Home > Khai Thị Phật Học
Giải thích tên kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
Đại Sư Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


1.1. Thích Danh
 
          Trong phần Thích Danh (giải thích tên kinh), sáu chữ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là Biệt Đề, vì khác với các kinh. Một chữ Kinh trong tựa đề là Thông Đề, vì các kinh khác đều có. Trong Biệt Đề, lại chia thành Nhân và Pháp. Địa Tạng Bồ Tát là Nhân, Bổn Nguyện là Pháp. Đối với bản kinh này, đức Phật vốn tự kết kinh danh thành ba loại [tên gọi]: Một là Địa Tạng Bổn Nguyện, còn gọi là Địa Tạng Bổn Hạnh, còn gọi là Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh. Nay chỉ nêu lên duy nhất danh xưng Địa Tạng Bổn Nguyện, là vì đã có nguyện, ắt phải hành hạnh. Hạnh đã thành, ắt sẽ có lực dụng cứu bạt. Vì thế, chỉ nêu một mình danh xưng Bổn Nguyện thì sẽ tùy ý bao hàm hai thứ kia.

          Trong phần Nhân danh, lại chia thành Thông và Biệt, Địa Tạng là Biệt, Bồ Tát là Thông. Đối với danh xưng Địa Tạng, chuẩn theo Phật Thuyết Bát Đại Bồ Tát Mạn Đà La Kinh, phải nên đọc là Khất-sái Ha La Nhạ (Kitigarbha), dịch nghĩa là Địa Tạng. Nếu dựa theo các bản dịch khác, nên nói là Cù Tát (Kiti) dịch là Địa, Câu Xá (Garbha) hoặc [còn phiên âm là] Tỷ Ca, hay Trích Ca, dịch là Tạng. Kinh dạy: “Như địa chư hữu tình, sở y nhất bất đoạn” (Như đất là nơi các hữu tình nương tựa chẳng ngưng dứt). Đấy là dựa trên thí dụ để đặt trên. Do đất là một vật mà có thể chứa đựng vô lượng; do vậy, nó đứng đầu Tứ Đại, là một hành (tức hành Thổ) trong Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), sanh thành bởi nguyên khí, là tổ của vạn vật. [Trong Bát Quái], Quái của nó là Khôn (坤), đức của nó là Mẫu (mẹ). Sách Châu Dịch nói: “Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sanh, hàm hoằng quang đại, phẩm vật hàm hanh” (Lớn lao thay đức Khôn, sanh thành muôn vật; rộng chứa những điều tươi đẹp nhất, muôn vật đều hanh thông). Thể và Dụng rộng sâu, đức to lớn, khó thể diễn tả được! Do vậy, đất có thể gìn giữ, có thể nuôi dưỡng, có thể chuyên chở, có thể sanh thành. Đấy là giải thích dựa theo sách Nho. Nếu chuẩn theo phần giải thích về Thập Địa trong Tứ Niệm Xứ thì: “Từ Sơ Địa có ba nghĩa là trụ trì (gìn giữ, duy trì), sanh trưởng, và gánh vác”. Cho đến địa vị rốt ráo sau cùng thì cũng có ba nghĩa. Đấy chính là coi Tánh là Địa. Nhân tu vạn hạnh, quả viên mãn muôn đức, đều trọn đủ ba nghĩa.

          Kinh Thập Luân dạy: “Tùy sở tại xứ, nhược chư hữu tình, dĩ chư chủng tử, thực ư hoang điền, hoặc ư thục điền trung. Nhược cần doanh vụ, hoặc bất doanh vụ. Hữu năng chí tâm xưng danh, niệm tụng, quy kính, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát giả, thử thiện nam tử công đức diệu định, oai thần lực cố, linh bỉ nhất thiết quả thật phong nẫm. Sở dĩ giả hà? Thử thiện nam tử tằng quá vô lượng vô số đại kiếp, ư quá số lượng Phật Thế Tôn sở, phát đại tinh tấn, kiên cố thệ nguyện. Do thử nguyện lực, vị dục thành thục chư hữu tình cố, thường phổ trụ trì nhất thiết đại địa, thường phổ trụ trì nhất thiết chủng tử, năng linh đại địa nhất thiết thảo mộc, căn, tu, nha, hành, chi, diệp, hoa, quả, giai tất sanh trưởng. Dược cốc miêu căn, hoa quả mậu thật, thành thục nhuận trạch, hương khiết nhuyễn mỹ” (Ở bất cứ nơi đâu, nếu các hữu tình đem các hạt giống gieo xuống ruộng hoang, hoặc trong ruộng thục[4], hoặc là siêng năng chăm bón, hoặc chẳng siêng năng chăm bón. Nếu có thể chí tâm xưng danh, niệm tụng, quy kính, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, thì vị thiện nam tử ấy (Địa Tạng Bồ Tát) do công đức, diệu định và sức oai thần, sẽ khiến cho hết thảy quả, hạt đều sum suê, chín rộ. Vì lẽ nào vậy? Vị thiện nam tử ấy đã từng trong vô lượng vô số đại kiếp, từng ở nơi vượt quá số lượng Phật Thế Tôn, phát ra thệ nguyện đại tinh tấn kiên cố. Do nguyện lực ấy, vì muốn thành thục các hữu tình, thường trụ trì trọn khắp hết thảy các đại địa, thường trụ trì trọn khắp hết thảy các chủng tử, có thể khiến cho hết thảy thảo mộc trên đại địa, rễ, tua, mầm, thân, cành, lá, hoa, quả, thảy đều sanh trưởng. Mầm rễ của thuốc, ngũ cốc, hoa quả sum suê, chắc hạt, chín muồi, tươi mọng, thơm sạch, mềm mại, ngon đẹp).

          Lại nói: “Thí như đại địa, nhất thiết chủng tử, thụ sơn, giá sắc, địa thân chúng sanh chi sở y chỉ. Thử thiện nam tử diệc phục như thị, nhất thiết thù diệu Bồ Đề Phần pháp chi sở y chỉ. Lương do Bồ Tát ư quá khứ bất khả thuyết, bất khả thuyết vô số kiếp lai, tán ảnh phân hình, phóng quang thuyết pháp, hằng xử u minh giới nội, thường giáo lục đạo chúng sanh, hoặc dĩ thành Phật đạo, hoặc cửu giai chân nhân, hoặc tạm trụ Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc tại thiên thượng, nhân gian; nãi chí vị lai chúng sanh, thiên cung chúc linh độ thoát. Chánh như đại địa, nhất thiết lại dĩ trụ trì, sanh trưởng, hà phụ” (Ví như đại địa là chỗ nương tựa cho hết thảy các hạt giống, cây cối, núi non, ngũ cốc, ruộng vườn, và chúng sanh. Thiện nam tử này cũng giống như thế, là chỗ nương tựa cho hết thảy các pháp Bồ Đề phần thù thắng nhiệm mầu. Ấy là vì trong quá khứ bất khả thuyết bất khả thuyết vô số kiếp đến nay, Bồ Tát đã phân thân phóng quang, thuyết pháp, luôn ở trong cõi U Minh, thường dạy lục đạo chúng sanh, [các chúng sanh ấy] hoặc đã thành Phật đạo, hoặc đạt lên địa vị chân nhân (cái nhân chân chánh, tức từ Sơ Địa trở lên) đã lâu, hoặc tạm trụ nơi [các địa vị] Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc ở trên cõi trời hay nhân gian, cho đến chúng sanh trong đời vị lai, Bồ Tát đã được đức Phật căn dặn cứu độ họ, giống hệt như hết thảy đều nương cậy đại địa để duy trì, sanh trưởng, gánh vác). Vì thế kinh dạy: “Tâm như đại địa, năng an nhất thiết. Dĩ cố Phật thuyết tâm lực vi đại” (Tâm như đại địa, có thể an trụ hết thảy. Vì thế, đức Phật nói tâm lực là to lớn). Đấy đều là dùng cái tâm để minh thị chữ Địa vậy.

          Tạng (藏) cũng là dựa theo thí dụ để đặt tên; chính là dùng kho tàng bảy báu của thế gian để sánh ví Tam Đức bí tạng xuất thế. Kinh Niết Bàn dạy: “Như nhân thất bảo, bất xuất dụng ngoại, danh chi vi Tạng. Kỳ nhân sở dĩ tàng tích thử bảo, vị vị lai cố. Sở vị cốc quý, tặc lai xâm quốc, trị ngộ ác vương, vi dụng thục mạng, tài nan đắc thời, nãi đương xuất dụng. Chư Phật bí tạng, diệc phục như thị” (Như người ta đối với bảy báu chẳng đem sử dụng thì gọi là tích chứa. Sở dĩ người ta tích chứa những chất báu ấy là để vì tương lai, chẳng hạn như khi thóc gạo đắt đỏ, giặc giã xâm lăng đất nước, gặp phải vua ác, sẽ dùng những thứ đó để chuộc mạng; hoặc khi tiền tài khó khăn, sẽ lấy ra dùng. Bí tạng của chư Phật cũng giống như thế đó). Do vậy, ngài Chương An[5] nói: “Do ẩn kín nên gọi là Bí, do che đậy nên gọi là Tạng. Chúng sanh chẳng hiểu, nên gọi là Bí Mật. Bao hàm pháp giới, nhiếp hết thảy pháp, dùng chẳng thể hết, thì gọi là Tạng. Do tánh của chúng sanh sẵn có của báu tam thiên, khi bị sáu tên giặc phiền não che lấp, bị ác vương ý thức làm hại, bèn bỏ ra Tam Đức bí tạng này để chuộc cái mạng thường trụ”. Nay danh hiệu của ngài Địa Tạng chính là dùng những ý nghĩa ấy để đặt tên. Tam Đức bí tạng chất chứa trong thân tâm của hết thảy chúng sanh, chư Phật do đã ngộ bèn chứng đắc, chúng sanh do mê mất, bèn lưu chuyển. Nhưng bí tạng ấy trọn chẳng dời đổi. Vì thế, Địa Tạng Tát Đóa từ thuở ban sơ phát ra hoằng nguyện, cho đến sau khi đã trụ trong địa vị Đẳng Giác, tự hành, hóa độ người khác, trọn chẳng lìa khỏi bí tạng nơi cái tâm này. Bí tạng nơi tâm ấy chính là Niết Bàn. Sách Phụ Hành nói: “Bồ Tát sơ tâm thường quán Niết Bàn để hành đạo; đó phép tu tự hành ban đầu, và cũng khiến cho chúng sanh thường quán Niết Bàn hòng hóa độ những người khác mới tu, đặt yên các ông trong tạng bí mật. Đó là sự tấn nhập sau khi hóa độ người khác. Chẳng lâu sau, ta cũng tự trụ trong ấy. Đó là sự tấn nhập sau khi tự hành”. Do vậy biết: Sơ tâm thì tự hay tha, không gì chẳng đều tu. Hậu tâm tự hay tha, không gì chẳng đều nhập. Nay chuẩn theo nghĩa này để giải thích tên kinh.

          Ma Ha Bát Niết Bàn Na (Mahānirvāṇa) trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là Đại Diệt Độ (大滅度). Đại chính là Pháp Thân, Diệt chính là Giải Thoát, Độ tức Bát Nhã. Trong ba pháp ấy, mỗi pháp đều có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; vì thế, gọi là Đức. Bốn đức ấy chẳng lìa khỏi tâm ta; bốn tạng ấy đều chẳng vượt khỏi Địa. Như lúc ngài Di Lặc thành Phật, cõi ấy có Chuyển Luân Vương tên là Nhương Khư (Śaṃkha, còn gọi là Sương Khư (霜佉). Cõi này dịch là Bối (貝, vỏ sò), tức là Kha Bối (珂貝). Kinh Hiền Ngu thì [phiên âm chữ này] là Thắng Già, 勝伽), sống ở thành Xí Đầu Mạt. Khi đức Di Lặc thành Phật, có bốn đại bảo tạng đồng thời hiển lộ. Mỗi đại tạng đều có bốn ức tiểu tạng vây quanh. Y Bát La đại tạng (kho vàng) ở nước Càn Đà La, Ban Trục Ca đại tạng (kho bạc) ở nước Di Đề La, Tân Già La đại tạng (kho minh nguyệt châu) ở nước Tu La Trá, Nhương Khư đại tạng (kho lưu ly, còn gọi là kho Kha Bối) ở chỗ Cổ Tiên Sơn thuộc nước Ba La Nại. Bốn kho ấy đều thuộc cõi Diêm Phù Đề. Nay Tứ Đức ấy đều có sẵn trong A Lại Da Thức. Vàng ví như Thường đức vì màu sắc chẳng thay đổi. Bạc ví như Lạc đức vì khiến cho người ta đẹp lòng. Minh châu ví như Ngã đức, vì nó hiện sắc tự tại. Lưu Ly ví như Tịnh đức, vì trong ngoài đều thấu suốt.

          Lại hãy nên biết: Khi bốn tạng ấy chưa hiển hiện, mỗi tạng đều có thần long bảo vệ chặt chẽ, gìn giữ chẳng để mất mát. Sau khi đã mở ra, không có người thủ hộ, mọi người trông thấy chẳng sanh lòng tham đắm. Điều này thật đúng như bảo tạng trong tâm địa, tuy lúc mê, nó ẩn kín, nhưng chẳng mất đi. Ngay trong khi ngộ, tuy chứng mà chẳng chấp trước. Vì thế biết tâm tạng trọn đủ các thứ báu, tức là “Không, Giả, Trung, không gì chẳng như ý. Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai biệt”. Danh hiệu Địa Tạng có ý nghĩa như thế đó.

          Do vậy, trong kinh Thập Luân, đức Phật bảo Hảo Nghi Vấn Bồ Tát: “Như thị Đại Sĩ thành tựu như thị bất khả tư nghị chư công đức pháp, thị chư thù thắng công đức phục tạng, thị chư giải thoát trân bảo xuất xứ. Sở dĩ giả hà? Địa Tạng Bồ Tát lợi ích an lạc nhất thiết hữu tình; sở nguyện mãn túc như Như Ý bảo, diệc như phục tạng. Như thị Đại Sĩ vị dục thành thục chư hữu tình cố, cửu tu kiên cố đại nguyện, đại bi, dũng mãnh, tinh tấn, quá chư Bồ Tát. Thị cố nhữ đẳng ưng đương cúng dường” (Bậc Đại Sĩ như vậy, thành tựu các pháp công đức chẳng thể nghĩ bàn như thế đó, chính là các kho báu công đức thù thắng, là chỗ sanh ra các món trân bảo giải thoát. Vì sao vậy? Địa Tạng Bồ Tát lợi ích, an lạc hết thảy hữu tình, sở nguyện viên mãn, giống như báu Như Ý, mà cũng giống như kho tàng. Bậc Đại Sĩ như thế vì muốn thành thục các hữu tình, cho nên tu đại nguyện đại bi kiên cố từ lâu, dũng mãnh, tinh tấn, vượt trỗi các vị Bồ Tát. Do vậy, các ông hãy nên cúng dường). Nay đức Phật ở trên cung trời Đao Lợi, ân cần căn dặn ngài Địa Tạng hãy khiến cho pháp giới chúng sanh trong thế giới Sa Bà cho đến khi Di Lặc xuất thế đều được giải thoát, vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, gặp Phật thọ ký, chính là vì muốn khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật, đặt yên trọn hết đại bảo Tứ Đức trong bí mật tạng!          

          “Bồ Tát nói đầy đủ phải là Bồ Đề Tát Đỏa (Boddhisattva). Đại Luận (Đại Trí Độ Luận) giảng: “Bồ Đề là Phật đạo, Tát Đỏa dịch thành chúng sanh. Có thể dùng trí để trên là cầu Bồ Đề, dưới là dùng lòng bi để cứu chúng sanh”. Tổ Thiên Thai nói: “Do dùng đạo của chư Phật để thành tựu chúng sanh, cho nên gọi là Bồ Đề Tát Đỏa”. Nhưng danh xưng Bồ Tát có đủ cả bốn giáo (Tạng, Thông, Biệt, Viên), nay nói rõ ràng thì đích xác là nói đến [bậc Bồ Tát] trong Viên Giáo, lại còn bao gồm cả ý nghĩa “danh hiệu chung (thông danh, tức Bồ Tát) của ngài Địa Tạng tuy là thông mà vẫn là biệt”.

          Kế đó, giải thích pháp Bổn Nguyện. Bổn tức là Bổn Tích. Từ ngữ Ni Tri trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là Nguyện, có ý nghĩa diễn tả điều mong mỏi, cần thiết, có chí hướng được thỏa mãn. Đấy là vì xưa kia Bồ Tát thuở làm cô gái Bà-la-môn và cô Quang Mục, đã phát nguyện to lớn. Đấy cũng chính là bản tánh, do Bồ Tát đã đặt vững cội rễ nơi tánh địa, khiến cho cội gốc của nguyện ấy được hưng thịnh, bền vững. Đấy chính là ngước nhìn bậc đại giác bao kiếp độ sanh đều trọn chẳng lười nhác, mệt mỏi, hòng thỏa mãn cái nguyện nơi bổn địa vậy. Đấy lại còn là lực dụng của bản tánh. Đại Sĩ lập nguyện tương xứng với căn bản, do tự tâm mà khởi tín, trở lại tin vào tự tâm. Ví như cây cối do đất mà mọc rễ, rễ sâu, gốc lớn, ắt cành lá sum suê, tươi tốt, hoa quả do đó mà chi chít, lúc lỉu. Cuồng phong dẫu lớn, chẳng thể động lay! Nguyện chẳng dựa trên Đế, thì gọi là “cuồng nguyện”. Đế chẳng xuất phát từ tâm, thì gọi là “tà đế”. Nay dùng tâm làm đất, Đế làm rễ, nguyện làm gốc; sau đấy, cây trong rừng pháp mới trổ cành Chánh Hạnh sum suê, lá Trợ Đạo mới um tùm, hoa Thất Giác Tịnh [nở rộ], kết quả Bát Chánh Đạo, kết hạt, trang nghiêm vườn hoa Tổng Trì. Vì thế, cần phải tương xứng với căn bản mà lập nguyện thì mới có thể chế ngự cái tâm. Dẫu gặp gió cảnh giới, nó vẫn chẳng thể ngăn trở, phá hoại [cái nguyện ấy] được. Đấy là những nét chánh yếu về chuyện lập nguyện dựa theo căn bản vậy.

          Nhưng nguyện có Thông và Biệt. Thông chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Đại Bi Sám có đoạn viết như sau: “Phù Tứ Hoằng giả, y Tứ Đế khởi. Tứ Đế giả, nhị thị thế gian khổ nhân quả, nhị thị xuất thế lạc nhân quả. Nhất thiết Bồ Tát dục bạt thử khổ, dục dữ thử lạc; cố y chi lập Tứ Thệ dã. Y Khổ Đế lập vân ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’. Y Tập Đế lập vân ‘phiền não vô số thệ nguyện đoạn’. Y Đạo Đế lập vân ‘pháp môn vô tận thệ nguyện tri’. Y Diệt Đế lập vân: Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” (Tứ Hoằng nương theo Tứ Đế mà khởi. Trong Tứ Đế thì hai Đế (Khổ và Tập) nhằm chỉ dạy nhân quả của sự khổ trong thế gian. Hai Đế (Diệt và Đạo) nhằm chỉ dạy nhân quả của niềm vui xuất thế. Hết thảy Bồ Tát muốn dẹp nỗi khổ ấy, mong ban niềm vui ấy, cho nên dựa theo đó mà lập ra Tứ Thệ. Do dựa theo Khổ Đế mà lập nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Do dựa trên Tập Đế mà lập nguyện: “Phiền não vô số thệ nguyện đoạn”. Dựa trên Đạo Đế mà lập nguyện: “Pháp môn vô tận thệ nguyện biết”. Nương theo Diệt Đế mà lập nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”). Do hết thảy Bồ Tát đều phát [bốn nguyện ấy], nên gọi là Thông. Như trong kinh Thất Phật, hoặc là bốn nguyện, tám nguyện, mười hai nguyện, và Phật Di Đà thì bốn mươi tám nguyện, ngài Quán Âm có mười sáu nguyện v.v… [Những nguyện như vậy] riêng biệt nơi một vị, cho nên gọi là Biệt. Nếu chuẩn theo kinh này, cô gái Bà-la-môn và cô Quang Mục đều vì mẹ mà phát tâm cứu lục đạo, tức là dùng hiếu hạnh làm biệt nguyện của Đại Sĩ khi tu cội gốc. Hơn nữa, bổn nguyện do Địa Tạng Bồ Tát đã phát gồm trọn Thông và Biệt. Tổng là dùng Tứ Hoằng làm nguyện gốc, không lúc nào chẳng phát. Biệt là do bi tâm mà khăng khăng chịu khổ thay cho chúng sanh, vĩnh viễn làm U Minh giáo chủ. Do vậy, dù Thông hay Biệt, đều xuất phát từ bản tánh. Tuy chia thành Thông và Biệt, không gì chẳng phải là nhân quả để dẹp khổ trong thế gian, là nhân quả để ban bố niềm vui xuất thế. Đối với Quyền, Thật, Thiên, Viên, chú trọng nơi Biệt. Ngài Tứ Minh[6] nói: “Vẫn cần phải biết rõ các tướng đầu, cuối, Thể và Tánh chính là lẫn nhau”. Ngài Kinh Khê[7] nói: “Sơ tâm nhiếp trọn khắp, quán Hoặc pháp giới, từ ngay nơi Hoặc mà thành trí, từ ngay nơi sanh mà thành diệt, thì gọi là Tứ Thệ của Viên Giáo”. Vì thế, hiểu rõ hai thệ nguyện đầu [trong Tứ Hoằng Thệ] chính là dẹp trừ nỗi khổ nơi Tánh Đức; hai thệ nguyện sau là ban niềm vui thuộc về Tánh Đức. Khổ hay vui thuộc về tánh, cần gì phải dẹp trừ hay ban bố? Tức là vô tác thệ nguyện vậy! Nay Địa Tạng Đại Sĩ từ vô số kiếp trước, đã phát hoằng thệ nguyện, gánh vác chúng sanh tội khổ trong lục đạo, dạy họ trụ trì chánh pháp, sanh ra hết thảy công đức, cam chịu khổ nạn, đại từ đại bi. Vì thế, gọi là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Giải thích Biệt Danh đã xong.

          “Kinh” là tên chung của thánh giáo. Trừ Luật và Luận ra, đều gọi bằng danh xưng này. Sách Tây Vực Ký chép [kinh trong] tiếng Phạn là Tô-đát-lãm (Sūtra). Có người bảo không dịch [danh xưng này] vì nó bao hàm năm nghĩa, tức Dũng Tuyền (涌泉, suối phun trào, do nghĩa vị vô tận), Xuất Sanh (出生, vì sanh ra điều thiện mầu nhiệm), Thằng Mặc (繩墨, dây dính mực dùng để lấy dấu của thợ mộc, vì có thể phân định tà chánh rạch ròi), Hiển Thị (顯示, vì có thể chỉ bày chánh lý), Kết Man (結鬘, xâu tràng hoa, vì xuyên suốt các pháp), do bao hàm nhiều nghĩa nên không dịch. Hoặc có thuyết cho rằng có thể phiên dịch, dịch [Tô Đát Lãm] là Kinh, dịch là Luận, dịch thành Pháp Bổn, dịch là Tuyến, dịch là Thiện Ngữ Giáo; những danh xưng ấy đều là dựa theo ý nghĩa để dịch. Tông Thiên Thai thì coi một danh xưng là đúng, chẳng khiến cho đôi bên có điều gì bực tức. Từ xưa tới nay, hễ dịch từ Phạn sang Hán, đều ghi là Kinh. Do ở phương này, những lời dạy của Châu Công, Khổng Tử đều gọi là Ngũ Kinh. Tuy các kinh chỉ ghi tựa đề là Kinh, nhưng trong các bộ luận, đều nói là Khế Kinh, ý nói: “Trên là khế hợp lý Nhị Đế, dưới là khế hợp ba loại căn cơ”. Lại xét theo các phương diện Thường và Pháp để giải thích, thì mỗi thứ đều có ba nghĩa:

          a) Ma và ngoại đạo chẳng thể thay đổi là Giáo Thường. Chân chánh chẳng tạp là Hạnh Thường. Trong lặng, bất động là Lý Thường.
          b) Pháp có thể noi theo, Hạnh có thể noi theo, Lý có thể noi theo.

          Như Phật Địa Luận giải thích Kinh là Quán Xuyên và Nhiếp Trì, tức là xét theo ý nghĩa Kết Man và Tuyến (sợi chỉ). Ngài Từ Ân [Khuy Cơ] nói: “[Kinh] là Thường, là Pháp, là Nhiếp, là Quán, khiến cho [chúng sanh] cùng thoát bờ khổ, rốt cuộc trở về bờ giác”. [Vận dụng] một loại Nhân và Pháp, hai tầng Thông và Biệt, khéo mượn thí dụ mầu nhiệm để lập ra tựa đề kinh; vì thế, nói là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh.
 
1.2. Biện Thể
 
          Thứ hai là biện định tánh thức chẳng thể nghĩ bàn là Thể, lập ra ba ý:
          - Căn cứ theo kinh luận.
          - Căn nguyên của mê và ngộ.
          - Bổn thức của Bồ Tát.

          1) Kinh này dạy: “Nhất thiết chúng sanh vị giải thoát giả, tánh thức vô định, vi thiện, vi ác, trục cảnh nhi sanh” (Hết thảy chúng sanh là những kẻ chưa giải thoát thì do tánh thức bất định, làm lành hay làm ác, đều là do chạy theo cảnh mà sanh). Lại nói: “Niệm Phật, Bồ Tát danh tự, lịch lâm chung nhân nhĩ căn, hoặc văn tại bổn thức” (Niệm danh tự của Phật, Bồ Tát, thoảng qua tai của người lâm chung, hoặc nghe nơi bổn thức). “Thức” ở đây là nói về thức thứ tám. Vì thế, Tỳ Lô Tam Ma Địa Pháp và Kim Cang Đảnh Liên Hoa Bộ Tâm đều nói: “Thị tâm vi hà vật? Phiền não tập chủng tử, thiện ác giai do tâm. Tâm vi A Lại Da” (Tâm này là vật gì? Chủng tử tập phiền não, thiện ác đều do tâm, tâm là A Lại Da). Luận Khởi Tín nói: “Tâm sanh diệt là do dựa trên Như Lai Tạng, cho nên có tâm sanh diệt. Cái gọi là bất sanh bất diệt, hòa hợp cùng sanh diệt, chẳng một, chẳng khác, gọi là A Lê Da Thức (A Lại Da Thức)”. Tức là vô minh và pháp tánh cùng hợp làm nhân, chẳng phải là như vậy hay sao? Ngài Chân Đế xét theo danh, nên dịch là Vô Một Thức (無沒識, thức chẳng mất), [tức là] dựa theo ý nghĩa “chẳng mất” [của A Lại Da Thức]; còn ngài Huyền Trang xét theo nghĩa, bèn dịch thức này là Tạng Thức (藏識, cái thức có công năng chứa đựng), vì nó có thể bao hàm chủng tử của các pháp. Ấy là do bản thể của Thức này bao gồm ba pháp Năng Tàng (có thể chứa đựng), Sở Tàng (được chứa đựng), và Chấp Tàng (có công năng chứa đựng chấp giữ), cho nên gọi là Tạng. Do vậy, sách Tông Kính Lục nói: “Bổn thức thứ tám rộng lớn vô biên, hiển lộ nguồn tâm không gì ra ngoài được, thông suốt bao hàm trọn khắp tánh tạng, chuyên gìn giữ danh tự của chủng tử, là cái chủ yếu của tổng báo, là cái Thể để kiến lập hữu tình, là cái nhân để tạo lập Niết Bàn”. Dựa theo đó để làm Thể, thì các pháp đều được thâu tóm, có thể nói là nắm lấy cổ áo thì [thân áo phải xuôi theo], nắm lấy dây chài chính của cái lưới [thì các mắt lưới đều căng ra].

          2) Nói đến “căn nguyên của mê và ngộ” thì Khởi Tín Luận có nói: “Nương theo A Lê Da Thức bèn nói ‘có vô minh bất giác dấy lên, có thể thấy, có thể hiện, có thể giữ lấy cảnh giới’. Do vậy, gọi thức này là Sở Tri Y (cái dựa vào để nhận biết), vì nó có thể làm căn cứ để có thể nhận biết các pháp là nhiễm hay tịnh. Nó còn được gọi là Chủng Tử Thức vì có thể duy trì chủng tử của các pháp thế gian và xuất thế gian”. Đấy chính là như kinh Duy Ma đã dạy: “Tùng vô trụ bổn, lập nhất thiết pháp dã” (Từ cái gốc vô trụ mà lập hết thảy các pháp). Ngài Kinh Khê giảng: “Vô minh làm cội gốc của hết thảy các pháp. Vô minh chính là pháp tánh, vô minh lại lấy pháp tánh làm gốc”. Hãy nên biết: Các pháp cũng lấy pháp tánh làm gốc, pháp tánh chính là vô minh, pháp tánh lại lấy vô minh làm gốc. Pháp tánh chính là vô minh, pháp tánh không có trụ xứ. Vô minh chính là pháp tánh, vô minh không có trụ xứ. Tuy vô minh và pháp tánh đều vô trụ, nhưng chúng lại là cái gốc cho hết thảy các pháp. Đấy chính là đối với lẽ thường “vô trụ, vô tướng, Lý, Sự” v.v… mà lập ra hết thảy các pháp mê hay ngộ sai khác. Do đó, kinh Chiêm Sát dạy: “Đản tùng vô thỉ thế lai, dữ vô minh tâm câu, si ám nhân duyên huân tập lực cố, hiện vọng cảnh giới. Dĩ y vọng cảnh giới, huân tập nhân duyên cố, khởi vọng tương ứng tâm, kế Ngã, Ngã Sở, tạo tập chư nghiệp, thọ sanh tử khổ, thuyết bỉ Pháp Thân, danh vi chúng sanh. Nhược như thị chúng sanh trung, Pháp Thân huân tập nhi hữu lực giả, phiền não tiệm bạc, năng yếm thế gian, cầu Niết Bàn đạo, tín quy nhất thật, tu Lục Ba La Mật đẳng, nhất thiết Bồ Đề phần pháp, danh vi Bồ Tát. Nhược như thị Bồ Tát trung, tu hành nhất thiết thiện pháp, mãn túc cứu cánh, đắc ly vô minh thùy giả, chuyển danh vi Phật. Đương tri như thị chúng sanh, Bồ Tát, Phật đẳng, đản y thế gian giả danh ngôn thuyết cố, nhi hữu sai biệt, nhi Pháp Thân chi Thể tất cánh bình đẳng, vô hữu dị tướng” (Nhưng từ đời vô thỉ tới nay, do chung đụng với cái tâm vô minh, do sức huân tập của nhân duyên tăm tối mà hiện ra cảnh giới hư vọng. Do nương theo nhân duyên huân tập của cảnh giới hư vọng mà dấy lên cái tâm tương ứng với vọng, so đo Ngã và Ngã Sở, tạo tác, tích tập các nghiệp, hứng chịu nỗi khổ sanh tử, nói tới cái Pháp Thân ấy thì gọi là chúng sanh. Nếu trong các chúng sanh như vậy, Pháp Thân huân tập hữu lực thì phiền não mỏng dần, có thể chán nhàm thế gian, cầu đạo Niết Bàn, tin tưởng, quy hướng Nhất Thật, tu hết thảy các pháp thuộc Bồ Đề phần như sáu Ba La Mật v.v… bèn gọi là Bồ Tát. Nếu trong các vị Bồ Tát như vậy, có vị nào tu hành hết thảy các thiện pháp viên mãn rốt ráo, lìa khỏi giấc ngủ vô minh, sẽ đổi tên là Phật. Hãy nên biết chúng sanh, Bồ Tát, Phật như vậy, chỉ là nói theo giả danh của thế gian mà có sai biệt. Chứ cái Thể của Pháp Thân rốt ráo bình đẳng, chẳng có tướng trạng sai khác). Do vậy biết: Chẳng thấu đạt thức tâm có đủ các đức ấy thì cần phải duyên theo lý Chân Như để đoạn trừ chuyện tu nhiễm, tu ác trong chín pháp giới, làm sao gọi là “chẳng thể nghĩ bàn” cho được!

          Vì thế, sách Tông Kính Lục nói: “Thức này kiến lập hữu tình và vô tình, phát sanh nhiễm pháp và tịnh pháp. Nếu có hay biết, ắt chúng sanh giới sẽ dấy lên. Nếu chẳng suy tưởng, cái duyên của cõi nước sẽ sanh. Do nhiễm pháp mà xoay vần trong sáu nẻo, thuận theo tịnh pháp mà dự vào tứ thánh. Có thể nói đó chính là cái gốc của phàm và thánh, là nguyên do của căn khí. Hiểu rõ nguồn cội của cái thức này, pháp nào chẳng phải là ngộ? Chứng tâm tánh này, cảnh nào chẳng phải là thật!” Có thể nói là một môn tuyệt học, là căn nhà để dưỡng thần. Do vậy, lập cái Thể này làm cội nguồn của mê và ngộ, thì mới tỏ rõ [dụng tâm của] Đại Sĩ đã phân thân trong các cõi nước nhiều như cát sông Hằng, ở trong biển sanh tử mà tùy cơ hướng dẫn, nhổ trừ tận gốc, cạn kiệt cái nguồn, chuyển mê thành ngộ, chính là vì muốn hiển thị cái Thể pháp tánh chẳng sanh diệt này ở ngay trong vọng tưởng sanh diệt vô minh! Vì thế, ngài Nam Nhạc nói: “Đạo vốn chẳng xa, tánh hải chẳng xa, chỉ cầu nơi chính mình, đừng tìm từ nơi nào khác” chính là nói đến điều này!

          3) Nói đến “bổn thức của Bồ Tát”, sách Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa nói: “A Lê Da Thức chính là Vô Một Thức, tức thức thứ tám, giống như có tùy miên phiền não (do có Miên (phiền não vi tế) liên tục, nên gọi là Tùy Miên) hòa hợp hoặc cách biệt với vô minh mà phân định như vậy; đó là Bồ Tát Thức”. Đại Luận nói: “Trong tâm Bồ Tát, [thức thứ tám chẳng có phiền não, vô minh], thì gọi là Bát Nhã” chính là nói về nghĩa này. Bởi lẽ, cái thức này chính là cái gốc để Bồ Tát thấy tướng thù thắng của Phật. Do thân tướng cao minh của Như Lai đều có lượng bằng với hư không, bèn dùng nghiệp thức để thấy, dùng trung trí để quán. Do vậy, trên cung trời Đao Lợi, ngài Địa Tạng hợp nhất các phân thân để thấy Phật, chính là nhờ vào bổn thức này.
          Hơn nữa, thức này lại là cái gốc tương ứng với Trung Đạo, là cái nguồn để khởi lên sự giáo hóa. Điều này được diễn tả là “Xiển Đề chẳng đoạn điều thiện thuộc về Tánh Đức. Hễ gặp duyên, điều thiện sẽ phát khởi”. Đức Phật cũng chẳng đoạn tánh ác, [thị hiện] giống như ác để hóa độ. Nay Địa Tạng Đại Sĩ đã liễu đạt những chuyện tu ác của hạng Xiển Đề, toàn bộ cái Thể chính là lý “tánh ác”. Dẫu lệch vào một bên hay tà vạy, không gì chẳng phải là Trung Đạo, giải thoát từ ngay Ngũ Nghịch, hiện sắc thân trọn khắp, vào các đường giáo hóa, chỉ điểm nguồn mê này, khiến cho [chúng sanh] biết là bình đẳng. Chính nhờ vào bổn thức này mà dấy lên các sự hóa độ to lớn. Cái thức ấy thuộc vào địa vị ban sơ thì gọi chung là Lại Da (A Lại Da Thức); đã dự vào quả vị thì chỉ được gọi là Vô Cấu, bao gồm Bổn Trí lẫn Hậu Trí, là cửa nẻo để thành tựu lợi lạc cho ta lẫn người, công ấy há cạn cợt, ít ỏi ư? Do có ba nghĩa ấy, cho nên lập ra tánh thức chẳng thể nghĩ bàn, nay lấy nó làm chánh thể của kinh này.      

          Hỏi: Có vị sư cho rằng: “Tánh thức thuộc về Sự, chẳng nên coi nó là Thể! Phải nên nói đến cái Lý của thức tánh thì mới đúng với ý nghĩa của Thể, ắt phải chuẩn theo tánh thức của kinh để lập. Tánh ấy chính là tập tánh hư vọng, sao có thể dựa vào đó để coi nó là cái Thể của kinh cho được?” Lời ấy rất thích đáng, thầy lại cho là chẳng phải như thế, tức là dựa vào đâu để nói nhỉ?

          Đáp: Ý chỉ “tánh thức là Thể”, xét theo ý nghĩa thì có bằng chứng. Lập tánh thức [làm Thể] thì có kinh văn để làm chứng. Như ngài Thiên Thai giải thích chữ “vô trụ bổn” của kinh Duy Ma, đã coi cả hai thứ pháp tánh và vô minh đều là gốc. Điều này đã được trích dẫn, cho nên không bàn tới nữa! Còn như sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa giải thích hai Đế (Chân Đế và Tục Đế), đã coi pháp tánh là Chân Đế, còn vô minh và mười hai nhân duyên là Tục Đế. Tục ấy chẳng phải là Sự thì là gì vậy? Đấy chính là Sự từ ngay nơi Lý, đã gọi là “lý độc, tánh ác”, cũng gọi là “tánh nhiễm tùy duyên”. Vì thế, sách [Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa] Thích Thiêm viết: “Vô minh là khởi thủy của sự mê muội lẽ chân, pháp tánh hoàn toàn diễn nói vô minh từ vô thỉ đến nay có bao giờ chẳng phải là Chân!” Tục là bách giới thiên như, Chân là đồng cư nhất niệm. Cần phải biết do là cùng một tánh, cho nên mới có thể đồng cư nhất niệm. Sách Phụ Hành nói “tam thiên chẳng ngoài một niệm pháp tánh, tam thiên chẳng ngoài một niệm vô minh” là nói về ý này. Huống chi tông Thiên Thai giải thích chữ “tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm có hai ý:

          1) Một là xét theo Lý, Tạo tức là trọn đủ.
          2) Hai là xét theo Sự, Tạo chính là tạo thành sự biến đổi trong ba đời v.v…

          Thế nhưng phải do Lý vốn đủ thì mới có Dụng về mặt Sự. Do đó, pháp tánh nhờ vào sức của vô minh thì mới thành nhiễm pháp trong sáu đường. Nay lập “tánh thức là Thể” chính là vì người lợi căn sẽ từ ngay nơi Sự mà hiển Lý. Vì vậy, kinh Đại Thừa nói: “Mười hai nhân duyên được gọi là Phật Tánh. Vô minh và ái là hai thứ trung gian, tức là Trung Đạo”, nhưng Lý chẳng tồn tại riêng biệt mà [hiện diện] trọn khắp trong Sự. Nay toàn thể Sự đã là Lý thì Thức chính là Tánh, sao không thể chấp thuận coi nó là Thể được ư? Vì thế biết thức tánh hay tánh thức đều có thể làm Thể. Nhưng ở đây, lại xét theo khía cạnh mê của A Lại Da thức, lấy vô minh làm gốc để lập luận. [Như vậy] thì đã phù hợp kinh luận, lại còn chẳng trái nghịch lời bảo ban của Tổ. Nếu cứ nói “tánh chất của tánh thức là tập tánh hư vọng thì là chưa đúng ý”, còn nói gì được nữa? Bởi lẽ, tập tánh hư vọng một mực vô định, nay lại còn quở trách nó là vô định ư? Nó đã là hư vọng, thì chí tánh tiếp đó do có tánh chất vô định thì cũng là hư vọng. Đã là tánh hư vọng, dùng “chí” làm chi nữa? Cần phải biết tánh ấy chính là pháp tánh. Pháp tánh đã bị vô minh che phủ, toàn bộ Thể đều thuộc về vọng. Do vậy, nói “tánh thức”, há chẳng phải là ý nghĩa “Chân Như tùy duyên” ư? Vì thế, sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa dẫn kinh Kim Quang Minh [để lập luận] như sau: “Thể tướng của vô minh vốn tự chẳng có, do vọng tưởng làm nhân duyên hòa hợp mà có. Chẳng khéo tư duy những gì được tạo tác bởi tâm hạnh, như nhà ảo thuật ở ngã tư biến huyễn các thứ như voi, ngựa, anh lạc, con người, vật dụng v.v… Kẻ si bảo những thứ đó là chân thật, người trí biết chúng chẳng thật. Vô minh huyễn hóa y báo và chánh báo trong lục đạo”. Hãy nên biết chúng vốn tự chẳng có, mà là do vô minh dấy khởi. Vì thế nói “lục đạo sai biệt, chẳng tự tại” v.v… đều là do cái một niệm tâm vô minh lưu xuất. Do vậy, lấy điều này (tánh thức) làm Thể, chính là nhằm chỉ điểm cái mê trước kia, tạo thành cái ngộ trong hiện tại để giải quyết hết sạch chuyện “tu nhiễm, tu ác” v.v… Tức là duyên theo Phật Tánh, theo đường trở lại nhà, [đó] gọi là “chẳng thể nghĩ bàn”. Vì thế biết: Dùng tánh thức làm Thể thì mới khiến cho lục đạo phá vỡ cái vỏ vô minh, thành Pháp Tánh Thân. Do đó, trong phần khai thị chung, tôi đã nói: “Nay hãy để ngộ lại đó, chỉ luận định mê” chính là do ý này!
 
1.3. Minh Tông
 
          Thứ ba là nêu rõ “[dùng] hạnh nguyện chẳng thể nghĩ bàn làm Tông”. Trong kinh này, ngài Văn Thù hỏi đức Phật: “Trong lúc tu nhân, Địa Tạng Bồ Tát đã làm hạnh gì, lập nguyện gì, mà có thể thành tựu chuyện chẳng thể nghĩ bàn?” Lại nữa, trong quá khứ chẳng thể nói kiếp trước, Đại Sĩ từng làm một vị đại trưởng giả, do thấy tướng hảo trang nghiêm của Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai; bèn hỏi đức Phật ấy đã làm hạnh nguyện gì mà đạt được tướng ấy? Lại như khi đức Như Lai tự kết lại tên kinh, [đã dạy]: Một là Địa Tạng Bổn Nguyện, hai là Địa Tạng Bổn Hạnh. Vì thế biết hai pháp Hạnh và Nguyện chính là tông yếu của kinh này. Nguyện đã được giải thích như trong phần trên. Chữ Giá Lê Da (Cārya) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Hạnh.

          “Hai pháp (Hạnh và Nguyện) ắt cùng lập” là như trong Đại Trí Độ Luận đã viết: “Hỏi: Các vị Bồ Tát do nghiệp hạnh thanh tịnh, [đáng lẽ] tự đắc báo thanh tịnh, vì sao cần phải lập nguyện rồi mới đạt được? Ví như nhà nông [siêng năng cày cấy, vun xới bèn] thâu hoạch ngũ cốc, há cần phải đợi nguyện! Đáp: Làm phước mà chẳng có nguyện, sẽ chẳng có gì để kiến lập. Nguyện là người hướng dẫn, lèo lái, [do nguyện] sẽ có thể đạt được thành tựu. Nay chuyện trang nghiêm Phật giới là chuyện to lớn, chỉ hành công đức, sẽ chẳng thể thành được. Cần phải có nguyện lực! Ví như sức bò tuy có thể kéo xe, cần phải có người điều khiển thì mới có thể đến đích. Nguyện thanh tịnh thế giới cũng giống như vậy”. Nhưng các vị Bồ Tát thuộc tứ giáo có hai loại nguyện Thông và Biệt; đối với sự ban vui bèn không gì chẳng phải là thượng, trung, hạ sai khác. Hạ nguyện sẽ tạo thành nhân duyên của sự vui trong thế gian thuộc đời này. Trung nguyện là nhân duyên tạo thành sự vui trong đời sau. Thượng nguyện là nhân duyên ban niềm vui Niết Bàn. Nay đã chỉ rõ bộ loại và giáo môn, tâm yếu trong việc lập nguyện chỉ là “nương theo Nhất Thừa tối thượng, khiến cho pháp giới chúng sanh cùng đắc A Nậu Bồ Đề”.

          Phát nguyện đã như vậy thì hành hạnh cũng thế, nhưng hạnh tướng có nhiều môn. Nêu đại lược ba pháp là Giới, Định, Huệ, đấy là chiếc thang hoặc thềm bậc để xuất thế, là khuôn phép trong Phật pháp. Trụ trong ấy thì là Lục Độ. Kinh Pháp Hoa nói: “Vị cầu Bồ Tát đạo giả thuyết, ưng Lục Ba La Mật, độ sanh tử lưu, đăng Niết Bàn ngạn, quảng tắc vạn hạnh, nãi chí bách thiên vạn ức” (Vì người cầu đạo Bồ Tát mà nói, thì hãy nên [nói pháp] Lục Ba La Mật, vượt giòng sanh tử, lên bờ Niết Bàn, nói rộng thì là vạn hạnh, cho đến trăm ngàn vạn ức [pháp môn]). Đại Luận nói: “Khi Bồ Tát hành Bát Nhã, tuy biết các pháp có cùng một tướng, mà cũng có thể biết các thứ tướng của hết thảy các pháp”. Nay đều gom chung các pháp vào một bài kệ, cổ đức nói: “Nhận biết xem xét ứng với thế gian, rộng nói cương mục của muôn hạnh, suy tưởng khế hợp lý, chỉ xướng lên bốn câu cương yếu”. [Bốn câu ấy chính là như] Giới Kinh dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo” (Đừng làm các điều ác, vâng hành các điều thiện, tự thanh tịnh ý mình, chư Phật dạy như thế). Sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa giảng: “Các điều ác tức là bảy chi tội lỗi, nặng, nhẹ, chẳng đúng, chống trái. Giới ngăn ngừa những điều ác như thế. Các điều thiện chính là ba nghiệp thiện. Dù là tán thiện hay tĩnh thiện, phương tiện trước sau, công đức chi lâm[8] thảy đều thăng tấn, cho nên gọi là thiện”.

          “Tự tịnh kỳ ý” là phá các tà vạy, điên đảo, biết pháp môn chánh trợ của nhân quả thế gian và xuất thế gian. Có thể trừ tâm cấu (chất nhơ trong tâm, tức phiền não), trừ sạch các tỳ vết, không gì hơn được Huệ. Ba thứ ấy (Giới, Định, Huệ) bao trùm trọn hết biển Phật pháp mênh mông, nhưng do quán sát căn cơ [mỗi chúng sanh có sự] ưa thích [khác nhau] mà hành thiện khác biệt. Do ứng theo cơ nghi của chúng sanh mà dạy hạnh [cho mỗi chúng sanh] mỗi khác. Do xét theo căn tánh, mà chia ra tín pháp sai khác, chỉ bày hành tướng, phân thành Biệt và Viên khác biệt. Nay trước hết nói rõ Biệt Hạnh vì nói đối ứng với Viên. Sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa đã nêu ra năm hạnh được nói trong kinh Niết Bàn:

          1) Thánh Hạnh, ý nói Giới, Định, Huệ là cái nhân để tự hành.
          2) Phạm Hạnh, tức là từ, bi, hỷ, xả, là sự hóa tha trong khi tu nhân (hai pháp này là hạnh nhân của bậc Địa Tiền Bồ Tát).
          3) Thiên Hạnh, nghĩa là từ Sơ Địa trở lên, chứng lý thiên nhiên Đệ Nhất Nghĩa Thiên. Từ lý thành hạnh, cho nên gọi là Thiên Hạnh (đây là hạnh của bậc Địa Trụ).
          4) Anh Nhi Hạnh, tức là thị hiện hạnh giống như bảy phương tiện mà tam thừa đều tu tập.
          5) Bệnh Hạnh, tức là thị hiện thân tướng có ba thứ chướng giống như chín pháp giới (hai hạnh này đều là hạnh từ quả mà ứng khởi. Do cùng sanh về bên thiện, nên gọi là Anh Nhi Hạnh, do đại từ căn mà phát khởi. Do giống như thuộc về bên phiền não, nên gọi là Bệnh Hạnh, phát khởi từ đại bi căn).

          Nay Địa Tạng Đại Sĩ thấy các chúng sanh phá giới, tạo tội, đánh mất sự vui sướng trong nhân thiên và niềm vui Niết Bàn, tức là biết Tập. Qua lại sanh tử, thọ báo trong ác đạo, tức là biết Khổ. Khổ và Tập trái nghịch Giới, Định, Huệ, tức là không có Đạo. Do không có Đạo, cho nên chẳng đắc Niết Bàn, tức là chẳng có Diệt. Bồ Tát muốn nhổ trừ Khổ và Tập, bèn phát khởi đại bi, dấy lên hai thệ nguyện. Do muốn ban bố Đạo và Diệt, mà dấy khởi đại từ, hưng khởi hai thệ nguyện. Đã phát thệ nguyện rồi, kế đó bèn tu hành Tam Học, Lục Độ. Hạnh nguyện như thế đó để thành tựu chúng sanh, thanh tịnh cõi Phật. Nhưng Hạnh được gọi là tiến hướng; nếu chẳng có trí, sẽ chẳng tiến lên trước được. Trí giải hướng dẫn Hạnh, [hạnh tà vạy] chẳng phải là do cảnh chẳng chánh. Trí là mắt, Hạnh là chân, đến được ao thanh lương; nhưng Giải là cái gốc của Hạnh, Hạnh có thể thành tựu Trí. Vì thế, Hạnh mãn thì Trí sẽ viên. Trí có thể hiển Lý, thấu tột Lý thì Trí sẽ dứt. Cần phải là như thế; nếu không, sẽ chẳng phải là diệu hạnh. Nay Đại Sĩ thông đạt “tu ác” tức là “tánh ác”. Tánh ác dung thông, tùy ý nhiếp trì tánh thiện của Phật giới, chiếu hết thảy tội tướng, không gì chẳng phải là Thật Tướng. Thập Ác, Ngũ Nghịch, Tứ Trọng, Bát Tà[9] đều là các pháp môn thuộc về “Lý độc”, đều là tác dụng vốn có của tánh nhiễm. Dùng diệu hạnh này để giáo hóa quần sanh. Hiểu tánh thức này là cảnh thể được chiếu, được hiển lộ. Dùng trí hạnh này làm diệu tông để có thể chiếu, có thể hiển lộ. Thoạt đầu là duyên theo Thật Tướng tạo cảnh thì chính là Trung, không gì chẳng chân thật. Pháp giới của chính mình, Phật giới, và chúng sanh giới cũng thế. Ấm và Nhập đều Như, chẳng có khổ để có thể bỏ. Vô minh trần lao chính là Bồ Đề, chẳng có Tập để có thể đoạn. Lệch về một bên hay tà vạy đều là trung chánh, chẳng có Đạo để có thể tu. Sanh tử tức Niết Bàn, chẳng có Diệt để có thể chứng, thuần nhất Thật Tướng, chẳng có pháp nào khác. Đấy chính là lại có một hạnh gọi là Như Lai Hạnh, một hạnh là hết thảy các hạnh. Dùng trí để chiếu cảnh như thế, dùng cảnh để phát khởi trí. Quán Thật Tướng của nghiệp, thấy cội nguồn của tội. Pháp tánh vô minh, dung thông lẫn nhau, cùng mất đi, há chẳng phải là cái có thể quán chính là Nhất Tâm Tam Quán, cái được quán đều là Tam Đế nhất cảnh? Một mà luận thành ba, tuy là ba mà luận thành một, [tức là] ba pháp “cảnh, trí, hạnh” cùng gọi là Bí Tạng, như ba con mắt của thiên vương, như ba chấm của chữ Y [trong Phạn văn]. Dù một hay ba, đều chẳng khuyết giảm; tức Thể là cái Thể trong Thiền Tông. Do vậy, lấy “hạnh nguyện chẳng thể nghĩ bàn” làm Tông.
 
1.4. Luận Dụng
 
          Điều thứ tư là luận định tác dụng “phương tiện chẳng thể nghĩ bàn”. Theo kinh này, đức Phật bảo Địa Tạng Bồ Tát: “Ngô ư ngũ trược ác thế, giáo hóa cang cường chúng sanh, linh tâm điều phục, phân thân thiên bách ức, quảng thiết phương tiện” (Ta ở trong đời ác ngũ trược, giáo hóa chúng sanh ương ngạnh khiến cho tâm họ đều điều phục, phân thân trăm ngàn ức, rộng lập các phương tiện). Ngài lại bảo Tứ Thiên Vương rằng: “Như thị Bồ Tát ư Sa Bà thế giới Diêm Phù Đề trung, bách thiên vạn ức phương tiện nhi vi giáo hóa” (Bồ Tát ở trong cõi Diêm Phù Đề của thế giới Sa Bà dùng trăm ngàn ức phương tiện để giáo hóa như thế đó). Ngài lại bảo đức Địa Tạng: “Nhữ tu bách thiên phương tiện, khuyến thị đẳng nhân” (Ông cần phải dùng trăm ngàn phương tiện để khuyên những người ấy). Lại nói: “Bồ Tát dĩ phương tiện lực, bạt xuất căn bản nghiệp duyên. Hựu Bồ Tát phương tiện lực cố, sử linh giải thoát” (Bồ Tát dùng sức phương tiện để dẹp trừ nghiệp duyên căn bản. Lại do sức phương tiện của Bồ Tát khiến cho họ đều được giải thoát). Ngài Địa Tạng tự nói: “Ngã diệc bách thiên phương tiện, độ thoát thị nhân đẳng” (Con cũng dùng trăm ngàn phương tiện độ thoát những người ấy). Vì thế, lấy phương tiện làm Dụng của kinh này.

          Chữ Âu Hòa Câu Xá La (Upāyakauśalya) trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là Phương Tiện (方便). Tổ Trí Giả đã dùng ba ý để giải thích từ ngữ này [trong phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa]:
          “1) Phương là phương pháp, Tiện là dùng được; [ý nói] khéo dùng các pháp để thuận theo căn cơ mà lợi lạc chúng sanh.
          2) Phương Tiện là Môn, Môn có nghĩa là ‘có thể thông qua’, tức là thông đến (dẫn đến) điều được thông. Phương Tiện là pháp quyền biến nhằm mở ra lối dẫn đến chân thật. Chân thật được hiển lộ nhờ công của Phương Tiện.
          3) Phương là bí mật, Tiện là diệu (hay khéo). Khéo đạt nơi phương pháp, đó chính là bí mật thật sự”.
          Hai cách giải thích trước trọn chẳng phải là ý của phẩm này; cách giải thích sau cùng chính là ý nghĩa của phẩm này”.

          [Đối với bộ kinh Địa Tạng này], cũng có thể dùng trọn cả ba ý đó. Chẳng hạn như những điều được nói trong kinh Duy Ma là khởi đầu cho thời Phương Đẳng. Vì thế, ngài Kinh Khê dùng chữ “tấn, thoái” để giải thích [Phương Tiện], dung thông với lời bàn định [Phương Tiện] là môn bí mật. Nay kinh Địa Tạng cũng thế, tuy chủ yếu là những đàm luận bí mật, mầu nhiệm, nhưng cũng nói kèm theo pháp môn. Ba cách giải thích đều trọn đủ, ngõ hầu có thể gồm trọn ý nghĩa chánh yếu của kinh này. Vì sao nói vậy? Ấy là vì Địa Tạng Đại Sĩ trong các kiếp số nhiều như vi trần trước kia, đã hiện thân giáo hóa, khéo léo phù hợp từng căn cơ, chuyên dùng pháp thích ứng, đến khi thời cơ để hiển lộ Thật pháp đã đến, từ Quyền môn mà có thể nhập, phát khởi Bồ Đề tâm ngay trong A Lại Da Thức, chỉ điểm Như Lai Tạng trong cái tâm vô minh! Đấy là khéo léo thông đạt phương tiện, chính là điều bí mật chân thật của Pháp Hoa.

          Lại còn “một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, ta đều dần dần độ thoát, khiến cho chúng sanh đạt được lợi ích to lớn” [trong kinh Địa Tạng] chẳng hề thua kém “giơ tay, cúi đầu, vun cát thành tháp, đều là do những điều thiện nhỏ nhặt mà thành Phật” trong kinh Pháp Hoa. Huống hồ nhóm họp đại chúng nơi cung trời, và hợp lại các phân thân [của Địa Tạng Bồ Tát] còn nhiều hơn cát sông Hằng, khiến cho ngài Văn Thù chẳng thể suy lường được [số lượng] những người đã thành Phật đạo [do Địa Tạng Bồ Tát hóa độ], có khác gì “phân thân dưới các cội cây, bậc thượng trụ Bồ Tát dường như từ dưới đất vọt lên” [trong hội Pháp Hoa].

          Vì thế, cả ba cách giải thích [chữ Phương Tiện] đều được gồm thâu, cho nên biết Đại Sĩ xuất Giả để lợi sanh, lấy phát Bồ Đề tâm làm nhân, vô duyên đại bi làm căn, không gì chẳng là phương tiện để rốt ráo lợi sanh. Nếu chẳng có phương tiện, sẽ như cứu kẻ chết đuối mà chẳng có thuyền; kẻ ấy đã khó thể thoát thân, mà chính mình cũng bị chìm lỉm! Nếu có phương tiện, sẽ ngồi thuyền cứu người chết đuối, ta lẫn người đều ổn thỏa, già trẻ đều vui vẻ. Suốt ngày cứu bạt như vầng trăng báu dời chuyển chẳng ngừng trên hư không. Ức kiếp độ người, hệt như bóng nhạn bay qua nước, chẳng lưu lại dấu vết. Lại là phương tiện khác lạ để giúp hiển thị Đệ Nhất Nghĩa. Dụng có công năng thành tựu Tông, Tông có sức hiển lộ Dụng. Vì thế, biết phương tiện chính là diệu dụng của lòng từ bi ban bố và cứu bạt. Do vậy, lấy phương tiện chẳng thể nghĩ bàn làm lực dụng [của bộ kinh này].
 
1.5. Phán giáo
 
          Điều thứ năm: “Phán định đ-hồ vô thượng là giáo tướng”. Hễ nói đến giáo, thì đều nói theo đường lối chung, nhưng hễ có sự chỉ bày, phân định, phán quyết, biện luận, diễn tả thì đều gọi là Giáo. Sách Tứ Giáo Nghĩa nói: “Phàm nói đến Giáo thì có nghĩa là nói đến những gì có thể diễn tả Lý, giáo hóa chúng sanh, nói ra cái Lý có thể diễn tả hòng chuyển hóa cái tâm của chúng sanh. Vì thế gọi là Giáo. Chuyển Hóa có ba nghĩa: Một là chuyển ác thành thiện, hai là chuyển mê thành giải (thấu hiểu), ba là chuyển phàm thành thánh”. Nay Địa Tạng Đại Sĩ hiện thân trong lục đạo, đối với bốn điều chẳng thể nói, bèn dùng Tứ Tất Đàn để ứng duyên, tùy cơ thuyết giáo, chuyển hóa cái tâm của chúng sanh, đại khái chẳng ra ngoài ba điều ấy (ba thứ chuyển hóa vừa được nói trên đây). Vì thế, dựa theo những điều ấy để phán định giáo tướng.

          Hỏi: Đại sư dùng Tam Chiếu[10] của Hoa Nghiêm, tách ý nghĩa của bình địa (đất bằng) thành ba nghĩa. Lại dùng ngũ vị của Niết Bàn[11] để đối ứng với Tam Chiếu của Hoa Nghiêm. Hai nghĩa của hai kinh thành tựu lẫn nhau, dùng đó để phán định giáo pháp suốt một đời đức Phật gồm tất cả năm thời:
          1) Thời Hoa Nghiêm (đặt tên dựa theo kinh).
          2) Thời Lộc Uyển (đặt tên dựa theo nơi chốn).
          3) Thời Phương Đẳng (đặt tên theo pháp).
          4) Thời Bát Nhã.
          5) Thời Niết Bàn (đều dựa theo kinh để đặt tên).

          Bốn thời trước sau được phán định theo vị [của sữa] thì có nhất định; những pháp chẳng thuộc vào thời trước hay thời sau [của thời Phương Đẳng] đều phán định thuộc thời Phương Đẳng, như các kinh Kim Quang Minh, Thắng Man, Đại Tập, Lăng Nghiêm v.v… thuộc về thể lệ này. Nay kinh Địa Tạng Bổn Nguyện cũng đáng nên thuộc vào thời thứ ba, tức thời Phương Đẳng, cớ gì lại phán định thuộc loại đề-hồ vậy?

          Đáp: Điều này có căn cứ. Dựa theo sách Phật Tổ Thống Kỷ, đại sư [Chí Bàn] nói: “Vào năm thứ năm mươi ba, tức năm Nhâm Thân (thời Châu Mục Vương)[12], đức Phật trước hết đã lên trời Đao Lợi, an cư ba tháng, sai ngài Văn Thù đến chỗ Phật mẫu, [thỉnh Phật mẫu] tạm khuất mình đến lễ kính Tam Bảo. Phu nhân Ma Da nghe nói, sữa tự tuôn ra, chảy thẳng tới miệng đức Phật; bà bèn cùng với ngài Văn Thù đến chỗ đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho bà, khiến cho bà đắc quả Tu Đà Hoàn. Ba tháng sắp hết, đức Phật sắp nhập Niết Bàn. Vì vậy, Đế Thích biến ra ba cái thang báu. Đức Phật từ biệt mẹ, dẫn theo đại chúng giáng hạ, trở lại Kỳ Hoàn (tinh xá Kỳ Viên) (điều này trích từ Phật Thăng Đao Lợi Kinh).

          Ngài Đông Hồ[13] giảng: “Theo kinh Hành Pháp, [đức Phật nói] ‘ba tháng nữa, ta sẽ nhập Niết Bàn’. Do vậy suy ra Ngài bắt đầu hành pháp là ngày Rằm tháng Mười Một năm Tân Mùi. Theo kinh Thăng Đao Lợi, [đức Phật] an cư ba tháng, cho nên suy ra hành pháp xong, Ngài ngay lập tức lên Đao Lợi trong ngày hôm ấy. Xét theo kinh này, khi ba tháng sắp hết, Ngài muốn nhập Niết Bàn, tức là ngày Mười Bốn tháng Hai năm ấy, [từ trời Đao Lợi] Ngài giáng hạ Diêm Phù Đề rồi nhập Niết Bàn vào ngày Rằm. Do vậy, kinh Niết Bàn nói: - Ngày Rằm tháng Hai sẽ nhập Niết Bàn”. Nay kinh này là do đức Phật nói ra khi Ngài ở trên trời Đao Lợi, vì mẹ thuyết pháp, đại chúng vân tập, hiện điềm lành, phân thân của ngài Địa Tạng nhóm họp. Vì thế, rõ ràng là kinh này đích xác [được nói] sau kinh Pháp Hoa, trước kinh Niết Bàn; chẳng thuộc vị đề-hồ thì xếp vào vị gì đây?

          Hỏi: Xếp kinh theo thời như vậy thì rất có căn cứ, nhưng xét ra kinh văn trước sau trọn chẳng có từ ngữ nói rõ, sao có thể nói là kinh này có cùng một thời, một vị với hai kinh kia (Pháp Hoa và Niết Bàn) cho được?

          Đáp: Pháp Hoa gồm thâu rộng lớn, Niết Bàn chọn lọc, những gì đáng ghi chép đều đã chép xong cả rồi. Nay đức Phật lên trời Đao Lợi là vì ba sự:
          1) Một là vì mẹ thuyết pháp hòng báo ân sanh dưỡng, đền đáp đức cù lao, ngõ hầu khuyên nhắc những kẻ chẳng biết ân trong đời sau.
          2) Hai là vì an ủi, từ biệt, để báo đáp các thiên thần đã ủng hộ trong suốt thời kỳ [đức Phật thị hiện thuyết pháp trong thế gian], và phó chúc các tỳ-kheo trong đời Mạt cho họ, dặn họ hãy bảo vệ cho các tỳ-kheo đừng gặp ma sự.
          3) Ba là vì lục đạo khổ sở, chẳng có thuở mong thoát ra được mà phó chúc ngài Địa Tạng dạy dỗ, bảo vệ họ, đợi cho đến khi đức Di Lặc hạ sanh, chính là vì hiển thị lòng từ bi của Phật thấu đến các kiếp sau.
          [Vậy thì] cần gì phải có những đoạn văn nói rõ ràng, dứt khoát [thuộc về thời giáo nào] thì mới chấp nhận [kinh này] thuộc về vị đề-hồ! Hãy nên dùng các kinh như Tượng Pháp Quyết Nghi, Hành Pháp v.v… để phỏng theo mà xem xét thì các mối nghi sẽ tự dứt!

          Hỏi: Ngài Cô Sơn phán định kinh Lăng Nghiêm thuộc vị đề-hồ, vì cái Nghe trong kinh ấy giống như tri kiến của Phật trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tợ hồ [lập luận như thế] có căn cứ. Vì sao ngài Đông Hồ chẳng nói sự giáo hóa suốt một đời [đức Phật] kết cục ở chỗ khai hiển, mà sự hay khéo khai hiển được quy vào công sức của Pháp Hoa?” Còn như các kinh khác hễ nói đến viên pháp thì đều là nghĩa lý đàm luận viên dung thuộc về tứ giáo trong thời Phương Đẳng, thế mà ngài Cô Sơn lại muốn coi kinh Lăng Nghiêm có cùng một vị đề-hồ với kinh Pháp Hoa, chẳng nghĩ kinh ấy thuộc về thời Phương Đẳng, tức là đã đánh mất ý chỉ thuần nhất chẳng tạp của Pháp Hoa! Nay xét ra, đức Địa Tạng tùy cơ thuyết pháp, hoàn toàn đáng nên thuộc loại tứ giáo cùng đàm luận [về lẽ viên dung] trong thời Phương Đẳng; nhưng nay thầy lại phán định [kinh Địa Tạng] giống như kinh Pháp Hoa, há chẳng phải là phạm lỗi giống như ngài Cô Sơn ư?

          Đáp: Trong kinh Lăng Nghiêm, phần kinh văn [trần thuật] khách chủ gạn hỏi, biện định cái Thấy nơi tâm, đích xác là tiếp nối phong cách chỉ trích, quở trách [những kiến chấp thiên, tiểu] của thời Phương Đẳng. Sau đó, kinh dạy về ba khoa, bảy đại, hoàn toàn phù hợp với cách nói “quét sạch các tướng” của thời Bát Nhã. Còn như do kinh ấy biện định về cái Nghe mà bảo là [kinh Lăng Nghiêm] tương ứng với kinh Diệu Liên Hoa, đáng thuộc về thời Pháp Hoa sau đó, thì đấy chính là nghĩa lý [thời trước] dung thông với thời sau trong năm thời”, há nên phán định kinh ấy giống như kinh Pháp Hoa? Ngài Đông Hồ đã bác bỏ thuyết ấy, văn lẫn nghĩa [trong lời biện định của ngài Đông Hồ] đều thỏa đáng. Nay kinh Địa Tạng này được thuyết trong một thời tại thiên cung, tùy cơ mà chỉ dạy, chính là những lời lẽ phô rõ Bổn và Tích[14], giống hệt như Pháp Hoa tỏ lộ Tích để hành Quyền, há giống như ngài Cô Sơn phạm lỗi [mâu thuẫn ý chỉ] “thuần nhất chẳng tạp” ư?

          [Văn rằng]: Nếu là như vậy thì kinh Du Hành trong Trường A Hàm cũng nói chẳng lâu sau, tức là ba tháng sau, đức Như Lai sẽ bát Nê Hoàn (nhập Niết Bàn), và cũng nói đến những chuyện sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, sao không phán định kinh ấy cũng thuộc vị đề-hồ vậy?

          Đáp: Chẳng thể coi là cùng một lệ được, vì Tạng Giáo và Viên Giáo khác biệt vời vợi. Huống hồ những chuyện sau khi đức Phật nhập Niết Bàn trong thời A Hàm thuộc loại kinh văn chung cho cả năm thời, cho nên có thể thâu nhập vào bộ loại của kinh ấy (tức bộ A Hàm). Nay kinh này (kinh Địa Tạng) trọn chẳng có ý nghĩa hai loại thông (thông với thời sau và văn từ tương thông), sao có thể nêu ra kinh kia để bắt bẻ kinh này cho được? Do vậy biết kinh này nhất định lấy chuyện khai hiển (chỉ bày, tỏ lộ) vô thượng đề-hồ làm giáo tướng; nhưng đều nói là “chẳng nghĩ bàn”. Chuẩn theo những điều được nói trong kinh này thì oai thần, thệ nguyện, trí huệ, biện tài, các thứ phương tiện của vị Bồ Tát này đều là chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế, tên kinh, Thể, Tông, Dụng của kinh này, mỗi điều đều xứng tánh, đều dựa trên “chẳng thể nghĩ bàn” mà kiến lập.

________________________
 
[4] “Ruộng thục”: Ruộng cày cấy đã lâu, đã gieo trồng nhiều năm.
[5] Chương An tức là ngài Chương An Quán Đảnh (561-632), tự là Pháp Vân, pháp hiệu là Quán Đảnh, người xứ Chương An (tỉnh Chiết Giang), đồ đệ của tổ Trí Giả đại sư, được tôn xưng là tổ thứ tư của tông Thiên Thai, có cống hiến rất lớn trong việc hệ thống, hoàn bị giáo nghĩa của tông Thiên Thai. Những trước tác của Ngài được đánh giá rất cao như các bộ Niết Bàn Huyền Nghĩa, Niết Bàn Kinh Sớ, Quán Tâm Luận, Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý…
[6] Tứ Minh là ngài Tri Lễ (960-1028), pháp hiệu Pháp Trí, cao tăng tông Thiên Thai. Do quê ở Tứ Minh (thuộc huyện Cận, tỉnh Chiết Giang) nên thường được gọi là Tứ Minh Tôn Giả. Sư cùng với đại sư Tuân Thức là những nhân vật chủ chốt của Thiên Thai Xuất Gia Phái, đối lập với Sơn Ngoại Phái của Ngộ Ân, Hồng Mẫn, Nguyên Thanh v.v… Sư chuyên tu Pháp Hoa Sám. Mỗi kỳ tu tập là hai mươi mốt ngày đêm hành trì liên tục. Sư còn chuyên tu Di Đà Sám Pháp năm mươi lần. Sư từng đốt ba ngón tay cúng Phật, mỗi năm tổ chức pháp hội niệm Phật thí giới. Sư trước tác rất nhiều, hiện còn giữ được các bộ Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao, Kim Quang Minh Kinh Văn Cú Ký, Giải Báng Tư, Đại Bi Sám Nghi, Tu Sám Yếu Chỉ, Quang Minh Sám Nghi, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Dung Tâm Giải, Quán Âm Biệt Hành Huyền Nghĩa Ký, Quán Âm Biệt Hành Sớ Ký
[7] Ngài Kinh Khê Trạm Nhiên (711-782), pháp hiệu Trạm Nhiên, người xứ Kinh Khê, thuộc Tấn Lăng, Thường Châu (nay là huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô), là một vị cao tăng thuộc tông Thiên Thai. Ngài được tôn làm tổ thứ chín của tông Thiên Thai với mỹ hiệu Diệu Lạc đại sư. Ngài theo học Chỉ Quán từ bé với ngài Phương Nham, đến năm 20 tuổi, làm môn hạ của ngài Tả Khê Huyền Lãng, nhưng đến năm 38 tuổi mới thọ Cụ Túc Giới. Những trước tác nổi tiếng của Ngài là Pháp Hoa Văn Cú Ký, Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm, Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Văn Hoằng Quyết (tức sách Phụ Hành thường được ngài Thanh Liên Linh Thừa nhắc đến trong cuốn Khoa Chú này), Chỉ Quán Sưu Yếu Ký, Chỉ Quán Đại Ý v.v…
[8] Chi lâm công đức (支林功德) chính là công đức do Thiền Định. Nói đại lược thì đó là mười tám thứ pháp công đức thuộc về Tứ Thiền, chẳng hạn như Sơ Thiền có năm chi là Giác Chi, Quán Chi, Hỷ Chi, Lạc Chi, Nhất Tâm Chi v.v…
[9] Tứ Trọng là giết, trộm, dâm, dối. Theo bài Tây Phương và Thập Ác Bát Tà của Siêu Dương Phật Học Hội (không đề tên tác giả), thì Bát Tà là: Mắt tham sắc đẹp, tai mê nghe âm thanh hay, mũi ham ngửi mùi thơm, miệng ham ăn vật ngon ngọt, thân tham an nhàn, thích mặc áo đẹp, ý suy nghĩ tà vạy, làm chuyện phi lý phi nghĩa. Theo Đàn Kinh Tiên Chú của Đinh Phước Bảo thì Bát Tà là tám pháp tương phản với Bát Chánh Đạo.
 
[10] Tam Chiếu là một thuật ngữ do tông Thiên Thai đặt ra để phán định kinh Hoa Nghiêm hòng làm y cứ cho thuyết Ngũ Thời Phán Giáo. Theo đó:
1. Chiếu cao sơn: Mặt trời vừa mới mọc bèn chiếu đến núi cao trước, ví như đức Phật sau khi thành đạo bèn nói kinh Hoa Nghiêm cao nhất, chỉ tiếp độ bậc tối thượng căn Bồ Tát.
2. Chiếu u cốc: Ánh nắng mặt trời chiếu đến hang tối. Đây là thời A Hàm, độ căn cơ Tiểu Thừa.
3. Chiếu bình địa: Như mặt trời chiếu khắp đại địa. Đây là các thời từ Phương Đẳng cho đến Pháp Hoa - Niết Bàn, lần lượt độ Quyền Tiểu quy hướng Viên Đốn.
[11] Trong kinh Niết Bàn, đức Phật dùng năm vị của sữa để phân định các thời thuyết pháp trong giáo pháp suốt một đời Ngài:
1. Sanh nhũ: Vị sữa tươi vừa vắt từ bò ra thì nhạt, ví như khi đức Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm khi mới thành đạo, căn cơ của chúng sanh chưa chín muồi, cho nên không lãnh hội kinh Hoa Nghiêm được!
2. Lạc: Tức thời A Hàm, nhằm đối ứng căn cơ Tiểu Thừa.
3. Sanh Tô: Chính là thời Phương Đẳng, sữa đã chế luyện, chuyển căn cơ đã chín muồi từ Tiểu Giáo sang Thông Giáo.
4. Thục Tô: Chính là thời Bát Nhã, chuyển từ căn cơ Thông Giáo chín muồi sang Đại Thừa Biệt Giáo.
5. Đề Hồ: Chính là thời Pháp Hoa và Niết Bàn. Căn cơ Biệt Giáo đã chín muồi, chuyển thành Viên Giáo.
Khi nói một kinh thuộc vị Đề Hồ, tức là nói kinh ấy thuộc pháp Viên Đốn.
[12] Châu Mục Vương (Cơ Mãn) làm vua từ năm 976-922 trước Công Nguyên. Như vậy là năm thứ mươi ba đời Châu Mục Vương là năm 921 trước Công Nguyên.
[13] Đông Hồ là tôn hiệu của ngài Tứ Minh Chí Bàn (không rõ năm sanh và năm mất), pháp hiệu là Đại Thạch. Sư là cao tăng tông Thiên Thai, tác giả bộ Phật Tổ Thống Kỷ. Thuở bé, Sư theo học với ngài Viên Cơ, về sau xuất gia theo Thiền Tông, nhưng chuyên tinh nghiên cứu Thiên Thai Giáo Quán, là truyền nhân của ngài Nhân Nhạc thuộc phái Sơn Ngoại của tông Thiên Thai. Trước tác của Sư chỉ còn Phật Tổ Thống Kỷ và bộ Pháp Giới Phàm Thánh Thủy Lục Thắng Hội Tu Trai Nghi Quỹ.
[14] Bổn Tích là nói tắt của Bổn Địa Thùy Tích. Hàng Pháp Thân Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên đều có thể từ thân của chính mình bèn biến hóa nhiều thân ứng hóa để thích ứng các căn cơ hòng thuận tiện độ sanh. Thân chân thật là Bổn Địa, thân ứng hóa là Thùy Tích (thị hiện dấu vết). Có thể hiểu theo nghĩa rộng Bổn là Pháp Thân, Báo Thân, còn Tích là Ứng Thân. Khi nói đến Bổn Môn và Tích Môn thì những gì giảng dạy nhằm dẫn đến pháp Viên Đốn tối hậu sẽ gọi là Tích Môn, còn pháp dạy thẳng thừng vào Viên Đốn thì gọi là Bổn Môn.
Trích từ: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú


Từ Ngữ Phật Học Trong: Giải thích tên kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện