Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Dam-Ma-Mat-Da-Phap-Tu
Ngài Đàm Ma Mật Đa (Pháp Tú)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Đàm Ma Mật Đa (Dharmamitra) vốn là người nước Kế Tân. Lúc bảy tuổi thần minh trong sáng, thân hình đoan chánh. Mỗi lần thấy chư tăng hành pháp sự đều tự nhiên vui mừng vô hạn. Cha mẹ tuy rất thương mến, nhưng cảm thấy con mình thật kỳ lạ nên cho phép xuất gia. Đương thời, tại nước Kế Tân có rất nhiều vị thánh giả đạt đạo. Do đó, Ngài tham phương tầm cầu minh sư, quán thông hết tất cả kinh điển, và đặc biệt thâm nhập vào cửa thiền, nơi vi diệu cùng tột.

Tánh tình trầm ngâm, huệ giải thâm sâu, nghi dung đoan chánh. Lúc sanh ra, hai đôi mi liền với nhau. Vì vậy ngườI đương thời xưng gọi Ngài là Liên Mi Thiền Sư. Ngài thích đi du lịch chư phương vì có chí nguyện hoằng dương chánh giáo. Ngài đi chu du các nước rồi đến nước Quy Từ. Trước ngày đó, quốc vương nước Quy Từ mộng thấy thần nhân bảo:

- Ngày mai sẽ có một vị đại phước đức vào nước. Đại Vương nên cúng dường hậu đãi vị này.

Hôm sau, quốc vương ban lịnh cho quan đồn trú ở biên ải rằng nếu gặp dị nhân thì phải tức tốc bẩm tấu về triều ngay. Quả nhiên, hôm đó ngài Đàm Ma Mật Đa đến, nên quốc vương ra tận biên thùy mà tiếp đón, cung nghinh về hoàng cung. Kế đến, quốc vương y theo Ngài mà thọ giới, và tận tâm tứ sự cúng dường. Tuy an cư, nhưng Ngài không màng lợi dưỡng. Trú nơi đó ít lâu sau, Ngài định đi sang các nước khác. Thần nhân lại báo mộng cho quốc vương, bảo:

- Vị phước đức sắp bỏ Đại Vương rồi!

Tỉnh dậy, quốc vương kinh hoàng, buồn thương, rồi cùng quần thần cố nài thỉnh Ngài lưu lại, nhưng không được. Kế đến, Ngài vượt lưu sa (những bãi sa mạc), tới Đôn Hoàng, rồi kiến lập tịnh xá nơi vùng đất hoang vu, trồng cây, khai khẩn vườn tược cả trăm mẫu, xây phòng xá thật rất trang nghiêm. Thứ đến, Ngài tới Lương Châu. Nơi công phủ cũ, Ngài xây thiền đường, cùng thu nhận đồ chúng theo học thiền pháp. Học chúng tu thiền lũ lượt kéo đến.

Niên hiệu Nguyên Gia nguyên niên (424), Ngài thường muốn đến Giang Tả để truyền pháp. Từ Lương Châu, Ngài đến đất Thục, rồi ngừng tại Kinh Châu, cất thiền đường tại chùa Trường Sa. Nơi đó, do lòng thành khẩn thỉnh cầu của Ngài, qua vài ngày thì được xá lợi, tỏa ánh sáng chiếu đầy cả am thất, khiến môn đồ đạo tục đều phát tâm dõng mãnh tu hành. Sau này, Ngài lại theo thuyền đến kinh sư. Mới đầu, Ngài trú tại chùa Trung Hưng, rồi sau này sang chùa Kỳ Hoàn. Đạo phong của Ngài lan rộng khắp vùng lân cận, rồi truyền vào kinh đô, khiến ai ai cũng đều sùng kính. Từ hoàng thái hậu, thái tử, đến công chúa đều đua nhau tới thỉnh cầu giới pháp, và tứ sự cúng dường lên Ngài. Do lời thỉnh cầu, tại chùa Kỳ Hoàn, Ngài dịch thiền kinh và thiền pháp bí yếu như Phổ Hiền Quán, Hư Không Tạng Quán, v.v... Ngài thường dùng đạo thiền để giáo hóa kẻ tăng người tục đổ xô về từ ngàn dặm đường xa xôi. Người người đều xưng gọi Ngài là 'Đại Thiền Sư'.

Thái thú Bình Xương Mãnh Nghị ở Hội Kê thâm tín Tam Bảo, xem Phật sự là nhiệm vụ của mình. Nhờ nếm được mùi vị thiền định, nên tâm càng thêm cung kính, nhớ ân trọng của Ngài. Lần nọ, Ngài cùng ông Mãng Nghị đi du hóa đến Ngân Huyện ở Triết Giang, rồi kiến lập chùa tháp. Tại vùng đó, dân chúng có phong tục là tin bùa chú đồng cốt. Ngài đến đó giáo hóa, khiến họ sửa đổi tín ngưỡng, quy y Tam Bảo.

Từ đông sang tây, người người đều kính phục, và thường đến dưới tòa Ngài mà quy chánh. Sau này, Ngài trở về kinh đô, trú tại chùa Định Lâm ở núi Chung Sơn.

Tánh tình của Ngài điềm đạm, trầm tĩnh, thích cảnh non nước. Vì vậy, Ngài chọn nơi vùng đất cao, trên núi Chung Sơn, kiến lập chùa Kiến Thượng. Sĩ thứ nghe tin Ngài xây chùa, bèn cúng dường tịnh thí. Sau khi điện đường phòng thiền được xây cất xong, tăng chúng từ ngàn muôn dặm hội tụ về để tu thiền định, tụng đọc kinh điển, khiến gia phong của Ngài càng thêm vang xa. Đệ tử nhập thất của Ngài là Đạt Thiền Sư, cũng hoằng hóa gia phong của Ngài, khiến thanh âm vang khắp nơi.

Xưa kia, trên đường đi từ nước Kế Tân đến nước Quy Từ, Ngài được thần vương Ca Tỳ La (Capila) hộ vệ. Khi đến nước Quy Từ, thần vương hiện nguyên hình ngay tại giữa đường để cáo từ trở về, thưa:

- Thần lực của Ngài biến thông tự tại ở mọi nơi, nên không cần phải có con đi theo về phương nam.

Nói xong thần vương biến mất. Do đó, khi lập xong ngôi chùa trên núi Chung Sơn, Ngài bèn họa lại tượng của thần vương Ca Tỳ La, treo ở trên vách tường. Tượng này hiển hiện rất nhiều điềm linh dị. Những ai chí thành cầu phước đều được như sở nguyện.

Vào mồng sáu tháng bảy, niên hiệu Nguyên Gia thứ mười chín (442), ngài Đàm Ma Mật Đa nhập tịch, thọ tám mươi bảy tuổi. Chư tăng kẻ tục, bốn chúng đệ tử đều thương tiếc. Phần mộ của Ngài được xây trước chùa Tống Hi trên núi Chung Sơn. Ngài dịch kinh Quán Âm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh (1 quyển), kinh Hư Không Tạng Quán (1 quyển), Thiền Bí Yếu (3 quyển), Ngũ Môn Thiền Kinh Yếu Dụng Pháp (1 quyển), kinh Chuyển Nữ Thân (1 quyển), kinh Chư Pháp Dũng Vương (1 quyển), kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú (1 quyển), kinh Tượng Dịch (1 quyển).

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc