Home > Khai Thị Phật Học
Tri Túc Là Điểm Khởi Đầu Của Hạnh Phúc
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Hạnh phúc là hai chữ thiêng liêng mà bất kì ai cũng mơ ước về nó. Trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc, biết bao người đã để tuột mất nó khỏi tầm tay, có biết bao người đang sống trong hạnh phúc nhưng lại không hay biết đó là hạnh phúc. Con người dùng hết thời gian đời mình để mưu cầu hạnh phúc nhưng chỉ đổi được lấy mái đầu phơ phơ tóc trắng, bóng dáng hạnh phúc đâu thì vẫn mù khơi. Sở dĩ như thế là vì họ không hiểu được hạnh phúc đích thực là gì Tuy giàu có, khổe mạnh, có địa vị, quyền thế đều là những điều mà thông thường ai cũng thích, nhưng đó không phải là những tiêu chuẩn, là những điều đại diện cho hạnh phúc. Tâm Bình An mới là hạnh phúc đích thực, có được bình an hay không tuy có liên quan mật thiết đến hoàn cảnh ngoại tại, nhưng mang tính quyết định vẫn là trạng thái tâm lí chủ quan nội tại của mỗi con người.

Nếu lòng mình thấy bình an, tri túc, đó là hạnh phúc! Nếu không biết đủ thì rất khó tìm được hạnh phúc.

Tri túc đích thực phải đạt đến trình độ “nhiều cũng thấy đủ, ít cũng thấy đủ mà không có cũng thấy đủ”, đây là điều kiện tiên quyết để con người đạt đến trạng thái bình an thường lạc. Tuy nhiên, về vấn đề “nhiều cũng thấy đủ” hơi khó hiểu, “ít cũng thấy đủ và không có cũng thấy đủ” càng khó hiểu hơn. Người bình thường sẽ cảm thấy lo lắng, phiền muộn khi cảm thấy vật chất thiết yếu không đủ dùng, và ngay khi cả những thứ được cho là thiết yếu cũng không đủ thì làm sao tri túc? Huống gì là khi trơ trọi chẳng có gì, khi đó nói tới tri túc chẳng phải là kì quái hay sao?

Thực ra, vật chất nhiều bao nhiêu cũng không thể gọi là đủ vì khái niệm nhiều ít chỉ hiện hữu khi được so sánh chứ chưa ai quy định thế nào là nhiều, thế nào là ít. Hơn nữa, nếu thực sự sở hữu được nhiều vật chất cũng không thể giữ mãi không mất, cũng không thể giúp chủ sở hữu phát triển, trưởng thành hơn người khác được. Cho nên, khi “có” cần biết đủ, khi “ít” cần biết đủ và khi không có gì càng nên biết đủ, vì ít và không có đều có thể là điểm khởi đầu của có nhiều! Vì thế, bất luận tương lai có hay không đều phải cố gắng, tự hoàn thiện mình chứ không nên sánh người này, so người nọ. Chỉ cần còn sống là còn phải phấn đấu làm việc, nếu lỡ làm việc gì đó sai trái thì cần sám hối, sửa sai, thức tỉnh; nếu làm chưa tốt thì phải cố gắng làm cho thật tốt, không thẹn với lòng mình, với người, đấy gọi là “tri túc”. Tôi thường lấy ví dụ dạy các học trò rằng “người không biết tri túc như con chuột sống trong hũ gạo nhưng không biết xung quanh mình là gạo để ăn lại phóng uế vào ngay trong đó, làm bẳn hết thức ăn mới đi nơi khác kiếm thức ăn. Người sống trong phúc lại không biết đó là phúc, chà đạp lên phúc báo của mình”. Ví dụ như trong thiền viện có đầy đủ điều kiện để chúng ta tu tập, có thầy chỉ đường, nhưng nhiều người vẫn muốn rằng “cách này không tốt, điều kiện tu hành ở đây kém quá, tôi thấy không thoải mái chút nào...”. Đấy chỉ là những cái cớ biện minh cho sự lười biếng của mình, thế có khác gì chuột sống trong hũ gạo kia đâu?

Vì thiếu lòng tri ân, không biết tri túc nên con người sau khi nhận được lợi ích vẫn không thấy thỏa dạ, hơn nữa còn trách người ta toàn cho mình những thứ mình không cần, đấy quả là người sống trong phúc không hiểu gì là phúc. Hạnh phúc trong kiếp này nhờ kiếp trước tích lũy mà có nên chúng ta cần gìn giữ, trân trọng, không nên lãng phí.

Người tri túc đích thực là người hiểu được đạo lí cương nhu, tiến thoái đúng thời đúng tiết. Khi thoái không oán trời trách người, khi tiến họ sẽ nghĩ đến ân người khác đã giúp mình như thế, họ còn biết đó là do phúc phận quá khứ của mình mà có nên họ càng trân trọng, càng tích đức cho kiếp sau hơn nữa.

Thế nên, nếu một người không gieo trồng phúc đức mà chỉ biết hưởng thụ, phúc báo đó sẽ ngày một ít dần và nhất định sẽ có ngày hết phúc. Một người biết tri túc, biết trân trọng phúc đức, vun bổi thiện căn thì khi gặp nghịch cảnh không oán hận, gặp thuận cảnh không cao ngạo, trong lòng họ luôn đầy lòng tri ân và báo ân chúng sinh, đấy mới là người hạnh phúc thực sự.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tri Túc Là Điểm Khởi Đầu Của Hạnh Phúc