Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Tang-Gia-Bat-Ma-Sanghavarman
Ngài Tăng Già Bạt Ma (Sanghavarman)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Tăng Già Bạt Ma (dịch là Chúng Khải) người nước Thiên Trúc, xuất gia từ thuở nhỏ, anh tuấn có giới đức, hiểu rõ ba tạng kinh luật luận, lại tinh thông luận Tạp Tâm.

Đời Tống, niên hiệu Nguyên Gia thứ hai mươi (443), Ngài vượt các bãi sa mạc mà đến Kiến Nghiệp. Tánh khí nghiêm nghị, ngôn hạnh đều y theo giới luật, khiến chư tăng và kẻ tục đồng tôn kính, xưng gọi là 'Tam Tạng Pháp Sư'. Lúc đầu, Ngài trú tại chùa Bình Lăng. Nghe danh đạo hạnh tinh thuần của Ngài, Huệ Quán bèn cung thỉnh về chùa Đạo Tràng, và tôn sùng cúng dường để biểu thị sự kính trọng giới đức.

Ngày đêm, Ngài hành đạo đọc tụng kinh điển không mệt mỏi. Tăng chúng hội tụ dưới tòa, và lưu bố chánh giáo khắp nơi. Đầu tiên, Ngài thuyết giới phẩm cho ni chúng chùa Ảnh Phước như ni sư Huệ Quả, v.v... để học thọ giới cụ túc. Bấy giờ chưa đủ hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni để truyền giới pháp tỳ kheo ni; nhờ Ngài ban truyền mà giới pháp mới được đầy đủ. Các ni chúng từ nước Sư Tử đến kinh đô nhà Tống, cầu giới pháp nơi Ngài. Đại chúng đồng tôn Ngài làm bậc thầy Tam Tạng. Huệ Nghĩa ở chùa Kỳ Hoàn đến Kinh Ấp, cùng Ngài tranh luận. Ngài dùng tông giáo để hiển bày lý pháp. Lúc trở về, Huệ Nghĩa mới bội phục đức hạnh của Ngài, bèn sai đệ tử Huệ Cơ đem lễ vật đến cúng dường.

Tăng ni theo Ngài tu học có hàng trăm người. Tống Bành Thành, Vương Nghĩa Khang sùng kính giới đức của Ngài nên thường thiết lễ trai tăng cúng dường. Bốn chúng đều đổ dồn về Kinh Ấp.

Ngài đọc tụng thông suốt diệu kinh Tạp Tâm. Ba tạng kinh điển tuy đã được dịch rất nhiều mà phần nhiều chưa nhuận sắc hiệu đính lại. Thế nên, tháng chín năm đó, tại chùa Trường Thiên, Huệ Quán triệu tập các học giả, đồng đến cung thỉnh ngài Tăng Già Bạt Ma dịch kinh Tạp Tâm. Bảo Vân chuyển ngữ. Quán Tự ghi chép, kiểm thảo chu toàn. Kế đến, Ngài dịch quyển Ma Đắc Lặc Già Phân Biệt Nghiệp Báo, Lược Khuyến Chư Vương Yếu Kệ, và Thỉnh Thánh Tăng Tục văn, v.v...

Chí nguyện giáo hóa của Ngài không nhất định ở một phương. Dịch kinh, truyền pháp xong, Ngài từ biệt trở về bổn quốc. Đại chúng đều cố nài thỉnh Ngài lưu lại, nhưng vẫn không được. Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười chín (442), Ngài theo thương thuyền trở về Tây Vực. Không ai biết Ngài nhập tịch tại nơi nào.

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc