Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Cau-Na-Bat-Ma-Gunavarman
Ngài Cầu Na Bạt Ma (Gunavarman)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Cầu Na Bạt Ma (dịch là Công Đức Khải) người dòng Sát Lợi, gia thế làm vua trị nước Kế Tân. Ông nội tên là Ha Lê Bạt Đà, (dịch là Sư Tử Hiền), tánh tình cương trực. Cha là Tăng Già A Nan, (dịch là Chúng Thiện). Nhờ thường ẩn cư tại rừng núi suối ngòi, năm mười bốn tuổi căn cơ kiến thức của ngài Cầu Na Bạt Ma thâm sâu xuất chúng. Tánh tình của Ngài nhân hậu, tôn sùng đạo đức, thường hành việc thiện. Người mẹ thường làm thịt những con dã thú, rồi bảo Ngài ăn. Ngài nói:

- Phàm loài vật có mạng sống thì không nên ăn.

Người mẹ tức giận bảo:

- Con cứ ăn đi. Mẹ sẽ chịu tội thế cho.

Ngày nọ, đang chiên dầu sôi, Ngài chợt làm đổ, khiến phỏng ngón tay, nên nói với người mẹ:

- Xin mẹ hãy chịu đau cho con.

Người mẹ bảo:

- Thân của con bị đau, làm sao mẹ thay thế cho được.

- Khổ trước mắt mà không thay thế cho con được, huống hồ là khổ trong ba đường ác!

Bà mẹ nghe lời này, bèn tỉnh ngộ, sám hối, suốt đời không còn sát sanh.

Năm mười tám tuổi, Ngài gặp một ông thầy xem tướng bảo:

- Năm ba mươi tuổi, Ngài sẽ đến một đại quốc ở phương nam, và được xưng tôn là bậc thầy. Nếu không thọ hưởng vinh hoa phú quý ở thế gian, thì sẽ chứng đạt thánh quả.

Năm hai mươi tuổi, Ngài xuất gia thọ giới cụ túc, thông suốt chín bộ kinh, hiểu thấu bốn bộ kinh A Hàm, thường tụng đọc kinh điển hơn triệu lời, thâm đạt luật phẩm, diệu nhập vào yếu chỉ thiền môn, khiến người đương thời đều xưng tán là Tam Tạng Pháp Sư.

Năm Ngài được ba mươi tuổi. Vua nước Kế Tân băng hà mà không có con nối dõi. Quần thần hội nghị bảo nhau:

- Ngài Cầu Na Bạt Ma vốn là dòng dõi đế vương, lại có tài trí thâm sâu, đức cao trọng vọng. Chúng ta nên thỉnh Ngài hoàn tục mà lên ngôi vương vị.

Bàn luận xong, hơn cả trăm quần thần đến khẩn thỉnh ba lần, mà Ngài không chấp thuận. Sau đó, Ngài rời kinh đô, xa lánh thế tục, trú trong rừng núi hoang dã, đơn độc tu hành. Kế đến, Ngài tới nước Sư Tử hoằng hóa Phật pháp, khiến chánh giáo được hưng thịnh. Người có kiến thức thường bảo rằng Ngài đã chứng thánh quả. Oai nghi đoan chánh của Ngài khiến thú vật cũng phát tâm tu đạo.

Sau này, Ngài đến nước Xà Bà. Một ngày trước đó, hoàng thái hậu mơ thấy một đạo sĩ theo thuyền bay vào vương quốc. Hôm sau, quả nhiên bà ta thấy Ngài đến. Hoàng thái hậu cung kính thánh thể, rồi xin quy y thọ năm giới cấm. Hoàng thái hậu khuyên quốc vương:

- Do nhân duyên tiền kiếp mà làm mẹ con. Mẹ đã thọ giới rồi mà con vẫn chưa tín phụng Phật pháp. E rằng vì nhân đời này khác nhau, nên quả đời sau sẽ khiến tình mẫu tử bị đoạn tuyệt.

Vì bị hoàng thái hậu ép buộc, nên quốc vương đành phải nghe lời của bà mẹ mà thọ giới, rồi dần dần tín phụng Phật pháp, tinh tấn tu hành. Lần nọ, nước lân bang cử quân xâm chiếm biên cảnh. Quốc vương bèn hỏi Ngài:

- Bọn giặc bên ngoài ỷ có thế lực mà xâm chiếm đất đai. Nếu cùng với chúng nghinh chiến thì ắt sẽ tổn thương sanh mạng rất nhiều. Nếu không chống cự thì họa mất nước sẽ đến. Nay chỉ quy mạng nơi Tôn Sư. Không biết Ngài có kế gì chăng.

- Bạo khấu hung hản khởi binh xâm lăng. Vậy thì Đại Vương hãy dẫn binh đi thảo trừ để cứu muôn dân. Tuy nhiên, xin Đại Vương hãy khởi tâm từ bi, chớ khởi niệm muốn sát hại.

Quốc vương bèn thống lãnh quân sĩ an bài trận địa, nổi trống cờ để giao chiến với quân địch, khiến chúng đều thua chạy. Song, quốc vương bị giáo đâm vào đùi. Ngài bèn gia trì thần chú vào nước, rồi đưa cho quốc vương uống. Qua hôm sau thì quốc vương bình phục hẳn, nên càng thâm tín, và rất tri ân Ngài. Quốc vương lại muốn xuất gia tu đạo, nên bảo với quần thần:

- Trẫm muốn xuất gia làm sa môn. Các khanh hãy tự tìm một vị minh quân khác.

Vì quần thần khẩn thỉnh van nài ba lần, nên quốc vương không nỡ bỏ đi, nhưng lại bảo họ:

- Trẫm có ba lời nguyện. Nếu các khanh hành được thì Trẫm sẽ ở lại trị quốc. Nguyện thứ nhất, ở trong vương quốc, mọi người phải tín phụng chư sa môn. Nguyện thứ hai, mọi người trong nước phải đoạn trừ tất cả việc giết hại. Nguyện thứ ba, tất cả tài sản trong nước đều chẩn cấp cho người nghèo hèn, bịnh tật.

Quần thần nghe lời này đều hân hoan vui mừng mà tín phụng y theo. Vì vậy, cả nước đều thọ giới quy y. Để tỏ lòng tôn kính, quốc vương đích thân xây tịnh xá cho Ngài cư trú. Đang xây cất tịnh xá, quốc vương chợt bị thương cánh tay, nên Ngài phải tụng chú gia trì, khiến hôm sau được bình phục.

Danh đức hóa đạo của Ngài vang xa khắp nơi, khiến các quốc vương lân bang đều gởi sứ giả sang cầu thỉnh Ngài qua những nơi đó mà hoằng dương Phật pháp.

Bấy giờ tại kinh sư (Nam Kinh), Huệ Quán, Huệ Thông, v.v... nghe danh đức của ngài Cầu Na Bạt Ma, bèn viết sớ dâng lên triều đình. Vào tháng chín niên hiệu Nguyên Gia nguyên niên (424), họ dâng sớ lên Tống Văn Đế, yêu cầu triều đình thỉnh ngài Cầu Na Bạt Ma sang Trung Thổ để hoằng dương chánh pháp. Tống Văn Đế phê chuẩn, rồi ra lịnh cho thứ sử ở Giao Châu sắm sửa tàu thuyền, cùng với sa môn Pháp Trường, Đạo Sung, v.v... đem thơ của nhà vua đến nước Xà Bà, thỉnh cầu ngài Cầu Na Bạt Ma tới nước Tống để xiển dương chánh giáo. Vì muốn tuyên dương thánh giáo, nên ngài Cầu Na Bạt Ma chấp thuận lời cầu thỉnh này, và không quản đường sá xa xôi mà đến đất Tống. Thế nên, Ngài theo thuyền của thương nhân Trúc Nan Đề, hướng đến một tiểu quốc, rồi thuận theo gió mà tới Quảng Châu. Đến nơi, Ngài viết thư cho Tống Văn Đế:

- Gió nghiệp thổi đến đất Tống. Nay xin báo tin.

Tống Văn Đế nhận được lá thư đó, biết là Ngài đã đến Nam Hải, nên lại ra lịnh cho thứ sử Châu Quận, nghinh tống Ngài về kinh sư. Trên đường đi, Ngài dừng lại lưu trú tại Thủy Hưng, nơi đầy cả hổ sói. Thấy hình thế của dãy núi đó cao chót vót, Ngài cho đổi tên núi là Linh Thứu. Cách ngôi chùa trên núi khoảng vài dặm, Ngài cất thêm một thiền thất, mà âm thanh từ chùa không thể vang đến đó. Tuy nhiên, mỗi lần có tiếng kiểng đánh thì Ngài đều nghe, và trở về chùa. Chư tăng kẻ tục đều cung kính. Trong chùa có điện Bảo Nguyệt. Nơi phía tây của điện đó, Ngài tự tay vẽ hình tôn giả La Hầu La cùng tượng Phật Định Quang. Vẽ xong, vào mỗi buổi tối, tượng đều phóng ánh sáng không dứt, khiến thái thú Thái Mậu ở Thủy Hưng lại càng thêm kính trọng, ngưỡng mộ Ngài. Sau này, Thái Mậu chết. Ngài tự thân đến dinh phủ an ủi. Vài ngày sau, gia nhân mộng thấy Thái Mậu cùng tăng chúng thuyết pháp trong chùa. Song, tất cả đều do thần lực của Ngài gia hộ cả.

Dân chúng trong vùng núi Thủy Hưng vốn thuờng bị tai họa hổ sói. Từ khi cư trú nơi đó, ngày đêm kinh hành, vào những lúc gặp hổ sói, Ngài dùng tích trượng mà vỗ lên đầu của chúng, khiến chúng bỏ đi hết. Từ đó, khách vãng lai đến không còn bị trở ngại. Nhờ oai đức của Ngài, cứ trong mười người là có bảy tám người được cảm hóa tín phụng Phật pháp.

Lần nọ, Ngài nhập thiền định đã bao ngày mà chưa xả, nên tăng chúng trong chùa bèn sai một chú sa di đến am thất để hầu cận. Chú tiểu vừa đến thì thấy một con sư tử trắng đang đứng trên nóc am thất, và trên hư không hoa sen xanh bay đầy khắp. Lúc chú tiểu kinh hoàng la hoảng, thì mọi hiện cảnh đều biến mất. Những điềm linh dị thật vô phương tính kể, nhưng phần nhiều là như thế. Sau này, Tống Văn Đế lại ban sắc lịnh, đôn đốc cầu thỉnh Ngài trở về kinh đô. Ngài theo thuyền về kinh đô Kiến Nghiệp vào tháng giêng năm 441. Đích thân Tống Văn Đế ra nghinh đón, vấn an. Bấy giờ Tống Văn Đế hỏi:

- Đệ tử thường trì giới không giết hại. Pháp Sư từ phương xa đến giáo hóa cõi này, vậy Ngài dùng pháp gì để huấn dụ?

- Đạo tại tâm chớ chẳng tại vật. Pháp do mình chớ không do người. Sự tu trì trai giới của Hoàng Thượng khác với kẻ phàm dân. Họ thân kém danh liệt, ngôn từ mạng lịnh không oai. Nếu họ không tự khắc kỷ khổ tu thì làm sao trở thành người hiền lương được? Đối với Hoàng Thượng, bốn biển là nhà, muôn dân là con. Một lời nói hiền lành của Ngài xuất ra liền khiến dân chúng hân hoan vui vẻ. Nếu Ngài thường ban bố chánh giáo lành thiện thì khiến quỷ thần hoan hỷ. Nếu Ngài không thường gia lực hình phạt lương dân vô tội, thì sẽ khiến mưa thuận gió hòa, và khí trời lạnh nóng đều thuận theo thời tiết, cùng trăm thứ lúa thóc và cỏ cây đều được tốt tươi. Trì trai giới như thế mới là rộng lớn, và đức độ trì giới không giết hại cũng bao trùm khắp nơi. Sao lại cho rằng trong nửa ngày không giết sanh mạng của một con vật nào, mới gọi đó là trì trai!

- Tâm của tục nhân mê mờ xa cách đạo lý muôn trùng, nên thường bảo rằng giáo lý của đạo Phật là lời hư vọng. Ngược lại, chư sa môn thường chấp nê nơi chương cú câu kệ. Những lời của Pháp Sư thật làm khai ngộ sáng tâm, và hợp với lời lẽ của trời người!

Tống Văn Đế lại đưa Ngài về trú tại chùa Kỳ Hoàn, cúng dường thâm hậu. Vương công danh sĩ đều tôn sùng. Nơi đó, Ngài khai giảng kinh Pháp Hoa cùng Thập Địa. Người người kéo đến nghe pháp đông đầy.

Do thầy Huệ Nghĩa ở trong chùa cung thỉnh, Ngài dịch quyển Bồ Tát Giới, có hai mươi tám phẩm. Sau này, đệ tử dịch thêm hai phẩm nữa. Tổng cộng là ba mươi phẩm, được gọi là Bồ Tát Giới Địa.

Thứ sử Vương Trung Đức ở Bành Thành thỉnh sa môn ngoại quốc là Y Diệp Ba La dịch kinh Tạp Tâm. Vì nhân duyên trở ngại nên Y Diệp Ba La dịch đến Trạch Phẩm thì ngưng. Do đó Vương Trung Đức thỉnh Ngài dịch Hậu Phẩm, khiến bộ kinh Tạp Tâm được dịch ra mười ba quyển. Ngài lại dịch quyển Tứ Phần Luật Yết Ma, Ưu Bà Tắc Ngũ Giới, Lược Luận Ưu Bà Tắc Nhị Thập Tứ Giới. Tổng cộng là hai mươi sáu quyển. Văn nghĩa tinh tường, và Phạn Hán không sai sót.

Ni chúng như Huệ Quả, Tịnh Âm, v.v... từ chùa Ảnh Phước đến bạch với Ngài:

- Sáu năm trước, tám sư cô từ nước Sư Tử qua đến kinh sư bảo rằng ở đất Tống, ni chúng chưa có. Thế nên, khi ni chúng đăng đàn thọ giới, thì e rằng giới phẩm không được đắc trọn vẹn.

Ngài bảo:

- Giới pháp phát xuất từ chư đại tăngẠ. Nếu không theo bổn sự mà hành pháp Yết Ma thì vô phương đắc giới. Hãy xem lại duyên xuất gia của bà Đại Ái Đạo thì biết rõ.

Chư ni sợ giới phẩm chưa được vẹn toàn nên ân cần cầu thỉnh Ngài ban giới pháp. Ngài bèn tùy hỷ chấp thuận. Tuy nhiên, vì ni chúng ở đất Tống chưa đủ niên lạp, nên phải thỉnh thêm các ni sư ngoại quốc đến theo chư tăng truyền giới.

Mùa hạ năm đó, Ngài an cư kiết hạ tại chùa Bổn Lâm Hạ Tự. Đương thời, có một đàn việt đem hoa cúng dường. Những cánh hoa cạnh tòa ngồi của Ngài, trải qua bao ngày vẫn còn tươi, khiến đại chúng ai ai cũng tôn sùng thánh thể.

Sau mùa hạ, Ngài trở về chùa Kỳ Hoàn. Ngày hai mươi tám tháng chín năm đó, dùng trai chưa xong, thì Ngài trở vào điện các. Sau này, có người đệ tử đến, thấy Ngài an nhiên thị tịch. Ngài thọ sáu mươi lăm tuổi. Trước khi nhập tịch, Ngài có viết ba mươi sáu bài kệ, và tự bảo rằng đã chứng nhị quả A La Hán (Tư Đà Hàm), rồi đưa thơ cho đệ tử A Sa La, bảo:

- Sau khi Ta mất, có thể đưa thư này cho tăng chúng người Thiên Trúc và tăng chúng tại nơi đây xem qua.

Lúc nhập tịch, Ngài ngồi xếp bằng đoan tọa trên sàng thiền, gương mặt vẫn hồng hào như nhập định. Hàng ngàn tăng chúng và cư sĩ đến dự lễ an táng. Họ lại ngửi thấy mùi hương lạ xông lên, và thấy một con rồng dài bốn mươi thước từ nơi nhục thân của Ngài mà bay lên hư không. Bấy giờ bốn con lân, phượng, long, quy đồng xuất hiện. Trước Nam Lâm Giới Đàn, y theo phong tục Thiên Trúc mà làm lễ trà tỳ nhục thân của Ngài. Lúc ấy mây ngũ sắc chợt hiện trên bầu trời xanh trong, khiến đạo tục ai nấy đều tán thán điềm lạ. Nơi đó, tăng chúng lập tháp thờ xá lợi của ngài Cầu Na Bạt Ma.

Lúc đến kinh sư, Tống Văn Đế muốn theo Ngài thọ giới Bồ Tát. Vì phải lo chống giặc ngoại xâm, nên Tống Văn Đế chưa kịp cầu thỉnh, thì ngài Cầu Na Bạt Ma đã nhập tịch, khiến ông ta đau lòng nuối tiếc. Tống Văn Đế bèn ra lịnh cho chư tăng đọc bài kệ di chúc của ngài Cầu Na Bạt Ma để lại. Kệ viết: "

Trước đảnh lễ Tam Bảo, tịnh giới chư thượng tọa.

Người cõi trược xiểm khúc, hư ngụy không tín thành,

Mê hoặc không hiểu chơn, khinh chê người đức hạnh.

Vì vậy chư hiền thánh, hiện thân mà ẩn tích.

Ta Cầu Na Bạt Ma, vận mạng thời đã đến,

Được gặt thiện công đức, nay thuyết lời chân thật,

Chẳng dùng tâm cong vạy, hy vọng kẻ cầu danh,

Và khuyên người giải đãi, tăng trưởng hiểu Phật pháp;

Đại pháp lực như thế, nhân giả hãy lắng nghe.

Xưa trú nơi rừng hoang, thấy được các tử thi,

Ruột gan trùng ăn hoại, máu mũ chảy hôi hám.

Tâm thành duyên nơi đó, biết thân vốn như thế;

Thường thấy thân tướng này, tham sân không sợ lửa,

Vô số loại như thế; tu tập quán tử thi,

Xả bỏ cái nghe biết, y chỉ trong rừng rậm,

Ngày đêm chuyên tinh tấn, chánh quán thường không quên,

Cảnh giới hiện trước mắt, giống như xem mặt gương,

Ngưòi và ta đồng nhau; do đó tâm tịch tĩnh,

Thân nhẹ rất tịnh minh, trong sáng tâm an lạc,

Tăng trưởng đại hoan hỷ, tức không sanh chấp trước;

Biến thành tướng xương trắng; xương trắng hiện trước mắt;

Chân tay rụng hư hoại, xương trắng tất cũng diệt;

Vô cấu trí sáng ngời, điều phục tâm pháp tướng;

Bấy giờ đắc như thế, thân an rất nhu nhuyễn;

Phương tiện tu như thế, tiến đến chuyển tăng trưởng;

Vi trần niệm niệm diệt, hoại sắc chánh niệm pháp,

Đó là thân cứu cánh, sao khởi duyên tham dục!

Biết nhân của thọ sanh, như cá tham mồi câu,

Nó thọ vô lượng khổ; niệm quán sát na diệt,

Biết rõ chỗ nương kia, từ tâm vượn khỉ khởi;

Nghiệp thêm nghiệp quả báo, theo duyên niệm niệm diệt;

Tâm sở biết bao loại, gọi là pháp sai biệt,

Tức là niệm tư huệ; từng bước tu trọn vẹn,

Quán bao loại pháp tướng, tâm này chuyển rõ ràng;

Ta ngay trong ngọn lửa, thấy rõ bốn niệm xứ;

Luật hạnh từ đó khởi, nhiếp tâm duyên trụ lại;

Khổ như kiếm lửa nóng, vì do khát ái chuyển;

Ái tận đạt Niết Bàn; thấy rõ khắp ba cõi,

Lửa cháy thiêu tử thi, hình thể thật nhỏ nhoi;

Vui nghỉ nơi phương tiện, thân từ từ sung mãn;

Thắng diệu tướng chúng sanh, đảnh nhẫn cũng như thế,

Là do tâm mình khởi; chân thật chánh phương tiện,

Từ từ đắc thánh cảnh, tịch diệt lạc tăng trưởng,

Đắc pháp thế đệ nhất; một niệm duyên chân đế,

Từng bậc pháp nhẫn sanh, gọi là đạo vô lậu;

Vọng tưởng cùng trần cảnh, danh tự tất xa rời;

Cảnh giới nghĩa chân đế, trừ não được trong sáng,

Thành tựu quả tam muội; rời cấu duyên trong sạch,

Không hiện cũng không mất, huệ tịnh như trăng sáng,

Lặng lẽ chánh an trụ, thuần nhất tướng tịch diệt,

Chẳng phải nơi tuyên thuyết, chỉ Phật mới chứng biết;

Na Ba A Tỳ Đàm, thuyết năm quả nhân duyên,

Thật nghĩa biết tu hành, chấp danh không thể thấy,

Chư luận bao loại khác; tu hành lý không hai,

Thiên chấp có thị phi, người đạt không tranh đua;

Tu hành các diệu tướng, nay Ta không tuyên thuyết,

Sợ người khởi vọng tưởng, cuồng hoặc mê thế gian;

Nơi kia tu lợi tướng, Ta đã thuyết ít phần;

Nếu người có trí sáng, biết rằng do duyên khởi;

Nơi nước Ma La Bà, đắc được sơ quả thánh;

A Lan Nhã sơn tự, ẩn tích tu viễn ly;

Sau nơi nước Sư Tử, thôn tên Kiếp Ba Lợi,

Tiến tu đắc nhị quả, gọi là Tư Đà Hàm;

Đó là danh rời nạn, chướng tu đạo ly dục;

Thấy Ta tu viễn ly, biết là nơi không nhàn,

Đều sanh tâm hy hữu; lợi dưỡng liên tiếp đến,

Ta thấy như lửa độc, tâm sanh thật nhàm chán;

Lánh loạn biển phù du, Xà Bà cùng Lâm Ấp,

Nghiệp hành gió đẩy đưa, tùy duyên nơi nước Tống;

Vì vậy trong các nước, tùy lực hưng Phật pháp;

Chẳng hỏi phải nên hỏi, hãy thật chân thật quán,

Nay thân này diệt tận, tịch như ngọn lửa tàn!

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc