Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Dam-De-Hay-Dam-Vo-De-Dharmasatya
Ngài Đàm Đế Hay Đàm Vô Đế (Dharmasatya)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Theo Cao Tăng Truyện thì sa môn Đàm Đế vốn là người nước An Tức, đến Lạc Dương vào đời Tào Ngụy vào năm 254, và dịch ra quyển Đàm Vô Đức Yết Ma.

Từ đời Đông Hán đến Tam Quốc, đa số các nhà dịch giả đều chuyên phiên dịch kinh điển. Đối với giới luật căn bổn cốt yếu của tăng đoàn, ít có ai xiển dương truyền bá. Mãi cho đến cuối đời Tấn, và đời Tào Ngụy, luật điển mới từ từ được phiên dịch.

Ngoài ra, có ngài Bạch Diên người nước Quy Từ, vào đời Tào Ngụy, cuối niên hiệu Chánh Thủy, phiên dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Tu Lại, kinh Trừ Não Hoạn.

Y cứ theo quyển 'Lịch Đại Tam Bảo Thống Ký' của ngài Trúc Đạo Tổ, còn có nhà dịch giả là An Pháp Hiển. Ngài An Pháp Hiển dịch kinh La Ma Già (3 quyển), kinh Đại Bát Niết Bàn (2 quyển), cùng bốn bộ và hai quyển kinh khác. Ngài Vô La Xoa (Moraksa), người ở Tây Vực, vốn là vị đa văn bác học, cùng với cư sĩ Trúc Thúc Lan (vốn là người Thiên Trúc, theo cha chạy lánh nạn sang Hà Nam) dịch kinh Phóng Quang Minh Bát Nhã vào niên hiệu Nguyên Khang (291).

Ngoài ra, còn có các nhà dịch giả như: Cương Lương Lâu Chí (Kalaruci) người Thiên Trúc, phiên dịch kinh tại Quảng Châu vào năm 281. Ngài An Pháp Khâm, người An Tức, dịch kinh tại Lạc Dương từ năm 281 đến năm 306. Ngài Chi Pháp Độ, người nước Đại Nhục Chi, dịch kinh tại Lạc Dương vào năm 301. Ngài Nhã La Nghiêm, người Thiên Trúc, dịch kinh tại Lạc Dương vào khoảng năm 316.