngộ (hoàn diệt) tức do Vô minh diệt thì Hành diệt... cho đến sanh diệt thì Lão, Tử diệt sẽ chứng quả Duyên Giác.
Tu Lục Độ hoặc Thập Độ (6 độ cộng thêm: phương tiện, Nguyện, Lực và Trí Ba La Mật) sẽ chứng Vô Thượng Giác.
Trên đây đã trình bày về vấn đề gây nghiệp nhân thập ác sẽ bị quả báo đọa vào ba ác thú (Địa ngục, Ngạ Quỷ và Bàng Sanh), tạo nhân giữ ngũ giới, tu thập thiện sẽ sanh vào ba thiện thú (A Tu La, người và Trời), tu các pháp xuất thết của Tam Thừa sẽ chứng Tam Thừa Thánh quả. Tất cả những điều vừa kể đều y cứ vào KHẢ TƯ NGHỊ LỰC để thuyết minh.
Nhưng, hết thảy những kết quả do Khả tư nghị nhân duyên lực sanh ra tuy rất thật tại, rõ ràng song không thể bao gồm tất cả các pháp do Nhân duyên sanh. Vì vậy, tiến thêm bước nữa, chúng ta cần phải thuyết minh nguyên lý của những kết quả do BẤT KHẢ TƯ NGHỊ LỰC DUYÊN sanh.
Căn cứ vào pháp tướng trong Phật giáo, Bất khả tư nghị lực có 5 loại:
1. ĐỊNH LỰC BẤT KHẢ TU NGHỊ
Nếu y vào KHẢ TƯ NGHỊ LỰC, người nào tạo ác nhân nhất định sẽ chịu ác báo, nhưng nhờ vào định lực lại có thể hoán chuyển. Song định lực có sâu cạn, cao thấp khác nhau, như định lực của Người, Trời, Thanh Văn, Duyên Giác, và các vị Bồ Tát từ đệ nhất địa (Viễn Hạnh Địa) về trước đều rất hữu hạn. Do đó, dù đã có Bất khả tư nghị định lực, nhưng chưa chắc hoàn toàn có thực dụng. Từ hàng Bồ Tát đệ bát địa trở lên (Bất động địa) chứng được ̣ịnh Tự Tại Lực mới có thể chuyển biến tất cả được: như biến nước thành lửa, đất thành hư không, tất cả những công cụ hại người trở thành vật hữu ích, biến cảnh khổ địa ngục thành cõi an vui v.v... và tất cả các cảnh được biến hóa ấy không phải chỉ có tướng trạng mà còn đủ cả thực dụng nữa.
2. THÔNG LỰC BẤT KHẢ TƯ NGHỊ
Thông tức là tác dụng của Định và Huệ. Từ đệ bát địa về trước Định lực và Thông lực ở tình trạng tách rời, khu biệt, cho nên những cảnh tướng do định lực biến hiện thiếu thực dụng, còn thông lực thì trái lại. Từ đệ bát địa trở lên Định và Thông lực đã kết hợp, nhất trí, nên đều có thể phát sinh hiệu dụng như nhau.
Về tính chất (tác dụng) bất khả tư nghị của Thông Lực cũng có thể tạm ví như phương pháp trị liệu bịnh tinh thần bằng thuật thôi miên của thế gian, nhà thôi miên không dùng thuốc mà chỉ vận dụng sự giao cảm, trong trạng thái tỉnh, giữa hai tâm hồn (bệnh nhân và nhà thôi miên) rồi từ đó phát sinh ra một điểm linh thông lực, chi phốí thân tâm của bệnh nhân, khiến người bệnh được khỏi. Thuật trị bệnh không dùng thuốc ấy là bước đầu về tính chất bất khả tư nghị của Thông lực trong Phật giáo.
3. TÁ THỨC LỰC BẤT KHẢ TƯ NGHỊ
Ở trong thức A Lại Gia vốn hàm tàng cả chủng tử vô lậu và hữu lậu – hữu lậu chủng tử sinh ra (hiện hành) tất cả các pháp trong tam giới – nếu chủng tử hữu lậu của Dục giới gặp và đủ nhân duyên sẽ sanh khởi hiện hành mà có A Lại Gia trong Dục giới. Do đó, chánh báo (căn thân) và y báo (hoàn cảnh) đều thuộc về Dục giới và đều do thức A Lại Gia trong Dục giới biến hiện ra. Nhưng, nếu do Tăng thượng duyên thù thắng của Định Lực hoặc Thông Lực bất khả tư nghị thì lại có thể mượn chủng tử vô lậu hay chủng tử của Sắc và Vô Sắc giới trong A Lại Gia Thức để làm sanh khởi hiện hành. Trong trường hợp này, thân tuy ở Dục giới song có thể mượn thức (Tá thức lực) của Sắc và Vô Sắc giới để biến hiện ra cảnh tượng của Sắc và VôVsắc giới; hoặc cũng có thể mượn cái thức vượt ngoài Sắc và Vô Sắc giới để biến hiện cảnh tượng xuất thế gian. Hơn thế nữa, chúng sanh trên thượng giới cũng có thể mượn thức của hạ giới để hiểu biết các pháp của hạ giới, như chúng sanh ở Sắc giới từ cõi Nhị thiền trở lên, vì thường sống trong cảnh định, nên 5 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, và thân thức) không khởi tác dụng, song khi nào muốn biết việc ở Dục giới, mặc dù thân ở cõi Nhị thiền vẫn có thể mượn thức của Dục giới để biết cõi ấy.
Cái nguyên lý TÁ THỨC đó thông dụng tới các chư Phật; Phật có thể tá thức của chúng sanh để khiến họ biết được việc trong tâm Ngài. Như đã có lần, khi đức Phật ở trong núi, Ngài đã dùng phương pháp ấy khiến cho loài khỉ biết được tâm mình...
4. THIỆN PHÁP LỰC BẤT KHẢ TƯ NGHỊ
Chư Phật, Bồ Tát, Duyên giác, Thanh vân đã thành tựu công đức vô lậu, từ đó ĐẲNG LƯU (sản sinh, có ra một cách bình đẳng, trung thực y như sự giác ngộ của các Ngài) ra kinh, luật, cà sa, xá lợi v.v... tất cả các thứ ấy gọi là thiện pháp. Những thiện pháp ấy có ra từ công đức vô lậu của Pháp thân tức cũng như ĐẲNG LƯU THÂN của chư Phật; vì vậy, dù chỉ mang theo một vài sợi chỉ của chiếc Cà Sa cũng được tiêu tai thêm phước, hoặc tụng trì, cúng dường, hoặc mang kinh điển trên thân đều có thể tránh thoát tai ương, thành tựu công đức. Cho đến như trong kinh Pháp Hoa nói: “Nếu ai đọc tụng kinh Pháp Hoa đến một mức độ nào đó sẽ được 6 căn thanh tịnh: “con mắt có thể thấy sắc, tai có thể nghe được âm thanh trong ba ngàn thế giới và ba ngàn thế giới đều ở trên thân người ấy.” Do sức gia trì bất khả tư nghị của Thiện Pháp tức có thể phát sinh ra cái công dụng bất khả tư nghị ấy. Sở dĩ Thiện pháp lực có một sự thù thắng như thế là do chúng ta có một lòng tin chân thành, khẩn thiết hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào sức mạnh siêu linh. Ví như khi chúng ta ném một hạt cát xuống nước, nó liền bị chìm. Ngược lại một tảng đá nặng 1000 cân, nếu được dùng thuyền chở thì có thể mang qua sông một cách dễ dàng.
5. NGUYỆN LỰC BẤT KHẢ TƯ NGHỊ
Nguyện lực tức thệ nguyện lực là sự chí thành thiết tập trung tâm lực làm phát sinh ra sức mạnh phi thường của ý chí. Như sự phát nguyện vãng sanh Cực Lạc của người tu hạnh NIỆM PHẬT, trong khi phát nguyện, tinh thần người ấy tập trung trọn vẹn vào lời thệ nguyện cầu vãng sanh, lâu ngày thuần thục và trở nên một thệ nguyện lực do tập quán tạo thành. Và, y vào diệu dụng của thệ nguyện lực ấy, hành giả có thể phát hiện ra những điều khác lạ với những kết quả do nhân duyên phổ biến, tầm thường tạo nên.
Câu chuyện sau đây sẽ cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của thệ nguyện lực:
“Ngày xưa có hai ông vua đánh nhau, một ông bị thua, ̣để trả thù, ông vua bại trận lập thệ nguyện sẽ làm Diêm Vương (vua ở cõi âm) để có cơ hội trừng phạt đối phương. Và quả nhiên ông vua thất trận được toại nguyện...”
Tóm lại, 5 Bất khả tư nghị lực vừa trình bày trên đây, 3 thứ trước chỉ hàng Tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát) và những người tu thiền định đã thành mới có; nếu muốn thành tựu 3 thứ lực ấy, chúng ta phải tu hành tới một trình độ nào đó mới sanh khởi tác dụng, chứ không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng với THIỆN PHÁP LỰC và NGUYỆN LỰC thì trái lại, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể có được, không cần đòi hỏi đến vấn đề dụng công như thế nào. Như hiện nay chúng ta nghe trong các kinh điển do đức Thích Ca Mâu Ni để lại nói rằng: Có Tây Phương Cực Lạct Thế Giới, thế giới ấy do Nguyện Lực của đức Phật A Di Đà tạo nên, dùng để nhiếp thọ chúng sanh trong mười phương phát nguyện vãng sanh về đó. Nếu chúng ta tin theo lời đức Bổn Sư, tin có Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đó tức là THIỆN PHÁP LỰC vậy.
Đã biết thế giới Cực Lạc là để nhiếp thọ chúng sinh trong khắp mười phương phát nguyện vãng sanh mà thiết lập nên chỉ cần tin vào Thiện Pháp của Phật, thệ nguyện y theo nguyện lực của đức A Di Đà, chắc chắn sẽ được vãng sanh.
Có người hỏi rằng: vấn đề vãng sanh dễ dàng như thế, tại sao trong số kinh điển lại bảo cần phải tu đến cấp TỨ GIA HẠNH (cũng gọi là Tứ Thiện Căn) gồm có: Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế Đệ Nhất, về tầng thứ, theo Đại Thừa Pháp Tướng Tông, Tứ Gia Hạnh ở trên Thập Hồi Hướng, nhưng dưới Thập Địa Bồ Tát, nghĩa là trải qua Tứ Gia Hạnh xong mới bước vào Sơ Địa Bồ Tát...), thành tựu định huệ, vào Sơ địa mới có thể vãng sanh Tịnh Độ?
Đó là y vào kết quả do KHẢ TƯ NGHỊ NHÂN DUYÊN LỰC mà nói, nếu y cứ vào BẤT KHẢ TƯ NGHỊ LỰC thì không thế, tuy chưa thành tựu thiện căn, song chỉ cần tin vào Thiện Pháp Lực, kết hợp với nguyện lực khẩn thiết của tâm mình, tức thành được thiện căn và có thể cùng với nguyện lực của đức A Di đà cảm thông. Bấy giờ, nguyện lực của ngài là của mình và dĩ nhiên mình đã được sống trong thế giới Cực Lạc. Cũng giống như một nhà đại phú có lập di chúc rằng: “Sau khi tôi chết, tất cả của cải thuộc về tôi sẽ đem giúp đỡ cho hết thảy những người 6 quan năng tàn khuyết trên thế giới.’ Do đó, nếu ai là người như thế, tất nhiên họ sẽ hưởng được một phần tài sản của phú ông. Người tu pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc chắc chắn sẽ có phần trong thế giới ấy, đó là lẽ đương nhiên, chẳng có gì khó hiểu cả.
Trên đây, chúng ta nói về Thiện Pháp Lực và Nguyện Lực, nếu đem so sánh với tông chỉ của Tịnh Độ cũng hoàn toàn phù hợp: Y vào Thiện Pháp Lực tức là Tín Tâm (TÍN), phát nguyện cầu vãng sanh là Nguyện Lực (Nguyện). Khi Tín và Nguyện đã chính xác, kiên cố rồi, lúc bấy giờ không luận Niệm Phật (Hạnh) nhiều hay ít đều được vãng sanh, chỉ có khác là nếu tu hành nhiều thì khi về Tịnh Độ sẽ ở phẩm vị cao và ngược lại...
Bởi vậy, Niệm Phật vãng sanh là một pháp môn đặc thù được kiến lập trên nguyên lý BẤT KHẢ TƯ NGHỊ NHÂN DUYÊN LỰC mà có ra kết quả.
Người tu hạnh Niệm Phật trước hết cần phải rõ ràng cái đạo lý căn bản ấy, sau đó mới phát tâm tu trì. Có như thế, sẽ không bị những dị thuyết, tà thuyết, cám dỗ lung lạc.