- Có những người nói: Lúc ta niệm Phật, không hiểu duyên cớ vì sao, vọng tưởng ở trong tâm ta khởi lên nhiều, do đó niệm Phật không thể chuyên tâm được, muốn trừ vọng tưởng thật là rất khó?
Người ban đầu học Phật, tâm còn thô tháo động loạn nhiều, định lực chẳng đủ, niệm trước dứt niệm sau khởi, niệm niệm liên tục trong một sát na, trọn không dừng dứt. Vọng tưởng tức là nghiệp chướng. Tâm có chơn có vọng, một mà hai, hai mà một; Tâm phàm phu nhảy nhót dong ruổi, niệm niệm luân lưu biến chuyển, chưa từng có một lúc dừng nghỉ, đây là vọng tâm vậy.
Chúng ta có thể lăng xăng loạn động ở tâm tư, không lúc nào ngưng tâm nhứt ý niệm Phật là việc rất tự nhiên, nhân vì chúng ta rốt cuộc còn phải trải qua thời gian ở trần thế, gốc của phiền não vọng niệm đó là đã trói buộc lâu ngày chẳng buông rời, nên bất tất phải tiêu diệt nó. Không có vọng niệm thì không thể phát sinh ra chánh niệm, không có phiền não thì chẳng thể muốn thoát khổ. Mà niệm Phật là chánh niệm, chúng ta còn phải niệm ra câu niệm không dứt đoạn: “Nam Mô A Di Đà Phật”, vọng tưởng không cách nào mọc rễ thì tự động tiêu diệt, chẳng thể lâu dài trói buộc ở nơi chúng ta.
Niệm Phật có vọng tưởng, là chúng ta dụng công niệm Phật soi rọi ngược lại ở trong tâm, do đó mới biết có vọng tưởng, lúc trước không niệm Phật, trong tâm mất đi sự quản lý, chính mình cũng có thói quen không suy xét; Chúng ta niệm Phật là chèn ép vọng tưởng đi.
Hàng phàm phu chúng ta, ban đầu niệm Phật, thì vọng tưởng lăng xăng, tâm không cách nào yên tỉnh được, biện pháp duy nhất là chí thành khẩn thiết niệm chuyên tâm; Vọng tưởng khởi lên không thể bỏ được, càng không thể muốn tiêu diệt nó; Ta niệm Phật của ta, thuận với tự nhiên, thời gian lâu rồi, công phu đến lúc, vọng tưởng sẽ tự nhiên giảm ít cho đến không còn; Nếu muốn vọng tưởng không khởi thì vọng tưởng ngược lại càng nhiều. Có thể nhất tâm bất loạn thì không có vọng tưởng rồi. Rất nhiều người thường xuyên đề cập, lúc niệm Phật còn có vọng tưởng, chẳng qua là chút ít mà thôi. Không nên vì niệm Phật có vọng tưởng nhiều mà sinh phiền não! Công phu của ta đến lúc nhất tâm bất loạn, vọng tưởng sẽ không có.
Niệm Phật có vọng tưởng nhiều, tâm khó qui nhất, phải nhất tâm chí thành khẩn thiết (chuyên niệm - tập niệm thành thói quen sẽ dễ nhiếp tâm hơn), lâu ngày vọng tưởng tự mất. Nếu khó qui nhất, tức nên dùng “Mười niệm nhớ số”. Gọi là mười niệm nhớ số tức là ngay lúc niệm Phật, từ một câu đến mười câu, cần niệm rõ ràng nhớ cũng rõ ràng. Đến mười câu rồi, lại bắt đầu từ câu một niệm đi... không được dùng chuỗi, chỉ nhờ tâm nhớ, nếu một lần nhớ mười câu khó nhớ, có thể phân làm hai hơi, từ một đến năm, từ sáu đến mười làm hai lần niệm; Nếu giữa chừng vọng khởi thì bắt đầu lại từ câu thứ nhất mà niệm. Niệm được rõ ràng, nhớ được rõ ràng, nghe được rõ ràng, mỗi ngày niệm được vài vạn, đều niệm như thế, lâu rồi tự được. Vọng niệm nặng nề thì chăm vào câu niệm Phật vậy. Như lúc chẳng niệm Phật thì lăng xăng sóng dậy, vọng niệm lao xao chẳng dừng, dù khoảng sát na, đâu có thể tỉnh giác được ư.
Như thế nào trừ được tạp niệm? Chẳng tiêu trừ được, nhưng tự phấn chấn tinh thần, dùng một niệm này hoàn toàn để nơi Phật, tạp niệm tức không có. Song tinh lực mệt yếu, thì không thể khiến cho tạp niệm không có, lại phải như thế nào? Đạo lực chưa đầy đủ, nhiều những tán loạn, thì thu nhiếp sáu căn lần quay về thanh tịnh. Ngay khi tạp niệm khởi, chẳng nên xử lý nó, cũng chẳng nên chuyển theo nó, mà ta chỉ niệm Phật, sẽ tự nhiên không tạp niệm vậy. Nhưng lâu sau tạp niệm lại khởi, thậm chí ràng buộc không mở được, bất tất phải nóng nảy, chỉ lắng trong sự suy nghĩ của tâm, khiến sáu chữ Hồng Danh phát ra từ tâm, thành tiếng từ miệng, nghe tiếng rõ ràng ở trong tai, trở lại lưu xuất từ trong tâm niệm, xoay vần xâu nhiếp chẳng để gián đoạn, thì tạp niệm tự sẽ không có.