Ngài Đàm Kha Ca La (Dharmakala)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Sự phiên dịch luật điển của ngài Đàm Kha Ca La ảnh hưởng rất lớn đối với giới tăng chúng tại đất Tào Ngụy.

Ngài Đàm Kha Ca La tiếng Tàu dịch là Pháp Thời, xuất thân từ trung Thiên Trúc, gia thế đời đời đều là phú hộ giàu sang, thường tu theo phước trời Phạm Thiên. Từ thuở nhỏ, tài năng của Ngài vốn vượt hơn người thường. Uyên bác học rộng, thông suốt bốn quyển Phệ Đà, am tường thiên văn, tinh sao, địa lý, vận thế, đồ thư, sấm vĩ. Ngài từng bảo:

- Văn tự và lý lẽ của thiên hạ đều nằm trong bụng Ta.

Đó là lời tự tín. Tuy nhiên, lúc gặp Phật pháp thì những điều chấp đó đều tiêu tan. Vào năm hai mươi lăm tuổi, Ngài đến tham kiến một vị tăng tại tịnh xá nọ, chợt thấy quyển Thắng Pháp A Tỳ Đàm Tâm Luận, nên bèn lấy đọc. Đối với quyển này, Ngài hoàn toàn hoang mang, không thể hiểu nổi. Dẫu đọc cả ba lần mà cũng không hiểu rõ, nên than:

- Từ lúc trưởng thành, tất cả sự học vấn, điển tích, v.v... Ta chỉ cần đọc qua một lần là thông đạt ý chỉ, mà chẳng bao giờ xem quá ba lần. Hôm nay xem quyển kinh Phật giáo, thật vượt ngoài lý giải của mình. Đạo lý trong đây thật thâm sâu, tất phải là tinh yếu.

Do đó, Ngài cầm quyển luận này, đi đến tăng phòng, vấn hỏi chư tăng, giải thích về huyền học A Tỳ Đàm. Được giải thích xong, Ngài bèn thâm ngộ lý nhân quả báo ứng, và thông hiểu đạo lý luân hồi trong ba đời. Từ đó, Ngài hiểu rõ Phật giáo thâm sâu quảng bác mà sách vở thế tục không thể bì được. Do đó, Ngài quyết định xả bỏ vinh hoa phú quý ở thế gian mà xuất gia tu đạo. Ngài thường tu hành khắc khổ, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa cùng các bộ luật Tỳ Ni, rồi lại đi giáo hóa dân chúng.

Đời Tào Phế Đế, niên hiệu Gia Bình thứ hai (250), Ngài đến Lạc Dương. Đương thời, tuy đã có Phật pháp mà đạo phong suy đồi. Rất nhiều tăng sĩ chưa từng đăng đàn thọ giới, chỉ hành giống như kẻ tục. Sự khác biệt là họ cạo đầu đắp y, và thường lo hành trì lễ sám, tế hội, hay tế tự. Tế hội do Sở Vương Anh hay Hán Hoàn Đế lập ra. Tế tự vốn là pháp cúng bái của Hoàng Lão, rồi lại thêm nghi thức lễ bái của Phật giáo. Tăng sĩ vào đời Tào Ngụy không cần thọ giới. Đối với các phương pháp lễ sám, cứ y theo pháp thức mà hành, chứ không hiểu gì về thể pháp của Phật giáo.

Vì vậy, vừa đến Lạc Dương, ngài Đàm Kha Ca La chủ trương rằng tất cả nghi thức, phải tôn theo những điều Phật chế. Do Ngài tinh thông luật học, chư tăng nơi đó bèn cầu thỉnh Ngài phiên dịch kinh điển giới luật. Văn nghĩa trong luật tạng rất là phong phú và phức tạp, mà Phật giáo vào đương thời chưa được hưng thịnh. Nếu y chiếu theo luật tạng mà phiên dịch, thì e rằng đại chúng khó lòng tiếp thọ, nên Ngài chỉ dịch ra một quyển Tăng Kỳ Giới Tâm (toát yếu giới luật của Đại Chúng Bộ). Quyển 'Phật Tổ Thống Ký' thứ ba mươi lăm, ghi như sau: "Niên hiệu Gia Bình thứ hai, tam tạng pháp sư Đàm Kha Ca La (hay Đàm Ha Ca La) từ trung Thiên Trúc đến Lạc Dương, dịch quyển 'Tăng Kỳ Giới', và lập pháp Yết Ma thọ tăng đại giới. Trước kia, tỳ kheo xuất gia chỉ cần xuống tóc mà thôi, vì chưa từng biết y theo luật nghi, mà chỉ y theo sám pháp như tế tự. Lúc đến Lạc Duơng, ngài Đàm Kha Ca La dịch ra quyển giới bổn để làm chuẩn tắc tu hành hằng ngày cho tăng chúng".

Xưa kia, hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ny chỉ thọ tam quy y. Đại tăng và sa di không có phân biệt rõ ràng. Vì vậy, ngài Đàm Kha Ca La cùng với sa môn nước An Tức là Đàm Đế, dịch bộ giới bổn Tứ Phần Luật Đàm Vô Đức. Kế đến mười vị sa môn Thiên Trúc cùng nhau hành pháp Yết Ma truyền giới. Sa môn Châu Sĩ Hành đầu tiên thọ giới. Cao Tăng Truyện ghi: "Tại miền Trung Thổ, giới luật phát xuất từ lúc này".

Thế nên, tại Đông Độ người sau tôn ngài Đàm Kha Ca La là sơ tổ của Luật Tông.

Lúc trước, ngài An Thế Cao đã từng dịch những quyển giới luật pháp Tiểu Thừa như: Kinh Xá Lợi Phất Hối Quá, kinh Pháp Luật Tam Muội, kinh Phạm Giới Báo Ứng Khinh Trọng, kinh Đại Tỳ Kheo Ba Ngàn Oai Nghi (2 quyển).

Tiếp tục sự nghiệp phiên dịch giới luật Đại Thừa của ngài Đàm Kha Ca La là ngài Khương Tăng Khải và Đàm Đế.