Home > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Niem-Phat-Can-Biet
Người Niệm Phật Cần Biết
Sa Môn Ngộ Khai | Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn, Việt Dịch


Chúng ta thường nghe nói thế gian là biển khổ, bởi thế gian vui ít khổ nhiều. Nhưng trong chỗ vui đó, rốt cuộc cũng không tránh được khổ. Vì vậy, thế gian toàn là khổ, nên mới gọi là biển khổ. Nỗi khổ trong chốn khổ thì ai cũng biết, không cần phải nói thêm, nhưng nỗi khổ trong chỗ vui thì ít ai hay. Cho nên hôm nay tôi xin lược trình bày.

Giàu và sang là điều vui. Nhưng giàu thì có chỗ lo buồn của giàu, sang lại có chỗ lo buồn của sang. Đã có lo buồn thì đều thuộc về khổ. Những lo buồn này mỗi nhà mỗi khác, nghìn mối vạn manh, không thể kể ra cho hết. Huống gì càng giàu sang thì càng gây nhiều nghiệp ác; sự nghiệp càng to lớn thì càng dễ tạo lỗi lầm. Đã gây nghiệp ác, thì trong khoảng chớp mắt ác báo liền đến. Lúc bấy giờ thật là khốn khổ vô cùng. Như vậy há không phải là biển khổ sao?

Đã biết thế gian là biển khổ, tại o không chịu vĩnh viễn thoát ra để được vô biên an lạc? Nếu muốn có an lạc thì cần phải tu hành. Nếu chịu tu hành, thì cần phải niệm Phật. Nếu chịu niệm Phật, thì chỉ nên niệm “Nam mô A di đà Phật”. Đã niệm thì cần phải phát nguyện không mong cầu được giàu sang đời này, cũng không cầu sanh vào chỗ tốt ở đời sau. Vì sao? Vì thế gian là biển khổ, ta không cầu sanh vào chỗ tốt đẹp trong biển khổ. Chỉ cầu dù còn một hơi thở vẫn cứ niệm một câu “Nam mô A di đà Phật”. Mặc cho bệnh khổ bức ép thân, vẫn cứ nhất tâm niệm Phật. Việc ăn, việc mặc, vật dụng sinh hoạt đều gác bỏ hết. Những người được nhớ nghĩ trong lòng cũng không cần nhớ nghĩ. Cho đến bản thân cũng không cần quan tâm đến, chết sống mặc kệ nó. Chỉ một câu niệm Phật mà thôi. Nếu được như thế, Đức Phật A di đà ở Cực Lạc phương tây lập tức phóng ánh sáng rực rỡ chiếu đến thân ông, khiến thân tâm ông mát mẻ, không mảy may ngăn ngại. Thấy ánh sáng Phật trước mắt, giống như cùng ngồi giữa thanh thiên bạch nhật. Lại tiếp tục quên thân niệm Phật đi! Lúc bấy giờ cộng với công phu tu hành chân thật tha thiết lúc bình thường, ông sẽ thấy một đóa sen bảy báu hiện đến bên thân. Lại nhìn thấy nơi xa xa những thân tướng màu vàng ròng. Đó là Đức Phật A di đà, bồ tát Quán Thế Âm, bồ tát Đại Thế Chí đến tiếp dẫn ông về tây phương.

Tôi nói như vậy, chính là khai thị pháp môn Niệm Phật. Các ông có tin được chăng? Nếu tin được thì cứ như thế mà thực hành đi! Nếu có nghi ngờ, tôi sẽ giảng nói thêm cho các ông được rõ.

Người đời, phần lớn chỉ quan tâm đến bản thân mình. Còn các Đức Phật và bồ tát đã thành tựu trọn vẹn tự độ, quan tâm đến tất cả chúng sanh, nguyện cứu độ họ. Vì thế các ngài nói rộng đến pháp môn tu hành. Nếu chúng sanh y theo pháp ấy tu hành, nhất định đều được độ. Chúng sanh không tin Phật pháp, không chịu tu hành, tức không có duyên với Phật. Như vậy Phật cũng không thể độ người này. Nếu các ông tin sâu, tu giỏi, thì đời hiện tại có căn lành, có duyên với Phật. Bấy giờ Phật, bồ tát sẽ giúp đỡ các ông. Đã được Phật lực trợ giúp, các ông cần phải nỗ lực, thiết tha chân thật tu hành. Như thế nhất định thành công.

Các ông tu hành mà không thành công, đều là do không tha thiết, chân thật niệm Phật. Dù niệm Phật, nhưng vẫn có niệm tham cầu thế gian, không thể nhất tâm chuyên ý một bề cầu sanh thế giới Cực Lạc phương tây.

Người niệm Phật cần phải xem việc niệm Phật là thiết thật nhất. Còn tất cả các việc như đối phó chuyện đời, lo liệu gia đình giòng họ đều là việc ngoài lề. Nhưng việc thiết thật không ngại việc ngoài lề, việc ngoài lề không ngại việc thiết thật. Như vậy sẽ đạt được đạo Niệm Phật.

Như mở mắt niệm Phật, tâm dễ loạn động, thì còn có thể nhắm mắt mà niệm. Chứ nếu hai tai nghe âm thanh thì chắc khó bít. Nếu không bít được thì phải nhờ một cách khác để bít? Đó là khi niệm phải để tâm rỗng rang vắng lặng, rồi xướng lên một câu “A di đà Phật”. Miệng vừa niệm, tai liền nghe câu niệm; tai vừa nghe, miệng liền niệm. Miệng niệm, tai nghe liên tục không gián đoạn; cứ xoay vần như thế. Đây là bí quyết nhiệm mầu của pháp Niệm Phật. Cứ thực hành lâu ngày như thế, nhất định có lúc tương ưng.

Niệm sáu chữ (Nam mô A di đà Phật) hay niệm bốn chữ (A di đà Phật) đều như nhau. Cần nhất là lúc nào cũng phải niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm. Niệm càng nhiều thì càng tốt. Một ngày, từ sáng đến tối, nếu có lúc quên, thì hết quên lại niệm; nếu bận xử lí công việc, thì xử lí xong liền niệm. Hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm cũng như nhau. Chỉ cần chữ chữ đều từ niệm mà thiết thật rõ ràng, câu câu đều từ tâm cầu sanh Tây phương mà phát ra.

Lại có một phương pháp buộc tâm khi không niệm Phật. Đó là đặt niệm vào thân Đức Phật A di đà. Tức là mỗi ngày, sáng sớm thức dậy, giữ tâm vắng lặng, không suy nghĩ điều gì, ngồi mãi trên giường quán tưởng thân tướng Ngài đến khi mặt trời xuất hiện. Sau đó bước xuống giường, nhẹ nhàng chuyển ý niệm, chỉ suy nghĩ những việc tu hành. Làm như vậy có thế khai phát trí tuệ. Tâm luôn vắng lặng, không động không lay, đó là chỗ tu hành có công hiệu nhất.

Một thời khóa của người tu niệm Phật theo thứ tự:

Tụng một quyển kinh A di đà.

Ba biến thần chú Vãng sanh.

Niệm danh hiệu Phật A di đà (càng nhiều càng tốt).

Niệm danh hiệu bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Đại Thế Chí, chúng bồ tát trong hải hội Thanh tịnh. Mỗi danh hiệu niệm mười lần.

Tụng bài văn hồi hướng.

 Lạy Phật A di đà, bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Đại Thế Chí, các bồ tát trong hải hội Thanh tịnh. Mỗi danh hiệu ba lạy.

Ba qui y.

Mỗi ngày hai thời sáng tối thuần nhất như vậy, không xen pháp khác. Ví như muốn tụng các bộ kinh Đại thừa, thì nên định riêng một thời khóa. Tốt nhất là vào buổi trưa, không nên xen vào hai thời chính sáng tối. Vì nếu xen thì không chuyên nhất, không chuyên thì khó thành tựu.

Các kinh Cao vương Quán Thế Âm, kinh Phân châu, Hương sơn quyển, Phật kệ thì không cần tụng. Vì không có trong Đại tạng, không phải là chân kinh.

Thế gian có tục lệ thắp đèn giấy chiếu sáng đến cõi U minh để soi đường cho người chết, mà không quan tâm đến đạo lí niệm Phật. Tôi khuyên mọi người nên điểm vào đồ hình niệm Phật. Khi điểm đã đầy khắp thì ghi tên, ghi số lần rồi đốt trước tượng Phật. Làm được như thế thì rất tốt, vì có ánh sáng của Phật chiếu soi, đâu cần phải dùng đèn giấy!

Người niệm Phật nên tụng làu thông kinh A di đà, siêng năng xem kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ. Hằng ngày, ngoài thời khóa chính, người thực hành pháp Niệm Phật cũng nên qui định một thời gian lạy Phật. Đó là trước hình tượng Đức Phật A di đà, thân tâm chí thành khẩn thiết, một lòng nương tựa, cầu Phật xót thương phóng ánh sáng từ bi chiếu đến thân mình.

Xin được lược thuật cách thức lễ lạy.

Trước tiên đến trước tôn tượng Phật A di đà đốt hương, chí thành chắp tay, mỗi niệm xướng một câu danh hiệu, lạy một lạy. Văn xướng như sau:

 Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật hiện tại Bổn sư Thích ca Mâu ni Đại từ Đại bi, giáo chủ cõi Ta bà. (9 lạy)

 Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật A di đà Đại từ Đại bi Đại nguyện Đại lực, bậc Đạo sư tiếp dẫn muôn loài, giáo chủ cõi Cực Lạc phương tây. (48 lạy)

 Nhất tâm đảnh lễ đại bồ tát Quán Thế Âm thân vàng ròng rực rỡ, trụ tại cõi Cực Lạc phương tây. (3 lạy)

 Nhất tâm đảnh lễ đại bồ tát Đại Thế Chí thân trí sáng vô biên, trụ tại cõi Cực Lạc phương tây. (3 lạy)

 Nhất tâm đảnh lễ các đại bồ tát trong hải hội Thanh tịnh, thân đủ phần phước trí, trụ ở cõi Cực Lạc phương tây. (3 lạy)

Lạy xong, hành giả quì gối, chắp tay, chí thành tụng bài sám hối:

Khi xưa con tạo bao nghiệp ác

Đều do ba độc tham, sân, si

Từ thân, miệng ý mà phát sinh

Nay quì trước Phật xin sám hối

Nguyện cho thân này lúc lâm chung

Trừ sạch tất cả bao tội chướng

Tận mắt thấy đức A di đà

Liền được vãng sanh cõi An Lạc.

Tụng xong, đứng dậy lễ ba lạy rồi lui ra.

Tôi cho rằng việc tu hành cần phải lấy việc niệm Phật và phát nguyện làm chính yếu, nhưng không thể thiếu các nhân duyên trợ đạo. Nhân duyên trợ đạo là cung kính Tam bảo, mong cầu ra khỏi biển khổ, nhàm chán thế gian trói buộc, hiểu rõ thiện ác báo ứng mà khởi tâm sợ hãi, tâm ngay thẳng, tâm chân thật, tâm từ bi, tâm giải thoát, không sanh tâm tự cho mình là hơn. Những tâm như vậy chính là nhân duyên trợ đạo.

Đã có tâm tốt để trợ đạo, lại cần phải biết tâm xấu ác để phòng ngừa các nhân duyên chướng đạo như tâm không tin Tam bảo, tâm tự cậy mình có tu hành, tâm danh lợi, tâm tham khoái lạc thế gian, tâm sân hận, tâm ngu si, tâm vọng tưởng, tâm cầu phước báo thế gian, tâm xảo trá, tâm dối gạt, tâm tà vạy, tâm biếng trễ chần chừ, tâm không biết hối cải, tâm cho mình là phải. Có tất cả các tâm xấu như trên, thì tuy có tu hành, nhưng cũng khó vào đạo. Vì sao? Vì bị các tâm này ngăn chặn.

Lại người tu hành cần phải gần gũi bậc thầy sáng suốt, bạn đạo hiền thiện. Theo lời dạy của họ mà thực hành. Nếu không gặp thầy bạn như vậy thì một quyển kinh A di đà, một bài văn hồi hướng là thầy giỏi bạn tốt. Ở đây kị nhất là chọn thầy bạn sai lầm. Vì thầy bạn có thật có giả. Nên chọn thầy bạn chân thật. Vì chỉ có họ mới có thể dẫn dắt ta vào đạo, mở toang trí tuệ cho ta, giúp ta thành tựu con đường tu hành, giúp ta chấm dứt sanh tử. Vì thế mà ân của thầy giỏi bạn tốt rất lớn, còn hơn cả cha mẹ. Nếu lầm nương thầy bạn giả, họ sẽ dẫn ta đi trên con đường sai lầm, cắt đứt mảnh tâm tu hành chân chánh của ta, khiến cho ta không thành tựu mảy may. Vì thế thật giả, lợi hại cách xa như trời đất, cần phải phân biệt rõ ràng để nương tựa.

Tôi có một cách có thể nhận biết được thầy giỏi bạn tốt. Người này, khi vừa gặp, chưa hẳn đã lộ ra cho ông biết họ có một bản lãnh của một vị thầy giỏi bạn tốt. Họ cũng bình thường như bao người mà thôi. Nhưng khi luận bàn đến việc tu hành, người này nhất định sẽ căn cứ vào pháp tu của ông mà giải thích theo thứ tự, nghĩa lí rõ ràng, không cao siêu, không thấp quá. Ông nghe những lời này, liền cảm nhận được công phu hằng ngày của mình có phần khai phát, lại cũng thầm hợp với kinh điển.

Những thầy bạn giả, khi vừa gặp, ông liền thấy họ tự lộ tư cách của một thầy giỏi bạn tốt. Nhưng khi bàn đến việc tu hành, người này nhất định sẽ phá bỏ pháp tu hành hằng ngày của ông. Vì muốn cho ông thấy họ cao siêu. Ví như hằng ngày ông trì tụng kinh A di đà, theo lời Phật dạy niệm danh hiệu, tin sâu, nguyện thiết cầu vãng sanh Cực Lạc. Như vậy có chỗ nào không đúng, mà nhất định họ phải thay đổi, đưa ra pháp Tham thoại đầu! Có lẽ người này cao siêu hơn Phật Thích ca chăng? Ví như người học thật có chỗ lầm lẫn, thì cũng nên tùy bệnh cho thuốc. Nếu người học thật có chỗ chưa sáng thì nên tùy cơ giảng thuyết.

Công phu niệm Phật đắc dụng lúc lâm chung. Lúc lâm chung dụng được là do lúc bình thường thực hiện thuần thục. Lúc bình thường, khi thân thể khỏe mạnh mà thực hiện công phu, thì đương nhiên sẽ tốt hơn lúc già suy. Vì thế chớ nên dần dà để rồi ngày đến thật xa xôi.

Nếu công phu của mình còn không chân thật, hiểu biết Phật pháp còn chưa rõ ràng, thì không thể dễ duôi dạy người, có ý muốn làm thầy. Tuy nói “độ mình độ người”, nhưng chỉ e mình đã lầm, lại khiến người lầm. Người tu hành tuy không tham tiếc thân thể, nhưng cũng cần phải điều dưỡng. Nhưng đến lúc già suy, chỉ nên một bề công phu nhiếp tâm tán động, không nên lo lắng cho thân. Bấy giờ, nếu bệnh nhẹ thì uống thuốc, bệnh nặng thì chờ chết. Khi bệnh quá trầm trọng, nhất định không được mong chữa lành, mà nên chuẩn bị về quê.

Lúc lâm chung hoặc khi bị bệnh nan y, thân tâm thống khổ vô cùng. Bấy giờ nên quán biết đó là do quả báo của nghiệp ác nhiều đời trước dẫn đến. Hôm nay ta nên quên thân mà niệm Phật, dù nghìn ma, vạn nạn kéo đến tâm ta vẫn không xao động.

Ở đời, không có việc gì khó, chỉ cần có chí khí, chí khí thật vững bền, thì không gì khó cả. Đi thuyền trên biển lớn, nhất định phải nhờ chèo, một ngày đi trăm dặm, tính ra cũng nhanh rồi. Nhưng nếu gặp lúc thuận gió, thì trong khoảnh khắc có thể đi mấy trăm dặm, sao mà vui sướng thế! Đó là nhờ trời trợ sức. Người cầu sanh Tây phương, nếu chỉ nhờ vào sức tự thân, dĩ nhiên là rất khó. Nếu tâm thiết tha chân thật niệm Phật, Đức Phật nhất định nhớ nghĩ bảo vệ, Phật lực nhất định trợ giúp, mà sức này rất mạnh và kì diệu hơn sức trời, nên không khó vãng sanh. Nhưng nếu nghĩ chỉ nhờ vào Phật lực mà bản thân tu hành không ra gì, rốt cuộc không thành công, thì quay lại trách Phật. Nên biết hãy tự trách mình đi!

Con người gá sanh vào bào thai mẹ hoàn toàn không khó, cũng chẳng có gì kì lạ. Vì sao? Vì đó việc mọi người thường thấy. Vì thường thấy nên cho đó là thật. Nay người niệm Phật sanh về thế giới Cực Lạc phương tây, hóa thân vào hoa sen. Do chưa từng thấy nên cho là khó, là kì. Họ đâu biết việc này với việc gá sanh vào thai mẹ cũng đồng một đạo lí. Một bên do tình ái mà thành, một bên do tín nguyện mà thành.

Người niệm Phật vãng sanh tây phương, đầu tiên là thoát li biển khổ sanh tử, ra khỏi sáu đường luân hồi. Sau khi vãng sanh, tinh tấn tu hành thẳng đến thành Phật.

Một môn Niệm Phật thẳng tiến lên trên, từ đầu đến cuối không chút quanh co.

Người tu hành, phần nhiều từ chỗ khổ mà thành công. Các vị thấy những người sung sướng đâu thể tu hành. Nhưng khi đến tây phương rồi, mới thấy người khổ đau thuận tiện tu tập, người sung sướng chịu thiệt thòi hơn. Lại thấy những kẻ không tin việc tu tập, một đời khổ đau, tạo vô số nghiệp ác. Sau khi chết, thần thức đến trước Diêm vương chịu vô lượng quả báo, khổ não biết bao! Dẫu có tạo phước, chẳng qua được hưởng chút phước báo. Nếu hưởng phước báo thì không bao lâu cũng phải đến trước Diêm vương chịu tội. Vì sao? Vì những nghiệp ác đã gây tạo từ trước. Dẫu không tạo nghiệp ác đi nữa, thì cũng như thiên tiên, khi phước hết sẽ rơi vào ba đường dữ.

Người niệm Phật thiết tha chân thật, hiện đời nhờ Phật lực vãng sanh tây phương, vĩnh viễn không còn nỗi khổ luân hồi. Biển khổ và Cực Lạc xa cách biết bao! Đây chính là những điều chính đức Thích ca Mâu ni đã dạy. Nay tôi cung kính truyền đạt lời Phật đến mọi người. Từng chữ từng câu đều chân thật. Nếu có lời nào không thật, tôi sẽ vĩnh viễn chịu tội nơi địa ngục Kéo lưỡi.

Quyển Người niệm Phật cần biết này, tôi nói cho ưu bà di Đường Trinh Nữ nghe. Trong sách, tôi dùng lời văn thô thiển, là muốn cho mọi người dễ hiểu, nhưng xét đến yếu chỉ cùng tột thì không vượt ra ngoài những lời này.

Mong những lời thiển cận này dễ dàng lưu truyền ở đời. Còn chánh pháp ba thừa khó vào thì sách này xin được miễn. Hoàng cư sĩ ở Tứ Xuyên rất vui mừng khi xem đọc, vì thế quyên góp tiền tài khắc bản lưu truyền.

Tháng ba năm Kỉ Sửu, niên hiệu Đạo Quang thứ chín (1829)

Ngộ Khai kính ghi

LUẬN VỀ NIỆM PHẬT THEO NGHĨA THIỂN CẬN

Nam mô, Trung Hoa dịch là qui y. A di đà, Trung Hoa dịch là Vô Lượng Thọ. Phật, Trung Hoa dịch là Giác. Vậy “nam mô A di đà Phật” nghĩa là chúng sanh qui y đấng Đại Giác Tôn Vô Lượng Thọ.

Hỏi: Nhưng danh hiệu Phật thì rất nhiều, vì sao chỉ niệm A di đà Phật?

Đáp: Bởi đây chính là vị Phật trong tâm của chúng sanh. Thử nhìn xem, khi người đời quá vui, thì liền niệm A di đà Phật, khi quá khổ cũng niệm A di đà Phật. Một câu danh hiệu Phật này thật là ở trong chỗ bất tri bất giác, chẳng suy chẳng nghĩ, tự nhiên buộc miệng nói ra. Từ bác nông dân chất phác cho đến người đàn bà quê mùa, không ai dạy mà biết, không có học mà hay. Vì thế mới nói Phật trong tâm. Bởi chúng sanh trải qua nhiều kiếp luân hồi, mê mờ bản tánh, chư Phật bèn mở môn phương tiện đặc biệt, dạy người niệm Phật nơi chính mình. Như người nằm mộng, dùng một câu A di đà Phật để thức tỉnh, như quên mất một việc thì cũng dùng một câu A di đà Phật để nhớ lại. Một câu A di đà Phật đưa chúng sanh khổ đau về thế giới Cực Lạc, chuyển đời ác năm trược thành lâu đài bảy báu. Nếu niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, tâm tâm hồi hướng tây phương, đến lúc thuần thục, tự nhiên thành tựu công phu, lãng tử được về cố quốc, trẻ thơ lại sà vào lòng mẹ. Bấy giờ vọt thẳng ra khỏi ba cõi, vĩnh viễn chẳng còn trở lại, sống yên trong chín phẩm hoa sen đã bày biện sẵn. Như thế há chẳng vui sao?

Nhất định không nên cho là mình phước mỏng, không thể vãng sanh. Nên biết, bản nguyện của Đức Phật A di đà không dối người. Như ngựa vượt đầm sâu, phóng một cái liền đến bờ kia; như chim tước qua biển rộng, một lần bay liền đến đích. Nếu chần chừ chậm chạp, ắt rơi đầm sâu, biển lớn, đó là lẽ đương nhiên. Như muốn đến nơi xa, trước tiên nên chuẩn bị đầy đủ lương thực và hành trang, kế đó thuê xe cộ, cấp tốc lên đường, đi sớm đến sớm. Nếu thiếu hành trang và tư lương, lại ném bỏ xe cộ, dần dà nơi lữ điếm, người này nhất định sẽ gặp trở ngại trên đường đi. Lại thêm bệnh tật, gió mưa, nắng nóng, rét lạnh, đêm tối sa xuống đầm lầy, cất bước lạc vào rừng gai… Bây giờ có hối hận cũng không kịp.

Hôm nay niệm Phật là hành trang cho việc vãng sanh. Thuyền đại nguyện A di đà là thuyền từ vượt qua biển khổ. Nước Cực Lạc phương tây đã được chỉ rõ, chính là kim chỉ nam. Nếu niệm Phật mà không cầu vãng sanh tây phương, thì chỉ trồng căn lành, hưởng phước báo mà thôi. Một khi phước hết, sẽ trở lại luân hồi. Nguy hiểm thay! Đáng sợ thay!

* LUẬN THÊM MỘT BƯỚC CAO HƠN VỀ NIỆM PHẬT

Đoạn trên tôi đã luận theo nghĩa thiển cận về pháp Niệm Phật để phát khởi lòng tin, làm vững nguyện lực cho người. Nay tâm đã phát, nguyện đã bền, mà không mạnh mẽ siêng năng tu hành, thì người này đã không xem việc sanh tử là bức thiết. Sở dĩ như thế là vì chưa biết nỗi khổ luân hồi và niệm Phật giúp thoát luân hồi. Bây giờ tôi xin được bàn thêm một bước nữa.

Có câu “Tức tâm tức Phật”, “Phật tại tâm”, “Duy tâm Tịnh độ”. Hàm ý các câu này tối cao, tối thượng, tối đệ nhất. Đáng tiếc mọi người lại xem thường tùy tiện nói ra, trở thành Khẩu đầu thiền[1]. Người đời cho tâm tức quả tim bằng thịt nằm trong lồng ngực. Nhãn thức nhờ sắc mà có sự phân biệt, nhĩ thức nhờ âm thanh mà có sự phân biệt. Đây đều là thức tâm hư vọng, nếu lìa sáu trần thì không có, bốn đại phân tán thì liền tan hoại. Kinh Pháp bảo đàn ghi: “Tâm là địa, tánh là vương. Vương trụ nơi tâm địa”. Nói về thể, thì thể ấy không hình không tướng, không động không lay, không sanh không diệt. Nói về dụng, thì dụng ấy bao trùm tất cả, xuất sanh tất cả, tròn đầy và cùng khắp, vận dụng không cùng tận, đầy đủ cả chánh tà thiện ác. Hễ khởi một niệm thiện, thì lên cõi trời; động một niệm ác thì rơi địa ngục. Thế thì niệm niệm là A di đà, tâm tâm luôn qui hướng, mà không thành tựu hạnh nghiệp Cực Lạc tây phương hay sao?

Hằng ngày thường tích thiện, thì cõi trời cao thêm một tầng; hằng ngày luôn tạo ác thì địa ngục sâu thêm một lớp. Tịnh độ cũng y cứ vào công phu tu chứng của hành giả mà có thứ bậc cao thấp khác nhau. Cho nên đông, tây, nam, bắc đều có cõi An Dưỡng; chùa tháp, núi rừng cũng là Lạc bang. Dẫu đài vàng đến đón, thì cũng từ tự tánh hiện ra. Như trên không trung chỉ một vầng trăng, mà trong biển cả, vô số sông hồ ngòi rạch, thậm chí trong một bát nước, một chung trà cũng có bóng trăng. Có nơi, chỉ vì nước đục nên bóng trăng chẳng hiện, cũng như tâm chúng sanh nhiễm ô thì không thấy Phật vậy. Nếu được vãng sanh, gặp Phật, nghe pháp, thì vĩnh viễn thoát luân hồi.

Hỏi: Khi niệm Phật, có nhiều niệm khác xen vào thì phải làm sao?

Đáp: Các niệm ấy vốn không thật, nhưng cũng không lìa tự tánh. Trong Tâm kinh nói năm uẩn đều không, nhưng rõ ràng đang tồn tại một cái chiếu kiến “giai không”. Cái đó chính là Chủ nhân ông không tạp không loạn. Nếu nhất định cho rằng tạp niệm ngăn ngại niệm Phật, vậy ai “tri” (nhận rõ) tạp niệm ấy? Nếu đã tri niệm tức lìa niệm, lìa niệm tức Phật (giác). Phan duyên chắc chắn là không đúng rồi, nhưng chỉ diệt[2] cũng là bệnh. Mặc cho người khởi niệm của người, riêng ta cứ niệm Phật của ta. Lúc đầu thì nghiệp lực thắng Phật lực, nhưng lâu ngày Phật lực sẽ thắng nghiệp lực. Đến lúc thuần thục, mở miệng hay ngậm miệng cũng chỉ toàn là câu Phật hiệu, cho đến một tiếng sau cùng thì đột ngột dừng lại. Bấy giờ vạn niệm đều tiêu, các âm thanh đều bặt dứt, có bao nhiêu mát mẻ thì thọ dụng bấy nhiêu, chỉ trong một sát na mà vật đổi sao dời.

Do đó, có thể nói đời người từ lúc sanh ra, lớn lên cho đến già chết, mà không thể thọ dụng được một sát na mát mẻ an lạc này. Người sống trong cõi trần lao loạn động, chẳng biết đã đánh mất bao nhiêu là thiên chân, chôn vùi biết bao nhiêu là linh tánh, luống bỏ biết bao nhiêu là thời gian để đến nỗi phải chịu sanh tử lưu chuyển vô cùng. Nghĩ đến đây, lòng thật lo sợ, thật kinh hoàng! Muốn ra khỏi sanh tử thì chỉ có con đường này. Niệm lớn tiếng, niệm thầm, sáng niệm, chiều niệm, niệm cho đến lúc muốn buông cũng không được.

Tuy nhiên, những lời này của tôi gần như là lời luận về lìa tướng. Thuyết lìa tướng chính là luận một bước cao hơn về pháp Niệm Phật. Nếu không thể lìa tướng thì trở thành chấp tướng. Nếu nhận chỗ không ngơ đen ngòm kia, chấp thiền định như cây khô bất động kia thì sai lầm lớn.

 BÀN VỀ NIỆM PHẬT KHÔNG SÁT SANH

Người niệm Phật không câu nệ ở việc ăn chay, ăn mặn. Đây vốn là môn phương tiện mà Phật, bồ tát vì khổ tâm cứu giúp chúng sanh mà lập bày. Nhưng người đời hiều lầm câu nói này, vội cho người niệm Phật không cần ngăn giới sát. Nhưng họ chẳng biết tội nặng nhất trong ba nghiệp là sát sanh, đứng đầu trong năm giới. Nếu không ngăn cấm sát sanh, thì nhất định nghiệp quả sẽ nối tiếp, chướng ngại cho việc vãng sanh. Viên Trung lang[3] nói: “Chưa có việc hằng ngày vung đao bén mà được sanh vào cõi Thanh Thái”.

Các loài hàm linh nhỏ bé đều có Phật tánh. Do mê mờ tạo ác nên trôi nổi trong các đường. Đức Thế Tôn dùng nguyện lực từ bi, độ chúng vào Vô dư niết bàn mà giải thoát. Như vậy chư Phật thì cứu độ chúng, con người thì giết chết chúng, đó là tâm gì? Người tin thờ Phật mà lại sát sanh, thì thật là quá điên đảo, trái nghịch. Có người cho rằng nếu vậy, để cúng tế, cung cấp thức ăn hằng ngày, đãi khách khứa thì phải làm sao? Tôi nghĩ rằng, như một người tôn phụng Phật đạo nhất định cầu mong cho tổ tiên, quyến thuộc đồng sanh vào chín phẩm hoa sen, cùng trụ một nơi với các bậc thượng thiện. Vì vậy nên cảm hóa thân quyến không sát sanh, như thế cũng là tự độ và độ người.

Kinh Lăng nghiêm ghi: “Giết thân mạng, ăn thịt của nó, nhất định phải chịu cảnh ăn thịt báo oán nhau trải qua số kiếp như hạt bụi, không bao giờ chấm dứt”. Vì thế, loài súc sanh có vô số là do quả báo của nghiệp sát quá nhiều. Loài người cũng là một trong mười hai loại chúng sanh, nhưng sao ta thì yêu quí thân mạng mình, sợ khổ đau, muốn sanh cõi Tịnh; còn vật lại phải bị trói buộc, chịu nhốt giam, cuối cùng lại đưa đến lò mổ? Lường tình xét lí, cảm thấy quá bất công. Người xưa có câu: “Trong miệng ngậm đầy mỡ thịt, đầu đao từng giọt máu rơi. Như vậy làm sao nhẫn tâm ăn nuốt, làm sao nhẫn tâm hạ thủ?”.

Xin các bạn đồng tâm chí suy nghĩ kĩ những lời này. Lại nữa, không chỉ không sát sanh mà còn phải phóng sanh, lại phát nguyện cứu độ tất cả các loài. Như vậy mới xứng đáng làm đệ tử Phật. Đến như thân mạng những loài bé nhỏ cũng phải quí tiếc, gia nhân ngu tối cũng nên bảo toàn. Nhất là những người có tâm, lại phải tùy thời quan tâm chiếu cố.

Am Bảo Tạng, núi Linh Nham, sa môn Ngộ Khai thuật.

Đệ tử là Tịnh Đồng, từ nhiều kiếp lưu chuyển trong sanh tử, không biết bao giờ thoát khổ. Hôm nay được gặp pháp môn Niệm Phật, mới có hi vọng xa lìa.

Kính mong người người đạo tâm dõng mãnh, tín nguyện vững bền, nhất định được sanh về An Dưỡng. Lại cầu cha mẹ hiện đời, cùng tất cả quyến thuộc đồng sanh cõi Liên Hoa, đồng chứng Bồ đề. Khẩn thiết cầu xin Đức Phật từ bi thỏa mãn nguyện này.

Am Bảo Tạng, núi Linh Nham, sa môn Ngộ Khai thuật.

Tháng 10 năm Canh Dần (2010) Chùa Phú Quang, Thích Nguyên Chơn dịch


[1] Khẩu đầu thiền: thiền đầu môi, chỉ nói suông mà không tu, không chứng.

[2] Chỉ diệt: hai trong bốn bệnh: tác, chỉ, nhậm, diệt khi cầu tánh viên giác.

[3] Viên Trung lang: tức Viên Hoành Đạo, tác giả bộ Tây phương hợp luận.