Ngài Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Đàm Vô Sấm cũng được gọi là Đàm Ma Sấm, người trung Thiên Trúc. Sáu tuổi đã để tang cha, rồi từ đó theo mẹ đi dệt vải khắp nơi để sinh sống. Đương thời, sa môn Đạt Ma Da Xá (Pháp Minh) rất được tăng chúng kính trọng. Bà mẹ bần khổ hâm mộ sa môn Đạt Ma Da Xá nên cúng dường thâm hậu, cùng cho ngài Đàm Vô Sấm đi theo học đạo. Năm mười tuổi, Ngài cùng chúng bạn đồng học tụng kinh chú. Từ đó, hiển xuất thiên tánh minh mẫn siêu quần; trong một ngày tụng kinh có thể nhớ hơn mười ngàn chữ, nên giữa nhóm môn đồ, Ngài được sa môn Đạt Ma Da Xá khen ngợi vô ngần.

Đầu tiên, Ngài học pháp Tiểu Thừa, cùng luận thư ngũ minh và học thuyết ở nước Thiên Trúc. Ngài lại có tài giảng thuyết, cùng khả năng biện luận với người, mà không ai có thể khuất phục được. Sau này, Ngài tranh luận với thiền sư Bạch Đầu cả một trăm ngày. Cuối cùng, Ngài đành phải bội phục thiền sư Bạch Đầu, và hỏi:

- Thiền Sư còn có kinh điển gì, có thể cho tôi xem chăng?

Thiền sư Bạch Đầu bèn lấy kinh Niết Bàn được viết trên vỏ cây, đưa cho Ngài. Xem qua bộ kinh này, Ngài lại càng tự hổ thẹn:

- Mình thật quá hàm hồ. Đã từ lâu chưa từng biết đến chánh đạo Đại Thừa.

Do đó, Ngài thỉnh cầu đại chúng vân tập để sám hối, và phát nguyện chuyển hướng sang học Đại Thừa. Năm hai mươi tuổi, Ngài đã tụng thuộc hơn hai triệu chữ.

Người anh của ngài Đàm Vô Sấm vốn là chuyên viên huấn luyện voi của quốc vương. Ngày nọ, con voi tai trắng của quốc vương đột nhiên bị chết, khiến quốc vương nổi giận lôi đình, ra lịnh giết chết, rồi ban chiếu chỉ:

- Nếu ai dám đến nhìn thi thể của hắn, Ta sẽ tru di tam tộc!

Vì vậy, trong thân tộc, không có ai dám trái lịnh nhà vua, chỉ có Ngài là dám đến nhận thi thể. Quốc vương biết được bèn sai quân bắt Ngài vào cung chất vấn. Với thần sắc điềm đạm tự nhiên, không lộ chút vẻ sợ sệt, Ngài bảo:

- Đại Vương y chiếu theo pháp luật mà giết anh tôi. Tôi cũng y chiếu theo mối quan hệ cốt nhục mà thâu lượm thi thể của anh tôi. Hành động của hai chúng ta, đều hợp với luân lý mà làm, chẳng có gì là sai trái! Sao lại còn sanh tâm bực tức?

Thấy chí khí thanh cao của Ngài, quốc vương không những tha tội chết, mà còn giữ ở lại hoàng cung để cúng dường.

Giống như ngài Phật Đồ Trừng, ngài Đàm Vô Sấm thông thạo chú thuật, thường hiển hiện năng lực thần dị rất linh nghiệm, nên khiến người Tây Vực đều xưng tán là 'Đại Chú Sư'.

Lần nọ, Ngài cùng với quốc vương đi vào núi. Quốc vương khát nước, sai các vệ sĩ đi tìm nước mà chẳng được. Thấy bên vệ đường có một tảng đá lớn, Ngài bèn tụng thần chú khiến nước vọt ra từ nơi tảng đá đó. Ngài tán thán ân đức của quốc vương:

- Do ân đức của Đại Vương mà cảm ứng đến dòng nước trong vụt ra từ tảng đá cuội này.

Thấy đạo thuật vi diệu phi thường của Ngài, quốc vương rất hoan hỷ, nên lại càng hậu đãi. Chẳng bao lâu, quốc vương từ từ xa lánh và đối xử tệ bạc với Ngài. Thấy vậy, Ngài bèn cáo từ quốc vương, rồi mang mười hai quyển kinh Đại Niết Bàn, kinh Bồ Tát Giới, v.v... hướng đến nước Kế Tân và Quy Từ (Kuchar). Vì dân chúng nơi đó vốn tín phụng giáo lý Tiểu Thừa, nên không tin tưởng kinh điển Đại Thừa. Ngài phải lại sang Đôn Hoàng, rồi đến Lương Châu. Trên đường sang Cô Tạng, lúc trú tại một quán trọ, vì sợ kinh bị thất lạc, Ngài bỏ các quyển kinh vào trong gối nằm. Tối đến, dường như có người xô Ngài xuống đất. Tỉnh dậy, Ngài nghĩ rằng đó là bọn ăn trộm. Tuy nhiên, việc này xảy ra ba đêm liền. Đêm thứ tư, trong hư không chợt có tiếng bảo:

- Đây là kinh điển giải thoát của Như Lai, sao lại lót đầu mà nằm?

Nghe lời này, Ngài liền tỉnh ngộ, khởi tâm sám hối, cung kính lễ bái, và đặt kinh điển lên chỗ cao. Đêm hôm đó, có ăn trộm đến, định đánh cắp kinh điển, nhưng không tài nào khiêng nổi vì kinh điển quá nặng. Sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy, Ngài mang kinh điển rời khỏi nơi đó. Thấy Ngài ung dung mang kinh điển, bọn trộm cướp sửng sốt, xưng tán Ngài là bậc thánh nhân, nên chạy đến cầu sám hối.

Đương thời, Hà Tây Vương là Mông Tốn đã bình định xong Đôn Hoàng. Hà Tây Vương vốn tín phụng Phật pháp, và có chí muốn hoằng dương chánh giáo. Nghe tin Ngài đến Đôn Hoàng, Hà Tây Vương bèn cung thỉnh vào trú nơi vườn thượng uyển ở Lương Châu, và cúng dường thâm hậu, cùng cầu thỉnh Ngài phiên dịch kinh điển. Tuy nhiên, vì chưa thông thạo tiếng Tàu, lại cũng không có ai giúp đỡ, nên Ngài không thể đáp ứng lời thỉnh cầu dịch kinh, mà trú nơi đó để học tiếng Tàu trong ba năm.

Được Mông Tốn tôn sùng vì Ngài là một vị thường hiển hiện đạo thuật linh dị, giống như ngài Phật Đồ Trừng được Thạch Lặc và Thạch Hổ cung kính. Lần nọ, Ngài bảo Mông Tốn:

- Quỷ quái đã vào hoàng cung, thì chẳng bao lâu sẽ có tai họa phát sanh trong nước.

Vì chưa từng thấy quỷ, nên Mông Tốn không tin. Song, nhờ Ngài tụng thần chú gia trì, khiến quỷ hiển hiện, nên Mông Tốn rất kinh hoàng sửng sốt. Ngài bảo:

- Phải thành tâm chuyên trì trai giới, rồi tụng thần chú, thì quỷ quái sẽ bỏ đi.

Kế đến, Ngài thi thiết thần chú trong ba ngày liên tiếp, khiến loài quỷ quái đều bỏ đi, nên trong nước được bình an. Tận mắt thấy việc này, Mông Tốn biết đó đều nhờ năng lực đạo thuật của Ngài, nên lại càng tôn sùng hậu đãi.

Năm 429, Mông Tốn vượt sông Hoàng Hà, chinh phạt nước của Tần Vương và Khuất Phục Mộ Mạt. Mông Tôn sai thái tử Hưng Quốc đi tiền phong. Khuất Phục Mộ Mạt sau này phản công phá thành, và bắt được Hưng Quốc. Năm 430, Hách Liên của nước Hạ công hạ được Khuất Phục Mộ Mạt, và khiến cho Tây Tần bị diệt vong. Tuy nhiên, trong chiến loạn thái tử Hưng Quốc bị tử trận. Tiếp được hung tin, Mông Tốn phẫn uất tức giận, bảo:

- Phụng sự Phật pháp, mà không được quả báo lành!

Do đó, Mông Tôn bắt những sa môn dưới năm mươi tuổi đều phải hoàn tục. Lịnh này được ban ra thì tượng đá mẹ của Mông Tốn (cao mười sáu thước) chợt rơi nước mắt. Lại nữa, nhờ Ngài ra sức khuyên nhủ, nên Mông Tốn từ từ chuyển tâm sám hối, bãi bỏ lịnh trên. Vì vậy, Phật pháp ở vùng Bắc Lương được tiếp tục phát triển.

Thác Bạt Đảo ở Bắc Ngụy (tức Thái Võ Đế, 424 451) nghe chú thuật của Ngài rất thù thắng, nên phái sứ giả sang cung thỉnh Ngài về triều, và bảo Mông Tốn:

- Nếu không cho thỉnh ngài Đàm Vô Sấm, thì sẽ khởi binh sang công phá Bắc Lương.

Bắc Lương là một nước nhược tiểu, nên đối với Bắc Ngụy, Mông Tốn rất nể sợ. Song, Mông Tốn lại chẳng đành lòng để cho ngài Đàm Vô Sấm đi. Bắc Ngụy Thái Võ Đế lại sai sứ Công Bình Công, Quý Thuận mang chín mâm lễ vật sang Bắc Lương, quyết tâm ngưỡng thỉnh ngài Đàm Vô Sấm:

- Nghe nói pháp sư Đàm Vô Sấm đang trú tại quý quốc. Bổn quốc muốn thỉnh Pháp Sư về triều để thuyết giảng Phật pháp. Xin Đại Vương hãy thuận lòng mà nghinh tống pháp sư Đàm Vô Sấm đi.

Trong buổi yến tiệc đãi sứ giả Quý Thuận, Mông Tốn nói:

- Lão thần Tây Phiên Mông Tốn phụng sắc triều đình Bắc Ngụy, tuyệt chẳng dám trái nghịch, mà Thiên Tử lại nghe lời sai lầm của người khác, khiến bức bách tôi giao Đàm Vô Sấm. Trước kia, quan thượng thư của Bắc Ngụy đã đến nơi đây thỉnh cầu, và bây giờ lại phái tôn sứ giả sang tương cầu nữa. Đàm Vô Sấm vốn là bậc thầy, nên chúng tôi quyết sống chết với nhau.

Quý Thuận bảo:

- Triều đình Bắc Ngụy đã đem nhiều phẩm vật sang tặng vua Bắc Lương. Sao Đại Vương lại vì một vị tăng người Thiên Trúc mà bỏ đi công nghiệp bấy lâu nay! Xin Đại Vương hãy suy nghĩ cho kỹ. Vua Bắc Ngụy thật thành tâm tận ý.

Vì vẫn kiên quyết không chịu nhượng ngài Đàm Vô Sấm nên Mông Tốn bảo:

- Lời của ông thật xảo diệu, giống như Tô Tần đời Chiến Quốc. E rằng chẳng phải là lời chân thật.

Mông Tốn bảo với sứ giả rằng vì ngài Đàm Vô Sấm là bậc thầy, nên quyết cùng sống chết. Thật ra, Mông Tốn chỉ muốn lợi dụng chú thuật của ngài Đàm Vô Sấm để giữ vững ngai vàng, nên không muốn cho Ngài sang Bắc Ngụy.

Năm 433, vì muốn trở lại Tây Vực để cầu thỉnh phần cuối của kinh Niết Bàn, nên Ngài cáo biệt với Mông Tốn. Hoài nghi rằng Ngài bỏ Bắc Lương mà sang Bắc Ngụy, nên Mông Tốn mật sai người giả trang mang châu báu và lương thực đến tặng, rồi lập mưu kế giết Ngài. Trước ngày lên đường, Ngài rơi lệ cáo từ đại chúng:

- Nghiệp báo của tôi sắp đến, mà thánh nhân cũng không thể cứu được. Tuy nhiên, tôi đã quyết định làm theo lời nguyện, tức là sẽ trở về Tây Vực để thỉnh phần cuối của kinh Niết Bàn, nên không thể tiếp tục ở lại nơi đây!

Đi được khoảng bốn mươi dặm, quả nhiên Mông Tốn phái thích khách giết ngài Đàm Vô Sấm trên đường. Bấy giờ ngài Đàm Vô Sấm được bốn mươi chín tuổi.

Tin tức vừa lan truyền, thì tăng tục xa gần đều mến tiếc thương xót cho Ngài. Sau này, các quan triều tả hữu, ban ngày thấy rõ rất nhiều quỷ thần mang gươm kiếm đến chém Mông Tốn. Vào tháng tư năm 433, Mông Tốn bị bịnh mà chết.

Ngài Đàm Vô Sấm thông suốt giới luật, lại có tài năng phiên dịch kinh điển, cùng có năng lực thần dị phi phàm.

Theo quyển 'Cao Tăng Truyện', lúc trú tại Cô Tạng, có rất nhiều người chân thành thỉnh cầu ngài Đàm Vô Sấm truyền giới Bồ Tát. Lúc sa môn Đạo Tấn tại Trường Dịch muốn cầu giới Bồ Tát, Ngài bảo:

- Tạm thời hãy sám hối tội chướng, rồi sẽ bàn luận sau!

Nghe lời này, trong bảy ngày đêm, Đạo Tấn tinh cần sám hối. Qua ngày thứ tám, Đạo Tấn bèn đến cầu giới. Vừa thấy Đạo Tấn, Ngài phát nộ dữ dội. Thấy nghiệp chướng của mình chưa được tiêu trừ, Đạo Tấn lại dốc toàn tâm lực chuyên tu thiền định suốt ba năm liền, rồi ân cần sám hối. Đêm nọ, Đạo Tấn mộng thấy Phật Thích Ca cùng chư Bồ Tát đến ban giới pháp. Ngày hôm sau, Đạo Tấn lại đến cầu thọ giới. Thấy Đạo Tấn xa xa đi đến, ngài Đàm Vô Sấm bảo:

- Lành thay! Ngươi đã được cảm ứng mà thọ giới pháp, tức đã đắc được giới thể! Hôm nay, Ta sẽ chứng minh cho ngươi!

Nói xong, trước tượng Phật, Ngài giảng giải giới tướng cho Đạo Tấn nghe. Đạo Lãng, người soạn viết bài tựa về kinh Đại Niết Bàn, vào đêm hôm ấy cũng thấy rõ giấc mộng đó. Tuy hạ lạp cao, nhưng cảm thấy giới hạnh vẫn còn khiếm khuyết, nên Đạo Lãng phát nguyện làm sư đệ của Đạo Tấn. Trước và sau Đạo Tấn, có hơn một ngàn người y theo Ngài để thọ giới Bồ Tát.

Theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', những kinh điển do ngài Đàm Vô Sấm phiên dịch như sau: Kinh Đại Bát Niết Bàn (36 quyển), kinh Phương Đẳng Đại Tập (29 quyển), kinh Phuơng Đẳng Vương Hư Không Tạng (5 quyển), kinh Phương Đẳng Đại Vân (4 quyển), kinh Bi Hoa (10 quyển), kinh Kim Quang Minh (4 quyển), kinh Hải Long Vương (4 quyển), kinh Bồ Tát Địa Trì (8 quyển), Bồ Tát Giới Bổn (1 quyển), kinh Ưu Bà Tắc Giới Bổn (7 quyển), kinh Bồ Tát Giới (8 quyển), Bồ Tát Giới Ưu Bà Tắc Giới Đàn Văn (1 quyển).

Vào giữa thế kỷ thứ tư, ngài Cưu Ma La Thập đang tu học tại nước Kế Tân, kinh Niết Bàn vẫn chưa được truyền sang nơi đó. Lúc trở về nước Quy Từ, ngài Cưu Ma La Thập cũng chưa thấy qua kinh Niết Bàn. Từ năm 350 đến năm 400, có rất nhiều bản kinh Niết Bàn khác nhau. Ngài Pháp Hiển đã từng mang về một quyển kinh Niết Bàn. Năm 417, Phật Đà Bạt Đà La cùng thầy Bảo Vân phiên dịch ra sáu quyển kinh Niết Bàn.

Năm 433, nghe pháp sư Đàm Vô Phát bảo rằng bộ kinh Niết Bàn chưa được dịch hoàn tất, nên ngài Đàm Vô Sấm mới phát tâm trở về Tây Vực để cầu phần sau của kinh Niết Bàn, nhưng chẳng may gặp nạn mà chết.

Kế thừa chí nguyện tầm cầu phần sau của kinh Niết Bàn có thầy Đạo Phổ (vốn người nước Cao Xương, tinh thông ngôn ngữ của sáu nước) ở chùa Đạo Tràng. Thể theo sắc lịnh của Tống Văn Đế, thầy Đạo Phổ dẫn đoàn sứ giả mười người, theo thuyền để qua Tây Vức. Tuy nhiên, giữa đường gặp sóng gió nên thuyền bị trôi dạt đến Quảng Quận. Thầy Đạo Phổ vì bị thương nơi bàn chân, rồi nhiễm bịnh mà thị tịch. Trước lúc lâm chung thầy Đạo Phổ bảo:

- Đất Tống không có duyên với phần sau của kinh Niết Bàn.

Đến đời Đường Lân Đức (664 665), luật sư Hội Ninh ở Thành Đô, thuộc Ích châu, theo thuyền đi cầu pháp từ Nam Hải đến nước Ha Lăng Châu (Java); lưu trú nơi đó qua ba năm, rồi cùng sa môn Nhã Na Bạt Đà La (Trí Hiền) phiên dịch phần sau của kinh Niết Bàn. Đệ tử của sa môn Nhã Na Bạt Đà La là Vận Kỳ mang phần kinh Niết Bàn này đến Trường An. Phần cuối của kinh Niết Bàn gồm có: Kiều Trần Như Phẩm dư phần, Di Giáo Phẩm, Ứng Tận Hoàn Nguyên Phẩm, Cơ Cảm Trà Tỳ Phẩm, Thánh Khu Khuếch Nhuận Phẩm.

Sau khi kinh Niết Bàn được phiên dịch, tư tưởng 'tất cả chúng sanh đều có Phật' phát triển mạnh mẽ, khiến cho Đạo Sanh phát khởi chủ trương 'đốn ngộ thành Phật', và thuyết tiệm tu của Huệ Quán ra đời.

Mông Tốn không những thỉnh ngài Đàm Vô Sấm dịch kinh Niết Bàn và những bộ kinh khác, mà ông còn thỉnh sa môn Phù Đà Bạt Ma (Buddhavarman) người Thiên Trúc dịch Đại Tỳ Bà Sa. Sa môn Phù Đà Bạt Ma (dịch là Đạo Thái) tài năng kiệt xuất, tánh tình khí khái, điềm đạm, thông minh kiệt xuất hơn người, thường học nhiều ngôn ngữ. Thấy kinh Bát Nhã đã được phiên dịch và phổ biến ở Trung Thổ, nhưng ba tạng chín bộ A Tỳ Đàm của Tiểu Thừa vẫn chưa được phiên dịch đầy đủ, nên sa môn Phù Đà Bạt Ma không quản ngại đuờng sá xa xôi hiểm nguy mà vượt ngọn Thông Lĩnh, qua nước Kế Tân, thỉnh lấy kinh tiếng Phạn hơn một trăm ngàn câu kệ, rồi sang Lương Châu. Mông Tốn nghe tiếng bèn thỉnh sa môn Phù Đà Bạt Ma tiến hành phiên dịch kinh điển. Vì sự phòng ngự ở chung quanh thành Lương Châu không được kiên cố, nên Mông Tốn thỉnh sa môn Phù Đà Bạt Ma vào trong chùa Nhàn Dự Cung (nơi đây, ngài Đàm Vô Sấm đã từng phiên dịch kinh Đại Niết Bàn và các kinh điển khác). Từ trung tuần tháng tư năm 425 đến thượng tuần tháng bảy năm 427 thì dịch xong kinh Đại Tỳ Bà Sa ra một trăm quyển. Đương thời, có hơn ba trăm người như sa môn Đạo Lãng, Trí Sung, v.v... nhận trọng trách kiểm thảo kinh văn.

Mông Tốn lại thường thỉnh các sa môn người Thiên Trúc, Tây Vực, v.v... đến Lương Châu phiên dịch kinh điển. Ông ta thường cùng các vị tu tiên và sa môn đàm luận về nghĩa lý huyền học. Đối với tôn giáo, một bên ông ta lợi dụng, và một bên lại ủng hộ.

Mông Tốn có một người em, tên là An Dương Hầu. Ông ta tụng đọc rất nhiều kinh điển, và thường giữ năm giới cẩn mật. Vì có chí cầu pháp, nên Ông sang nước Vu Điền, đến chùa Cù Ma Đế Đại Tự, theo học với sa môn Phật Đà Tư Na (Buddhasena) người Thiên Trúc. Sau này, Ông đến nước Cao Xương, thỉnh được kinh Quán Thế Âm và Quán Di Lặc, rồi phiên dịch hai quyển kinh này. Ông lại trở về Lương Châu. Năm 439, lúc Bắc Ngụy công phá Lương Châu, Ông lánh nạn sang miền Giang Nam, và không giao tiếp với ai, chỉ thường đi tham quan các cảnh chùa chiền tự tháp. Thể theo lời cầu thỉnh của sư cô Huệ Tuấn ở chùa Trúc Viên, Ông dịch kinh Thiền Yếu Bí Mật Trị Bệnh, vào năm 455. Vì thông thạo tiếng Phạn và tiếng Tàu, nên Ông dịch rất nhiều kinh như: Phật Thuyết Bát Trai Giới, Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên, Phật Thuyết Tịnh Phạn Vương Bát Niết Bàn, Phật Thuyết Mạt La Vương, Phật Thuyết Chiên Đà Việt Quốc Vương, Phật Thuyết Ma Đạt Quốc Vương, Phật Thuyết Phật Đại Tăng Đại Kinh, Phật Thuyết Da Kỳ, Phật Thuyết Ngũ Vô Phản Phục, Phật Thuyết Tấn Học, Đệ Tử Tử Phục Sanh, Phật Thuyết Ca Diếp Cấm Giới, Phật Thuyết Ngũ Khủng Bố Thế, Thiền Yếu Bí Mật Trị Bịnh.