Home > Thánh Tăng Truyện > Ngai-Tang-Gia-Ba-La-Sanghabhadra
Ngài Tăng Già Bà La (Sanghabhadra)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Tăng Già Bà La (dịch là Tăng Khải) vốn là người Phù Nam, xuất sanh vào năm 460, thông minh đỉnh ngộ từ thuở nhỏ, sớm đã thân cận học Phật pháp, xuất gia từ lúc còn trẻ, chú trọng nơi luận A Tỳ Đàm, thanh danh đã vang khắp vùng Nam Hải. Thọ giới cụ túc xong, y theo giới luật mà tu tập tròn vẹn. Ngài có ý chí đi khắp nơi để hoằng dương chánh pháp. Nghe nước Tề tôn sùng Phật pháp, nên Ngài lên thuyền đến kinh đô Kiến Khang, trụ tại chùa Chánh Quán, làm đệ tử của sa môn Cầu Na Bạt Đà (người Thiên Trúc). Sau này theo ngài Cầu Na Bạt Đà nghiên cứu tinh tường kinh Phương Đẳng. Chưa đọc xong hết mà đã tinh thông yếu chỉ. Ngài lại thông thạo rất nhiều ngôn ngữ. Sau khi nhà Tề bị diệt vong, Ngài đoạn hết tất cả thế duyên, ẩn tu trong rừng núi, để tu dưỡng đạo nghiệp.

Niên hiệu Thiên Giám thứ năm (506), được sắc lịnh của Lương Võ Đế, tại năm nơi như Chiêm Vân Quán, chùa Chánh Quán, trụ quán Phù Nam, vườn Hoa Lâm, cung điện Thọ Quang ở Dương Đô trong suốt mười bảy năm trường, Ngài chuyên ròng phiên dịch kinh điển, tổng cộng được 11 bộ, và 48 quyển, như kinh Đại A Dục, luận Giải Thoát Đạo, v.v... Lúc Ngài mới bắt tay vào công việc phiên dịch tại cung điện Thọ Quang, Lương Võ Đế đích thân đến pháp tọa, ghi chép văn dịch, cùng duyệt thảo lại hết văn kinh dịch. Nhà vua lại ra lịnh cho sa môn Bảo Xướng, Huệ SIêu, Tăng Trí, Pháp Vân, v.v... trợ giúp việc phiên dịch, như kiểm thảo lời kinh, khiến kinh văn được lưu loát. Nhà vua thường tiếp lễ Ngài rất thâm hậu. Song, Ngài không tự giữ tài vật riêng tư. Thái úy Lâm Xuyên Vương Hoằng tiếp đãi Ngài rất trọng hậu.

Niên hiệu Phổ Thông thứ năm (524), ngài Tăng Già Bà La nhập tịch tại chùa chánh quán, thọ sáu mươi lăm tuổi.