Ngài Tăng Già Đề Bà (Sanghadeva)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Tăng Già Đề Bà cũng được gọi là Tăng Già Đề Hòa; Tàu dịch là Chúng Thiên. Bổn tánh là Cù Đàm, người nước Kế Tân. Xuất gia xong, tu hành tinh tấn, chẳng màng đường xa vạn dặm, mà đi tham tầm minh sư để thọ học, nên mau chóng quán thông ba tạng, kinh luật, luận; sở trường là chuyên về 'A Tỳ Đàm Tâm Luận'. Đối với yếu chỉ thâm sâu tinh tế của kinh luận, đều có thể thông đạt liễu ngộ. Ngài thường tụng trì bộ luận 'Tam Pháp Độ', và lấy đó làm pháp môn thiết yếu để nhập vào đạo Phật. Phong cách của Ngài thanh cao; cử chỉ hành động ôn hòa khiêm cung; chuyên cần dạy dỗ đồ chúng mà không mỏi mệt. Đời Tiền Tần Phù Kiên, trong niên hiệu Kiến Nguyên (365 384), Ngài đến Trường An, hoằng dương Phật pháp.

Đương thời, sa môn Tăng Già Bạt Trừng đã dịch quyển 'Bà Tu Mật Ngữ'. Sa môn Đàm Ma Nan Đề đã dịch kinh Trung A Hàm, kinh Tăng Nhất A Hàm, kinh Tỳ Đàm Quảng Thuyết, luận Tam Pháp Độ, v.v... Bấy giờ, vì loạn Mộ Dung Sung, nên công tác phiên dịch bị gián đoạn. Lại nữa, vì hoàn cảnh đảo điên, nên các nhà dịch giả phải lưu lạc khắp nơi, khiến các bản kinh vừa dịch xong, không thể được hiệu đính, nhuận sắc, làm cho văn cú ý chỉ bị sai lệch rất nhiều. Lúc ấy, ngài Đạo An cũng vừa nhập tịch, nên không có ai phát tâm cải chính nhuận sắc lại những kinh điển vừa được dịch. Do đó, ngài Tăng Già Đề Bà cùng với Trúc Pháp Hòa đồng đến Lạc Dương. Tại nơi đó, trong khoảng năm năm, nhờ thông hiểu tiếng Tàu, nên ngài Tăng Già Đề Bà suốt ngày xem xét nghiên cứu, sửa đổi những chỗ sai lầm thiếu sót của các bản dịch mới. Trúc Pháp Hòa sau này cũng thỉnh ngài Tăng Già Đề Bà dịch luận A Tỳ Đàm.

Chẳng bao lâu, Hậu Tần Dao Hưng vào Trường An, và sùng tín Phật pháp, nên chánh giáo được hưng long. Biết được tin này, Trúc Pháp Hòa bèn trở lại Trường An. Ngài Tăng Già Đề Bà thì xuôi vào miền Giang Nam, rồi được ngài Huệ Viễn thỉnh lên núi Lô Sơn giảng kinh thuyết pháp. Tại Bát Nhã Đài ở Lô Sơn, do lời thỉnh cầu của ngài Huệ Viễn, ngài Tăng Già Đề Bà dịch quyển 'A Tỳ Đàm Tâm Luận', và 'Tam Pháp Độ Luận'. Văn dịch đều bảo tồn được nguyên vẹn, và ý chỉ rất rõ ràng. Năm 397, Ngài rời Lô Sơn, đến Kiến Khang (tức Nam Kinh), kinh đô của triều Đông Tấn. Đương thời, các vương công, danh sĩ thường qua lại giao hảo với Ngài. Vệ quân lang gia Vương Tuần tín phụng Phật pháp, thường xây cất tịnh xá, chiêu tập đại chúng, tuyên rộng chánh giáo. Nghe tin ngài Tăng Già Đề Bà đã đến kinh sư, Vương Tuần bèn cung thỉnh đến tịnh xá để giảng kinh A Tỳ Đàm, khiến các vị danh tăng ở khắp nơi đổ dồn về đó. Nhờ Ngài tinh thông yếu chỉ kinh luận và giải thích văn nghĩa thật chính xác rõ ràng, nên lúc khai triển nghĩa lý, khiến tín chúng hân hoan lãnh hội.

Mùa đông năm đó, Vương Tuần và hơn bốn mươi vị sa môn bác học, cùng đồng cung thỉnh ngài Tăng Già Đề Bà dịch kinh Trung A Hàm. Lúc đó, sa môn Tăng Già La Xoa (người nước Kế Tân) đọc tiếng Phạn, còn ngài Tăng Già Đề Bà dịch ra tiếng Tàu.

Nhờ thông suốt kinh luật luận, cùng tinh tường hiểu rõ phong tục tập quán nhân tình ở Tây Vực và Đông Độ, lại có ngôn đàm ứng hợp với căn cơ của tín chúng, nên công nghiệp hoằng pháp của ngài Tăng Già Đề Bà ảnh hưởng mạnh mẽ ở vùng Giang Nam, khiến nhiều người đổ đến cầu đạo. Sau này, không ai biết ngài Tăng Già Đề Bà tịch ở đâu và vào lúc nào.