Home > Thánh Tăng Truyện > Ngai-Xa-Na-Quat-Da-Jnanagunta
Ngài Xà Na Quật Đa (Jnanagunta)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Xà Na Quật Đa dịch là Đức Chí Bắc Hiền Đậu. Hiền Đậu xuất phát từ âm Nhân Đà La Bà Đà Na (dịch là Vương Xứ, tức là nơi Thiên Đế Thích thường bảo hộ).

Ngài vốn là người nước Kiền Đà La (dịch là nước Hương Hạnh). Gia thế thường cư trú tại thành Phú Lưu Sa Lưu La (dịch là cung Trượng Phu). Ngài vốn thuộc dòng Sát Đế Lợi, tục tánh là Kim Bộ, dịch là Hạng (tức như cổ của con chim khổng tước), thuộc dòng quý tộc. Người cha tên là Bạt Xà La Bà La (dịch là Kim Cang Kiên). Thuở nhỏ, ông có hoài bão cao xa; lớn lên có đủ khí tiết thanh cao, lập thân làm tể tướng. Ông có năm người con, mà ngài Xà Na Quật Đa là nhỏ nhất.

Lúc nhỏ, ngài Xà Na Quật Đa có đức tánh chơn trực, sớm phát đạo tâm, thích xuống tóc, nguyện đi xuất gia. Song thân biết rõ, nhưng không chấp thuận cho Ngài đi xuất gia. Nước đó có một tự viện lớn gọi là Đại Lâm. Ngài thường đến đó nương tựa, để mong được tiếp độ thoát ly cuộc sống thế tục. Sau này, Ngài y chỉ theo sa môn Xà Nhã Na Bạt Đạt La (dịch là Trí Hiền), tu học và thông suốt ba tạng giáo điển, nhất là luật tạng.

Sau khi xuất gia ngài Xà Na Quật Đa hiếu kính, chuyên tín thành lời giáo huấn của thầy bổn sư, cũng như y chỉ tu học để quán thông kinh điển. Bấy giờ các thánh cảnh linh tích ở xứ Hiền Đậu vẫn còn tồn tại. Do đó, Ngài theo vị thầy bổn sư đi khắp đó đây để chiêm ngưỡng lễ bái. Vào năm hai mươi bảy tuổi, lúc được ba hạ, Ngài và thầy bổn sư cùng các vị sa môn khác đồng kết chí du phương hoằng pháp. Mới đầu, tổng cộng có mười vị sa môn đồng xuất hành. Trên đường ghé ngang qua nước Ca Ty Thi, họ lưu lại nơi đó vài năm. Quốc vương thỉnh cầu ngài Xà Nhã Na Bạt Đạt La (thầy bổn sư của ngài Xà Na Quật Đa) làm quốc sư, khiến ban ích lợi cho quốc dân không ít.

Sau này, họ đến ngọn núi Tây Túc cao chót vót, thấu tận trời xanh, thuộc dãy Đại Tuyết Sơn. Kế đến, họ qua nước Yểm Đát. Nơi đó hoang dã, dân chúng thưa thớt, không có ai cúng dường thực phẩm. Vì vậy, ngài Xà Na Quật Đa xả đại giới mà tận lực đi tìm thức ăn, hộ trì tăng đoàn hoằng pháp. Về sau, được thần linh che chở hộ trì, họ thoát nạn đói nơi miền hoang dã. Họ tiếp tục đến nước Kiệt La Bàn Đà và Vu Điền. Nơi đó, họ gặp mưa gió tuyết rét lạnh, nên tạm dừng lại, mà chưa hoằng hóa. Chẳng bao lâu, họ lại sang Thiện Châu. Bấy giờ là nhằm vào đời Tây Ngụy, niên hiệu Đại Thống nguyên niên (535). Tuy gặp bao gian nan nguy hiểm mà tâm Ngài vẫn dõng mãnh tinh tấn. Lúc khởi hành có mười người, nhưng khi đến đó thì chỉ có bốn người còn sống sót. Vào đời Chu Minh Đế, niên hiệu Võ Thành (557 560), họ đến Trường An, tạm lưu trú tại chùa Thảo Đường. Nơi đó, ngài Xà Na Quật Đa đăng tịnh đàn, thọ lại giới cụ túc, rồi tinh tấn tu hành, từ từ học tiếng Tàu. Nghe thanh danh vị thầy bổn sư (tức Xà Nhã Na Bạt Đạt La), Chu Minh Đế triệu thỉnh vào hoàng cung vấn đạo, đàm luận Phật pháp, rồi cúng dường lễ vật trong cấm cung. Thấy không được tự do nơi cung cấm, nên thầy trò ngài Xà Na Quật Đa trình lên với Chu Minh Đế. Nhà vua bèn ra lịnh xây chùa Tứ Thiên Vương để thầy trò của Ngài được cư trú, và khởi công phiên dịch kinh điển, như kinh Thập Nhất Diện Quán Âm, Kim Tiên Vấn, v.v...

Sau này, lúc Tiếu Vương Tự Văn Kiệm sang trấn nhậm đất Thục, ông ta thỉnh mời thầy trò ngài Xà Na Quật Đa đồng hành đến đó. Do nhân duyên ấy, họ theo ông ta qua đó, trụ tại chùa Long Uyên. Ngài Xà Nhã Na Bạt Đạt La nhậm chức Tăng Chủ ở Ích châu, và phiên dịch Quán Âm Kệ, kinh Phật Ngữ, v.v...

Lúc Kiện Đức Võ Đế mộ Đạo giáo mà hủy phá Phật giáo, bắt tăng chúng hoàn tục, ông ta bắt ngài Xà Na Quật Đa vào kinh đô, bức bách uống rượu, thi lễ, nhưng Ngài vẫn kiên trì giữ giới, không lộ chút sợ hãi. Võ Đế thấy Ngài có chí khí cang cường, nên tha Ngài trở về chùa. Trên đường đi từ vùng Cam Châu hướng đến Đột Quyết, thầy bổn sư (tức Xà Nhã Na Bạt Đạt La) muốn trở về phương tây để nhập diệt. Đến Đột Quyết, thầy trò lưu lại. Chẳng bao lâu ngài Xà Nhã Na Bạt Đa La nhập diệt nơi đó. Từ đó về sau, Ngài Xà Na Quật Đa một hình một bóng đi khắp đó đây, không có nơi an trú.

Ngài đến vùng Bắc Địch, rồi tùy phương tiện hoằng hóa lợi sanh. Đến niên hiệu Khai Hoàng thứ năm (585), tại chùa Đại Hưng Thiện, sa môn Đàm Duyên cùng hơn ba mươi sa môn khác khởi sự phiên dịch. Nghe Xà Na Quật Đa trú tại Bắc Địch, họ bèn dâng tấu cầu thỉnh Ngài trở về kinh đô. Nhà vua liền ban sắc lịnh, cầu thỉnh bốn lần, mà Ngài vẫn không đi, trú mãi ở nơi đó đến mười năm. Sau này, vì cảm thấy người đời biết trọng Tam Bảo, nên Ngài trở về kinh đô. Bấy giờ Văn Đế đang trú tại Lạc Dương, nghe tin Ngài đến kinh đô nên rất vui mừng, liền tới vấn an, và cung thỉnh phiên dịch kinh điển. Thấy những kinh điển mới vừa được phiên dịch, lời văn rất thô sơ, và nghĩa lý chưa rõ ràng, nên Ngài dốc sức kiểm thảo, nhuận sắc, trau chuốt lại. Bấy giờ ngài Na Liên Đề Lê Da Xá đã nhập diệt, nên chỉ còn một mình ngài Xà Na Quật Đa đảm nhận trọng trách kiểm duyệt kinh điển. Ngài lại mời hai anh em dòng Bà La Môn là Cao Thiên Thủ và Cao Hòa Nhân, trợ giúp duyệt bản kinh tiếng Phạn. Lại có mười vị danh đức sa môn như Tăng Hưu, Pháp Kinh, v.v... giúp Ngài hiệu đính, duyệt xét tông chỉ ý thú của kinh điển.

Cách Vu Điền về phía đông nam hai ngàn dặm có nước tên là Giá Câu Già. Quốc vương tín phụng Phật giáo Đại Thừa. Trong cung điện có chứa ba bộ kinh như Ma Ha Bát Nhã, Đại Tập, Hoa Nghiêm. Quốc vương thường tự chia thời khoá tụng đọc, dâng hương hoa cúng dường. Về phía đông nam của nước này có một ngọn núi cao chót vót. Bên trong có một hang động thâm u, chứa tám bộ kinh Đại Tập, Hoa Nghiêm, Phương Đẳng, Bảo Tích, Lăng Già, Phương Quảng, Xá Lợi Phất Hoa Tụ Nhị Đà La Ni Đô Tát La Tạng, Ma Ha Bát Nhã. Bát Nhã và Đại Tập có mười hai bộ, khoảng một trăm ngàn bài kệ, được các quốc vương nhiều đời ra sắc lịnh bảo vệ. Ngoài ra, có ba vị A La Hán đang nhập diệt tận định trong hang đó. Mỗi nửa tháng, chư tăng trên núi đến đó, cạo râu tóc cho ba vị A La Hán. Quốc vương nước đó dùng nhân pháp mà trị vì. Dân chúng đều dốc lòng tín phụng Phật pháp.

Ngài Xà Na Quật Đa đạo tánh thuần hậu; thần chí kiên cường đoan chánh; thường mến đức hạnh; không nhàm chán cầu pháp; nghiên cứu thâm sâu tông chỉ chân yếu; uyên bác ba tạng kinh điển; học hết ngũ minh, thông suốt thế luận; hành đạo đắc được chỉ thú; tổng trì lý giải thần chú; suốt đời thường đắp ba y ca sa; ngày dùng một buổi; nhân từ cứu người tế vật chẳng cần đợi thỉnh cầu; thường chuyên cần đọc tụng kinh điển, khiến sĩ thứ khâm trọng, và kẻ tăng người tục đều tôn sùng. Tùy Đằng Vương sùng kính ngưỡng vọng giới đức của Ngài nên tôn làm thầy.

Đến niên hiệu Khai Hoàng thứ mười hai (592), ngài Xà Na Quật Đa nhập diệt, thọ bảy mươi tám tuổi. Từ lúc sang Đông Độ, Ngài phiên dịch được ba mươi bảy bộ kinh, và một trăm bảy mươi sáu quyển, như kinh Phật Bổn Hạnh, Tập Pháp Cự, Oai Đức Hộ Niệm, Hiền Hộ, v.v... Văn dịch lưu loát, phù hợp hoàn toàn với giáo lý. Xưa kia Tùy Cao Tổ ban sắc lịnh cho ngài Xà Na Quật Đa cùng sa môn Nhã Na Kiệt Đa (người Tây Vực), v.v... tại nội sử và nội tỉnh, phiên dịch Phạn văn cổ điển. Đến niên hiệu Khai Hoàng thứ mười hai thì hoàn tất.