Home > Thánh Tăng Truyện > Ngai-Xa-De-Tu-Na
Ngài Xà Đề Tư Na
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài là người nước Ma Kiệt Đề ở trung Thiên Trúc, kiêm thông ba tạng giáo điển, tinh tường thế luận cùng y thuật thế gian. Lần nọ, trong nước đó có một trận động đất dữ dội, khiến đất nứt ra, lộ một bia đá, viết: "Ở phương đông có nước Chấn ĐánẠ, danh Đại Tùy, thành gọi là Đại Hưng, và vua là Kiên Ý đang kiến lập chùa tháp tín phụng Tam Bảo".

Thấy bia đá này, vua quan cùng dân chúng rất vui mừng hớn hở, cho là điềm lành hi hữu. Bấy giờ, tại Trung Thổ là nhằm vào niên hiệu Khai Hoàng thứ mười bốn (594). Ngài Xà Đề Tư Na cùng với năm mươi tăng sĩ và cư sĩ xuất phát từ Vương phủ đi về hướng đông, để tìm linh tướng. Trên đường họ bị bọn cướp giết chết, chỉ còn vài người trốn thoát.

Sau chín năm, Ngài đến Trung Thổ vào niên hiệu Nhân Thọ thứ hai (602). Bấy giờ nhằm vào lúc Tùy Văn Đế cầu được rất nhiều hạt xá lợi Phật, và cho xây tháp cúng dường. Ngài vừa đến, liền được nhà vua thỉnh vào nội điện Đại Bảo. Đang lúc đàm luận với Ngài, nhà vua chợt đưa bốn ngón tay lên, rồi hỏi quần thần:

- Các khanh có biết ý Trẫm chăng?

Quần thần không ai đáp được. Nhà vua quay sang hỏi Ngài. Ngài đáp:

- Ý của đàn việt là bảo rằng bần đạo đã chứng tứ quả A La Hán. Tuy nhiên, điều này không thật.

Nghe lời này, nhà vua kinh dị. Kế đến, nhà vua thỉnh Ngài về trú tại một cung quán. Lần nọ, nhà vua lại hỏi:

- Trẫm tạo dựng linh tháp khắp các châu quận. Tuy nhiên, có hai châu quận là Xiểm Châu và Tào Châu là nơi có nhiều điềm lành nhất. Vậy nên tạo dựng linh tháp của vị nào?

Ngài bảo:

- Nên thờ Bồ Tát Địa Tạng tại Xiểm Châu. Tại Tào Châu, nên thờ Bồ Tát Quan Hoa Không Tạng.

- Hoa trời giống như vật gì?

- Giống như miếng mi ca mỏng.

Nhà vua bèn bí mật lấy mi ca mỏng để làm thiên hoa. Người nhìn vào, không ai biết được. Sau này hoàng hậu băng hà, trên hư không lại có tiếng nhạc vang rền, cùng có mùi hương lạ bay tỏa khắp nơi. Nhà vua đem việc này đến vấn hỏi. Ngài đáp:

- Hoàng hậu đã vãng sanh sang cõi Tây Phương Tịnh Độ của Phật A Di Đà, nên chư thiên khởi nhạc trời mà nghênh tiếp.

Nhà vua cho là điềm kỳ đặc, nên đem lễ vật mà tặng thưởng, nhưng Ngài không thọ nhận.

Sau này, không ai biết Ngài tịch vào lúc nào.